Nằm trên dải đất miền Trung nhiều nắng, gió khắc nghiệt, nhưng Quảng Bình lại được thiên nhiên ưu ái ban tặng không ít thắng cảnh đẹp, phong phú và đa dạng, cùng với những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc sinh sống trên địa bàn. Nắm bắt được ưu thế đó, Quảng Bình đang hướng đến phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.
Lễ hội đập trống của người Ma Coong (xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch) sẽ là sản phẩm du lịch hấp dẫn nếu biết cách khai thác
Cùng với sự nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh, giai đoạn 2011-2016, du lịch Quảng Bình đã đạt nhiều kết quả nổi bật. Tốc độ tăng trưởng bình quân khách du lịch giai đoạn 2011-2016 là 25,3%/năm, trong đó khách quốc tế tăng 19%/năm. Quảng Bình đang vươn lên trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn trong nước và khu vực. Tuy nhiên, sự phát triển của du lịch Quảng Bình chưa tương xứng với lợi thế và tiềm năng.
Nhằm khai thác, phát huy tốt các lợi thế và tiềm năng du lịch, khắc phục khuyết điểm, hạn chế, Quảng Bình thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020, Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Chương trình hành động số 13/CTr-TU ngày 12/5/2017 về phát triển du lịch, giai đoạn 2016-2020 (bổ sung, sửa đổi) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trong đó, phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc, văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường, sinh thái, bảm đảm an ninh trật tự và an toàn xã hội là một trong những nội dung quan trọng được quan tâm chỉ đạo.
Theo đó, tỉnh sẽ thực hiện việc bảo tồn các bản sắc văn hóa dân tộc để hỗ trợ du lịch phát triển và ngược lại; chú trọng quy hoạch các vùng, tuyến, điểm du lịch; đầu tư hỗ trợ các thôn, bản, gia đình tại các tuyến du lịch về cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, dịch vụ; khôi phục, xây dựng các làng nghề thủ công truyền thống… Đồng thời, tỉnh có các cơ chế chính sách để kích cầu du lịch, như: mời gọi các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư về lĩnh vực du lịch; tăng cường công tác quảng bá hình ảnh, tiềm năng du lịch của tỉnh…
Việc khôi phục, bảo tồn các lễ hội truyền thống không chỉ tôn vinh các giá trị lịch sử, văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân mà còn quảng bá, giới thiệu bản sắc văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó giá trị văn hóa của các lễ hội truyền thống ngày càng được lan tỏa rộng rãi, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế, điển hình, như: lễ hội đập trống của người Ma Coong, lễ hội cầu ngư của người dân các xã miền biển (Nhân Trạch, Hải Trạch, Cảnh Dương…), lễ hội Rằm tháng Ba Minh Hóa, lễ hội đua thuyền Lệ Thủy…
Bên cạnh đó, Quảng Bình cũng chú trọng tới việc tôn tạo, bảo tồn các bản làng dân tộc thiểu số. Du khách sẽ được trải nghiệm nhiều điều thú vị, độc đáo về phong tục, tập quán, đời sống tâm linh, lối sống, trang phục, các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc; được thưởng thức ẩm thực độc đáo của mỗi dân tộc vùng cao.
Ông Nguyễn Văn Kỳ, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết, Quảng Bình có số lượng dân tộc thiểu số không nhiều như các tỉnh phía Bắc và bản sắc văn hóa dân tộc theo thời gian đã ít nhiều bị mai một. Tuy nhiên, những nét riêng trong đời sống sinh hoạt, văn hóa, ẩm thực của mỗi dân tộc vẫn còn, đây là nét lạ, tạo nên sự độc đáo, hấp dẫn trong phát triển du lịch. Đặc biệt, các dân tộc thường sống trong những khu rừng hoang sơ, cạnh dòng suối, núi đá có cảnh quan đẹp, kỳ vĩ, là cơ hội cho việc xây dựng các tour, tuyến, điểm du lịch thu hút du khách.
Do vậy, để khai thác tiềm năng du lịch thông qua các giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên ban tặng, ngành du lịch Quảng Bình đã tiến hành quy hoạch, triển khai thực hiện các vùng, tuyến, điểm du lịch gắn với việc khai thác, khám phá cảnh đẹp núi rừng và trải nghiệm đời sống văn hóa tộc người…
Thông qua các hoạt động phát triển du lịch, ngành Du lịch cùng các doanh nghiệp sẽ có các chính sách bảo tồn các giá trị văn hóa tộc người; tạo thu nhập cho người dân bản địa thông qua việc giúp họ tự tổ chức giới thiệu các truyền thống văn hóa, ẩm thực… cho du khách, làm và bán các sản phẩm truyền thống (gùi, lọ hoa, rổ, rá… bằng mây, tre đan; kèn lá, sáo,…).
Cuối tháng 5/2017, UBND tỉnh đã cho phép Công ty TNHH TM và DV Đất Xanh (Green Land) khai thác thử nghiệm tuyến du lịch “Khám phá thiên nhiên Hóa Sơn-hang Rục Mòn”. Đây là tuyến du lịch có chiều dài 16 km, thuộc các xã Hóa Sơn, Trung Hóa (huyện Minh Hóa).
Không chỉ nổi tiếng với eo Lập Cập, mảnh đất gắn với phong trào Cần Vương, nơi hoạt động của vua Hàm Nghi tại Quảng Bình, Hóa Sơn còn chất chứa những điều kỳ thú do thiên nhiên ban tặng, đặc biệt là vẻ đẹp lộng lẫy, hùng vĩ của hang Rục Mòn. Hang Rục Mòn có nhiều giá trị nổi bật, khả năng tiếp cận thuận lợi và liên kết cao với điểm phim trường “Kong: Skull Island” tại Hồ Yên Phú, xã Trung Hóa.
Tùy vào lộ trình, điểm xuất phát tại xã Hóa Sơn hoặc xã Trung Hóa, du khách sẽ hành trình đi bộ trải nghiệm và chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ của bản làng người Sách (thuộc dân tộc Chứt), suối Rục, tham quan hang Rục Mòn… Đây là tuyến du lịch trải nghiệm, khám phá thiên nhiên, hang động và tìm hiểu đời sống, văn hóa của đồng bào dân tộc ít người.
Bà Đặng Thị Na, Giám đốc Công ty TNHH TM và DV Đất Xanh cho biết, để khai thác có hiệu quả tuyến du lịch “Khám phá thiên nhiên Hóa Sơn-hang Rục Mòn”, công ty đã đào tạo một đội ngũ hướng dẫn viên, nhân viên phục vụ có kỹ năng, kiến thức về giữ gìn môi trường cảnh quan, kỹ năng an toàn trong hang động…; đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng, như: nhà vệ sinh, đường đi, các mốc dây cố định…, bằng các vật liệu thân thiện với môi trường nhằm hạn chế thấp nhất tác động đến tài nguyên hang động.
Bên cạnh đó, Công ty cũng sẽ phối hợp với người dân xây dựng các homestay, để vừa quảng bá, giới thiệu các sản phẩm văn hóa, ẩm thực…, vừa tạo thu nhập, góp phần tạo ra các sản phẩm du lịch làm đa dạng thêm các dịch vụ trong quá trình khai thác tuyến.
Bên cạnh việc đưa vào khai thác thử nghiệm tuyến du lịch “Khám phá thiên nhiên Hóa Sơn-hang Rục Mòn”, hiện Sở Du lịch đang triển khai nghiên cứu đề án khai thác tuyến du lịch “Tìm hiểu và khám phá văn hóa cộng đồng người Arem và Ma Coong”. Tuyến du lịch có tổng chiều dài 15 km, khách du lịch sẽ đi bộ trải nghiệm và chiêm ngưỡng khu rừng nguyên sinh, tham quan hang Rục Cà Roòng và tìm hiểu văn hóa bản địa, cuộc sống của các tộc người Arem, Ma Coong. Đây là tuyến du lịch rất hấp dẫn, trải nghiệm thiên nhiên, khám phá hang động và tìm hiểu các giá trị văn hóa tộc người trong Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng.
Việc phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc sẽ góp phần khai thác hiệu quả các tiềm năng du lịch của Quảng Bình, từ đó, thúc đẩy du lịch phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần vào tăng trưởng kinh tế-xã hội, tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và cộng đồng dân cư…
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn