Một số nhà quản lý đề xuất diễn viên phải có chứng chỉ hành nghề, nghệ sĩ phải đi học các lớp về chuyên môn và bồi dưỡng đạo đức trước khi bước chân vào Cbiz.
Ngày 25/9, trang SCMP đưa tin Tổng cục Quảng bá Phát thanh Truyền hình Quốc gia Trung Quốc (NRTA) thời gian gần đây đưa ra nhiều thông báo nhằm chấn chỉnh giới giải trí Hoa ngữ.
Trong đó có yêu cầu các MC phải có chứng chỉ hành nghề mới được dẫn chương trình. Từ tiêu chuẩn dành cho MC, ông Trương Hải Quân, giám đốc Hiệp hội Biểu diễn Thương mại Bắc Kinh cho rằng nên áp dụng việc phải có thẻ chứng nhận chuyên môn với cả diễn viên.
Theo ông Trương, để ngành công nghiệp giải trí trở nên tốt hơn cần bắt buộc nghệ sĩ phải có giấy phép làm nghề, trải qua các khóa đào tạo về tư tưởng, đạo đức, chính trị, lý thuyết biểu diễn.
Trung Quốc muốn nâng cao tiêu chuẩn trở thành diễn viên. Các thực tập sinh phải trải qua nhiều khóa học mới được cấp thẻ hành nghề. Ảnh: SCMP. |
Ý kiến được đưa ra giữa bối cảnh Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ các hoạt động trong giới giải trí. Cơ quan quản lý nghệ thuật sẵn sàng đưa ra những đòn trừng phạt nặng nề đối với nghệ sĩ có hành vi vi phạm pháp luật hoặc vi phạm tiêu chuẩn đạo đức.
Ngày 11/9, China Daily đưa tin 200 nghệ sĩ Trung Quốc đã tham gia khóa học đào tạo, bồi dưỡng đạo đức do Tổng cục Quảng bá Phát thanh Truyền hình Quốc gia Trung Quốc (NRTA) tổ chức tại Thượng Hải. Lớp học này cũng được mở tại Bắc Kinh với 64 nghệ sĩ tham dự.
Nội dung buổi học xoay quanh đạo đức nghề nghiệp, pháp luật và các quy định mới bắt buộc giới văn nghệ sĩ phải tuân thủ. Ngoài đại diện của Tổng cục, các nghệ sĩ giữ chức ủy viên của Hiệp hội Biểu diễn Trung Quốc như Trần Bảo Quốc, Trương Quang Bắc, Tào Thúy Phân, Chu Á Văn đứng lớp giảng dạy.
Tuy nhiên, quan điểm về “chứng chỉ hành nghề diễn viên” của ông Trương Hải Quân trở thành đề tài bàn luận sôi nổi và vấp phải ý kiến phản đối của chính những đạo diễn, diễn viên trong nghề.
Đạo diễn Giả Chương Kha, người có tiếng nói trọng lượng trong giới làm phim Trung Quốc cho rằng đề xuất này không khả thi, không thực tế.
Giả Chương Kha lấy ví dụ năm 2006, khi thực hiện bộ phim Still Life, đạo diễn đã mời Hàn Tam Minh, vốn là thợ mỏ đóng vai chính, phim giành được giải Sư Tử Vàng tại LHP Venice.
“Tôi nghĩ Hàn Tam Minh phù hợp với bộ phim Still Life của tôi. Nhưng nếu áp dụng hệ thống đầu vào của ngành như thế, tôi không thể lựa chọn anh ấy. Nghệ thuật đôi khi cần những gương mặt mới, những cá tính lạ lẫm như vậy”, Giả Chương Kha nói.
Đạo diễn Giả Chương Kha cho rằng đề xuất không thực tế, lãng phí nguồn lực. Ảnh: SCMP. |
Đạo diễn phim Chạm vào tội ác tiếp tục: “Với mỗi bộ phim, chúng tôi cần những diễn viên có phong cách riêng. Với vai diễn này, chúng tôi cần diễn viên chuyên nghiệp, nhưng ở nhân vật khác, người bình thường lại là sự lựa chọn tốt hơn”. Hàn Tam Minh đã nhận giải Nam chính xuất sắc tại Liên hoan phim quốc tế Chile, cho vai diễn một người thợ mỏ trong phim Still Life.
Đạo diễn Giả Chương Kha cho rằng người nổi tiếng nên được quản lý bằng pháp luật và các tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp, hơn là cấp thẻ hành nghề, đề xuất trên làm phí phạm nguồn nhận lực mà không đem lại hiệu quả cần thiết.
Nguồn: News.zing.vn