Từ đầu năm 2021, vùng núi phía Bắc Việt Nam liên tiếp xuất hiện những công trình check-in gây tranh cãi, bị “ném đá” vì thiếu thẩm mỹ.
Khoảng 3 năm trở lại đây, chủ đầu tư các khu du lịch liên tục phải làm mới, nghĩ ra các mô hình từ nghỉ dưỡng cho đến cà phê, check-in chụp ảnh để thu hút khách du lịch, đặc biệt là giới trẻ. Giữa những concept độc đáo nhận được hiệu ứng tích cực thì cũng có không ít trường hợp bị ném đá vì thiếu tính thẩm mỹ, không phù hợp với cảnh quan và phong tục địa phương.
Năm 2021 sau kỳ nghỉ 30/4 – 1/5 vừa qua, tình hình du lịch cả nước khá ảm đạm do dịch bệnh diễn biến phức tạp. Thế nhưng, vẫn có không ít công trình du lịch mới “mọc” lên với kỳ vọng kích cầu du lịch sau dịch. Đáng buồn thay, trong số đó lại có khá nhiều tác phẩm gây tranh cãi, điển hình là 4 bức tượng ở vùng núi phía Bắc sau đây.
1. Tượng Nữ thần Tự do
Đầu tiên chính là bức tượng Nữ thần Tự do ở Sa Pa gây xôn xao vào cuối tháng 4. Được biết đây là công trình thuộc khu du lịch AnSaPa. So với phiên bản gốc, netizen cho rằng bức tượng này đã bị “biến dạng”, là “một sự sao chép thiếu thẩm mỹ”.
Bức tượng Nữ thần Tự do bán thân nếu không có ngọn đuốc và vương miện, chắc không ai nhận ra
Vài ngày sau khi gây xôn xao MXH, khu du lịch có bức tượng Nữ thần Tự do phiên bản “biến dạng” đã bị cơ quan chức năng yêu cầu đóng cửa vì “là điểm check-in tự phát, chưa được cấp phép”.
Thời điểm đó, chủ khu du lịch tuy thất vọng vì tiền của bỏ ra không được công nhận nhưng đã rút kinh nghiệm, chấp nhận sửa sang, nếu không được sẽ đập bỏ
Ngoài Tượng Nữ thần Tự do, điểm check-in này đã từng làm du khách chao đảo với loạt công trình “vay mượn” từ Á sang Âu như đường hoa Nhật Bản, khu phố cổ Nhật Bản, đường trúc Trung Hoa, tháp nghiêng (Ý), tháp Eiffel (Pháp). Dù có sự đầu tư nhưng những công trình này đều bị đánh giá thấp về tính thẩm mỹ.
Những “kỳ quan thế giới” ở điểm check-in này
2. Tượng Nữ hoàng băng giá Elsa
Giữa tháng 7, dư luận lại có một phen chao đảo với bức tượng Nữ hoàng băng giá Elsa cũng bị đánh giá là thiếu tính thẩm mỹ, lạc quẻ so với phong cảnh núi rừng Sa Pa. Đây tiếp tục là công trình thuộc khu check-in AnSaPa.
Cư dân mạng cho rằng dù tượng Nữ hoàng băng giá Elsa có phần “nhỉnh” hơn tượng Nữ thần Tự do trước đó nhưng vẫn là một công trình chưa tương xứng với chất lượng thẩm mỹ so với phiên bản gốc. Nhân vật có kích thước quá cỡ, biểu cảm lạ lùng
3 ngày sau, công trình lập tức bị lực lượng chức năng đã tiến hành tháo dỡ. Thời điểm đó, điểm check-in AnSaPa vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền địa phương công nhận là điểm du lịch.
Được biết, việc tháo dỡ bức tượng diễn ra trong khoảng 3 giờ đồng hồ, bị trì hoãn 1 ngày vì thời tiết xấu (Ảnh: Tiền Phong)
3. Tượng đầu người chưa thể gọi tên (?)
Nếu là một cô thiếu nữ chắc Sa Pa đã khóc hết nước mắt từ lâu khi thấy nhan sắc của mình liên tục bị xiêu vẹo vì những công trình “giời ơi đất hỡi”. Chỉ 1 tháng sau vụ tháo dỡ tượng Nữ hoàng băng giá thì trên Sa Pa lại xuất hiện một công trình tượng đầu người gây tranh cãi.
So với các “anh chị em” đi trước, bức tượng này được đánh giá cao hơn về độ thẩm mỹ, nhưng vẫn bị cho là không phù hợp với núi rừng Sa Pa và mang khá “rùng rợn”
Đáng chú ý hơn, bức tượng này nằm tại Lầu Vọng Cảnh – quán cà phê nằm tách biệt trên 1 quả đồi giữa thị trấn Sa Pa và bản Cát Cát, từng là địa điểm có view đẹp nhất nhì thị trấn, nhìn thẳng ra một quả đồi. Tuy nhiên sự hoang sơ, giản dị ngày xưa đã được thay thế bằng vô vàn màu sắc sặc sỡ, quán cà phê được thay đổi thành homestay. Nơi này đã được cải tạo thành homestay Xavia Sa Pa.
Sự thay đổi của một trong những quán hot nhất Sa Pa ngày nào gây tiếc nuối, có người cho rằng đây là lẽ tất yếu. Nhìn chung, mỗi người gu thẩm mỹ khác nhau sẽ cảm nhận khác nhau
4. Loạt tượng thầy trò Đường Tăng
Tạm rời xa Sa Pa, đi về phía Nam khoảng 200km, cụ thể là tại đồi chè Phiêng Cằm, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Giữa “đồng không mông quạnh” bỗng mọc lên nhiều bức tượng mô phỏng các nhân vật trong bộ phim Tây Du Ký nổi tiếng.
Là những nhân vật quen thuộc với tuổi thơ của đa số người Việt nên những bức tượng “phiên bản lỗi” này của thầy trò Đường Tăng lập tức gây tranh cãi
Vốn đồi chè là một địa điểm tham quan, check-in phổ biến nhưng khi đặt các bức tượng thầy trò Đường Tăng, dân mạng không thể đoán ra ý đồ của người đứng sau là gì. Chỉ biết, nếu mục đích để thu hút khách du lịch, có lẽ những bức tượng này hoàn toàn không ăn nhập với phong cảnh, ngược lại còn tạo hiệu ứng tiêu cực trên MXH.
Kết
Nhìn chung, việc đầu tư để phát triển du lịch, thậm chí là sáng tạo, điều chỉnh dựa trên những ý tưởng có sẵn đều đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, các công trình luôn cần sự đắn đo, cân chỉnh sao cho hài hoà với cảnh quan, phù hợp với văn hoá – đặc sắc địa phương. Chưa bàn đến tính thẩm mỹ, chỉ cần “kệch cỡm” với phong cảnh Việt Nam đã có thể gây phản ứng tiêu cực, trường hợp xấu hơn là bị ném đá, bị buộc phải dỡ bỏ như một số trường hợp kể trên.
Nguồn: Tổng hợp
Nguồn: KENH14.VN