Nơi ‘vàng mọc trên cây’ ở Trung Quốc

0

Vào những tháng cuối năm, đường phố Xinhui tràn ngập hương thơm từ vỏ quýt phơi khô, người dân địa phương gọi đó là “mùi vàng”.

Nhìn bề ngoài, Xinhui (Tân Hội) chỉ là một quận buồn tẻ và yên tĩnh tại thành phố hạng ba Jiangmen (Giang Môn) ở tỉnh Quảng Đông. Khi đến nơi này vào mỗi mùa thu và đông, du khách sẽ ngửi thấy mùi vỏ quýt khô hay chenpi tràn ngập trên đường phố. Nhưng với người dân địa phương, mùi hương này không đơn thuần là vỏ quýt mà là “mùi vàng”.

Trong tiếng Quảng Đông, từ “quýt” phát âm gần giống từ “vàng”. Trên thực tế, một số loại quýt cũng đắt như đá quý khi vỏ của chúng có giá trị cao. Có loại quýt, nửa kg vỏ phơi khô có giá 9.650 USD. Do đó, nhiều người đã gọi Xinhui là nơi “vàng mọc trên cây”.

Li ra thăm vườn quýt tại Xinhui. Ảnh: CNN

Xinhui có những hàng cây, nhà máy và trang trại đơn giản dọc hai bên xa lộ mới. Thỉnh thoảng trong khu vực, du khách sẽ nhìn thấy những tòa nhà chọc trời phủ kính sáng bóng – biểu tượng cho sự phát triển kinh tế của thành phố.

Tuy nhiên, thứ giúp thành phố được nhiều người biết đến nhất chính là vỏ quýt phơi khô. Từ thời Nam Tống (1127-1279), người dân Trung Quốc đã coi vỏ quýt khô là một loại thảo dược. Vỏ quýt được sử dụng để nấu các món ăn phục vụ vua, hoàng hậu tại Tử Cấm Thành, Bắc Kinh. Ngày nay, nguyên liệu này chủ yếu xuất hiện trong các đơn thuốc y học cổ truyền và chế biến món ăn hàng ngày. Nhiều tỉnh thành Trung Quốc đều trồng quýt, nhưng chỉ vỏ của những quả được thu hoạch tại Xinhui mới được coi như vàng.

Li Chi Wai, bếp trưởng điều hành nhà hàng The Legacy House đạt một sao Michelin tại Hong Kong, là người Xinhui gốc, có niềm đam mê với vỏ quýt – đặc sản quê nhà. Theo Li, nước và đất là hai yếu tố chính biến nơi đây thành địa điểm lý tưởng để trồng quýt. Người dân Trung Quốc chuộng vỏ quýt khô Xinhui vì tin rằng vỏ quýt ở đây giàu dinh dưỡng và chứa nhiều vi chất hơn quýt ở nơi khác.

Vỏ quýt được dùng để nấu nhiều món ăn. Ảnh: CNN

Quýt sau khi thu hoạch sẽ bóc lấy vỏ, phơi khô trong nắng vào mỗi mùa thu và đông liên tiếp trong ít nhất ba năm. Thời gian còn lại trong năm, những miếng vỏ quýt này đều được người dân cất giữ cẩn thận. Xinhui có 4 loại vỏ quýt chính: vỏ xanh (thu hoạch trước khi chín), vỏ đỏ nhạt (thu hoạch vào tháng 11), vỏ đỏ (chín hoàn toàn, thu hoạch vào tháng 12) và đỏ đậm (thu hoạch sau mùa đông, khi đó quýt ngọt hơn).

Mỗi loại màu vỏ, thời gian phơi khô khác nhau đều đem lại công dụng riêng. Theo y học cổ truyền Trung Quốc, vỏ quýt tốt cho lá lách, hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường miễn dịch hệ hô hấp. Theo các nghiên cứu tại Trung Quốc, vỏ quýt có chất chống oxy hóa và thành phần chống ung thư, giúp ổn định huyết áp, ngăn ngừa bệnh béo phì.

Nghiên cứu hiện đại cho thấy chenpi có chất chống oxy hóa và flavonoid (một thành phần chống ung thư) và có khả năng ổn định huyết áp và ngăn ngừa béo phì.

Giống rượu vang ngon, chenpi càng để lâu càng có giá trị. Trong 20 năm trở lại, ngành công nghiệp kinh doanh vỏ quýt khô đã phát triển nhanh chóng tại Xinhui.

Vỏ quýt phơi khô, được gói lại bằng dây. Ảnh: CNN

Năm 2023, một kg (6 lạng nếu tính theo đơn vị đo lường của Việt Nam) vỏ quýt khô sản xuất năm 1968 được bán đấu giá tại Hong Kong với con số kỷ lục gần 9.700 USD. Cùng năm đó, Xinhui thành quận đầu tiên và duy nhất tại thành phố thu về 100 tỷ tệ (gần 14 tỷ USD), chiếm 25% GDP thành phố. Ngành công nghiệp chenpi hay vỏ quýt khô được định giá 23 tỷ tệ (3,2 tỷ USD) trong năm 2024.

Sau dịch, Li thường xuyên đi lại giữa Hong Kong và quê nhà để nghiên cứu và tìm nguồn nguyên liệu cho bữa tiệc vỏ quýt khô lâu năm của mình tại The Legacy House Hong Kong. Ở Xinhui, vỏ quýt khô được sử dụng trong nhiều món ăn như cá hấp, vịt hầm, thậm chí là kẹo, đồ uống.

Sau khi nếm thử hàng trăm loại vỏ quýt, Li ra mắt bữa tiệc vỏ quýt đầu tiên vào cuối 2022. Thực đơn kết hợp trà gồm 7 món như bánh bao cá, viên thịt bò chiên giòn, sò điệp nấu cùng các loại vỏ quýt. Tháng 12/2024, Li cho ra mắt thực đơn “Ẩm thực vỏ quýt khô”, gồm các loại vỏ được phơi khô và bảo quản cẩn thận trong 50 năm, giá thành từ gần 300 USD một người.

Nửa kg vỏ quýt khô 50 năm tuổi có giá gần 10.000 USD. Những loại khác có giá cao hoặc thấp hơn. Li đang giữ 30 kg vỏ quýt loại này. Dù vậy, ông không bán mà “để làm của hồi môn cho con gái”.

Hiện tại, Xinhua vẫn chưa phải điểm du lịch phát triển. Tuy nhiên, du khách có rất nhiều thứ để khám phá ở nơi này như làng Chakeng, nơi được gọi là quê hương của vỏ quýt hay làng Chenoi, địa danh văn hóa giải đáp mọi thắc mắc của du khách về quýt.

Li cho biết khi còn nghèo, anh thường hái trộm quýt từ các trang trại nằm trên đường đến trường. Chàng trai nhà nghèo khi đó chỉ biết ăn phần quả bên trong và vứt bỏ đi nhiều vỏ quýt.

“Ai mà ngờ được vỏ quýt lại trở nên có giá như vậy. Hồi nhỏ tôi đã lãng phí quá nhiều”, Li nói.

Anh Minh (Theo CNN)

Nơi ‘vàng mọc trên cây’ ở Trung Quốc – Báo VnExpress Du lịch

Nguồn: Vnexpress