Một sinh viên Harvard nảy ra ý tưởng mạng xã hội dùng khuôn mặt để giao tiếp, trao đổi thông tin, tương tự cách Mark Zuckerberg từng tạo ra Facebook.
Từ phòng ký túc xá của Đại học Harvard, sinh viên năm nhất Yuen Ler Chow tạo ra ứng dụng mạng xã hội dành cho sinh viên của trường với tên TheFaceTag. Điều đặc biệt là nó dùng khuôn mặt làm phương thức để đăng ký, trao đổi thông tin.
Trong video đăng trên mạng xã hội, tác giả giải thích ứng dụng mang tên TheFaceTag vì trang web FaceTag.com đã có người khác đăng ký trước. Theo Business Insider, Yuen Ler Chow cảm thấy thú vị vì những gì mình đang làm, kể cả việc đặt tên app, có sự tương đồng với quá trình Mark Zuckerberg gây dựng Facebook.
Yuen Ler Chow, người tạo ra ứng dụng TheFaceTag từ ký túc xá Đại học Harvard. Ảnh: Business Insider. |
Năm 2004, Mark Zuckerberg tạo trang web TheFacebook, tiền thân của Facebook hiện nay. Trong hoàn cảnh tương tự, Yuen Ler Chow ra mắt TheFaceTag.
“Rõ ràng ứng dụng này không liên quan đến Facebook. Nhưng thực tế tôi là sinh viên Đại học Harvard và đang làm một thứ giống như ứng dụng mạng xã hội, có cái tên buồn cười FaceTag”, Chow cho biết.
Khởi đầu đầy tranh cãi
Theo Chow, hiện FaceTag chỉ có hơn 100 lượt đăng ký thông qua trình duyệt web. Tuy nhiên, trong loạt video do tác giả đăng trên mạng xã hội giới thiệu về ứng dụng mới, có gần một triệu lượt xem. Hầu hết bình luận đều có chung một giọng điệu: Đây là app phi đạo đức, không nên tiếp tục phát triển.
“Có chuyện gì với những đứa trẻ Harvard và không hiểu đạo đức vậy?”, một người dùng bình luận gay gắt.
“Quả là ý tưởng tuyệt vời từ một sinh viên Harvard trẻ tuổi, chắc đây không phải là mối đe dọa đối với nền dân chủ trong vòng một thập kỷ nữa”, người khác mỉa mai.
“Sao bạn không nghĩ rằng, nếu có cách hợp lý để làm điều này thì nó đã được tạo ra rất nhiều lần”, Serena Shahidi, một người nổi tiếng trên cộng đồng chia sẻ video ngắn nhận xét.
Có nhiều ứng dụng cho phép người dùng trao đổi thông tin liên hệ với nhau, nhưng chúng không quá phổ biến và không giống như TheFaceTag, sử dụng nhận dạng khuôn mặt để thực hiện việc đó.
Giao diện đăng nhập của TheFaceTag. |
Chow cho rằng những người phản đối không hiểu ứng dụng do anh ta tạo ra dùng API nhận dạng khuôn mặt mã nguồn mở.
Khi một người tạo hồ sơ TheFaceTag lần đầu, ứng dụng sẽ quét khuôn mặt, trích xuất các điểm và số đo. Thông tin được lưu lại, nhưng không phải là toàn bộ hình ảnh. Nếu bạn quét khuôn mặt của người chưa từng đăng ký TheFaceTag, nó sẽ không phản hồi.
Mọi người có thể nhập thông tin chi tiết về số điện thoại, Instagram và tài khoản Snapchat của họ vào TheFaceTag. Sau đó chỉ có 2 lựa chọn, hoặc chia sẻ toàn bộ để nhận lại thông tin tương tự từ người khác, hoặc không. Nếu muốn xem hồ sơ một ai đó, trước tiên người dùng phải chấp nhận công khai thông tin của mình.
Câu hỏi lớn xung quanh quyền riêng tư
Cuộc tranh luận về TheFaceTag cho thấy sự quan tâm đối với tính năng nhận dạng khuôn mặt ngày càng gia tăng. Nhiều bình luận lo ngại về điều sẽ xảy ra sau khi trao khuôn mặt cho ứng dụng, đặc biệt là đối với phụ nữ.
Rủi ro lớn nhất là có ai đó hack tài khoản TheFaceTag, thu thập thông tin bạn bè, liên hệ và số đo khuôn mặt của người dùng. Tuy nhiên, tác giả tiếp tục cho rằng nghi ngờ xuất phát từ việc hiểu chưa tường tận về app.
“Một lý do khiến nhiều người có quan niệm sai lầm về ứng dụng là vì tôi không thực sự giải thích nó”, Chow viết trong email gửi Business Insider. Tác giả cho rằng anh muốn làm đoạn clip ngắn ngọn, súc tích để lan truyền tốt hơn, thay vì video trình bày chi tiết dài cả phút.
Vấn đề thu thập thông tin nhận diện khuôn mặt đang được nhiều người quan tâm. Ảnh: Getty Images. |
TheFaceTag có thể không gây ra tranh cãi nếu tạo mã QR thay vì sử dụng nhận diện khuôn mặt. Tuy nhiên, tác giả dùng tính năng này vì nó “tuyệt hơn rất nhiều” so với QR. Chow cũng muốn thử nghiệm các công cụ học máy mã nguồn mở.
Cuộc tranh luận xung quanh The FaceTag đang diễn ra trên TikTok, một trong những ứng dụng thu thập thông tin người dùng nhiều nhất hiện nay, theo Business Insider.
Mạng xã hội video này theo dõi hoạt động qua cookie, mua dữ liệu từ bên thứ 3, đồng thời thu thập lượng lớn thông tin về hành vi, bao gồm các kiểu gõ phím, đồ vật, khung cảnh cũng như “đặc điểm khuôn mặt và cơ thể” xuất hiện trong video.
Chow cũng nhận ra tình huống trớ trêu này. “Thật kỳ lạ khi rất nhiều người sợ hãi. Thực tế là tôi đang thu thập dữ liệu, nhưng hầu hết tất cả ứng dụng mạng xã hội khác đều làm vậy, thậm chí nhiều hơn. Chỉ vì tôi trực tiếp nói rõ nên họ cảm thấy lo lắng”, tác giả TheFaceTag nêu ý kiến.
So với Facebook, TheFaceTag hiện tại có quy mô không đáng kể. Dường như những người chỉ trích ứng dụng tí hon này nghĩ rằng họ đang ngăn cản Mark Zuckerberg tiếp theo, trước khi anh ta có thể hủy hoại xã hội trong tương lai.
Trao đổi với Business Insider, Chow tỏ ra mệt mỏi trước những phản hồi dữ dội. Tuy nhiên, sinh viên năm nhất vẫn muốn tiếp tục phát triển ứng dụng của mình, dự định bắt đầu quảng bá The FaceTag và huy động vốn đầu tư cho dự án.
Nguồn: News.zing.vn