Phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong lễ hội Bắc Ninh

0
Phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong lễ hội Bắc Ninh

Bắc Ninh được ví như xứ sở của lễ hội với hơn 500 lễ hội lớn, nhỏ, trong đó chủ yếu diễn ra vào mùa Xuân. Những lễ hội lớn Xuân Đinh Dậu 2017 đã qua đi nhưng dư âm thì còn đọng lại trong nhiều du khách bởi mỗi lễ hội của Bắc Ninh đều hàm chứa những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc. Tuy nhiên, bên cạnh những ấn tượng tốt đẹp cũng còn những hạn chế rất cần được khắc phục để xây dựng hình ảnh đẹp về lễ hội Bắc Ninh.

Hội rước pháo Đồng Kỵ thu hút hằng nghìn người tham dự

Là miền quê có nhiều lễ hội, trong đó có những lễ hội lớn nên công tác quản lý, tổ chức lễ hội luôn được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo. Điều dễ nhận thấy nhất trong các lễ hội Xuân Đinh Dậu vừa qua là lượng khách thập phương tham dự trong các lễ hội lớn năm nay đông hơn hẳn mọi năm. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi các lễ hội của Bắc Ninh luôn hàm chứa những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, hơn nữa công tác quản lý và tổ chức lễ hội cũng được các cấp, các ngành quan tâm nên những lễ hội lớn như: Hội Lim, hội khán hoa chùa Phật Tích (Tiên Du), hội rước pháo Đồng Kỵ (thị xã Từ Sơn), hội Kinh Dương Vương (Thuận Thành), hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo Đền Bà Chúa Kho, hội Ném Thượng, hội làng Diềm (thành phố Bắc Ninh)… diễn ra an toàn, tươi vui. Được biết, để chuẩn bị cho công tác tổ chức lễ hội, các địa phương thành lập Ban tổ chức với sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể để trực tiếp quản lý các hoạt động trong thời gian diễn ra lễ hội.

Tại hội Lim năm nay, Ban tổ chức thành lập số điện thoại đường dây nóng để kịp thời tiếp nhận ý kiến đóng góp, phản ánh của du khách về lễ hội. Các huyện, thị xã, thành phố chú trọng đến việc thực hiện nếp sống văn minh, tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, văn hóa truyền thống; các phương án đảm bảo ANTT, vệ sinh môi trường được bảo đảm góp phần giảm thiểu hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc, ăn xin… góp phần lành mạnh hóa các hoạt động trong lễ hội.

Về với các lễ hội Bắc Ninh mùa Xuân Đinh Dậu, du khách đều cảm nhận được những nét văn hóa đặc sắc trong từng hoạt động. Nghi lễ trong lễ hội trang nghiêm, giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống, phù hợp với bản sắc văn hóa Bắc Ninh – Kinh Bắc và xu thế phát triển. Phần hội được tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi, giải trí như hát dân ca Quan họ Bắc Ninh, ca trù, múa rối nước, tổ tôm điếm, đu tiên, vật, cờ người… có nội dung lành mạnh, phong phú, đúng với ý nghĩa tốt đẹp của lễ hội. Nhiều lễ hội lớn tổ chức thêm những trò chơi mang đậm bản sắc vùng miền như tại hội Lim đã phục dựng nhà chứa Quan họ tại thôn Lũng Giang (thị trấn Lim) đúng dịp lễ hội đã tạo điều kiện cho du khách được giao lưu, tìm hiểu những nét văn hóa đặc sắc của người Quan họ; lễ hội Kinh Dương Vương (Thuận Thành) tổ chức thi gà Hồ vừa tạo sự phong phú trong phần hội vừa tuyên truyền, quảng bá sản vật quê hương.  

Không gian ở hầu hết lễ hội Xuân Đinh Dậu được quan tâm mở rộng. Nhiều trò chơi trong phần hội được bố trí ở khu vực hợp lý; hàng quán được sắp xếp gọn gàng đã tạo thuận lợi cho du khách du Xuân trảy hội. Điển hình như tại hội Lim, khu vực quảng trường trên đồi Lim được trải bê tông sạch đẹp, các trò chơi, khu dịch vụ bố trí ở khu vực riêng hay như ở đền Bà Chúa Kho (thành phố Bắc Ninh) các dịch vụ bán hàng đã được sắp xếp lại, phong quang hơn…

Nổi bật trong các lễ hội đầu Xuân Đinh Dậu là chương trình kỷ niệm 185 năm thành lập tỉnh, 20 năm tái lập tỉnh. Đây là sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch với quy mô lớn với các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch sôi nổi như: Hội thi hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh; liên hoan chương trình thơ – nhạc; liên hoan tiếng hát Người cao tuổi; liên hoan nghệ thuật quần chúng LLVT; tổ chức một số giải thể thao Quốc gia, Quốc tế; các trò chơi dân gian tiêu biểu; Tour du lịch miễn phí bằng xe buýt đến thăm các di tích lịch sử – văn hóa tiêu biểu trên địa bàn tỉnh… đặc biệt là chương trình nghệ thuật “Âm vang miền Quan họ” được chuẩn bị công phu và phát trực tiếp trên sóng truyền hình VTV1. Các hoạt động kỷ niệm được tổ chức góp phần quảng bá sâu rộng tới bạn bè trong nước và quốc tế về truyền thống lịch sử và bản sắc văn hóa, con người của vùng quê Bắc Ninh – Kinh Bắc, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa.

Bên cạnh những mặt tích cực, qua các lễ hội đầu Xuân Đinh Dậu cũng còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế rất cần rút kinh nghiệm để những mùa lễ hội năm sau càng thêm văn minh, lành mạnh. Đó là việc có du khách đốt nhiều vàng mã; tình trạng chèo kéo khấn thuê, lễ mướn vẫn còn mặc dù có biển cấm. Công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, thu gom rác thải ở nhiều lễ hội chưa kịp thời, ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường của nhiều du khách chưa cao, vứt rác không đúng nơi quy định. Nguy cơ mất ATVSTP từ thức ăn đường phố còn tiềm ẩn. Tại một số lễ hội còn hiện tượng người dân, du khách tham gia các trò chơi ăn tiền, điển hình như hội Lim (Tiên Du) đã xuất hiện một số đối tượng lợi dụng sới chọi gà để cá độ dẫn tới Ban tổ chức tạm dừng sới ngay trong lễ hội. Công tác quảng bá du lịch đã được quan tâm ở một số lễ hội nhưng sản phẩm lưu niệm và quà tặng du lịch chưa nhiều hoặc chưa được bán rộng rãi khiến nhiều du khách nuối tiếc khi không mua được những món quà ý nghĩa…

Dẫu vẫn còn những hạn chế nhất định nhưng phải khẳng định, lễ hội Bắc Ninh Xuân Đinh Dậu đã để lại nhiều dư âm đẹp trong lòng du khách. Thành công trong công tác tổ chức lễ hội năm nay sẽ là động lực để chúng ta tiếp tục xây dựng hình ảnh đẹp về lễ hội Bắc Ninh trong lòng du khách.

Lê Đại

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn