Với quy trình ba vòng chặt chẽ, hội đồng chấm giải quy tụ nhiều chuyên gia đầu ngành, Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ tư đã lựa chọn được những cuốn sách xứng đáng để tôn vinh.
Với quy trình ba vòng chặt chẽ, hội đồng chấm giải quy tụ được nhiều nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ tư đã lựa chọn được những cuốn sách xứng đáng để tôn vinh.
Vượt qua khó khăn do dịch bệnh gây ra, quá trình chấm, xét Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ tư đã kết thúc. Lễ trao giải sẽ diễn ra tối nay, 12/11, tại Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam (58 Quán Sứ, Hà Nội).
Ông Hoàng Phong Hà – Phó chủ tịch Thường trực Hội Xuất bản Việt Nam, Ủy viên Thường trực Hội đồng Giải thưởng Sách quốc gia – nói về công tác chấm, xét giải và chuẩn bị cho lễ trao giải.
– Năm nay, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nặng nề tới mọi mặt đời sống xã hội, trong đó có ngành xuất bản. Điều đó ảnh hưởng ra sao tới công tác chấm, xét Giải thưởng Sách quốc gia, thưa ông?
– Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ tư chịu nhiều tác động của dịch bệnh Covid-19. Đại dịch đã ảnh hưởng đến công tác tổ chức giải thưởng lần thứ ba nhưng năm nay, ảnh hưởng phức tạp, nghiêm trọng hơn, nhất là khi xảy ra dịch ở Bắc Giang, Bắc Ninh. Đặc biệt, đợt dịch lần thứ tư bắt đầu từ ngày 27/4 ảnh hưởng nghiêm trọng đến TP.HCM, các tỉnh phía Nam.
Covid-19 gây đình đốn sản xuất ở vùng dịch và nhiều vùng miền cả nước, ảnh hưởng sức khỏe, đời sống nhân dân. Ngành xuất bản đã chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh. Công tác triển khai giải lần này so với lần thứ ba phức tạp hơn, nhiều khâu trong quá trình chấm giải và chuẩn bị tổ chức lễ trao giải vất vả hơn so với mùa giải trước.
– Trong điều kiện khó khăn như thế, Hội Xuất bản Việt Nam đã triển khai chấm, xét giải như thế nào để bảo đảm đúng quy trình, đúng quy chế?
– Trong tình hình đại dịch phức tạp, công tác chấm, xét giải được triển khai với kế hoạch bài bản, quyết tâm rất cao. Được sự chỉ đạo, hỗ trợ của các ban, bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, cùng các cơ quan hữu quan, Hội Xuất bản Việt Nam, Hội đồng Giải thưởng Sách quốc gia đã phối hợp chặt chẽ với Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) sớm xây dựng kế hoạch và triển khai hiệu quả công tác chấm giải, chuẩn bị cho lễ trao giải.
Cùng việc đánh giá, rút kinh nghiệm quy trình chấm giải các năm trước, chúng tôi đã cho rà soát điều lệ và quy chế của giải thưởng. Về cơ bản, điều lệ và quy chế đề ra từ mùa giải trước đến nay vẫn còn hiệu lực.
Tuy nhiên, theo điều lệ giải, lễ trao giải được tiến hành vào Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4 hàng năm). Do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhất là tình hình căng thẳng của đợt dịch lần thứ tư, chúng tôi phải hai lần kiến nghị với Bộ Thông tin và Truyền thông cho phép lùi thời gian tổ chức lễ trao giải.
Lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ tư sẽ được tổ chức vào 20h ngày 12/11 tại Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam, 58 Quán Sứ, Hà Nội.
– Cụ thể, quá trình chấm, xét giải diễn ra như thế nào?
– Hội Xuất bản Việt Nam sớm gửi công văn cho các nhà xuất bản, công ty sách, hướng dẫn chi tiết, cụ thể về thể lệ, điều lệ, quy chế tham dự Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ tư. Năm nay, mặc dù trong tình hình khó khăn, các nhà xuất bản, công ty sách vẫn tham gia nhiệt tình, khá đông đủ.
Có 47/59 nhà xuất bản dự Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ tư với 284 bộ sách và đầu sách, gồm 365 cuốn sách. Nếu so với mùa giải lần thứ ba, tuy ít hơn một nhà xuất bản tham gia, lại tăng 29 bộ sách và đầu sách, ba cuốn sách.
Kiện toàn và tổ chức tốt ba hội đồng chấm giải là công việc rất quan trọng, luôn được đặt lên hàng đầu. Chất lượng của các hội đồng chấm giải là một trong những yếu tố quyết định thành công của giải.
Năm nay, ngoài việc thay thế một số thành viên không thể tiếp tục tham gia chấm giải do sức khỏe hoặc không có thời gian, để bảo đảm chất lượng chấm trong điều kiện dịch bệnh, đồng thời tạo nguồn cho các mùa giải sau, Ban tổ chức đã bổ sung số lượng thành viên cho các hội đồng.
Hội đồng Sơ khảo có năm tiểu ban, được phân theo năm mảng sách chính. Bốn tiểu ban sách (Chính trị, kinh tế; Khoa học xã hội và Nhân văn; Khoa học tự nhiên và Công nghệ; Văn hóa, văn học và nghệ thuật) mùa giải trước, mỗi tiểu ban có bảy thành viên, mùa này tăng lên tám. Riêng tiểu ban sách Thiếu nhi, mùa giải này tăng lên năm thành viên, thay vì bốn như năm ngoái.
Hội đồng chấm Chung khảo mùa giải trước có 17 thành viên, năm nay tăng lên 19 người. Hội đồng Giải thưởng Sách quốc gia mùa trước có 17 thành viên, lần này là 19 người.
Các hội đồng chấm giải đã quy tụ được nhiều nhà khoa học uy tín, chuyên gia hàng đầu. Ví dụ, lĩnh vực chính trị – kinh tế – quân sự – ngoại giao có PGS.TS Vũ Văn Phúc, GS.TS Nguyễn Đình Chiến, PGS.TS Dương Đức Quảng, GS.TS Trần Thị Vân Hoa.
Lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ có GS.TS Nguyễn Khoa Sơn, GS.TS Bùi Công Quế, GS.VS Trần Đình Long, GS.TS Trần Đức Viên, GS.TSKH Hồ Tú Bảo.
Lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn có PGS.TS Trần Đức Cường, GS.NGND Đỗ Thanh Bình, GS.NGND Vũ Dương Ninh, GS.TS Huỳnh Như Phương.
Lĩnh vực văn hóa, văn học và nghệ thuật có GS.TS Đinh Xuân Dũng, PGS.TS Phan Trọng Thưởng, PGS.TS Phạm Quang Long, PGS.TS Bùi Thanh Truyền…
– Ông nhận xét như thế nào về chất lượng giải năm nay?
– Trước khi chấm giải, các thành viên hội đồng đã được cung cấp đầy đủ tài liệu liên quan giải thưởng và công tác chấm giải, để giúp nắm vững tiêu chí, quy chế chấm giải. Căn cứ điều lệ và quy chế, ba hội đồng chấm giải đều tuân thủ đúng quy trình, tiến độ chặt chẽ.
Ở vòng sơ khảo, từng tiểu ban chấm các đầu sách qua hai vòng (hoặc chấm chéo), trước khi đưa ra tập thể tiểu ban xem xét, đánh giá, bỏ phiếu kín. Các cuốn sách được các tiểu ban chấm sơ khảo đề xuất trao giải đều được gửi cho Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) thẩm định về thời gian nộp lưu chiểu và tính pháp lý của xuất bản phẩm.
Nếu được Cục Xuất bản, In và Phát hành thông qua, sách sẽ được chuyển cho các thành viên Hội đồng Chung khảo chấm. Trên cơ sở kết quả chấm của các tiểu ban Sơ khảo và thành viên Hội đồng Chung khảo, Hội nghị Hội đồng chấm Chung khảo họp xem xét, bỏ phiếu kín. Cuốn sách nào đạt trên 50% số phiếu thông qua của các thành viên sẽ được đề cử lên Hội đồng Giải thưởng Sách quốc gia. Cuốn sách nào dự kiến đề xuất xếp giải A, đều phải qua khâu phản biện kín.
Thực tế mùa giải năm nay, có cuốn sách đề xuất dự kiến giải A, chúng tôi đã lấy ý kiến phản biện kín hai lần để bảo đảm sự công tâm, chính xác.
Ngày 15/10 vừa qua, Hội nghị Hội đồng Giải thưởng Sách quốc gia đã trao đổi kỹ về các cuốn sách được đề xuất trao giải, sau đó bỏ phiếu kín. Theo quy chế của giải, các cuốn sách được Hội đồng Giải thưởng Sách quốc gia nhất trí trao giải phải được ít nhất 70% thành viên trong Hội đồng thông qua. Kết quả Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ tư đã chọn được 2 giải A, 9 giải B và 13 giải C.
– Sau những thay đổi ở các mùa giải trước, Giải thưởng Sách quốc gia năm nay đã đi vào đúng quy chuẩn, đạt được kỳ vọng đề ra? Đâu là điểm mới của giải năm nay?
– Mỗi mùa giải đều có những nét riêng. Năm nay, cách thức tổ chức, quy chế về giải thưởng đã dần đi vào ổn định. Trong điều kiện khó khăn do tình hình dịch bệnh, nét nổi bật của mùa giải lần thứ tư này là các nhà xuất bản, công ty sách tham gia rất nhiệt tình, trách nhiệm.
Mùa giải năm nay đã quy tụ được thêm nhiều nhà khoa học, các chuyên gia hàng đầu, trong đó có bốn chuyên gia, nhà khoa học ở TP.HCM và một số nhà khoa học trẻ. Đặc biệt, các hình thức trao đổi chấm giải trực tuyến, qua Zalo được phát huy trong điều kiện dịch bệnh; quy trình chấm giải bảo đảm chặt chẽ, nghiêm túc, công tâm.
Năm nay, số lượng sách thiếu nhi đoạt giải tăng so với các năm trước. Điều đó cho thấy mảng sách thiếu nhi có nhiều khởi sắc, được sự quan tâm của bạn đọc, nhà xuất bản. Kết quả đó cũng cho thấy Hội đồng Giải thưởng Sách quốc gia ngày càng giành nhiều sự quan tâm hơn đến mảng sách thiếu nhi cũng như đối tượng các em nhỏ – tương lai của đất nước.
– Công tác chấm giải, chuẩn bị trao giải mùa thứ tư đã đến bước cuối. Theo ông, giải năm nay có điểm gì cần rút kinh nghiệm để những mùa sau được tổ chức tốt hơn?
– Hiện nay, lễ trao giải chưa được tiến hành, tôi chưa được phép công bố những sách đoạt giải và đưa ra nhận xét về ưu, nhược điểm cụ thể. Có thể nói đến nay, về cơ bản, công tác chấm, quy trình chấm giải đã được hoàn thành.
Tại Hội nghị Hội đồng Giải thưởng Sách quốc gia ngày 15/10, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Sách quốc gia Hoàng Vĩnh Bảo đánh giá trong điều kiện dịch bệnh nhiều khó khăn, quy trình chấm giải lần thứ tư bảo đảm chặt chẽ, nghiêm túc, công tâm.
– Trong điều kiện dịch bệnh tiềm ẩn nguy cơ, công tác chuẩn bị cho lễ trao giải được tiến hành ra sao?
– Quá trình chấm giải trong điều kiện dịch bệnh khó khăn nhưng chúng tôi đã vượt qua. Lễ trao giải cũng là công việc có nhiều điểm cần chuẩn bị kỹ.
Thứ nhất, chúng tôi đã sớm dự kiến các phương án trao giải. Nếu điều kiện cho phép, lễ trao giải sẽ được tổ chức đúng theo dự kiến vào 20h ngày 12/11 tại Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam, có mời khách dự giải. Trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp, lễ trao giải có thể tiến hành theo hình thức trực tuyến, không có khách mời.
Thứ hai, để bảo đảm thực hiện tốt công tác phòng chống dịch theo quy định, Ban tổ chức lễ trao giải đã xây dựng kế hoạch cụ thể phòng chống dịch như: Khảo sát địa điểm trao giải để bố trí chỗ ngồi dự lễ trao giải hợp lý; giảm ít nhất từ 30% đến 50% lượng khách mời dự lễ trao giải so với các mùa trước; đại biểu đến dự lễ trao giải và những người phục vụ đều phải bảo đảm đã tiêm vaccine, phải thực hiện phòng chống dịch theo quy định.
Hội Xuất bản Việt Nam đã ký hợp đồng với cơ quan y tế để tổ chức test nhanh Covid-19 cho tất cả đại biểu và những người phục vụ lễ trao giải.
Công việc nhiều, khó khăn cũng không ít, nhưng tất cả thành viên tham gia chuẩn bị cho lễ trao giải đều cố gắng và quyết tâm cao. Hy vọng tình hình dịch bệnh sẽ được khống chế và với các biện pháp phòng chống dịch cụ thể, chặt chẽ, theo đúng hướng dẫn của cơ quan y tế, lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ tư sẽ được bảo đảm an toàn và thành công.
– Xin cảm ơn ông!
Nguồn: News.zing.vn