Tuyển Việt Nam hạn chế điểm yếu cố định và chống VAR thế nào?

0
Tuyển Việt Nam hạn chế điểm yếu cố định và chống VAR thế nào?

Nếu muốn tạo bất ngờ hoặc ít nhất là không thua Nhật Bản, tuyển Việt Nam buộc phải để ý tới các tình huống phòng ngự bóng chết và cảnh giác với VAR.

Trong các bàn thua mà đội tuyển Việt Nam đã phải nhận ở 4 trận vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á, có tới 9/10 tình huống liên quan tới các pha bóng cố định, bóng bổng hay các quyết định VAR.

Có thể nhận định đây là yếu tố mà HLV Park Hang-seo và các học trò cần phải đặc biệt lưu ý.

Nhat Ban dau Viet Nam anh 1

Quế Ngọc Hải (phải) và Bùi Tiến Dũng phải là điểm tựa cho hàng phòng ngự tuyển Việt Nam. Ảnh: Minh Chiến.

Phòng ngự tình huống cố định

Các tình huống cố định vốn luôn là yếu tố được đánh giá cao bởi đội bóng của HLV Park Hang-seo trong đấu trường khu vực. Tuy nhiên, khi phải đối đầu với những đối thủ có tầm vóc tốt hơn và chơi bài bản hơn, chúng ta đã bộc lộ ra không ít hạn chế đặc biệt là ở trận gần nhất trước Oman.

Ở các tình huống phạt góc, lựa chọn phòng ngự của tuyển Việt Nam là phương án kết hợp giữa phòng ngự khu vực và phòng ngự một kèm một. HLV Park bố trí 3 cầu thủ phòng ngự khu vực là tiền đạo Nguyễn Tiến Linh ở cột gần cùng hai trung vệ lệch, thường là Đỗ Duy Mạnh và Bùi Tiến Dũng ở phạm vi ngay trước khu vực 16,5 m. Đó có thể xem là phương án xuyên suốt đã được tuyển Việt Nam sử dụng trong quãng thời gian HLV Park dẫn dắt các đội tuyển Việt Nam.

Nhat Ban dau Viet Nam anh 2

Tình huống phòng ngự phạt góc của tuyển Việt Nam trước Trung Quốc.

Nhat Ban dau Viet Nam anh 3

Tình huống phòng ngự phạt góc của ĐT Việt Nam trước Nhật Bản tại Asian Cup 2019.

Xét về tính hợp lý của phương án này, nó có thể khiến tuyển Việt Nam bất lợi hơn so với các đối thủ nếu chúng ta không có được sức mạnh thể chất và khả năng bật nhảy tốt của các cầu thủ theo kèm một đấu một.

Trong 3 phương án tổ chức phạt góc, phương án phòng ngự cố định khu vực toàn diện thường được các đội bóng không có sự đồng đều về mặt thể chất lựa chọn.

Trong khi phương án phòng ngự 1vs1 toàn diện thường được các đội bóng tự tin về chiều cao và sức mạnh của cầu thủ phòng ngự lựa chọn. Chúng ta thường được chứng kiến phương án này ở các CLB Premier League.

Trong khi đó, với phương án kết hợp giữa phòng ngự khu vực và 1vs1, các đội bóng sẽ cử những cầu thủ có chiều cao tốt của mình đứng khu vực ở các vị trí nguy hiểm để hạn chế các đường bóng bổng nhắm tới vị trí này.

Khi phòng ngự khu vực, các cầu thủ sẽ có sự chủ động hơn, không bị di chuyển lôi kéo và tập trung ở phạm vi bật nhảy của mình. Phòng ngự 1vs1 yêu cầu nhiều hơn thế khi các cầu thủ buộc phải di chuyển theo đối phương và tranh chấp về mặt thể chất cũng như tốc độ đoạn ngắn để tạo ra lợi thế.

Bàn thắng không được công nhận của Maya Yoshida trước ĐT Việt Nam hai năm trước cũng đến theo kịch bản ấy. Đội trưởng của Nhật Bản được theo kèm bởi Quế Ngọc Hải nhưng có một nhịp di chuyển chủ động để cắt lên trước mặt đội trưởng tuyển Việt Nam và tạo cho mình tư thế dứt điểm thoải mái. Đáng nói hơn, vị trí dứt điểm của Yoshida đến ở ngoài phạm vi phòng ngự khu vực của Tiến Dũng và Duy Mạnh, hai cầu thủ Việt Nam quản lý vùng trước khu 5,5 m.

Nhat Ban dau Viet Nam anh 4

Tình huống ghi bàn không được công nhận của Yoshida.

Nhat Ban dau Viet Nam anh 5

Quế Ngọc Hải không thể theo kèm trong khi Yoshida dứt điểm ở khu vực nằm ngoài phạm vi kiểm soát của Tiến Dũng và Duy Mạnh.

Một hệ quả khác khi tập trung quá đông quân số phòng ngự 1vs1 đến ở trận gặp Oman. Đội trưởng Quế Ngọc Hải liên tục đưa ra tín hiệu cho các đồng đội phải theo sát đối phương.

Nhưng trước cách bố trí đá phạt góc rất có ý đồ của đối thủ, việc tuyển Việt Nam phòng ngự khu vực lại vô tình khiến không gian hoạt động của Văn Toản bị hạn chế đi tương đối nhiều.

Nhat Ban dau Viet Nam anh 6

Bàn thắng từ tình huống phạt góc của Oman trước Việt Nam.

Nếu HLV Park Hang-seo và các cộng sự tự tin vào khả năng phòng ngự 1vs1 của các cầu thủ, chúng ta hoàn toàn có thể giữ định hướng này. Tuy nhiên, để các tình huống phòng ngự được hiệu quả hơn, giải pháp có thể thực hiện là gia tăng số lượng cầu thủ phòng ngự khu vực trước phạm vi 5,5 m.

Thay vì hai, chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng một hàng ngang gồm 4 cầu thủ khi trong đội hình, tuyển đang sở hữu những cá nhân không chiến không hề tồi như Ngọc Hải, Nguyễn Hoàng Đức hay cả hậu vệ Hồ Tấn Tài. Giải pháp này có thể hạn chế việc các cầu thủ phòng ngự của chúng ta bị đối thủ vượt mặt ở những tình huống phòng ngự 1vs1.

Nhat Ban dau Viet Nam anh 7

Tình huống Trung Quốc có cơ hội nguy hiểm khi các cầu thủ Việt Nam không thể theo sát đối phương trong pha bóng hai.

Nhat Ban dau Viet Nam anh 8

Một giải pháp khác cho ĐT Việt Nam khi phòng ngự tình huống phạt góc.

Ban huấn luyện của ĐT Việt Nam cũng sẽ phải chú tâm đến ý đồ thực hiện các tình huống phạt góc của Nhật Bản dưới sự dẫn dắt của HLV Hajime Moriyasu. Không chỉ đưa được bóng vào lưới của Văn Lâm tại Asian Cup 2019, Nhật Bản cũng đã tạo ra các tình huống nguy hiểm khác từ phối hợp phạt góc.

Nhat Ban dau Viet Nam anh 9

ĐT Nhật Bản thực hiện pha phối hợp phạt góc với 2 cầu thủ.

Nhat Ban dau Viet Nam anh 10

ĐT Việt Nam không duy trì được tính tổ chức tốt khi đối thủ từ chối tạt bóng ở nhịp đầu tiên.

Nhat Ban dau Viet Nam anh 11

Cơ hội đánh đầu trong tư thế thoải mái của Tomiyasu.

Không chỉ dừng lại ở những tình huống phòng ngự phạt góc, ĐT Việt Nam cũng đang phải đối mặt tương đối nhiều với những quả tạt từ hai biên, điển hình là ở trận gặp Oman.

Nhat Ban dau Viet Nam anh 12

Cách đứng vị trí của ĐT Việt Nam trong quả phạt của Oman.

Có thể nhận thấy, không cầu thủ nào của ĐT Việt Nam được giao kiểm soát các tình huống hai ở trước hàng ngang phòng ngự trong các quả phạt từ hai biên của đối phương. Đây là một phần lý do khiến cầu thủ Oman có thể thoải mái thực hiện pha tung người móc bóng mang về bàn thắng mở tỉ số.

Nhat Ban dau Viet Nam anh 13

Không có cầu thủ kiểm soát tình huống hai, ĐT Việt Nam để cho đối phương thoải mái dứt điểm.

Nhat Ban dau Viet Nam anh 14

Có thêm một cầu thủ phòng ngự tình huống 2 sẽ giúp hạn chế các pha bóng tương tự.

Có thể nhận thấy rõ sự hạn chế trong khả năng phòng ngự tình huống cố định của ĐT Việt Nam. Sự bỡ ngỡ khi phải đối đầu với các đối thủ có tầm vóc và sức mạnh tốt hơn trong liên tiếp nhiều trận là điều có thể nhìn ra. Trong một thế trận chấp nhận phòng ngự trên sân nhà, việc ĐT Việt Nam phải đối mặt liên tiếp với các tình huống cố định đến như một lẽ dĩ nhiên.

Không chỉ cần làm tốt hơn trong các tình huống đá phạt của đối thủ, hệ thống phòng ngự của ĐT Việt Nam cũng sẽ phải tập trung và cho thấy khả năng bọc lót tốt hơn trong các pha tạt bóng. Việc phải nhận tới 4 quả penalty sau 4 trận trong những tình huống xem xét lại từ VAR là một thống kê báo động.

Phòng ngự các quả tạt và VAR

Tuyển Việt Nam đã nhận 4 quả penalty trong 4 trận tại vòng loại thứ ba World Cup. Nhìn xa hơn, các tuyển thủ đã có 6 lần phạm lỗi trong khu vực cấm địa ở 6 trận chính thức gần nhất, tính cả hai trận với Malaysia và UAE ở vòng loại thứ hai.

Còn nhớ, bàn thắng duy nhất của Nhật Bản tại tứ kết Asian Cup trước Việt Nam cũng đến từ tình huống thực hiện thành công quả phạt đền của Ritsu Doan sau khi VAR có những tư vấn cho trọng tài chính ở pha phạm lỗi của trung vệ Bùi Tiến Dũng.

Công tác tinh thần cho các cầu thủ hạn chế các tình huống phạm lỗi không cần thiết ở khu vực 16,5 m chắc chắn là yếu tố cần được ban huấn luyện ĐT Việt Nam thực hiện ở thời điểm hiện tại.

Tuy nhiên, không chỉ vấn đề tinh thần của từng cầu thủ, hệ thống phòng ngự của ĐT Việt Nam cũng cần có được khả năng bọc lót và duy trì cự ly đội hình tốt hơn để tránh những lần phạm lỗi sau các pha bóng mà hậu vệ không thể kiểm soát tình hình đủ tốt.

Điển hình như quả penalty thứ hai trước Oman, Duy Mạnh đã không có một tư thế phòng ngự đủ tốt để hạn chế đường bóng từ hành lang cánh phải.

Đáng nói là tình huống ấy lại đến sau một pha bóng mà ĐT Việt Nam đã kiểm soát được tình huống tấn công của Oman, nhưng nhịp phá bóng không tốt của Hồng Duy đã đặt đồng đội vào trạng thái phòng ngự có thể dẫn đến sai lầm.

Nhat Ban dau Viet Nam anh 15

Tình huống phá bóng không tốt của Hồng Duy dẫn tới pha phạm lỗi trong vùng cấm địa của Duy Mạnh.

Đó là yếu tố cực kỳ quan trọng trong một thế trận mà ĐT Nhật Bản của HLV Moriyasu luôn tấn công với sự có mặt thường trực của 3-4 cầu thủ gần khu vực trung lộ.

Các học trò của HLV Park Hang-seo đã một lần phải hạn chế khả năng áp đặt của đối phương bằng pha phạm lỗi trong vùng cấm địa tại Asian Cup 2 năm về trước. Trong bối cảnh Nhật Bản chắc chắn sẽ tạo ra những sức ép lớn trên mặt trận tấn công, sự tập trung và khả năng bọc lót của hệ thống phòng ngự sẽ là yếu tố mang tính quyết định.

Nhat Ban dau Viet Nam anh 16

Nhật Bản tấn công với 4 cầu thủ thường trực ở khu vực trung lộ.

Nhat Ban dau Viet Nam anh 17

Tình huống tấn công mang về quả phạt đền của Ritsu Doan tại Asian Cup 2019.

Nhìn từ thống kê, 90% bàn thua của ĐT Việt Nam sau 4 trận đấu đến từ các tình huống cố định hoặc các quả tạt bóng, có thể nhận thấy đây sẽ là vấn đề quan trọng nhất mà HLV Park Hang-seo cùng các cộng sự cần tập trung giải quyết cho đội bóng của mình.

Nhìn một cách tích cực, nếu hạn chế những điểm yếu này cả trên khía cạnh tâm lý lẫn chuyên môn, ĐT Việt Nam hoàn toàn có thể tự tin trong quãng thời gian của trận đấu để phòng ngự một cách chủ động trước đối thủ, tạo sự khó chịu và sẵn sàng có một thế trận sòng phẳng hơn tại Mỹ Đình.

Nhat Ban dau Viet Nam anh 18
Takumi Minamino, Ritsu Doan đến Việt Nam Hơn 22h tối 9/11, 11 tuyển thủ Nhật Bản thi đấu ở châu Âu mới có mặt tại Hà Nội và chỉ còn một ngày chuẩn bị cho trận gặp tuyển Việt Nam ở vòng loại World Cup.

Nguồn: News.zing.vn