Toàn cảnh quần thể chùa Tam Chúc – nơi diễn ra Đại lễ Vesak 2019

0
139

Quần thể chùa Tam Chúc (Hà Nam) có tổng diện tích hơn 5.000 ha, gồm các hạng mục: Khu lòng hồ, Khu văn hóa tâm linh, Khu trung tâm nghỉ dưỡng, Khu cây xanh và dịch vụ ven hồ, Khu bảo tồn di tích và cảnh quan thiên nhiên. Riêng diện tích hồ Tam Chúc rộng trên 650 ha kiến tạo cho quần thể Tam Chúc có một cảnh quan sơn thủy hữu tình.

Toàn cảnh quần thể chùa Tam Chúc

 

 Khu tâm linh chùa Tam Chúc được quy hoạch diện tích 144 ha trên sườn núi phía Tây gồm các hạng mục: Điện Tam Thế, điện Pháp Chủ, điện Quan Âm, cổng Tam Quan kết hợp các tòa tháp (gồm 1 tháp cao 150 m; 2 tháp cao 100m bố trí đăng đối). Theo con đường mòn lên sườn núi có tên Thất Tinh, phật tử và du khách sẽ được chiêm ngưỡng toàn cảnh Tam Chúc với các chòm núi đá nổi lên (mang tên Lục Nhạc) như những ốc đảo giữa lòng hồ rộng lớn gắn với nhiều huyền tích xa xưa của vùng đất.

 

Tòa nhà hội nghị mang tên Thủy Đình – nơi diễn ra các cuộc họp quan trọng của Đại lễ Vesak 2019.

 

Tại chùa Tam Chúc, Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2019 sẽ chính thức diễn ra từ ngày 12 – 14/5, dự kiến khoảng hơn 10.000 người tham dự, bao gồm 1.500 chức sắc, nhà tu hành và lãnh đạo các Giáo hội, hệ phái Phật giáo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu Phật học cũng như các Phật tử thuộc nhiều truyền thống Phật giáo đến từ gần 100 quốc gia, vùng lãnh thổ trên khắp thế giới.

 

Cờ Tổ quốc Việt Nam thân yêu tung bay kiêu hãnh cùng quốc kì năm châu

 

Đây là một trong các hoạt động văn hóa quốc tế của Liên hợp quốc nhằm tôn vinh giá trị nhân văn, hòa bình của nhân loại và là cơ hội để truyền bá thông điệp từ bi, trí tuệ, hòa bình của đức Phật. Đồng thời là dịp quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế trong thời kỳ nước ta đẩy mạnh hội nhập, giao thương, hợp tác quốc tế trên mọi lĩnh vực.

 

Đền Tam Chúc cổ nhìn từ trên cao.

 

Đại lễ Vesak Liên hợp quốc năm 2019 là sự kiện đối ngoại quan trọng góp phần nâng cao vai trò của Phật giáo Việt Nam trong hội nhập quốc tế; khẳng định truyền thống lịch sử, giá trị nhân bản của Phật giáo, một tôn giáo hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Từ đó, tăng cường mối quan hệ giữa Giáo hội Phật giáo Việt Nam với Giáo hội và các truyền thống Phật giáo các nước trên toàn thế giới; khẳng định vai trò, vị thế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một tổ chức hợp pháp duy nhất đại diện cho tăng ni, Phật tử trong và ngoài nước.

 

Đại lễ cũng góp phần khẳng định nỗ lực và thành tựu của Việt Nam về bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; thúc đẩy giao lưu, hợp tác quốc tế về tôn giáo; khẳng định vai trò một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và sự ủng hộ của Việt Nam đối với nỗ lực của Liên hợp quốc trong thúc đẩy hòa bình, hòa hợp giữa các tôn giáo và các nền văn hóa; thể hiện trách nhiệm của Việt Nam đối với Liên hợp quốc./.

 

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn