Lãnh đạo quân kháng chiến đang tập hợp cùng các quan chức chính quyền Afghanistan bị lật đổ để tìm cách thành lập chính phủ lưu vong nhằm chống lại Taliban.
Mặt trận Kháng chiến Quốc gia Afghanistan (NRF) sau khi bị đánh bật khỏi thung lũng Panjshir đã chạy sang nước láng giềng Tajikistan. Các lãnh đạo NRF đang tìm cách tập hợp lại nhằm xây dựng lực lượng cho cuộc kháng chiến lâu dài chống lại Taliban, Foreign Policy cho biết.
Một cựu quan chức Afghanistan giấu tên cho biết NRF đã liên lạc với các chính trị gia trong chính quyền Afghanistan cũ, các quan chức quân đội để thành lập một chính phủ lưu vong. Họ đang tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính, quân sự để xây dựng lực lượng kháng chiến lâu dài.
Thành phần trong chính phủ lưu vong gồm NRF, các quan chức của lực lượng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Afghanistan và quan chức trong chính quyền đã bị Taliban lật đổ. Nguồn tin cho biết các cuộc thảo luận đang diễn ra và họ vẫn chưa thống nhất được về mặt tư tưởng.
Quân kháng chiến Afghanistan đang tìm cách thành lập chính phủ lưu vong. Ảnh: AFP. |
Chính phủ lưu vong sẽ đại diện cho các sắc tộc và tôn giáo khác nhau của Afghanistan, gồm người Hồi giáo Afghanistan dòng Sunni, Shiite, người Pashtun, Tajik, Uzbek và Hazara. Một số lãnh chúa các bộ lạc quyền lực cùng một số nhà môi giới uy tín đang tìm cách hợp tác từ bên ngoài Tajikistan.
Cựu Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani – người đã bỏ trốn sang Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) – không nằm trong cuộc thảo luận.
Giới phân tích lo ngại viễn cảnh về một chính phủ lưu vong có thể khiến Afghanistan một lần nữa lâm vào cuộc nội chiến. Tuy nhiên, việc quân kháng chiến tập hợp lại vẫn khó có thể làm nên chuyện, nếu họ thiếu sự hậu thuẫn của chính phủ nước ngoài, hoặc nhà tài trợ cá nhân giàu có, ít nhất là trong tương lai gần.
Nếu một chính phủ lưu vong được thành lập vẫn có triển vọng về cuộc chiến ủy nhiệm khu vực, tương tự những gì xảy ra ở Libya.
Nguồn: News.zing.vn