Những bộ phim về hoàng gia Anh thường gặt hái được nhiều thành công ở phương diện phê bình lẫn thương mại.
Cung điện Anh – nguồn cảm hứng bất tận
Hoàng gia Anh từ lâu vốn là đề tài màu mỡ cho các nhà làm phim. Từ bộ phim Henry V, được chuyển thể theo vở kịch của Shakespeare do đạo diễn Kenneth Branagh cầm trịch năm 1989 cho đến Spencer – tác phẩm mới nhất nói về cố vương phi xứ Wales Diana sắp ra mắt rộng rãi, đã có hơn 30 bộ phim khai thác về hoàng gia Anh.
Minh tinh Helen Mirren đoạt giải Oscar 2007 nhờ vai diễn vị nữ hoàng mạnh mẽ trong The Queen. Ảnh: IMDB. |
Những tác phẩm này đem đến nhiều câu chuyện đa dạng, ít nhiều dựa theo cuộc đời và sự nghiệp của các thành viên trong hoàng tộc. Tiêu biểu nhất là những người có nhiều sóng gió trong đời như nữ hoàng Elizabeth II, cố công nương Diana, thân vương xứ Wales Charles hay gần đây nhất là vợ chồng hoàng tử Harry – Meghan Markle với cuộc hôn nhân làm đảo lộn hoàng gia.
Từ thập 1990 cho đến những năm 2000, có ít nhất 16 bộ phim về hoàng gia được công chiếu, chủ yếu nói về vua Arthur và nữ hoàng Elizabeth II. Đây cũng là giai đoạn mà hoàng gia gặp nhiều biến cố: Vụ cháy lớn ở lâu đài Windsor năm 1992, cuộc ly dị giữa thái tử Charles và công nương Diana năm 1996 và gây chú ý nhiều nhất là cái chết của Diana năm 1997.
Những bộ phim về đề tài này gặt hái được nhiều thành công ở phương diện phê bình lẫn thương mại. The King’s Speech (2010) của đạo diễn Tom Hooper đem về 400 triệu USD doanh thu phòng vé trong khi chỉ mất 15 triệu USD sản xuất. Trước đó The Queen (2006) đạt 100 triệu USD doanh thu. Các tác phẩm khác như Elizabeth (1998), The Duchess (2008), The Other Boleyn Girl (2008), và Victoria and Abdul (2018) cũng thu hút người xem ra rạp. Còn trên màn ảnh nhỏ, series phim The Crown nói về cuộc đời Nữ hoàng Elizabeth II vào top những bộ phim được xem nhiều nhất trên Netflix.
Dưới con mắt của công chúng, những sự kiện dù là nhỏ của dòng dõi vương tộc luôn đem lại sự chú ý không kém các ngôi sao giải trí. Nhờ sự lớn mạnh của truyền thông và mạng xã hội, hoàng gia Anh trở thành thương hiệu vươn đến toàn cầu, không chỉ gói gọn trong nước Anh.
Một trong những bằng chứng cho thấy sự thức thời của các nhà làm phim là đài Lifetime đã kịp làm tới 3 bộ phim lấy cảm hứng từ sự kiện hoàng tử Harry và người vợ – cựu diễn viên người Mỹ Meghan Markle. Phần 1 nói về tình yêu của đôi này lên sóng chỉ sau đám cưới của họ 1 tuần. Dù bị chê tơi bời nhưng 3 bộ phim chứng tỏ sức hút chưa từng giảm sút của hoàng gia Anh đối với ống kính máy quay.
Kristen Stewart là sao nữ mới nhất thể hiện nhân vật công nương Diana khi còn sống trong phim Spencer. Ảnh: Sony. |
“Một điều thú vị là hoàng gia và giới sao giải trí rất khác biệt, tuy nhiên cả hai đang ngày càng được nhìn nhận theo cùng một cách giống nhau. Thương hiệu quân chủ Anh có truyền thống khác xa với thương hiệu kiểu người nổi tiếng. Một phần bởi các ngôi sao giải trí không có lịch sử lâu đời như hoàng gia. Chắc chắn có một sự gắn kết cảm xúc giữa công chúng với gia đình hoàng gia mà giới ngôi sao không thể có được” – giáo sư Cele C Otnes nói, cô là đồng tác giả cuốn sách Royal Fever: The British Monarchy in Consumer Culture (Cơn sốt hoàng gia: Chế độ quân chủ Anh trong văn hóa tiêu dùng).
Cách khai thác mới mẻ
Khi những câu chuyện về gia đình hoàng tộc Anh đã quá quen thuộc với khán giả, các nhà làm phim không hề e dè sợ rằng chủ đề này sẽ gây nhàm chán. Trái lại, đây được coi là cơ hội cho giới làm phim tìm tòi, sáng tạo.
Bên cạnh những tác phẩm nói về vai trò cầm quyền của các nhà vua và nữ hoàng, nhiều bộ phim chọn hướng đi cá nhân hơn, tập trung vào những nhân vật phải vật lộn với khó khăn của riêng họ khi ngồi ngai vàng như nữ hoàng Elizabeth trong bộ phim cùng tên, vua George III trong The Madness of King George, hay vua Bertie, George VI, trong The King’s Speech.
The Crown – series truyền hình gây tiếng vang khi lên sóng Netflix năm 2016 nhờ nội dung hấp dẫn. Ảnh: Netflix. |
Những năm gần đây, các bộ phim về hoàng gia Anh vẫn thu hút người xem nhờ vào cách khai thác mới mẻ. Việc trung thành với lịch sử không còn là yếu tố được coi trọng nữa mà thay vào đó là cách nhà làm phim tiếp cận với câu chuyện, đem đến hình ảnh về giới quân chủ Anh với khán giả đương đại.
The Crown gây tiếng vang khi đem lại góc nhìn khác về nữ hoàng Elizabeth II. Không vội nói về những năm tháng trị vì của bà, nhà làm phim khắc họa tuổi trẻ nhiệt huyết và tự do của Elizabeth II thời thiếu nữ. Phim phản ánh sự thay đổi của nữ hoàng khi mới đăng quang, bà phải từ bỏ sự hồn nhiên để vừa vặn với vương miện mà vua cha để lại. Với cách khai thác này, hình ảnh nữ hoàng Elizabeth II gần gũi hơn với người xem khi họ chứng kiến sự trưởng thành, mâu thuẫn nội tại của một cô gái trẻ bị choáng ngợp với sứ mệnh cao cả.
Hay gần đây nhất là Spencer của đạo diễn từng được đề cử Oscar Pablo Larraín. Vẫn nói về cố công nương Diana nhưng phim tập trung hơn về thời điểm Diana không còn chịu đựng được cuộc sống hoàng gia và quyết định ly dị thái tử Charles. Khi được giới thiệu tại liên hoan phim Berlin hồi tháng 9, tác phẩm do nữ diễn viên Kristen Stewart diễn chính đã nhận được sự tán dương của khán giả và giới phê bình.
Tuy nhiên, việc bộ phim rời xa lịch sử để biến tấu câu chuyện cũng có nhược điểm riêng. Trong Spencer, hình ảnh hoàng gia được miêu tả như kẻ phản diện dù nhà làm phim nhấn mạnh kịch bản phim là giả tưởng.
Điều này dễ gây ra cái nhìn thiên kiến, tranh cãi trong khán giả. The Crown nổi tiếng toàn cầu nhưng bộ trưởng văn hóa Anh Oliver Dowden phải yêu cầu Netflix chú thích rõ bộ phim là sản phẩm giả tưởng vì e ngại rằng khán giả trẻ sẽ có cái nhìn sai lệch về hoàng gia Anh.
Nguồn: News.zing.vn