
Quảng bá du lịch thông qua văn học tuy không phải là hình thức mới, nhưng theo các chuyên gia, vẫn còn nhiều dư địa để khai thác, đặc biệt là trong thời đại số. Một tour du lịch theo hành trình của các nhân vật trong tiểu thuyết hoặc thơ ca nổi tiếng, từ đó, du khách không chỉ được tham quan mà còn được trải nghiệm văn hóa và lịch sử sâu sắc hơn… là điều hoàn toàn có thể.
Hình ảnh làng quê xứ Huế trong phim “Mắt biếc”. Ảnh: M.H.
Cẩm nang du lịch
Nhiều chuyên gia đã từng nhận định, văn học không chỉ là nghệ thuật ngôn từ mà còn là kênh truyền thông văn hóa – du lịch hiệu quả. Những địa danh được nhắc đến từ tác phẩm văn học có thể trở thành điểm đến hấp dẫn nhờ yếu tố cảm xúc, chiều sâu văn hóa và câu chuyện đi kèm. Chính vì thế, văn học có sức mạnh thôi thúc người đọc “xách ba lô lên và đi” để tận mắt cảm nhận những điều từng được gợi mở trong trang sách.
Những tác phẩm như “Mắt biếc”, “Đảo mộng mơ”… của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh không chỉ kể những câu chuyện nhẹ nhàng, sâu lắng mà còn gắn liền với những vùng đất đẹp như mơ… Đặc biệt, thông qua những câu chuyện ấy, du khách được chạm đến chiều sâu văn hóa, tâm lý và bản sắc vùng miền – điều mà không một cẩm nang du lịch thông thường nào có thể truyền tải trọn vẹn.
Hay đọc “Sương khói quê nhà” của Nguyễn Ngọc Tư gợi lên cho chúng ta về một miền Tây Nam Bộ qua ngôn ngữ giàu hình ảnh, chất miền Tây mộc mạc mà sâu sắc. Tác phẩm gợi cảm xúc khám phá vùng sông nước, con người nghĩa tình, phù hợp du lịch cộng đồng, sinh thái.
Rất nhiều thi sĩ đã khắc hoạ sinh động vẻ đẹp của từng vùng đất, khơi dậy trong lòng người khao khát được đặt chân đến, khám phá và trải nghiệm. Như trong bài “Về với điệu Xòe” của nhà thơ Khúc Hồng Thiện, qua từng câu chữ đằm thắm, anh đã tái hiện không khí rộn ràng, tươi vui của hội Xòe – nét văn hóa độc đáo của cộng đồng dân tộc Thái nơi núi rừng Tây Bắc.
Bên cạnh đó, còn biết bao thi phẩm khác cũng góp phần mở ra những miền đất mới, thắp sáng tiềm năng du lịch qua góc nhìn giàu cảm xúc của người nghệ sĩ.
Là một người đi nhiều, viết nhiều về các địa phương, nhà văn Nguyễn Văn Học cho rằng, văn chương được xem như phương thức hiệu quả để quảng bá hình ảnh. Nếu biết cách chuyển thể và kể lại các tác phẩm văn học gắn với địa danh, có thể tạo nên những sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc, thu hút du khách trong và ngoài nước.
Nhìn nhận về tiềm năng quảng bá du lịch qua những tác phẩm văn học, ông Phạm Hải Quỳnh – Viện trưởng Viện Phát triển Du lịch châu Á nhận định, văn học là một trong những phương thức truyền tải cảm xúc và giá trị của văn hóa mạnh mẽ nhất. Ví dụ, tour du lịch theo hành trình của các nhân vật trong tiểu thuyết hoặc thơ ca nổi tiếng, từ đó, du khách không chỉ được tham quan mà còn được trải nghiệm văn hóa và lịch sử sâu sắc hơn.
Khi du khách đọc và cảm nhận các tác phẩm văn học, họ sẽ hình thành sự kết nối với địa danh đó. “Văn học truyền tải những giá trị, triết lý và lối sống đặc trưng của người Việt. Điều này giúp du khách hiểu rõ hơn về văn hóa, con người và lịch sử của Việt Nam. Như vậy, việc chuyển thể và kể lại các tác phẩm văn học gắn liền với địa danh là một hướng đi đầy tiềm năng và cần được khai thác mạnh hơn trong thời gian tới” – ông Quỳnh nói.
Du khách trải nghiệm ở Vườn quốc gia U Minh Thượng – địa danh nổi tiếng trong tác phẩm văn học “Đất rừng Phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi. Ảnh: Minh Phúc.
Để văn học có thêm một đời sống khác
Có thể nói, nếu mỗi trang viết được nuôi dưỡng bằng tình yêu và sự thấu cảm với vùng đất, lịch sử và cảnh sắc nơi đó, tự thân nó đã trở thành một lời mời gọi du lịch đầy cuốn hút và chân thành.
Chia sẻ về điều này, nhà văn Phụng Thiên nói, văn học không quảng bá theo kiểu truyền thông đại chúng, mà chọn cách quảng bá lặng lẽ nhưng sâu sắc. Không gian, phong tục, văn hóa, ngôn ngữ địa phương… được tái hiện qua từng tác phẩm. Nhờ đó, những vùng đất hiện lên sinh động trong tâm trí người đọc, khơi gợi sự tò mò, yêu mến và mong muốn được đặt chân đến, cảm nhận trực tiếp.
Còn ông Phạm Hải Quỳnh cho rằng, bằng cách tích hợp các yếu tố văn học vào hoạt động quảng bá du lịch, chúng ta không chỉ mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị mà còn trao truyền giá trị văn hóa phong phú của Việt Nam.
Theo ông Quỳnh, để văn học trở thành một phần trong chiến lược truyền thông du lịch hiện đại, nhất là nhằm thu hút giới trẻ chúng ta cần sử dụng mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến để chia sẻ các tác phẩm văn học gắn với địa danh qua các bài viết, video ngắn, và hình ảnh hấp dẫn. Tạo các chương trình livestream hoặc podcasts về những câu chuyện văn học nổi tiếng đã và đang diễn ra tại các địa điểm du lịch. Tổ chức các tour du lịch tìm hiểu văn học, trong đó bao gồm việc tham quan các địa danh đã được nhắc đến trong các tác phẩm nổi tiếng.
Cùng với đó, khuyến khích các tác giả viết về trải nghiệm du lịch của họ và quảng bá thông qua các kênh truyền thông. Phát hành các sách du lịch có liên quan đến văn học, cung cấp cho du khách cái nhìn sâu sắc về văn hóa và lịch sử tại địa phương. Tổ chức các lễ hội văn học tại các địa điểm du lịch, kết hợp với các hoạt động giao lưu, chia sẻ giữa các tác giả và du khách. Tạo ra các hoạt động phong phú như diễn đọc, hội thảo văn học, hay thảo luận về tác phẩm văn học tại các điểm đến nổi tiếng.
Còn theo nhà văn Nguyễn Văn Học, để văn học – đặc biệt là các tác phẩm có chiều sâu văn hóa – có thể trở thành một phần trong chiến lược truyền thông du lịch hiện đại, nhằm tạo sự hấp dẫn đối với du khách trước hết, tác phẩm phải hay, khơi gợi được tầm vóc, chiều sâu văn hóa của Việt Nam nói chung, của mỗi vùng đất, địa danh nói riêng. Cái này nằm ở tài năng của nhà văn. Nhà văn, người sáng tạo phải yêu văn hóa Việt, yêu các vùng đất để có thể đưa được hình ảnh, vẻ đẹp của các danh thắng, vùng đất vào tác phẩm.
Tiếp đó, cần những “con mắt xanh” của các nhà làm phim, các nhà biên kịch. Bởi họ chính là cầu nối để tác phẩm văn học được sống thêm một đời sống khác, đó là phim ảnh. Sau nữa, các địa phương cũng cần xây dựng chiến lược để mời gọi, thu hút các nhà làm phim về quay phim, tạo dựng các phim trường lớn, chuyên nghiệp. Có thể nói, từ tác phẩm văn học đến câu chuyện tôn bồi, lan tỏa giá trị văn hóa, phát triển du lịch là một quá trình, đòi hỏi nỗ lực của nhiều người, nhiều cấp, ngành.
P. Sỹ
Nguồn: Dulichvn