Nơi nghỉ hưu của voi bị bóc lột ở Thái Lan

0

Khi cái nắng tháng 5 trở nên gay gắt, hai ”cư dân” lâu năm của Khu bảo tồn voi Samui, Kaew Ta và Kham Phean, thong thả đắm mình trong hồ nước mát và tắm bùn.

Kaew Ta và Kham Phean là hai trong 7 con voi châu Á đang sinh sống tại Khu bảo tồn voi Samui nằm giữa khu rừng nhiệt đới xanh mát ở Bo Phut, đảo Koh Samui, tỉnh Surat Thani, miền nam Thái Lan. Tại đây, những con voi từng bị xiềng xích và bắt làm việc kiệt sức để phục vụ du khách giờ được tự do đi lại, tắm bùn và sống như trong tự nhiên. Hoạt động này là một phần trong xu hướng “du lịch đạo đức” đang lan rộng ở Thái Lan.

Khu bảo tồn không chỉ có hoa giấy nở rực rỡ, chim bay lượn mà còn mang đến không gian sống tự do, yên bình cho những con voi từng chịu nhiều đau khổ.

Hai con voi đang nghịch bùn trong Khu bảo tồn voi Samui. Ảnh: SCMP

“Kaew Ta và Kham Phean rất thích phun bùn lên lưng để bảo vệ da khỏi ánh nắng và côn trùng”, hướng dẫn viên Sam Surachai Pinsepin cho biết. Hai con voi đều đã hơn 60 tuổi, thích ăn dưa hấu, cơm, bí đỏ gói trong lá chuối.

Từng là lao động chính trong ngành khai thác gỗ, cuộc sống của những con voi chỉ thực sự thay đổi khi chính phủ Thái Lan cấm khai thác gỗ vào năm 1989. Bị mất việc, nhiều người điều khiển voi (mahout) chuyển sang ngành du lịch – một lựa chọn không mấy dễ chịu cho loài vật này.

Kham Phean bị buộc phục vụ du khách suốt ba thập kỷ tại Pattaya, thành phố du lịch nhộn nhịp bên vịnh Thái Lan. Những lúc không làm việc, con vật bị xích vào gốc cây. Kaew Ta, chịu cảnh tương tự và bị mù một mắt do bị mahout đánh bằng vật nhọn khi không làm theo lệnh.

Những vết sẹo lớn trên trán, hậu quả của việc bị đánh bằng móc sắt, là minh chứng rõ nét cho quá khứ đầy đau thương của các con voi từng phục vụ trong ngành du lịch, nay đã nghỉ hưu ở đây.

Voi châu Á hiện nằm trong danh sách loài có nguy cơ tuyệt chủng của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN). Thái Lan chiếm khoảng 15% trong số 52.000 cá thể voi châu Á hoang dã trên toàn thế giới. Số còn lại sống chủ yếu ở các quốc gia như Bangladesh, Bhutan, Campuchia, Trung Quốc.

Nghiên cứu năm 2021 của tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới (World Animal Protection – WAP) cho biết Thái Lan có khoảng 4.000 voi bị nuôi nhốt, nhiều trong số đó bị khai thác phục vụ ngành công nghiệp du lịch trị giá 1,8 nghìn tỷ baht (55 tỷ USD) vào năm 2024.

Theo hướng dẫn viên Sam, nhu cầu trải nghiệm “cưỡi voi một lần trong đời” từ du khách đồng nghĩa với “cả đời khổ đau cho voi”. Để khiến chúng phục tùng, người ta phải tách các con voi con khỏi mẹ ngay từ nhỏ, xích chúng lại, bỏ đói và đánh đập để thuần hóa.

Tại Khu bảo tồn voi Samui, nơi được WAP công nhận là mô hình mẫu về chăm sóc voi, các con vật không còn bị xích hay khai thác. Chúng tự do đi lại, đắm mình trong bùn, quăng cát, gặm lá và cọ lưng vào thân cây như khi còn sống trong rừng.

Du khách cưỡi voi, trải nghiệm thường thấy tại Thái Lan. Ảnh: AFP

“Chúng tôi để voi được sống đúng với bản năng”, Sam nói và cho biết Kaew Ta cùng Kham Phean rất gắn bó, đến mức kêu lên nếu không thấy nhau.

Khác với nhiều nơi, khu bảo tồn cấm du khách tắm với voi – hoạt động tưởng như vô hại nhưng thực tế lại gây căng thẳng cho động vật, vì phá vỡ thói quen xã hội tự nhiên của chúng.

“Voi là loài thông minh và có tính xã hội cao. Chúng cần không gian để đùa nghịch, lăn lộn và ngâm mình trong bùn mà không bị làm phiền”, Sam nói. Ông cảnh báo tắm với voi cũng có thể nguy hiểm cho người. Năm 2022, một du khách người Tây Ban Nha đã tử vong trong một sự kiện tắm voi tại tỉnh Phang Nga.

Saengduean Chailert (Lek), người sáng lập Quỹ Cứu trợ voi và Công viên thiên nhiên voi ở Chiang Mai, được xem như anh hùng dân tộc trong công cuộc bảo tồn, cứu trợ loài voi ở đất nước.

Lek, người sáng lập Quỹ Cứu trợ voi, chơi đùa cùng một con voi từng bị bóc lột trong ngành du lịch, giờ đã được nghỉ hưu. Ảnh: SCMP

Khu bảo tồn của bà cùng nhiều khu khác tương tự tại Thái Lan hoạt động dựa trên nguyên tắc mà Lek đề ra như nâng cao nhận thức cộng đồng về số phận đáng thương của voi châu Á, khuyến khích nhân rộng các mô hình du lịch sinh thái thân thiện với động vật.

Nhiều năm qua, Lek đã góp phần thay đổi mô hình hoạt động của nhiều trại voi truyền thống, từ kiểu “cưỡi voi” sang mô hình “tháo yên” (không khai thác, không cưỡi, không ép buộc động vật).

WAP ước tính có khoảng 5,5 tỷ cá thể động vật thuộc 487 loài đang bị nuôi nhốt trong điều kiện không nhân đạo trên toàn thế giới. Trong đó gấu, voi và sư tử là những loài chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Theo báo cáo, nhiều cá thể voi bị nuôi nhốt ở Thái Lan đang phải sống chung với chứng rối loạn tâm lý hậu sang chấn (PTSD) và các vấn đề thần kinh khác do bị ngược đãi kéo dài.

“Tôi lớn lên ở Chiang Mai, nơi động vật từng được tự do đi lại, tắm dưới các dòng sông, suối”, Sam nói. Đó là ký ức đẹp mà ông hy vọng voi ở Samui sẽ được trải nghiệm trọn vẹn đến hết phần đời còn lại.

Anh Minh (Theo SCMP)

Nơi nghỉ hưu của voi bị bóc lột ở Thái Lan – Báo VnExpress Du lịch

Nguồn: Vnexpress