Quà tặng độc đáo từ lá dừa

0
Quà tặng độc đáo từ lá dừa

Với đôi bàn tay khéo léo và tinh thần vượt khó, một người phụ nữ khuyết tật ở Cần Thơ đã biến những tàu lá dừa chân quê, bình dị thành những món quà du lịch mang đậm bản sắc miền Tây. Không chỉ nuôi sống chính mình, bà còn góp phần lan tỏa giá trị truyền thống trong từng sợi đan nhỏ bé.


Các sản phẩm làm bằng lá dừa của bà Ngọc.

Chúng tôi muốn nói về bà Đỗ Thị Ngọc (53 tuổi), ngụ tại khu vực Bình Chánh, phường Long Hòa, quận Bình Thủy. Sinh ra trong gia đình đông con và nghèo khó, lên 5 tuổi, bà không may bị sốt bại liệt để lại di chứng khiến đôi chân yếu ớt, phải ngồi xe lăn từ nhỏ. Nhưng nghịch cảnh không khuất phục ý chí, càng không ngăn nổi đôi tay khéo léo và tâm hồn giàu nghị lực của người phụ nữ ấy.

Bà Ngọc bắt đầu học nghề đan nón lá từ khi còn trẻ. Công việc vừa sức này đã gắn bó với bà suốt hàng chục năm, trở thành nguồn thu nhập chính, giúp bà tự nuôi sống bản thân, vừa san sẻ gánh nặng cùng gia đình.

Những năm sau, trong một lần ngồi bán nón tại điểm du lịch, bà tình cờ bắt gặp vài món đồ chơi bằng lá dừa. Đấy cũng là thời điểm bà Ngọc bén duyên với loại lá tưởng chỉ dùng để lợp mái nhà ở quê, nào ngờ lại biến thành những món quà du lịch xinh xắn, dễ thương.

Bà Ngọc kể: “Khi mới bắt đầu, cũng thất bại nhiều, sản phẩm chưa đẹp, mẫu mã còn đơn điệu, nhưng tôi tự nhủ phải cố gắng mỗi ngày để có nhiều sản phẩm ưng ý”. Thế là bà mày mò, học thêm qua mạng, ghi nhớ cách làm, cách gấp. Dần dần, bà Ngọc làm được những hình cào cào, chim chóc, cá, tôm dân dã, sau đó là những sản phẩm cầu kỳ hơn như nón lá, hoa hồng, giỏ xách và cả mô hình máy bay lên thẳng.

Hơn 15 năm qua, bến Ninh Kiều dường như đã quá quen thuộc với hình ảnh của bà Ngọc. Có lúc ngồi bên chiếc bàn thấp, có lúc ngồi trực tiếp trên chiếc xe thân quen với bó lá dừa tươi bên cạnh, bà Ngọc thoăn thoắt đan từng món quà mộc mạc. Mỗi sản phẩm bà làm ra không chỉ là hàng hóa mưu sinh, mà còn là một lát cắt của ký ức quê nhà, là lời kể về miền Tây sông nước bằng chất liệu đời thường nhất.

Chính vì thế, nhiều du khách, nhất là người Việt xa quê ghé Cần Thơ, khi cầm trên tay con cào cào bằng lá dừa do bà Ngọc làm, đã không khỏi xúc động. Một du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ: “Nhìn con cào cào bằng lá dừa tôi chợt nhớ thời thơ ấu, khi lũ trẻ chúng tôi chờ ba đi làm đồng về, rồi hí hửng đón lấy con cào cào ba tết vội từ tàu lá. Giờ cuộc sống đủ đầy, nhưng cảm xúc thì khó tìm. Món quà này mộc mạc mà ý nghĩa, bởi nó nhắc tôi về tuổi thơ nghèo nhưng đầm ấm”.

Gặp gỡ bà Ngọc rồi chuyện trò, mới thấy phía sau hành trình bền bỉ ấy không chỉ là ý chí cá nhân, mà còn có sự đồng hành lặng lẽ của người chồng, một điểm tựa ấm áp. Ông thường phụ giúp bà di chuyển, chuẩn bị nguyên liệu, thu dọn hàng hóa, khi rảnh còn san sẻ cả việc cơm nước.

Bên cạnh nỗ lực của bản thân và sự đồng hành từ gia đình, bà Ngọc còn nhận được tình yêu thương từ những chị em bạn hàng quanh khu vực bến Ninh Kiều. Trong dòng người buôn bán tấp nập, từ người bán vé số, đến các hàng rong, quản lý bến tàu,… ai cũng quý mến bà vì đôi tay khéo léo và ý chí vượt khó vươn lên.

Chính vì vậy, không ít lần họ sẵn lòng giúp bà lấy lá, dựng bàn, giữ hàng, hay đơn giản là hỏi han, động viên mỗi ngày. Tình cảm ấy tuy giản dị mà ấm lòng, là nguồn động viên giúp bà thêm vững vàng trên hành trình gắn bó với nghề.

Nhận định về bà Ngọc, ông Lê Văn Báu, Trưởng khu vực Bình Chánh, phường Long Hòa, quận Bình Thủy cho biết: “Bà Ngọc là tấm gương tiêu biểu về ý chí vươn lên trong cuộc sống. Dù khiếm khuyết về thể chất, bà vẫn sống tự lập, chăm chỉ làm việc và lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến cộng đồng. Bà cũng nhiều lần tổ chức dạy đan lá dừa cho trẻ em ở địa phương. Đó là điều rất đáng quý”.

Khi được hỏi về nguyên liệu và giá bán, bà Ngọc chia sẻ: nguyên liệu để làm những chiếc nón lá là những tàu dừa tươi, được chọn từ phần lá non, mềm và dẻo, giúp dễ tạo dáng phần chóp và vành. Riêng các mô hình như cào cào, chim chóc, cua… được làm từ lá dừa nước, loại lá cứng hơn, giữ phom dáng tốt và bền hơn theo thời gian. Về giá cả, mỗi chiếc nón được bán với giá 20.000 đồng, còn các con vật nhỏ là 10.000 đồng/ chiếc. Mức giá ấy được bà giữ nguyên suốt từ ngày đầu gắn bó với nghề.

Không chỉ là người lao động giỏi nghề, bà Ngọc còn là người âm thầm “giữ lửa” văn hóa địa phương theo cách riêng của mình. Trong từng nếp gấp của lá dừa, từng đường đan mộc mạc, bà kể cho du khách câu chuyện về miền Tây chân thành, dung dị, trọng nghĩa tình và yêu lao động.

Giữa nhịp sống thị thành hối hả, câu chuyện về bà Ngọc, người phụ nữ yếu thế, tự mưu sinh bằng đôi tay, không chỉ là minh chứng cho nghị lực vượt khó, sự sáng tạo không ngừng, cho thấy có những điều nhỏ bé vẫn góp phần tạo nên ý nghĩa lớn lao, làm đẹp cho cuộc sống.

Mỹ Hạnh

Nguồn: Dulichvn