Khi tổng thống Mỹ ra lệnh tấn công hạt nhân hợp pháp, không ai có thể cản trở thực thi. Đây là điều tướng Mark Milley lo sợ khi ông Donald Trump thất cử và bị cho là mất kiểm soát.
Trong phiên điều trần ngày 28/9 trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện, tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, kể về những lo lắng của ông cũng như một số nghị sĩ, trước lo ngại cựu Tổng thống Donald Trump có thể ra lệnh tấn công hạt nhân trong những ngày cuối nhiệm kỳ của mình.
Ở thời điểm đó, ông Milley cho biết một số quan chức, mà nổi bật nhất là Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi lo ngại khả năng ông Trump giận dữ mất kiểm soát do thất cử, từ đó kích hoạt cuộc tấn công hạt nhân.
Tướng Milley nói bà Pelosi đã gọi cho ông để hỏi về quy trình phát động tấn công hạt nhân. Ông cho biết đã giải thích rõ với bà, đồng thời nhấn mạnh một khi cuộc tấn công này được tổng thống kích hoạt một cách hợp pháp, không có cách nào để ngăn chặn nó, Nikkei Asia cho biết.
Tướng Milley cố gắng khuyên can
Nếu tổng thống Mỹ quyết định phát động cuộc tấn công hạt nhân, mệnh lệnh sẽ được chuyển đến một sĩ quan tại Trung tâm Chỉ huy Quân sự Quốc gia ở Lầu Năm Góc. Người này sẽ thực thi mệnh lệnh trong khoảng một phút.
Trong tình huống khẩn cấp, một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) phóng từ silo trong lòng đất có thể khai hỏa sau 3 phút kể từ khi tổng thống ra lệnh. Đối với tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, quy trình khai hỏa có thể mất khoảng 15 phút.
Tướng Mark Milley từng lo sợ cựu Tổng thống Trump mất kiểm soát và ra lệnh tấn công hạt nhân. Ảnh: Lầu Năm Góc. |
Cuốn sách mới của tác giả Bob Woodward và Robert Costa, làm việc tại báo Washington Post, chỉ ra điều nguy hiểm trong quy trình ra lệnh và khai hỏa vũ khí hủy diệt hàng loạt của Mỹ. Họ lưu ý chuỗi chỉ huy một chiều trong tấn công hạt nhân của Mỹ tỏ ra khá nguy hiểm, đặc biệt khi tổng thống trở nên mất kiểm soát.
Tổng thống Mỹ có toàn quyền quyết định cho phép tấn công hạt nhân. Một khi mệnh lệnh được đưa ra và được xác nhận, sẽ không có cách nào để đảo ngược nó.
Những lo ngại này gia tăng rõ rệt trong những ngày cuối nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Trump. Ngày 8/1, tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, triệu tập các sĩ quan cấp cao khác để xem xét các thủ tục khai hỏa vũ khí hạt nhân.
Tướng Milley thừa nhận một mình tổng thống có thể ra lệnh, nhưng ông nói với các sĩ quan khác rằng bản thân mình cũng phải tham gia. “Nhìn thẳng vào mắt từng người, tướng Milley yêu cầu các sĩ quan khẳng định họ hiểu rõ hoàn cảnh vấn đề”, quyển sách cho biết.
Cuộc họp được tướng Milley triệu tập hai ngày sau khi người ủng hộ quá khích của ông Trump xông vào Điện Capitol. Tướng Milley lo ngại việc ông Trump mất kiểm soát có thể phát động tấn công hạt nhân, và ông Milley cần can thiệp vào quá trình ra lệnh.
Tuy nhiên, theo quy định của luật pháp Mỹ, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân chỉ là cố vấn quân sự chính cho tổng thống, Hội đồng An ninh Quốc gia và Bộ Quốc phòng, nhưng không nằm trong chuỗi ban hành mệnh lệnh.
“Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân không chịu trách nhiệm về thực thi chính sách quân sự theo lệnh của tổng thống”, Carrie Lee, chủ nhiệm bộ môn chiến lược và an ninh quốc gia tại Đại học Chiến tranh Lục quân Mỹ, nói.
Chuỗi chỉ huy tấn công hạt nhân được thực hiện xuyên suốt từ tổng thống đến sĩ quan trực tại phòng tác chiến, và tới các trung tâm điều khiển phóng bộ ba hạt nhân của Mỹ, gồm ICBM trên đất liền, trên tàu ngầm và máy bay ném bom chiến lược.
Phụ tá quân sự mang theo vali hạt nhân đi cùng tổng thống 24/24. Ảnh: Reuters. |
Tướng Milley nói trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện hôm 28/9 rằng ông đã nhận được cuộc gọi từ Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi. Khi đó, bà Pelosi hỏi về khả năng ra lệnh phóng vũ khí hạt nhân của tổng thống.
“Tôi giải thích với bà Pelosi rằng tổng thống là người có thẩm quyền duy nhất để khai hỏa vũ khí hạt nhân, và ông ấy không làm điều đó một mình”, tướng Milley giải thích.
“Việc khai hỏa vũ khí hạt nhân cần có các giao thức và quy trình. Tôi nhiều lần đảm bảo với bà ấy rằng không có khả năng xảy ra vụ phóng bất hợp pháp, hoặc tình cờ”, tướng Milley nói thêm.
Tướng Milley thừa nhận với các nhà lập pháp rằng ông không nằm trong chuỗi chỉ huy, nhưng với tư cách là cố vấn quân sự cho tổng thống, ông nằm trong nhóm liên lạc chính.
Theo một báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội có tiêu đề “Chỉ huy và kiểm soát vũ khí hạt nhân”, khi tổng thống cân nhắc lựa chọn tấn công hạt nhân, quy trình tiêu chuẩn là tổng thống sẽ liên lạc khẩn cấp với bộ trưởng Quốc phòng, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, các cố vấn quân sự khác để đánh giá tình hình, và xem xét nguy cơ trả đũa của cuộc tấn công hạt nhân.
Tuy nhiên, tổng thống có thể chọn không tổ chức cuộc họp này, hoặc chỉ tổ chức với những người mà tổng thống cho rằng sẽ đồng ý với quyết định của ông. Đây là viễn cảnh mà tướng Milley từng lo sợ.
Quốc hội muốn giảm quyền lực của tổng thống
Khi tổng thống quyết định tấn công hạt nhân, mệnh lệnh của ông sẽ được truyền qua thiết bị được gọi là “vali hạt nhân”. Nó được một phụ tá quân sự của tổng thống mang theo 24/24. Tổng thống xác nhận tư cách tổng tư lệnh quân đội thông qua chiếc thẻ gọi là “bánh quy” chứa mã phóng hạt nhân.
Tổng thống có thể chọn một mục tiêu trong quyển sách hướng dẫn tấn công được đặt sẵn bên trong vali hạt nhân. Nếu mục tiêu không nằm trong đó, Bộ Chỉ huy Chiến lược sẽ nhanh chóng chuẩn bị kế hoạch thay thế.
Những mục tiêu trong kế hoạch tấn công được soạn sẵn đều hợp pháp. Một nguồn tin trong Quốc hội Mỹ nói rằng nếu tổng thống thức dậy vào một buổi sáng và nói “tôi muốn phóng tên lửa vào trung tâm Manhattan”, điều này chắc chắn là không cần thiết và bất hợp pháp.
Một khi lệnh khai hỏa vũ khí hạt nhân được xác nhận, không có cách nào để đảo ngược nó. Ảnh: US Air Force. |
Trong tình huống như vậy, sĩ quan trực chiến tại Trung tâm Chỉ huy Quân sự Quốc gia có thể từ chối mệnh lệnh, nói rằng anh ta không có thẩm quyền pháp lý để thực thi.
Một nguồn tin trong quốc hội nói tướng Milley đã tính đến khả năng sĩ quan trực chiến trì hoãn mệnh lệnh tấn công hạt nhân bất thường, nếu có, từ ông Trump.
Khi đó, sĩ quan này sẽ đề nghị tổ chức cuộc họp khẩn cấp với sự tham gia của tướng Milley, đặc biệt là đối với các mệnh lệnh không phù hợp với mối đe dọa toàn cầu.
Việc làm chậm quá trình này có thể là cách để hạn chế lệnh tấn công hạt nhân tự phát. Nếu quân đội đánh động tổng thống và cảnh báo về cuộc tấn công sắp xảy ra, họ có thể ngay lập tức khai hỏa vũ khí hạt nhân nhân theo lệnh của tổng thống.
Nhưng nếu tổng thống muốn tấn công hạt nhân một cách vô lý, nhiều người sẽ đặt câu hỏi về bối cảnh của mệnh lệnh và tại sao nó lại cần thiết.
“Tổng thống sẽ cần nhiều người hợp tác cùng mình để vụ tấn công được thực thi, và họ sẽ hỏi nhiều câu để làm chậm quá trình này”, giáo sư Peter Feaver, Đại học Duke, nói.
Những quy chuẩn và luật lệ hiện tại là tàn dư từ thời Chiến tranh Lạnh. Khi đó, tổng thống cần đối mặt khả năng ban hành quyết định nhanh chóng để đối phó với các tên lửa từ nước đối đầu. Họ không cho rằng nhà lãnh đạo Mỹ sẽ thất thường hoặc phi lý trí.
Những năm gần đây, Quốc hội Mỹ từng nhiều lần tìm cách hạn chế quyền lực trong việc tấn công hạt nhân của tổng thống. Một trong những phương án được nêu lên là tổng thống không được phát động tấn công hạt nhân nếu quốc hội chưa tuyên bố chiến tranh.
Nhưng quy trình tuyên bố chiến tranh lại có thể mất hàng tuần, hoàn toàn không phù hợp để đối phó với mối đe dọa áp sát.
Một đề xuất khác là tổng thống chia sẻ thẩm quyền phát động tấn công hạt nhân, như cần đạt sự đồng thuận với cả phó tổng thống và chủ tịch quốc hội. Hoặc tổng thống cần được sự đồng tình của bộ trưởng tư pháp và bộ trưởng quốc phòng để phát lệnh tấn công.
Điểm hạn chế của đề xuất trên là cả chủ tịch Hạ viện, dù đứng thứ 2 trong danh sách kế vị tổng thống, và bộ trưởng Tư pháp lại không phải là chuyên gia vũ khí hạt nhân. Họ cũng không thường xuyên được cập nhật về các mối đe dọa an ninh mà nước Mỹ đang đối mặt.
Nguồn: News.zing.vn