Trung Quốc cố thay đổi suy nghĩ của ‘cha hùm mẹ hổ’

0
Trung Quốc cố thay đổi suy nghĩ của ‘cha hùm mẹ hổ’

Phụ huynh Trung Quốc vẫn định nghĩa thành công của con cái theo công thức cũ: đỗ trường danh tiếng, làm công việc ‘nhiều chất xám’, được xã hội trọng vọng.

“Không phải đứa trẻ nào cũng cần là cử nhân Đại học Harvard” là thông điệp mà chính phủ Trung Quốc đang hướng tới các bậc cha mẹ, sau khi siết chặt việc dạy thêm sau giờ học vào tháng 7, theo Bloomberg.

Phụ huynh ở xứ tỷ dân vẫn thường được biết tới dưới tên gọi “cha hùm, mẹ hổ” với tính cách nghiêm khắc, đặt nhiều kỳ vọng và ám ảnh với thành tích của con cái.

Trung Quoc co thay doi 'cha hum me ho' anh 1

Phụ huynh Trung Quốc nói chung vẫn định nghĩa thành công của con cái theo một khuôn mẫu: đỗ đạt đại học danh tiếng, làm công việc được xã hội trọng vọng. Ảnh: Lorenzo Ciniglio/Polaris.

Hiện giờ, Trung Quốc không còn muốn quá nhiều sinh viên trẻ tốt nghiệp đại học không có kỹ năng thực hành, nhất là khi một bộ phận không tìm được việc làm và dễ nảy sinh tâm lý bất mãn xã hội.

Năm ngoái, gần 10 triệu sinh viên học lên đại học, tăng 46% so với thập kỷ trước đó. Trong khi đó, tính đến tháng 6 năm ngoái, khi khóa 2020 tốt nghiệp, tỷ lệ thất nghiệp ở những người có bằng cấp trong độ tuổi 20-24 là 19,3%, theo dữ liệu của HSBC Holdings Plc.

Hồi giữa tháng 10, chính phủ Trung Quốc tuyên bố đến năm 2035, nước này sẽ xây dựng hệ thống dạy nghề hàng đầu thế giới, phát triển những lao động có tay nghề cao, với ít nhất 10% có bằng cử nhân.

Trên thực tế, số lượng việc làm trong các lĩnh vực sản xuất vốn dồi dào. Dù vậy, không tính đến mong đợi của gia đình, bản thân rất ít sinh viên mới tốt nghiệp muốn làm việc trong nhà máy hay các bộ phận chế tạo, lắp ráp.

Thay vào đó, hầu hết muốn làm trong lĩnh vực công nghệ, tài chính, tiêu dùng hay truyền thông. Hệ quả là Trung Quốc – công xưởng của thế giới – đang mất dần lợi thế.

Trung Quoc co thay doi 'cha hum me ho' anh 2

Ít sinh viên Trung Quốc tốt nghiệp đại học lại muốn đi làm công việc vốn dành cho những người theo học trường nghề. Ảnh: China Daily.

Dù không chính thức, xã hội vẫn ngầm phân loại những đứa trẻ theo nơi chúng sinh ra và độ giàu có của cha mẹ chúng, như “trẻ vàng”, “trẻ bạc” và “trẻ đồng”.

“Trung Quốc có đủ những ‘đứa trẻ vàng’ đủ khả năng thi đỗ trường top đầu. Số lượng ‘trẻ em đồng’ cũng có rất nhiều, những người làm công nhân xây dựng, trong nhà máy sản xuất. Nhưng đất nước thiếu đi những ‘đứa trẻ bạc’, lớp chế tạo ra những thiết bị công nghệ có giá trị cao do ‘trẻ vàng’ thiết kế”, Shuli Ren, cây viết của Bloomberg, bình luận.

Câu hỏi đặt ra là liệu các bậc cha hùm mẹ hổ ở Trung Quốc có chịu cho con cái mình học nghề hay không.

Ở các thành phố lớn, nhiều phụ huynh không cho phép con gái mình kết hôn với đàn ông không có bằng cử nhân. Học vị càng cao, yêu cầu lấy chồng càng khó. Ví dụ như nếu cô gái có bằng thạc sĩ, chồng của cô ít nhất phải học lên tiến sĩ.

“Vì vậy, có khả năng chính quyền hoặc nhà nước sẽ phải đưa ra các biện pháp khuyến khích, chẳng hạn như miễn phí học phí học nghề, cùng với việc trả tiền cho việc đào tạo để các bậc cha hùm mẹ hổ chấp nhận sự thay đổi.

Trung Quốc đang học theo mô hình của Đức. Thay vì đăng ký vào các cơ sở học thuật, nhiều thanh niên Đức tham gia học nghề theo hình thức đào tạo kép, dành một nửa thời gian đến trường và nửa còn lại là học việc tại chỗ ở công ty. Khoảng 80% doanh nghiệp ở Đức tham gia hình thức đào tạo này”, Ren đánh giá.

Nguồn: News.zing.vn