Sự xuất hiện của biến chủng Omicron và nhiều nơi áp đặt biện pháp khẩn cấp để ngăn đà lây lan của biến chủng mới khiến hàng nghìn du khách mắc kẹt ở các quốc gia phía nam châu Phi.
Lauren Kennedy Brady, 47 tuổi, vừa hạ cánh tại thành phố Johannesburg, Nam Phi, điện thoại cô tràn ngập những cảnh báo và tin nhắn.
Nữ diễn viên kỳ cựu của sân khấu kịch Broadway này đang trở về nhà sau chuyến du lịch kéo dài 11 ngày tại châu Phi cùng mẹ, con gái và cháu gái của cô.
Đây là chuyến đi mà họ đã mong muốn thực hiện từ lâu. Tuy nhiên, khi bốn người mới ở chặng đầu tiên của chuyến hành trình dự kiến kéo dài từ Bắc Carolina, Mỹ tới Zambia, mọi thứ đột ngột thay đổi.
Lauren Kennedy Brady (thứ hai từ phải sang trái) và gia đình vật lộn để tìm chuyến bay rời khỏi Johannesburg. Ảnh: Washington Post. |
Kiểm tra điện thoại của mình, Kennedy Brady nhận được thông báo một biến chủng mới của Covid-19 đã được phát hiện tại Nam Phi.
Không lâu sau đó, cô cùng gia đình rơi vào cảnh bị mắc kẹt khi chuyến bay của họ bị hủy do các biện pháp hạn chế đi lại mới được nhiều quốc gia áp dụng với Nam Phi.
“Cho tới thời điểm đó, mọi thứ dường như vẫn ổn. Chúng tôi không gặp khó khăn gì trong việc di chuyển. Tất nhiên, vẫn có những nguyên tắc phòng dịch, nhưng chúng tôi đã quen với điều này rồi. Tuy nhiên, mọi thứ đột ngột dừng lại”, Kennedy Brady cho biết.
Mới tìm lại được chút tự tin để đi du lịch thì biến chủng Omicron ập tới
Kennedy Brady và bà người đồng hành không phải là những nạn nhân duy nhất gặp phải tình trạng trên. Rất nhiều du khách hiện không thể trở về nhà khi các quốc gia đình chỉ chuyến bay và đóng cửa biên giới với các quốc gia phía nam châu Phi để ngăn đà lây lan của biến chủng Omicron mới xuất hiện tại khu vực này.
Nhiều du khách bị mắc kẹt, cố gắng một cách tuyệt vọng để tìm cách rời khỏi khu vực này giữa lúc các chuyến bay đều bị hủy, trong khi những người nước ngoài sống tại phía nam châu Phi đã hủy bỏ kế hoạch về thăm gia đình.
Hàng dài du khách đang cố gắng rời khỏi Nam Phi sau khi các lệnh hạn chế di chuyển được áp đặt lên nước này. Ảnh: Reuters. |
Kennedy Brady đã miêu tả cảnh tượng hỗn loạn tại các sân bay, khi tin tức về biến chủng mới bắt đầu xuất hiện. Hành khách xếp hàng dài tại các bàn chăm sóc khách hàng trong khi các nhân viên hãng bay phải cố gắng giải thích nhiều du khách giận dữ.
Mọi người tranh nhau để có thể nói chuyện với một nhân viên của hãng hàng không, Kennedy Brady cho biết.
“Tôi có cảm giác thật hỗn độn vì quá nhiều người hoảng loạn xung quanh. Mọi người đều tự hỏi mình sẽ phải làm gì tiếp theo”, Kennedy Brady chia sẻ.
Sự xuất hiện của biến chủng Omicron đã làm lung lay lòng tin của rất nhiều du khách quốc tế, những người chỉ vừa tìm lại sự tự tin để đi du lịch kể từ khi đại dịch bùng phát.
“Chúng tôi cảm thấy như mình đã ra khỏi một đường hầm tăm tối khi các lệnh cấm đi lại được dỡ bỏ. Nhưng giờ đây mọi thứ lại quay trở lại như lúc còn phong tỏa”, ông Julian Harrison, Giám đốc của Premier Tours, công ty lữ hành tại thành phố Philadelphia, Mỹ chuyên về các tour du lịch châu Phi, nói với Washington Post.
Ayesha Shaw, một cư dân ở thành phố Johannesburg, Nam Phi, nghĩ rằng những điều tồi tệ nhất đã qua khi các biện pháp hạn chế di chuyển mới được dỡ bỏ.
Cô đã lên kế hoạch bay đến New York vào hôm 28/11 để gặp bạn trai sau nhiều tháng xa cách.
Tuy vậy, khi biến chủng Omicron xuất hiện, Shaw theo dõi thông tin về sự bùng phát của biến chủng này tại Nam Phi và không khỏi bồn chồn.
Cuối cùng vào tối 27/11, điều cô lo sợ nhất đã xảy ra. Hãng hàng không Turkish Airlines đã hủy chuyến bay tới Mỹ của cô.
“Lúc đó, tôi kiệt quệ cả về cảm xúc lẫn tinh thần và đã quá mệt mỏi. Tôi chỉ muốn lên giường đi ngủ. Khi tỉnh dậy, tôi đã khóc”, Shaw cho biết.
Hình ảnh so sánh các đột biến trên biến chủng Omicron và Delta. Ảnh: RT. |
Trước khi biến chủng mới xuất hiện, Sean Park-Ross đã lên kế hoạch về thăm gia đình tại Nam Phi vào Giáng sinh này. Là một kỹ sư phần mềm, Park-Ross thường xuyên phải di chuyển khắp nơi trên thế giới và hiện sống tại Mexico.
Park-Rosscho biết dù có về được nhà thì ông cũng sẽ phải chờ một khoảng thời gian dài nếu muốn rời đi sau đó. Ông cho biết đã lâu không về thăm người cháu và bố mẹ của mình.
“Mẹ tôi rất mong đợi được gặp con vào dịp Giáng sinh này. Tôi đã không gặp gia đình trong một thời gian dài. Tôi cảm thấy rất tệ”, Park-Ross chia sẻ.
Các lệnh hạn chế di chuyển liệu có cần thiết?
Ngay sau khi biến chủng Omicron được phát hiện, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) cùng nhiều quốc gia khác đã đình chỉ các chuyến bay và áp dụng lệnh cấm nhập cảnh đối với người từ Nam Phi và một số quốc gia lân cận, các lệnh cấm này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 28/11.
Tới ngày 29/11, ít nhất 44 quốc gia và vùng lãnh thổ đã áp đặt các lệnh cấm tương tự.
Nam Phi đã lên tiếng phản đối các lệnh hạn chế di chuyển được các quốc gia khác áp dụng lên nước này. Giới chức lãnh đạo Nam Phi cho biết nước này không đáng phải nhận những hình phạt hà khắc sau khi đã cảnh báo thế giới về một biến chủng Covid-19 nguy hiểm.
“Những biện pháp trên sẽ chỉ đem lại thiệt hại kinh tế cho các quốc gia phải chịu lệnh hạn chế di chuyển, đồng thời làm giảm hiệu quả nỗ lực ứng phó đại dịch và phục hồi kinh tế”, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa nói.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã phản đối các lệnh hạn chế di chuyển nhằm vào nước mình. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, chính phủ và giới chức y tế tại nhiều quốc gia bảo vệ các biện pháp hạn chế di chuyển đang được áp dụng.
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình NBC vào hôm 28/11, cố vấn hàng đầu về Covid-19 của Tổng thống Joe Biden, bác sĩ Anthony Fauci cho biết:”Các biện pháp hạn chế di chuyển là để giúp chúng ta có thêm thời gian để chuẩn bị cho tình huống xấu nhất ngay cả khi biến chủng này không nguy hiểm như đánh giá ban đầu”.
Theo bác sĩ Lin Chen, Giám đốc Trung tâm Y tế Du lịch tại bệnh viện Mount Auburn ở thành phố Cambridge, bang Massachusetts, các biện pháp hạn chế di chuyển tuy không ngăn được đà lây lan của biến chủng mới nhưng sẽ cho thế giới thêm thời gian để hiểu hơn về các đặc tính của biến chủng Omicron.
“Người dân đã quá mệt mỏi với các lệnh hạn chế di chuyển rồi. Họ chỉ muốn chúng chấm dứt. Tôi nghĩ chúng ta sẽ phải sớm đạt được sự cân bằng giữa tự do di chuyển và hạn chế dịch bệnh”, ông David Freedman, Chủ tịch Hiệp hội Y tế Nhiệt đới và Vệ sinh dịch tễ Mỹ cho biết.
Thất vọng
Đối với Park-Ross, ông hiểu tại sao những lệnh cấm di chuyển được áp dụng nhưng mong muốn chúng được dỡ bỏ càng sớm càng tốt ngay khi thế giới hiểu thêm về độ nguy hiểm của biến chủng Omicron.
“Tôi luôn tuân theo những lời khuyên của giới chức y tế và nhà khoa học. Nhưng tôi hy vọng các biện pháp phong tỏa sẽ nhanh chóng được dỡ bỏ khi chúng ta hiểu hơn về Omicron”, ông cho biết.
Cô Shaw cũng bày tỏ sự chán nản của mình đối với các biện pháp hạn chế di chuyển, nhấn mạnh rằng những biện pháp này không được khuyến khích bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Từ đầu đại dịch, cô đã tuân thủ các quy định phòng dịch và tiêm vaccine đầy đủ.
“Tôi có cảm giác mặc dù tuân thủ tất cả các quy định, tôi vẫn không được tự do làm những điều mình muốn”, Shaw chia sẻ.
Ông Freedman nhận định rằng sự hoảng loạn và các biện pháp cấm đoán sau khi xuất hiện biến chủng mới gây ra nhiều sự rối loạn.
“Chúng ta không thể sống mãi như thế này, liên tục hoảng loạn mỗi khi xuất hiện một biến chủng mới của một loại virus. Chúng ta phải học cách sống chung với virus và tất cả các biến thể của chúng”, ông Freedman nhận định.
Với Kennedy Brady và gia đình cô, họ đã tìm được một phòng khách sạn tại thành phố Johannesburg. Cô và gia đình cố gắng không tiếp xúc với người khác. Do là công dân, họ có thể nhập cảnh vào Mỹ nhưng đang gặp khó khăn trong việc tìm chuyến bay về nước.
Hiện Kennedy Brady và gia đình đang cố gắng tập trung vào những điều tích cực.
“Chúng tôi an toàn, chúng tôi vẫn khỏe và chúng tôi đang ở cùng nhau”, cô chia sẻ.
Nguồn: News.zing.vn