Nhiều hoạt động kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

0
158

Kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2019), trong ngày hôm nay (7/5) tại nhiều địa phương trong cả nước đã diễn ra các hoạt động ý nghĩa…

Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Điện Biên trong các bộ trang phục nhiều màu sắc vui chơi tại khu vực Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: Báo Điện Biên Phủ

* Nhiều năm trở lại đây, tại thung lũng lòng chảo Mường Thanh, tỉnh Điện Biên, vào ngày 7/5, bà con các dân tộc sinh sống trên địa bàn lại rời núi, xuống phố để giao lưu văn hóa, văn nghệ, cùng ngắm sự đổi thay, khởi sắc của phố phường.

Tại “phố núi” Điện Biên Phủ, ngay từ sáng sớm 7/5, từng dòng người thuộc cộng đồng các dân tộc Thái, Kinh, Khơ-mú… sinh sống ở các xã, phường trong khu vực lòng chảo đổ về trung tâm thành phố để vui chơi, hòa cùng nhịp sống sôi động của phố phường. Đông đảo bà con dân tộc Mông cũng đổ về trung tâm thành phố ngày một đông, trong đó nhiều đoàn người sinh sống tại các huyện Mường Chà, Tuần Giáo, Điện Biên Đông… cách xa trung tâm thành phố Điện Biên Phủ từ 50 đến 70km. Để kịp có mặt tại thành phố vào buổi sáng, họ đã vượt qua những đồi núi, đèo dốc bằng xe máy. 

Vào buổi sáng, mặc dù nắng gắt nhưng đường Võ Nguyên Giáp, trục đường chính của thành phố Điện Biên Phủ, chạy qua các di tích lịch sử tiêu biểu gồm Tượng đài Chiến thắng, Đồi A1, Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ… đã thu hút hàng ngàn người dân thuộc các dân tộc Kinh, Thái, Khơ Mú, Mông đổ về. Ý thức được ý nghĩa quan trọng của ngày 7/5 là ngày lễ lớn của dân tộc nên ai cũng lựa chọn cho mình những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất để mặc, như muốn tô điểm cho đường phố thêm nhiều sắc màu. 

Khu vực Di tích Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ (trên đồi D1) giữa trung tâm thành phố là một điểm thu hút đông đảo người dân. Trục đường hành lễ với 320 bậc lên Tượng đài Chiến thắng cũng luôn đông kín người. Khi được hỏi, nhiều người dân cho biết, sau khi đi thăm các điểm di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ, thắp hương di tích nghĩa trang A1 để tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ, đi bộ trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp để nhìn ngắm phố phường, thì Tượng đài Chiến thắng là sự lựa chọn không thể bỏ qua trong hành trình xuống phố trong ngày 7/5. Đồi D1 có vị trí cao, từ khu vực Tượng đài, có thể nhìn ngắm bao quát được khung cảnh thành phố, cánh đồng Mường Thanh rộng lớn, nếu may mắn còn được ngắm nhìn cảnh máy bay cất, hạ cánh từ sân bay Mường Thanh. Để lưu lại những khoảnh khắc trong ngày vui, người dân dùng điện thoại chụp ảnh, quay phim ghi lại quang cảnh thành phố, rồi chia sẻ cho người dân trong bản vì việc bận không xuống phố được. 

Anh Lò Văn Thuần (dân tộc Thái) ở xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, cho biết: Nhà mình ở cách thành phố gần 20km. Nhiều năm rồi, cứ đến dịp 7/5 là mình ra phố vì đường phố vào dịp này đông người, sôi nổi. Xuống phố ngày này cũng dễ gặp người quen trong bản, để cùng nhau dạo phố, thăm hỏi và chúc nhau sức khỏe, niềm vui, thành công trong cuộc sống. 

Bác Giàng A Mừ (dân tộc Mông) ở xã Pú Nhi, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên, cho biết: “Mình đưa vợ và con xuống chơi phố cả ngày, chiều tối mới về lại bản. Khung cảnh đường phố đổi thay, khang trang, sạch đẹp. Hôm nay xuống núi còn có nhiều bà con trong bản nữa, ai cũng vui.”

Dịp 7/5 năm nay, để tạo không khí phấn khởi, vui tươi và giúp người dân địa phương có thêm sân chơi, các hoạt động trải nghiệm, giao lưu văn hóa, văn nghệ, tham gia các trò chơi dân gian, tại Sân hành lễ Tượng đài Chiến thắng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tổ chức các hoạt động văn nghệ, thi đấu thể thao, các trò chơi dân gian truyền thống như: Thi tung còn, nhảy bao bố, kéo co và biểu diễn ném Pa Pao. Các hoạt động này có sự tham gia giao lưu của hàng trăm người đến từ các đơn vị trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bản văn hóa trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên.

Các hoạt động này nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong cộng đồng các dân tộc tỉnh Điện Biên, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc; tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, thúc đẩy phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư ngày càng phát triển; đồng thời hiện thực hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và tỉnh Điện Biên trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

* Đúng vào ngày kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2019), sáng 7/5, hàng ngàn người dân trên khắp cả nước đã về khu vực Vũng Chùa – Đảo Yến (Quảng Bình), nơi yên nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp để tỏ lòng thành kính đối với vị Tổng tư lệnh trong chiến dịch Điện Biên năm xưa.

Từ sáng sớm, dòng người ăn mặc chỉnh tề, mang theo hương, hoa lên khu lăng mộ Đại tướng. Những bó hoa, nén hương được đông đảo người dân thắp lên mộ, tri ân Đại tướng trong ngày 7/5 đầy ý nghĩa này. Đoàn người từ khắp mọi miền Tổ quốc nghiêm trang, trật tự tới viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. 

Năm nay, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã bàn giao công tác quản lý, bảo vệ mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Vũng Chùa – Đảo Yến (xã Quảng Đông, Quảng Trạch) cho chính quyền địa phương và gia đình Đại tướng đảm nhiệm. Năm đầu đảm nhận nhiệm vụ, chính quyền địa phương và gia đình Đại tướng đã thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ, hướng dẫn khách tham quan, tạo nên không khí thăm viếng trang trọng, trật tự. Trong những ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 đến nay, hơn 10 nghìn người dân ở khắp cả nước đã đến thắp hương viếng mộ Đại tướng.

Khoác trên mình bộ quân phục, Đoàn cán bộ của Ban liên lạc quân tình nguyện Việt Nam giúp Lào tại Thành phố Hồ Chí Minh nghiêm trang dâng nén hương thơm lên phần mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cả đoàn đứng mặc niệm, thể hiện sự kính trọng vị tướng tài ba của dân tộc. Ông Hà Viết Ký, Trưởng ban liên lạc Quân tình nguyện Việt Nam giúp Lào tại Thành phố Hồ Chí Minh tâm sự: “Chúng tôi vượt ngàn dặm để ra viếng mộ Đại tướng đúng dịp 7/5, kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Chúng tôi rất tự hào kể về Đại tướng khi có dịp sang Lào. Hôm nay, chúng tôi đã xúc động khi lần đầu về nơi đây để thắp nén hương và nghiêng mình kính cẩn trước phần mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.

Không phải lần đầu, cứ đến dịp lễ, Tết hoặc ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước là ông Hồ Khắc Hồng, cán bộ hưu trí tại thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) lại về thắp hương mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Mặc dù đã bước qua tuổi 80 nhưng ông vẫn luôn nêu cao tinh thần cách mạng và tưởng nhớ công lao các bậc cha anh đã gây dựng nên. Ông luôn tâm niệm, cha ông ta đã hy sinh máu xương để giải phóng dân tộc thì chúng ta cần ghi nhớ và phát huy các giá trị đó. Ông cũng luôn giáo dục con cháu, lớp thanh niên trẻ về ý thức cách mạng và tiếp bước cha ông để tiếp tục xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ta ngày càng phát triển vững mạnh.

Càng về trưa, đoàn người về viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày một đông hơn. Trong ngày lễ trọng đại kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên phủ, tình cảm mà người dân cả nước dành cho Đại tướng tại nơi yên nghỉ của người thật ấm áp và xúc động. Hình ảnh của Đại tướng mãi mãi vẹn nguyên trong lòng người dân Việt Nam.

* Nhân kỷ niệm 65 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2019), sáng 7/5, tại Hà Nội, Báo Người Hà Nội, Hội Cựu chiến binh Cơ quan Văn phòng Quốc hội phối hợp tổ chức buổi giao lưu “Điện Biên – Vầng hào quang bất tử”. Đây là hoạt động mở đầu cho chuỗi các hoạt động trong chương trình Khúc quân hành lần V năm 2019 mang tên “Điện Biên – Vang mãi khúc quân hành”.

Các khách mời trong buổi giao lưu. Ảnh: anninhthudo.vn

Phát biểu tại buổi giao lưu, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Cơ quan Văn phòng Quốc hội Nguyễn Văn Mười nhấn mạnh, những nội dung trong buổi giao lưu “Điện Biên – Vầng hào quang bất tử” sẽ mang đậm tình cảm của người lính, khơi dậy tinh thần bất tử của người lính năm xưa, những năm tháng hào hùng chống giặc ngoại xâm, những chiến công chói lọi của cha anh với “56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt”. “Điện Biên – Vầng hào quang bất tử” là một bài ca năm tháng, là câu chuyện kể sinh động, giàu cảm xúc, còn nguyên vẹn ý nghĩa thời sự để thế hệ trẻ hôm nay được hiểu thêm về Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ – một mốc son chói lọi, tô đậm thêm trang sử oanh liệt hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Các đại biểu đã được giao lưu với Đại tá Lê Ngọc Đỉnh, Hội Cựu chiến binh Việt Nam và hai nhân chứng đã trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phùng Văn Khầu và Đại tá Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đặng Đức Song. Cùng với các nhân chứng lịch sử, buổi giao lưu còn có sự góp mặt của một số gương mặt đại diện cho thế hệ trẻ, tầng lớp doanh nhân trẻ… Nhiều kỷ niệm của một thời hào hùng đã được các nhân chứng tái hiện thông qua những câu chuyện kể đầy xúc động.

Nhà báo Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập báo Người Hà Nội, Trưởng Ban tổ chức chương trình cho biết: Ban tổ chức mong muốn chương trình sẽ làm cho thế hệ trẻ hiểu sâu sắc hơn về Chiến thắng Điện Biên Phủ cũng như giá trị, ý nghĩa và tầm quan trọng của chiến thắng này đối với nền độc lập của dân tộc, từ đó góp phần giáo dục tư tưởng, tinh thần yêu nước và ý chí quật khởi trong chiến đấu chống ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc của cha ông cho thế hệ trẻ hôm nay.

Chương trình giao lưu “Điện Biên – Vầng hào quang bất tử” cũng là dịp để Ban tổ chức mở đầu chuỗi hoạt động trong hành trình thắp lửa tri ân các đồng đội và kết nối những tấm lòng nhân ái. Trong khuôn khổ chương trình, Ban tổ chức cùng các doanh nhân, doanh nghiệp đã dành tặng những phần quà tri ân ý nghĩa tới các cựu chiến binh./.

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn