Mặt tối của ngành công nghiệp làm tóc ở Hàn Quốc

0
71

Nhân viên học việc tại các salon ở xứ kim chi nói rằng họ bị ép làm thêm giờ, trả lương dưới mức tối thiểu trong nhiều năm.

Từ các phương pháp cắt, sấy tiêu chuẩn cho đến những liệu pháp dành cho người nổi tiếng trị giá hàng triệu won/buổi, làm tóc được coi là nghề không bao giờ lỗi mốt. Tuy nhiên, đằng sau vẻ hào nhoáng đó là cả lịch sử tranh chấp kéo dài giữa người lao động và chủ salon, theo The Korea Herald.

Trong những năm gần đây, người lao động trong ngành công nghiệp làm tóc liên tục phàn nàn về tình trạng làm việc quá sức và bị trả lương thấp – ít hơn đáng kể so với mức lương tối thiểu hợp pháp là 8.720 won/giờ (tương đương 7,50 USD).

Mat toi cua nganh cong nghiep lam toc o Han Quoc anh 1

Người lao động trong ngành công nghiệp làm tóc ở Hàn liên tục phàn nàn về tình trạng làm việc quá sức và bị trả lương thấp. Ảnh: Ga En Ma.

“Tôi khởi đầu với mức lương 1,2 triệu won/tháng và giờ được trả 1,3 triệu won/tháng. Tùy từng salon sẽ có sự khác biệt nhưng tiệm của tôi thưởng thêm 100.000 won mỗi khi tôi vượt qua bài kiểm tra trình độ. Tôi từng hỏi vì sao số tiền này lại thấp hơn mức lương tối thiểu thì họ nói rằng đó là cách vận hành của ngành làm tóc”, Park (23 tuổi), thợ làm tóc có 3 năm kinh nghiệm, cho biết.

Với tư cách là thợ làm tóc sơ cấp hoặc học việc, Park từng làm việc tại các kinh đô thời trang của Seoul là Apgujeong, Hongdae và Gangnam. Lịch làm việc thông thường trong ngành là khoảng 10 giờ/ngày, 6 ngày/tuần và hiếm khi thợ học việc có giờ nghỉ ăn trưa.

Lương thấp và làm việc quá sức

Theo lịch trình 52 giờ/tuần – số giờ tối đa được phép theo Đạo luật Tiêu chuẩn Lao động, mức lương tối thiểu lên tới hơn 1,8 triệu won/tháng. Tuy nhiên, Park và các thợ học việc tại nhiều salon khác nói rằng họ làm nhiều giờ hơn nhưng được trả thù lao ít hơn.

Người sử dụng lao động vi phạm Đạo luật Tiền lương tối thiểu có thể phải đối mặt với 3 năm tù giam hoặc tiền phạt lên đến 20 triệu won.

Đạo luật Tiêu chuẩn Lao động quy định những nhân viên làm việc từ 8 giờ trở lên trong một ngày được nghỉ một tiếng trong thời gian làm việc. Nhưng Park nói rằng các thợ học việc có được nghỉ trưa hay không phụ thuộc vào thợ chính hoặc chủ salon.

Mat toi cua nganh cong nghiep lam toc o Han Quoc anh 2

Nếu bận rộn vào giờ ăn trưa, thợ học việc không được nghỉ ngơi để ăn uống. Ảnh: Next Shark.

Park và các thợ làm tóc khác phải trải qua thời gian học việc bắt buộc. Họ được yêu cầu gội đầu cho khách, dọn dẹp và làm các công việc nặng nhọc khác tại cửa hàng trong khi học các kỹ năng.

Họ cũng phải trả học phí khiến tiền lương ở mức thấp hơn 1 triệu won/tháng.

Trở thành thực tập sinh là điều đương nhiên trong hầu hết môi trường làm việc. Tuy nhiên, nhân viên tiệm tóc thường được yêu cầu học việc ít nhất 2 năm trở lên. Sau đó, họ trải qua bài kiểm tra của nhà tuyển dụng để biết mình có thể trở thành nhà thiết kế tóc hay không.

Hầu hết salon đều tuân theo hệ thống học nghề – nơi các chủ tiệm quyết định có “thăng chức” cho học viên hay không.

“Nếu chúng tôi từ chối các điều kiện, họ có thể không cho chúng tôi cơ hội trở thành nhà thiết kế tóc. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào cửa hàng”, Kim, thợ làm tóc, cho biết.

“Thật khó để nói bất cứ điều gì khi chỉ còn một bước nữa để trở thành thợ chính. Vì vậy, chúng tôi chỉ biết chán nản”, cô nói.

Chi phí giữ nhân viên không có tay nghề

Theo The Korea Herald, chưa rõ có bao nhiêu thợ làm tóc ở Hàn Quốc bị trả lương dưới mức tối thiểu trong nhiều năm.

Năm 2013, một nhóm có tên Youth Community Union thực hiện nghiên cứu trên 198 salon trên toàn quốc và phát hiện người lao động được trả mức lương trung bình 2.971 won/giờ – thấp hơn nhiều so với mức tối thiểu hợp pháp là 4.860 won/giờ vào thời điểm đó.

Hiệp hội các chuyên gia làm đẹp Hàn Quốc, tổ chức bảo trợ với 74.000 thành viên trên khắp xứ kim chi, cho biết vấn đề chỉ giới hạn ở một số lượng rất nhỏ thương hiệu lớn.

Seo Yeong-min, giám đốc quan hệ công chúng của Hiệp hội, cho biết: “Theo tìm hiểu của chúng tôi, những thương hiệu nhượng quyền tính phí học việc và ăn trưa vì nhân viên mới có năng suất làm việc thấp”.

Mat toi cua nganh cong nghiep lam toc o Han Quoc anh 3

Thợ học việc cần trải qua nhiều năm đào tạo để trở thành nhà thiết kế tóc. Ảnh: The Kpop Herald.

Seo cho biết hầu hết salon thành viên của Hiệp hội không có doanh thu đủ để chi trả mức lương tối thiểu cho nhân viên. Bên cạnh đó, những người mới bắt đầu chưa có kinh nghiệm thường mất 2-4 năm đào tạo để trở thành nhà thiết kế tóc.

“Theo quan điểm của các chủ salon, họ mất vài năm để đào tạo một lao động phổ thông, trong khi nhân viên được trả lương cao hơn ngay khi đủ tiêu chuẩn trở thành nhà thiết kế tóc. Chủ cửa hàng chắc chắn không phải là người có tất cả quyền lực trong ngành này”, Seo nói.

Song Yeong-woo, trưởng nhóm nghiên cứu của Hiệp hội các chuyên gia làm đẹp Hàn Quốc, cho biết hệ thống học việc trong ngành công nghiệp làm đẹp tạo ra tình huống độc đáo.

“Vị thế của nhân viên trong cửa hàng thay đổi đáng kể khi trở thành nhà thiết kế. Đó là lý do hầu hết người lao động đều nỗ lực làm việc chăm chỉ trong nhiều năm để thăng tiến”, bà nói.

Song nói thêm rằng một nhà thiết kế tóc nổi tiếng thậm chí có thể ảnh hưởng đến cách salon vận hành.

Bà cho biết rất khó để tổng hợp số liệu về môi trường làm việc trung bình của các thợ làm tóc vì mỗi tiệm mỗi khác.

Trong khi không có đủ dữ liệu để xác định các điều kiện làm việc điển hình trong ngành làm đẹp, việc thực tập trong nhiều năm chắc chắn không phải là tiêu chuẩn của những lĩnh vực khác.

Luật quy định rằng khi người lao động ký hợp đồng làm việc từ một năm trở lên, họ có thể được trả thấp hơn mức lương tối thiểu khi còn là “thực tập sinh”, nhưng điều này không được quá 3 tháng liên tiếp.

Các chủ salon cho biết có luật bất thành văn rằng nhân viên phải trả phí cho đến khi có thể cải thiện tay nghề. Trong khi đó, người lao động nói rằng họ ngại lên tiếng trong ngành công nghiệp mà việc đối xử tệ bạc là quá phổ biến.

Park, thợ làm tóc, cho biết cô và các thợ học việc khác không phàn nàn ngay cả khi bị trả lương bất công vì sợ bị mang tiếng xấu.

“Nếu làm việc tại một salon có tiếng, những lời phàn nàn chắc chắn sẽ khiến bạn mất việc. Đó là điều khiến chúng tôi sợ hãi”, cô nói.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn