Thanh Hóa: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch

0
152

Là những sản phẩm vật chất và tinh thần có giá trị to lớn về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học, song các di sản – dù là vật thể hay phi vật thể – đều là sản phẩm của bàn tay, khối óc con người và không thể nằm ngoài sự vận động của đời sống.

 

Có như vậy, sự tồn tại của mỗi một di sản mới thật sự sống động và có ý nghĩa chứ không phải một “di sản chết” nằm trong mấy lớp vành đai bảo vệ, ngăn cách với thế giới bên ngoài. Vấn đề là cách thức khai thác sao cho phù hợp để di sản sống cùng đời sống, nhằm thỏa mãn nhu cầu tinh thần, tâm linh con người, vừa mang lại lợi ích kinh tế, vừa không làm mai một đi giá trị của di sản?

Thanh Hóa đúng như một nhận định, là vùng đất “có nhiều kỷ niệm về quá khứ giàu truyền thuyết và vĩ đại”, với một hệ thống di tích danh thắng dày đặc (khoảng 1.535 di tích, trong đó trên 800 di tích được xếp hạng các cấp), mà nổi bật hơn cả là Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, các Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, đền Bà Triệu và hang Con Moong, cùng hàng trăm lễ hội truyền thống, hiện đại và một nền nghệ thuật dân gian tinh tế, đậm đà bản sắc. Để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên văn hóa vô giá ấy, Thanh Hóa đang tập trung cho công tác bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp các di tích, di sản. Theo đó, trong 5 năm gần đây, đã có khoảng 200 di tích được hỗ trợ kinh phí từ nhiều nguồn để trùng tu, tôn tạo, với tổng kinh phí gần 700 tỷ đồng. Nhờ đó, nhiều di sản đã một lần nữa sống dậy với diện  mạo hoàn chỉnh như Lam Kinh, hay đang được nghiên cứu, khai quật, đánh giá một cách công phu, khoa học như Thành Nhà Hồ.

Khi du lịch ngày càng trở thành một đòn bẩy tăng trưởng kinh tế – xã hội, thì việc khai thác giá trị kho tàng di sản văn hóa càng được chú trọng. Theo đó, du lịch trở thành con đường ngắn nhất đưa di sản đến gần du khách. Trong thực tế, đã có không ít minh chứng thành công trong việc khai thác giá trị di sản phục vụ du lịch, ví như Cố đô Huế, Thánh địa Mỹ Sơn hay Phố cổ Hội An. Tuy nhiên, để xây dựng được một sản phẩm hấp dẫn có thương hiệu như vậy, bên cạnh các giá trị tự thân của di sản, còn đòi hỏi sự chuyên nghiệp trong xây dựng sản phẩm du lịch, cùng một thái độ nghiêm túc trong khai thác gắn với việc tôn trọng và bảo vệ di sản. Điều này, với Thanh Hóa vẫn đang là câu hỏi khó. Mặc dù, giá trị của Tòa thành đá Tây Đô đã vượt ra ngoài biên giới quốc gia, trở thành di sản của toàn nhân loại, thế nhưng cũng không vì thế mà Thành Nhà Hồ có thể ngay lập tức thu hút được lượng du khách lớn. Bởi, lượng khách đến với di sản hiện chưa thể tương xứng với vị thế và giá trị lớn lao của di sản. Ví như 6 tháng đầu năm 2017, Thành Nhà Hồ đón được khoảng 40.000 lượt khách (trong đó khách quốc tế chỉ chiếm khoảng 3%). Nguyên nhân cũng bởi việc đầu tư cho  phát triển du lịch còn thiếu đồng bộ, trong khi di sản vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, khai quật để phục vụ việc lập hồ sơ nghiên cứu và rà soát lại các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể vùng phụ cận.

Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh cũng là một trong những di sản được đặt nhiều kỳ vọng, với khả năng trở thành điểm nhấn hấp dẫn trong sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh xứ Thanh. Ông Trịnh Đình Dương, Trưởng Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử Lam Kinh, cho biết: Từ đầu năm đến nay, di tích đã đón được khoảng 90.000 lượt khách (tăng trên 10% so với cùng kỳ năm 2016). Du khách đến Lam Kinh đều thể hiện sự hài lòng và yêu thích đối với vẻ đẹp của các công trình kiến trúc nghệ thuật, cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái, cũng như sự thân thiện của người dân. Để có được ấn tượng tốt trong lòng du khách khi đến Lam Kinh, ban quản lý khu di tích luôn nhiệt tình, chu đáo trong quá trình đón tiếp, hướng dẫn, phục vụ… Mặc dù vậy, con số 90.000 lượt khách xem ra vẫn còn rất khiếm tốn so với một Lam Kinh vẫn được biết đến là kinh đô tưởng niệm của Nhà Lê, với một quần thể kiến trúc đền đài miếu mạo, lăng tẩm, bia đá hiếm có ở Việt Nam hiện nay. 

So với sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển vốn được xác định là sản phẩm mũi nhọn của du lịch Thanh Hóa, thì loại hình du lịch di sản vẫn còn đang ở giai đoạn đầu khai thác, với không ít thách thức. Chính vì vậy, không thể chỉ nhìn vào chỉ tiêu tăng trưởng lượt khách để đánh giá tiềm năng và cơ hội phát triển của loại hình du lịch này. Trong khi, một vấn đề cần quan tâm hơn hẳn phải là làm thế nào không để lợi ích vật chất từ việc khai thác di sản làm du lịch giẫm đạp lên giá trị di sản và bảo vệ di sản theo đúng các quy định của pháp luật? Làm thế nào để giảm thiểu những tác động tiêu cực từ các hoạt động kinh tế và sinh hoạt dân cư lên di sản, khi mà việc phát huy giá trị di sản lại không thể tách rời cuộc sống cộng đồng đã tồn tại cạnh di sản hàng trăm năm?… Chắc chắn, sẽ có những mâu thuẫn phát sinh và nhiều lợi ích cần được hài hòa khi muốn khai thác giá trị di sản để phát triển du lịch, trong đó, lợi ích của di sản gắn liền với lợi ích cộng đồng cần được chú trọng hơn cả.

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn