
Sau 5 năm gián đoạn vì đại dịch, đoàn tàu khách liên vận Việt Nam – Trung Quốc được khôi phục vào ngày 25/5 trong bối cảnh du lịch giữa 2 nước đang tăng trưởng mạnh.
Đoàn tàu mang số hiệu T8701 rời Nam Ninh (Trung Quốc) lúc 18h05 ngày 25/5, hướng đến Hà Nội (Việt Nam). Ảnh: Tân Hoa Xã.
Chuyến tàu kéo dài 11,5 tiếng, khởi hành từ Nam Ninh (Trung Quốc) đến ga Gia Lâm (Hà Nội), đánh dấu sự nối lại giao thông đường sắt giữa 2 quốc gia sau 5 năm tạm dừng do Covid-19. Đây là một phần trong chiến lược tăng cường kết nối đường sắt xuyên biên giới mà Trung Quốc đang đẩy mạnh.
Theo Tân Hoa xã, đoàn tàu mang số hiệu T8701 được thiết kế với các toa giường nằm, nhằm phục vụ nhu cầu đi lại và nghỉ ngơi của hành khách trong suốt hành trình. Đoàn tàu liên vận được đưa vào khai thác từ năm 2009 nhưng tạm ngưng từ tháng 2/2020 khi các nước đóng cửa biên giới để ngăn dịch bệnh lây lan.
Cơ hội du lịch
Các chuyên gia đánh giá việc khôi phục tuyến đường sắt không chỉ góp phần phục hồi du lịch mà còn thúc đẩy thương mại giữa 2 quốc gia có chung đường biên giới hơn 1.200 km, theo SCMP.
“Trong 2 năm gần đây, lượng du khách Việt sang Trung Quốc tăng đều, nền kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh. Tuyến tàu này sẽ giúp hành khách Việt dễ dàng kết nối với hệ thống đường sắt cao tốc Trung Quốc để đến các thành phố lớn như Bắc Kinh hay Thượng Hải”, Steven Zhao, CEO của công ty du lịch trực tuyến China Highlights (trụ sở tại Quế Lâm), nhận định.
Đoàn tàu mang số hiệu T8701 đến ga Đồng Đăng (Lạng Sơn, Việt Nam) đêm 25/5. Ảnh: Tổng Công ty đường sắt Việt Nam.
Sau khi đến Nam Ninh, du khách Việt có thể tiếp tục hành trình thông qua mạng lưới tàu cao tốc hiện đại của Trung Quốc.
Ngược lại, du khách Trung Quốc tới Việt Nam cũng sẽ có thêm lựa chọn di chuyển bên cạnh các chuyến bay giá rẻ hay xe khách đường dài như trước đây.
Theo số liệu của Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc, trong quý III/2024, Việt Nam là thị trường gửi khách lớn thứ 2 vào Trung Quốc, chỉ sau Hong Kong, với 23.500 lượt người. Trong năm 2023, du khách Việt chiếm khoảng 4% tổng lượt nhập cảnh vào Trung Quốc, theo thống kê từ hãng nghiên cứu thị trường Statista.
Việt Nam tổ chức chương trình đón đoàn khách quốc tế đầu tiên tại ga Đồng Đăng (Lạng Sơn) đêm 25/5. Ảnh: Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.
Ai hưởng lợi?
Không chỉ phục vụ du khách 2 nước, đoàn tàu liên vận còn được kỳ vọng tạo điều kiện thuận lợi cho du khách quốc tế, đặc biệt là nhóm khách “balô”, tiếp cận Trung Quốc dễ dàng hơn mà không cần xin visa.
Hiện Trung Quốc áp dụng chính sách miễn thị thực 30 ngày cho công dân 38 quốc gia, bao gồm Australia, Singapore và nhiều nước châu Âu.
Trong khi đó, công dân Việt Nam có thể nhập cảnh Trung Quốc không cần visa nếu đi theo tour do doanh nghiệp lữ hành Trung Quốc tổ chức và nhập cảnh tại các cửa khẩu quy định.
“Đây là tuyến giao thông tiềm năng với lượng lớn du khách ‘balô’ thường xuất phát từ Hà Nội, một điểm trung chuyển phổ biến, rồi đi tiếp sang Trung Quốc. Việc không cần xin visa sẽ là lợi thế lớn để thu hút họ”, ông Zhao phân tích.
Theo ông Dan Martin, cố vấn kinh doanh quốc tế tại công ty Dezan Shira & Associates, tuyến tàu Việt Nam – Trung Quốc không chỉ phục vụ du khách Việt Nam đến Trung Quốc mà còn ngược lại, khi lượng khách Trung Quốc tới Việt Nam đang tăng mạnh.
Những du khách quốc tế đầu tiên đến Việt Nam trên chuyến tàu liên vận được nối lại sau 5 năm. Ảnh: Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.
Trên thực tế, Trung Quốc là thị trường khách du lịch lớn nhất của Việt Nam. Theo số liệu Cục Thống kê, trong quý I/2025, Việt Nam đón hơn 6 triệu lượt khách quốc tế, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc là thị trường gửi khách lớn nhất với gần 1,6 triệu lượt.
Du khách đến từ Myanmar, Hàn Quốc, Malaysia, Australia, Anh, Thái Lan, Philippines, Nga, Việt Nam và Nhật Bản chiếm phần lớn lượng khách inbound (khách nước ngoài du lịch và lưu trú trong thời gian ngắn), theo Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc.
Trong khi đó, những điểm đến yêu thích của khách Trung Quốc ra nước ngoài bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Việt Nam, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Australia, Campuchia và Nga.
Vé được bán trực tiếp tại các ga Hà Nội, Gia Lâm, Bắc Giang và Đồng Đăng. Ảnh: Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.
Ngoài du lịch, tuyến đường sắt xuyên biên giới còn đóng vai trò quan trọng trong hoạt động vận chuyển hàng hóa giữa 2 nước, đặc biệt trong các lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu vốn đang tăng trưởng mạnh.
Các chuyên gia nhận định việc khôi phục đoàn tàu liên vận Việt Nam – Trung Quốc là dấu hiệu cho thấy cả 2 nước đều đang tích cực nối lại các tuyến giao thông chiến lược hậu đại dịch, đồng thời tận dụng đà phục hồi kinh tế để thúc đẩy du lịch, thương mại và hợp tác khu vực.
Nguồn: Znews