Ẩm thực Sơn La níu chân du khách

0
Ẩm thực Sơn La níu chân du khách

Những món ăn mang hương vị núi rừng của đồng bào các dân tộc ở Sơn La được nhiều khách du lịch biết đến và yêu thích, trở thành đặc sản mang đặc trưng của vùng miền, thể hiện nét đặc sắc trong văn hóa ẩm thực của đồng bào nơi đây.


Sơn La có 12 dân tộc anh em sinh sống, mỗi dân tộc có những món ăn đặc trưng, cách chế biến riêng biệt, tạo nên một bức tranh ẩm thực đa dạng, phong phú và đầy màu sắc.

Ẩm thực các dân tộc Sơn La vốn không đến từ những loại sơn hào hải vị đắt tiền, hay những nguyên liệu khó kiếm, mà bắt nguồn từ chính đời sống bình dị thường ngày của đồng bào. Những món ăn truyền thống không quá cầu kỳ, nhưng cũng chẳng thiếu sự tinh tế, đủ để người thưởng thức có thể cảm nhận được trong đó chứa đựng cả câu chuyện về văn hóa của một cộng đồng dân tộc.

Ẩm thực đặc sắc của các dân tộc ở Sơn La để lại nhiều ấn tượng cho du khách.

Ẩm thực đặc sắc của các dân tộc ở Sơn La chính là yếu tố làm nên tính độc đáo, hấp dẫn của du lịch nơi đây. Như đồng bào dân tộc Mông có món thắng cố nổi tiếng được biết đến như đại diện nổi bật cho ẩm thực vùng cao. Đồng bào dân tộc Mường sinh sống ở vùng lòng hồ sông Đà có mẳm cá, đồng bào dân tộc Dao có món thịt chua… bao đời nay vẫn được các thế hệ gìn giữ lưu truyền. Hoặc đơn giản hơn là những món ăn mang đậm hương vị núi rừng như nộm hoa ban giòn ngọt, nộm hoa bó píp thơm bùi, món ăn từ quả núc nác vị ngăm ngăm đắng, rất lạ miệng mà dễ ăn…

Ngoài ra, nhắc đến ẩm thực Sơn La phải kể đến văn hóa ẩm thực của đồng bào dân tộc Thái. Có những món ăn trước đây chỉ đơn giản là sản phẩm được hình thành từ nhu cầu bảo quản đồ ăn quanh năm của đồng bào như thịt hun khói, thịt gác bếp hay cá giảng… nay đã trở thành đặc sản được nhiều người biết đến. Không ít cơ sở sản xuất biết nắm bắt nhu cầu thị trường đã chế biến các món thịt trâu, thịt bò gác bếp, ba chỉ hun khói theo tiêu chuẩn được công nhận là sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh; xây dựng thương hiệu riêng để bán cho khách hàng gần xa, tạo thu nhập cao cho nhiều gia đình.

Đặc biệt, không thể không kể đến các loại gia vị phong phú và độc nhất của dân tộc Thái. Và có lẽ, cũng chỉ có đồng bào Thái mới có bí quyết sử dụng mắc khén, tỏi, ớt, những loại gia vị cay nồng, bốc nóng để dung hòa hương vị những món ăn đặc trưng của núi rừng như bát chẳm chéo, hay chế biến từ nguyên liệu giản đơn thành mẳm cá, mẳm hén… bảo quản quanh năm, giúp các bữa ăn thêm đậm đà. Những người phụ nữ Thái không những rất tinh tế trong cách chế biến món ăn mà còn khéo léo và sáng tạo khi bày biện mâm cỗ để lấy lòng mọi thực khách từ ánh nhìn. Tất cả đã tạo nên văn hóa ẩm thực của đồng bào Thái, hình thành nên một sản phẩm đặc trưng, hút khách cho du lịch Sơn La.

Những năm qua, ẩm thực dân tộc Thái cũng được đưa vào các nhà hàng, khách sạn, trở thành một phần không thể thiếu tại các khu, điểm du lịch, hấp dẫn du khách. Cùng với đó, để giúp thực khách có sự trải nghiệm trọn vẹn về văn hóa Thái, đa phần các nhà hàng ẩm thực Thái tại Sơn La thường giữ thiết kế nhà sàn truyền thống, không gian mở mang tính kết nối cộng đồng, thực đơn là các món ăn đặc trưng của đồng bào Thái. Trong đó, không thể thiếu các món ăn truyền thống như: thịt khô, cá nướng, thịt gói lá nướng, gỏi cá, cơm lam, canh bon, canh lá vón vén… Ưu tiên nguyên liệu tươi ngon và sẵn có để tạo nên điểm nhấn cho ẩm thực du lịch tại địa phương.

Du khách Nguyễn Thị Thu Huyền đến từ Hà Nội cho biết, chị ấn tượng khi đến Sơn La không chỉ bởi cảnh sắc thiên nhiên đẹp, mà đến đây, chị được thưởng thức ẩm thực phong phú như gà nướng, cá suối, cơm lam, xôi ngũ sắc… mỗi món ăn, có hương vị rất đặc biệt.

Ông Trần Xuân Việt, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La cho biết, để xây dựng, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa ẩm thực, trở thành một trong những sản phẩm du lịch đặc sắc, Sở đã phối hợp với các địa phương, các cơ sở đào tạo tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chế biến món ăn dân tộc, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho các hộ kinh doanh du lịch cộng đồng, nhà hàng, khách sạn.

Cùng với đó, Sở đã khuyến khích, hỗ trợ việc xây dựng các tour, tuyến du lịch gắn với trải nghiệm ẩm thực; tổ chức các cuộc thi ẩm thực… Qua đó, tạo điều kiện cho du khách thưởng thức các món ăn, thức uống ngon, được hòa mình vào “không gian văn hóa bản địa”, cảm nhận bản sắc văn hóa, giá trị truyền thống của các địa phương một cách chân thực nhất.

Ẩm thực của đồng bào các dân tộc miền núi không hấp dẫn thực khách bằng những món ăn cao lương mỹ vị, hay hút mắt bằng cách trang trí nghệ thuật, mà gây dấu ấn bằng chính hương vị đậm chất vùng cao khác biệt, kết hợp với không gian gần gũi, thân thương, níu chân du khách. Việc khai thác, phát triển dịch vụ ẩm thực sẽ tạo ấn tượng tốt đẹp, tăng hiệu quả quảng bá du lịch, việc này đang được các bản du lịch cộng đồng ở Sơn La khai thác để phát triển thành dịch vụ thu hút khách, góp phần phát triển du lịch địa phương.

Hiền Lương

Nguồn: Dulichvn