Lực lượng là yếu tố ảnh hưởng tới kết quả, nhưng dùng chênh lệch này để biện minh cho thất bại thì không phải tư duy tiến bộ.
Hai năm trước tại tứ kết Asian Cup 2019, tuyển Việt Nam thua Nhật Bản với cách biệt chỉ 1 bàn. Chưa bao giờ trong lịch sử, chúng ta tiến gần tới người Nhật đến vậy. Và cũng chưa bao giờ, tuyển Việt Nam tạo ra tiếng vang lớn đến thế tại cấp độ ĐTQG.
Những tình huống đi bóng táo bạo của Công Phượng, sự bối rối của hàng phòng ngự “Samurai xanh” hay khả năng chơi bóng từ hàng phòng ngự với Văn Hậu, Quế Ngọc Hải, Đỗ Duy Mạnh… khiến nhiều người tin vào một tương lai mới cho bóng đá Việt Nam.
Hai năm sau, mọi thứ thật phũ phàng, dù kịch bản có nhiều điểm tương đồng. Chúng ta vẫn thua 0-1, được VAR cứu một bàn thua, nhưng toàn bộ dấu ấn tích cực đều không còn.
Tuyển Việt Nam thua cả 5 trận tính đến lúc này tại Vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á. Ảnh: Việt Linh. |
Chênh lệch lực lượng có phải lý do?
Hàng phòng ngự tuyển Việt Nam không lên nổi bóng trước Nhật Bản, tuyến tiền vệ bị bóp nghẹt bởi khả năng pressing và vây ráp ấn tượng của đối phương. Cũng không còn cầu thủ nào đủ khả năng tạo ra xáo trộn nơi hàng phòng ngự Nhật Bản, dù Công Phượng vẫn ra sân từ đầu.
Sau 5 trận ở Vòng loại thứ ba của World Cup 2022, tuyển Việt Nam thua cả 5, đứng cuối bảng. Đó là sự thật với thầy trò HLV Park Hang-seo.
Thật dễ để lý luận rằng Nhật Bản thắng là chuyện đương nhiên khi họ sở hữu nhiều cầu thủ chơi bóng tại châu Âu. Nhưng không phải lúc nào bóng đá cũng vận hành theo quy luật mạnh được yếu thua. Chính Oman đã thắng Nhật Bản ngay lượt trận ra quân dù lép vế hoàn toàn về tên tuổi với đội bóng xứ sở hoa anh đào.
Nhật Bản hoàn toàn áp đảo tuyển Việt Nam tại Mỹ Đình. Ảnh: Việt Linh. |
Lực lượng là yếu tố ảnh hưởng tới kết quả, nhưng dùng chênh lệch lực lượng để biện minh cho thất bại thì không phải tư duy tiến bộ.
Hai năm trước, tuyển Việt Nam chơi chủ động trước Nhật Bản bằng khả năng luân chuyển bóng từ tuyến dưới. Chúng ta kiểm soát nhịp độ của trận đấu, và nhiều lúc buộc người Nhật phải chạy theo.
Tại Mỹ Đình tối qua, bàn thua duy nhất của chúng ta đến từ tình huống thủ môn Tấn Trường, thay vì chuyền bóng ngắn cho hậu vệ để dàn xếp thoát pressing từ tuyến dưới, đã phát bóng dài sang phần sân đối thủ. Nhật Bản chỉ cần 13 giây từ khoảnh khắc bóng rời chân Tấn Trường để sút tung lưới Việt Nam.
Những pha bóng vứt đi quyền kiểm soát bóng như thế này đã xuất hiện từ trận ra quân với Saudi Arabia. Chúng ta ném hoàn toàn quyền kiểm soát bóng cho đối thủ và co mình chịu đựng.
Kết quả rất rõ ràng: tuyến tiền vệ của tuyển Việt Nam bị bóp nghẹt khi đối thủ dâng cao hàng phòng ngự và hạn chế không gian chơi bóng. Hàng phòng ngự vì thế liên tục đối mặt với các tình huống đánh vỗ mặt của đối thủ, và sụp đổ.
Điều gì khiến ông Park đưa tuyển Việt Nam thi đấu với tư duy chiến thuật tụt lùi so với năm 2019? Lực lượng có thể là câu trả lời. Văn Hậu, Đình Trọng, Hùng Dũng… đều đã dính những chấn thương khác nhau.
Trong đó, Văn Hậu và Đình Trọng chấn thương dai dẳng và theo cùng mô-tip: cứ khi nào sắp khỏi chấn thương, cả hai sẽ được triệu tập lên tuyển, tập luyện, và tái phát, hoặc dính chấn thương khác.
Hình mẫu Nhật Bản
Văn Hậu hay Đình Trọng thực tế chỉ là những trường hợp đã cho thấy kết quả. Thành Chung hay Bùi Tiến Dũng đều đã nén đau ra sân thi đấu mà mặc kệ những rủi ro về việc chấn thương trở nên trầm trọng hơn. May mắn là không ai gặp vấn đề nghiêm trọng, nhưng cách thức sử dụng cầu thủ chấn thương của đội tuyển thực sự là vấn đề.
Sự việc CLB Hà Nội từ chối nhả Đỗ Hùng Dũng cho ĐTQG mới đây chỉ là giọt nước tràn ly sau những trường hợp cầu thủ liên tục làm bạn với bệnh viện sau khi được triệu tập lên tuyển quốc gia.
Tuyển Nhật Bản không triệu tập ngôi sao Shoya Nakajima lên tuyển để tham dự Vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á. Ảnh: Getty. |
Đến lúc này, Nhật Bản lại là hình mẫu để Việt Nam học hỏi. Không nhiều người để ý đến chuyện này: “Samurai xanh” đã không triệu tập Shoya Nakajima lên tuyển kể từ khi Vòng loại thứ ba của World Cup 2022 khu vực châu Á bắt đầu.
Nakajima là ai? Đây là cầu thủ châu Á đạt mức giá chuyển nhượng lên tới 31,5 triệu bảng. Là mẫu số 10 thi đấu ngẫu hứng đậm chất Nam Mỹ, Nakajima là nhạc trưởng của tuyển Nhật Bản trong hơn hai năm qua. Khả năng tạo đột biến của cầu thủ sinh năm 1994 từng giúp Nhật Bản đá ngang cơ, thậm chí áp đảo Uruguay và Ecuador tại Copa America 2019.
HLV Hajime Moriyasu mê mẩn Nakajima nhưng vẫn không triệu tập tiền vệ này lên tuyển. Nguyên nhân khá đơn giản: Nakajima mới bình phục chấn thương. Tiền vệ 27 tuổi mới chỉ đá khoảng 200 phút trong mùa giải này cho CLB Portimonense tại Bồ Đào Nha.
Ông Moriyasu không triệu tập Nakajima đơn giản bởi muốn tiền vệ này hồi phục hoàn toàn, bất chấp việc tuyển Nhật Bản không được phép sảy chân tại Vòng loại World Cup 2022 thêm nữa.
Trước Việt Nam, Nhật Bản cũng không đưa ra sân Daichi Kamada, cầu thủ đắt giá nhất trong đội hình lúc này, khi tiền vệ sinh năm 1996 đá 2 trận cho Frankfurt trong 3 ngày từ 4-7/11, và mới chỉ đặt chân xuống Hà Nội từ tối 9/11. Để Kamada thi đấu có thể khiến tiền vệ này dính chấn thương.
“Nghĩ cho cầu thủ trước, cầu thủ là quan trọng nhất” là khẩu hiệu trứ danh của người Nhật trong cách làm bóng đá. Người Nhật không cần cầu thủ nén đau ra sân thi đấu, chấp nhận rủi ro dính chấn thương dài hạn, chỉ để “cống hiến hết mình cho Tổ quốc”.
Hô khẩu hiệu có thể kích thích tinh thần trong ngắn hạn, nhưng thử nhìn vào Đình Trọng hay Văn Hậu để thấy hệ quả của cái ngắn hạn ấy trong bức tranh tổng thể là như thế nào.
Lực lượng của Nhật Bản đúng là vượt xa Việt Nam. Thất bại 0-1 có thể chưa đủ đậm để khán giả hiểu ngay được vấn đề, nhưng cách biệt vỏn vẹn 1 bàn này là hình ảnh biểu tượng cho khoảng cách khó san lấp trong thời gian ngắn giữa hai nền bóng đá.
Khác biệt to lớn kiểu ấy đôi khi bắt đầu từ những hành động nhỏ như cách đối xử với cầu thủ ngôi sao gặp chấn thương như Nakajima.
Tuyển Việt Nam thua trắng cả lượt đi. Đồ họa: Minh Phúc. |
Nguồn: News.zing.vn