Điểm đến du lịch

Những địa điểm du lịch hấp hẫn những địa điểm du lịch trong nước, địa điểm du lịch nước ngoài được chúng tôi tổng hợp và đưa tin đến Quý bạn đọc đam mê du lịch có cái nhìn tổng quan nhất về các địa danh du lịch để quyết định cho mình cho những chuyến du lịch ý nghĩa nhất

“Thiên đường hạ giới” nổi tiếng bậc nhất Trung Quốc đông nghẹt thở

(Dân trí) – Cửu Trại Câu, khu thắng cảnh thuộc miền bắc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, vốn được mệnh danh là “thiên đường hạ giới”, bắt đầu bước sang mùa cao điểm du lịch khi mỗi ngày tiếp đón tới hàng chục nghìn lượt khách.

Trong tiếng người Tây Tạng, Cửu Trại Câu có nghĩa là “Thung lũng chín làng”, chỉ 9 ngôi làng chạy dọc theo chiều dài của khu vực này. Đây cũng là nơi sinh sống của người Tây Tạng và người Khương trong nhiều thế kỷ nay.

Cửu Trại Câu vào hè

Cửu Trại Câu vào hè

Nơi này được hình thành trên dãy núi đá vôi trầm tích thuộc cao nguyên Tây Tạng, nổi tiếng với hệ thống hồ đa sắc và thác nước nhiều tầng. Do nằm trên độ cao 4000m so với mực nước biển, không khí tại đây loãng hơn bình thường. Nền nhiệt cao nhất vào tháng 7 và tháng 8 cũng chỉ ở mức 18-24 độ C. Thắng cảnh này từng được UNESCO bình chọn là Di sản Thế giới năm 1992 và Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới năm 1997.

Không ngoa khi ví von rằng Cửu Trại Câu là “thiên đường nơi hạ giới”. Những ai từng có dịp tận mắt chứng kiến cảnh sắc nơi này khó lòng lột tả hết bằng lời thiên nhiên tuyệt mỹ tại đây. “Thung lũng 9 làng” đẹp tất cả các mùa trong năm. Nhưng nhiều người cho rằng, khoảnh khắc giao thời từ giai đoạn cuối hè sang thu là khoảng thời gian đẹp nhất tại đây. Khi đó, Cửu Trại Câu bừng lên sức sống với muôn vàn màu sắc của rừng cây chuyển lá.

Cửu Trại Câu vào mùa thu

Cửu Trại Câu vào mùa thu

Mùa thu, thảm lá vàng đỏ xen kẽ tạo nên bức tranh nhiều màu. Nước hồ trong xanh màu ngọc bích, càng trong vắt tới đáy. Ven hồ là những hàng cây nhuốm màu rực rỡ, với hàng phong lá đỏ phản chiếu trên nền trời xanh bất tận. Với 108 hồ nước thiên nhiên, mỗi hồ ở đây được ví như tấm gương soi tự nhiên giữa đất trời. Nổi tiếng nhất là hồ Ngũ Hoa, hồ Gấu Trúc, hồ Thiên Nga, hồ Công Chúa, hồ Lưu Mao, hồ Ngũ Sắc… Đặc biệt, hồ Gấu Trúc dài chừng 2587m, sâu 14m ẩn mình dưới những rừng trúc xanh mướt.

Giai đoạn chuyển từ hè sang thu là thời điểm đông khách nhất ở đây

Giai đoạn chuyển từ hè sang thu là thời điểm đông khách nhất ở đây

Đến hẹn lại lên, bắt đầu từ đầu tháng 8 năm nay, Cửu Trại Câu mỗi ngày đón trung bình hơn 30.000 lượt khách ghé thăm. Đặc biệt vào thời gian cao điểm cuối tuần, thậm chí có ngày, nơi này tiếp đón tới hơn 38.000 lượt khách.

Kể từ giữa tháng 7 năm nay, dòng người đổ về đây du lịch ngày càng đông

Kể từ giữa tháng 7 năm nay, dòng người đổ về đây du lịch ngày càng đông

Tháng 8 hàng năm là thời điểm bắt đầu mùa du lịch cao điểm ở Cửu Trại Câu. Tiếp đó, nơi này đặc biệt đông đúc trong khoảng thời gian tháng 10, khi cả cánh rừng bắt đầu chuyển màu sắc. Năm nay, nhờ thời tiết dễ chịu, Cửu Trại Câu trung bình đón nhận hơn 20.000 lượt khách kể từ thời điểm tháng 7 tới đầu tháng 8.

Thời điểm này bắt đầu vào giai đoạn du lịch cao điểm tại đây

Thời điểm này bắt đầu vào giai đoạn du lịch cao điểm tại đây

Huy Hoàng

Theo SH, DP

Nguồn: DANTRI.COM.VN

Mai Hịch – điểm đến mới bạn sẽ chọn lựa?

(Dân trí) – Mai Hịch là một bản du lịch tỉnh Hòa Bình được nhắc nhiều trong thời gian gần đây. Nơi đây nổi bật với khung cảnh xanh tươi, yên bình tự như cảm nhận rõ sự hòa quyện giữa con người và thiên nhiên.

Cách Hà Nội khoảng 140km Mai Hịch (Mai Châu, Hòa Bình) và cách thành phố Hòa Bình khoảng 60km về phía Tây Bắc, để di chuyển tới huyện vùng cao của này, các bạn có thể lựa chọn phương án đi bằng xe máy (với những bạn có sức khỏe tốt, có khả năng đi xe máy đường núi) hoặc lựa chọn phương án đi ô tô khách đến Mai Châu nếu như đi theo đoàn đông người.

Xuất hành

6h: Các bạn khởi hành đi từ Hà Nội – Hòa Bình.

Dọc đường đi, các bạn có thể nghỉ ngơi hoặc ngắm cảnh đồng quê của vùng văn hóa xứ Đoài xưa cũ quen thuộc với những cánh đồng rộng mênh mông, những phiên chợ quê tập trung tụ họp ở ngay hai bên đường và thưởng thức một khung cảnh hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc khi đến Hòa Bình.

Khoảng 11h: Đến Mai Hịch, các bạn nghỉ ngơi sau đó dùng bữa trưa tại địa phương với những món ăn được chế biến từ những sản vật mang tính đặc trưng nhất của núi rừng Tây Bắc.

Buổi chiều

13h30: Sau khi ăn trưa và nghỉ ngơi, các bạn khởi hành đi tham quan khu vực 6 thôn và ngắm cảnh thôn quê tại các thôn – bản như: Thôn Hịch 2 – Hịch 1, xóm Củm, thôn Cha Lang, thôn Dến, …

15h: Tiếp đó, các bạn có thể thuê xe đạp đi tham quan các khu nhà sàn, vườn rau, ao cá cũng như trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương với nhiều hoạt động trồng trọt và sản xuất vải thổ cẩm,… sau đó lên xe đạp về lại khu nghỉ dưỡng để nghỉ ngơi chuẩn bị cho bữa tối.

Buổi tối

Các bạn sẽ có dịp trải nghiệm nghệ thuật ẩm thực mang tính đặc trưng nhất của dân tộc địa phương. Rồi thưởng thức các tiết mục giao lưu văn nghệ đặc sắc với những làn điệu dân tộc như nhảy sạp, uống rượu cần, ăn đặc sản nướng của núi rừng Tây Bắc.

Ngày thứ hai: Chia tay bản Mai Hịch

Buổi sáng

Các bạn thức dậy ngắm cảnh bình minh trên núi rừng Tây Bắc và thưởng thức không khí trong lành buổi sớm mai.

Các bạn tranh thủ ăn sáng rồi đi bộ tham quan các điểm du lịch vùng Mai Hịch như hang động Pù Muống, hang Lộng, hang Hệt rồi tham gia câu cá suối tự nhiên hoặc tham gia chèo bè mảng tre trên dòng suối Xia. Con suối đẹp tự nhiên này vẫn ngày đêm chảy đổ đầy sông Mã.

11h: Quay trở về nghỉ ngơi rồi dùng bữa trưa tại nhà hàng.

Buổi chiều

Sau bữa trưa, các bạn nghỉ ngơi một chút rồi khởi hành trở về Hà Nội.

Nếu bạn đi bằng ô tô xuất phát từ Hà Nội

Bạn bắt xe khách đi Sơn la tại bến xe Mỹ Đình. Bến xe Mỹ Đình là bến xe khách có nhiều hãng xe chạy lên các tỉnh Tây Bắc. Nên xuất phát từ 7h hoặc 7h30, xe chạy đến ngã ba Tòng Đậu khoảng 10h30. Từ đây bạn có thể thuê xe ôm đi vào bản Mai Hịch. Hiện mức giá nghỉ Homestay khoảng 120 ngàn đồng/người bao gồm ăn trong một ngày.

Hữu Thắng (Tổng hợp)

Nguồn: DANTRI.COM.VN

Tiên Sa: “Hòn ngọc” bí ẩn của Bán đảo Sơn Trà

(Dân trí) – Biển Tiên Sa không chỉ được biết đến với vai trò một cảng biển có vai trò quan trọng trong quân sự và kinh tế của Đà Nẵng mà còn thu hút khách du lịch bởi vẻ đẹp trầm lắng và e ấp.

Biển Tiên Sa thuộc địa phận của phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, cách trung tâm thành phố khoảng 9 km về phía đông bắc, dưới chân bán đảo Sơn Trà.

Bãi biển này nằm trong khu du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng Tiên Sa, có hình dáng uốn lượn như một dải lụa mềm vắt qua chân núi.

Các hoạt động tập thể được tổ chức trên bãi biển Tiên Sa

Các hoạt động tập thể được tổ chức trên bãi biển Tiên Sa

Tương truyền, vì khung cảnh “cửa biển có non tiên” quyến rũ dưới trần gian mà các nàng tiên thường rủ nhau xuống nơi đây dạo chơi, ngắm cảnh nên nơi đây được gọi với cái tên mĩ miều là Tiên Sa.

Một chiếc thuyền phục vụ cho các hoạt động tham quan xa bờ

Một chiếc thuyền phục vụ cho các hoạt động tham quan xa bờ

Biển Tiên Sa như một nàng công chúa được bảo bọc bởi khung cảnh núi non nên khá khuất gió, sóng vỗ êm đềm. Sóng nước nơi đây không lớn như các bãi tắm khác ở Đà Nẵng, rất phù hợp và an toàn cho trẻ em và người già. Nàng công chúa Tiên Sa khoác trên mình tấm áo màu biển với hai mảng màu khác biệt nhưng hòa quyện vào nhau : gần với bờ là màu nước trong vắt có thể nhìn thấy những loài sinh vật biển nhỏ bé đang nằm vùi mình trong lớp cát, xa xa bờ là một màu nước xanh biếc mênh mang trải rộng đến tận chân trời. Bờ cát ở bãi biển này rất đặc biệt: không mịn màng như những bãi cát biển khác, hạt cát ở đây to và thô, nếu bước chân trần dạo trên bờ biển sẽ có cảm giác như đôi bàn chân đang được massage, một cảm giác mới mẻ và thú vị. Bên cạnh bờ cát trắng mĩ miều, rặng dừa cũng là một khung hình đẹp cho những ai yêu nhiếp ảnh.

Khung cảnh thiên nhiên của biển Tiên Sa được nhìn từ một bungalow

Khung cảnh thiên nhiên của biển Tiên Sa được nhìn từ một bungalow

“Cây dừa xanh tỏa nhiều tàu, dang tay đón gió gật đầu gọi trăng”, những tàu lá dừa đan xen vào nhau tạo thành một thành lũy trên không, mỗi khi cơn gió biển đến trêu chọc thì hàng dừa lại xào xạc lay động đáp trả. Không chỉ có những đợt sóng biển vỗ rì rào ngày đêm, hàng dừa cũng có những vũ điệu riêng của mình. Trong khung cảnh sóng nước êm đềm xuất hiện những ghềnh đá nhấp nhô cứng rắn như nét chấm phá mạnh mẽ cho bức tranh mềm mại của biển cả.

Ghềnh đá nhấp nhô như một nét chấm há đầy mạnh mẽ giữa khung cảnh biển khơi

Ghềnh đá nhấp nhô như một nét chấm há đầy mạnh mẽ giữa khung cảnh biển khơi

Biển Tiên Sa được khai thác để phục vụ cho các hoạt động du lịch – nghỉ dưỡng. Với khung cảnh thiên nhiên hoang sơ và rộng rãi, nơi đây rất thích hợp cho các hoạt động tập thể, đoàn đội như sinh hoạt, dựng lều qua đêm, đốt lửa trại,… Nơi đây còn có các bungalow nhỏ xinh xắn dành cho những du khách có ý định nghỉ chân tại nơi đây qua đêm với không gian nhà ở tiện nghi và sạch sẽ, giá cả lại phải chăng hơn những resort khác ở trong thành phố.

Du khách có thể nghỉ ngơi và tắm nắng dưới mái vòm dừa xinh xắn

Du khách có thể nghỉ ngơi và tắm nắng dưới mái vòm dừa xinh xắn

Đến nghỉ dưỡng tại Tiên Sa, du khách có thể tắm mình trong làn nước trong vắt mát lành của biển cả, tận hưởng không gian yên bình tĩnh lặng của thiên nhiên, tham gia các hoạt động vui chơi giải trí như : moto nước, dù bay, phao điện,… cùng các dịch vụ lặn biển, câu cá trong khu vực bãi biển với nhiều loại hải sản đang sinh sống như cá mú, tôm hùm,…

Những gam màu xanh tuyệt vời từ rặng dừa, cây cỏ, biển cả và bầu trời tại Tiên Sa

Những gam màu xanh tuyệt vời từ rặng dừa, cây cỏ, biển cả và bầu trời tại Tiên Sa

Nếu bạn đang muốn cùng gia đình hay bạn bè có một kỳ nghỉ dưỡng tuyệt vời, tránh xa những tấp nập xô bồ của thành phố thì đến với biển Tiên Sa là một sự lựa chọn tuyệt vời, là một điểm dừng chân đáng để chúng ta ghé lại rất nhiều lần.

Thúy Hiền – Ý Nhi

Nguồn: DANTRI.COM.VN

Những khoảng xanh ngút mắt ở Ibaraki

(Dân trí) – Nếu như đến với Tokyo là để chứng kiến một đô thị hiện đại bậc nhất thế giới xoay chuyển liên tục từng giây phút, thì đến với Ibaraki là để ta trở về với thiên nhiên, thong thả hòa mình vào những không gian xanh mướt đặc trưng của đất nước Nhật Bản.

Ibaraki là một tỉnh cách thủ đô Tokyo không xa, nhưng hoàn toàn tách khỏi cái đông đúc, ồn ã của “siêu đô thị” này. Ibaraki chỉ có các thành phố nhỏ và những miền thôn quê yên bình, với nhiều cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp. Màu sắc của nơi đây thay đổi quanh năm. Mùa đông, phần lớn cây trụi lá và tuyết phủ nơi nơi nên màu trắng là chủ đạo. Mùa xuân và mùa thu, vô số loài hoa khác nhau đua nở nên mỗi mùa có những mảng màu khác nhau tùy thuộc vào những loài hoa nở vào mùa đó. Còn mùa hè, màu xanh mướt của cỏ cây bao phủ khắp nơi, tạo cho ta một cảm giác thật mát mẻ và thư thái.

Mời bạn cùng chiêm ngưỡng những mảng xanh ngút mắt ở Ibaraki:


Cây cối trong khuôn viên Đền Oarai Isosaki-jinja. Đền được xây dựng từ năm 856, bị chiến tranh phá hủy vào thế kỷ 16, đến năm 1690 được xây dựng lại và giữ gìn cho đến ngày nay. Đền thờ vị thần trông coi sức khỏe và hạnh phúc của mọi người.

Cây cối trong khuôn viên Đền Oarai Isosaki-jinja. Đền được xây dựng từ năm 856, bị chiến tranh phá hủy vào thế kỷ 16, đến năm 1690 được xây dựng lại và giữ gìn cho đến ngày nay. Đền thờ vị thần trông coi sức khỏe và hạnh phúc của mọi người.

Một góc Kodokan, trường học lớn nhất Nhật Bản thời kỳ Edo. Trường học là nơi đào tạo cho con cái các lãnh chúa các môn học như võ nghệ, binh pháp, lịch sử, âm nhạc... Mọi công trình lớn nhỏ cho tới các ngôi nhà riêng ở Ibaraki đều được tô điểm bằng nhiều cây xanh, kết hợp hài hòa với kiến trúc đặc trưng tạo nên một vẻ đẹp đậm chất Nhật Bản.

Một góc Kodokan, trường học lớn nhất Nhật Bản thời kỳ Edo. Trường học là nơi đào tạo cho con cái các lãnh chúa các môn học như võ nghệ, binh pháp, lịch sử, âm nhạc… Mọi công trình lớn nhỏ cho tới các ngôi nhà riêng ở Ibaraki đều được tô điểm bằng nhiều cây xanh, kết hợp hài hòa với kiến trúc đặc trưng tạo nên một vẻ đẹp đậm chất Nhật Bản.

Vườn Kairaku-en và phía xa là Hồ Senbako, nhìn từ tầng 3 tòa biệt thự Kobuntei bên trong vườn. Vườn do lãnh chúa Tokugawa Nariaki cho xây năm 1841, và là khu vườn đầu tiên mở cửa cho mọi người dân đều được tự do vào tham quan tại Nhật. Hiện nay Kairaku-en được coi là 1 trong 3 khu vườn đẹp nhất Nhật Bản. Biệt thự Kobuntei trong vườn, xưa kia là nơi nghỉ dưỡng của tầng lớp quý tộc, nay được mở cửa như một bảo tàng.

Vườn Kairaku-en và phía xa là Hồ Senbako, nhìn từ tầng 3 tòa biệt thự Kobuntei bên trong vườn. Vườn do lãnh chúa Tokugawa Nariaki cho xây năm 1841, và là khu vườn đầu tiên mở cửa cho mọi người dân đều được tự do vào tham quan tại Nhật. Hiện nay Kairaku-en được coi là 1 trong 3 khu vườn đẹp nhất Nhật Bản. Biệt thự Kobuntei trong vườn, xưa kia là nơi nghỉ dưỡng của tầng lớp quý tộc, nay được mở cửa như một bảo tàng.

Thác Fukuroda là một trong ba thác nước đẹp nhất Nhật Bản và cũng là một trong những điểm đến thu hút nhất của tỉnh Ibaraki. Thác cao 120m, với những dòng chảy mảnh trông như những sợi chỉ từ trên cao kéo xuống. Vào mỗi mùa, thác có những vẻ đẹp khác nhau. Mùa này, cây cối xanh mướt bao phủ quanh thác. Mùa thu cây cỏ sẽ chuyển sang sắc vàng đậm, cam, đến đỏ rực; mùa đông thác đóng băng trắng xóa...

Thác Fukuroda là một trong ba thác nước đẹp nhất Nhật Bản và cũng là một trong những điểm đến thu hút nhất của tỉnh Ibaraki. Thác cao 120m, với những dòng chảy mảnh trông như những sợi chỉ từ trên cao kéo xuống. Vào mỗi mùa, thác có những vẻ đẹp khác nhau. Mùa này, cây cối xanh mướt bao phủ quanh thác. Mùa thu cây cỏ sẽ chuyển sang sắc vàng đậm, cam, đến đỏ rực; mùa đông thác đóng băng trắng xóa…

Nhà hàng nổi tiếng Shizukaan ở thành phố Naka. Không chỉ phục vụ những món ăn tinh tế, đẹp mắt và ngon miệng, nhà hàng còn nổi tiếng bởi khu vườn tuyệt đẹp đậm chất Nhật Bản trong khuôn viên, là nơi thu hút thực khách đến vãn cảnh.

Nhà hàng nổi tiếng Shizukaan ở thành phố Naka. Không chỉ phục vụ những món ăn tinh tế, đẹp mắt và ngon miệng, nhà hàng còn nổi tiếng bởi khu vườn tuyệt đẹp đậm chất Nhật Bản trong khuôn viên, là nơi thu hút thực khách đến vãn cảnh.

Nhà hàng Sansuitei ở thành phố Tsukuba cũng rất nổi tiếng, từng là nơi các nguyên thủ dự Hội nghị G7 năm 2016 tới dùng bữa. Nhà hàng cũng có một khu vườn tuyệt đẹp với nhiều cây bonsai lớn.

Nhà hàng Sansuitei ở thành phố Tsukuba cũng rất nổi tiếng, từng là nơi các nguyên thủ dự Hội nghị G7 năm 2016 tới dùng bữa. Nhà hàng cũng có một khu vườn tuyệt đẹp với nhiều cây bonsai lớn.

Công viên Hitachi nổi tiếng với các loài hoa nở bốn mùa. Vào mùa xuân, hoa Nemophila nở rộ tại đây tạo thành một cảnh tượng kỳ thú. Ảnh: hitachikaihin.jp

Công viên Hitachi nổi tiếng với các loài hoa nở bốn mùa. Vào mùa xuân, hoa Nemophila nở rộ tại đây tạo thành một cảnh tượng kỳ thú. Ảnh: hitachikaihin.jp

Cây Kochia cũng là một đặc sản có tiếng của Công viên Hitachi. Vào mùa hè, các bụi cây Kochia có màu xanh. Cuối tháng 9, chúng bắt đầu ngả sang màu đỏ và vào tháng 10 thì đạt kích cỡ lớn nhất với màu đỏ rực. hitachikaihin.jp

Cây Kochia cũng là một “đặc sản” có tiếng của Công viên Hitachi. Vào mùa hè, các bụi cây Kochia có màu xanh. Cuối tháng 9, chúng bắt đầu ngả sang màu đỏ và vào tháng 10 thì đạt kích cỡ lớn nhất với màu đỏ rực. hitachikaihin.jp

Ushiku Daibutsu - Tượng Phật bằng đồng cao nhất thế giới ở Ibaraki. Quanh tượng là những khu vườn cây cối xanh tươi và hoa nở quanh năm.

Ushiku Daibutsu – Tượng Phật bằng đồng cao nhất thế giới ở Ibaraki. Quanh tượng là những khu vườn cây cối xanh tươi và hoa nở quanh năm.

Dọc các con đường trong tỉnh, có thể thấy rất nhiều ruộng lúa. Nông nghiệp là một trong những ngành kinh tế chính của tỉnh.

Dọc các con đường trong tỉnh, có thể thấy rất nhiều ruộng lúa. Nông nghiệp là một trong những ngành kinh tế chính của tỉnh.

Thủy cung Aqua World Oarai nằm cạnh biển ở Ibaraki là nơi nuôi nhiều loài cá mập nhất Nhật Bản (52 loài). Thủy cung còn có nhiều loài sinh vật biển kỳ thú và nhiều show biểu diễn hấp dẫn, đặc biệt show trình diễn cá heo được yêu thích nhất.

Thủy cung Aqua World Oarai nằm cạnh biển ở Ibaraki là nơi nuôi nhiều loài cá mập nhất Nhật Bản (52 loài). Thủy cung còn có nhiều loài sinh vật biển kỳ thú và nhiều show biểu diễn hấp dẫn, đặc biệt show trình diễn cá heo được yêu thích nhất.

Chợ cá Nakaminato là nơi rất nhiều loài cá và hải sản tươi ngon được đánh bắt từ biển tập trung tại đây để bán buôn cũng như bán lẻ. Đây cũng là một điểm thu hút khách du lịch của Ibaraki.

Chợ cá Nakaminato là nơi rất nhiều loài cá và hải sản tươi ngon được đánh bắt từ biển tập trung tại đây để bán buôn cũng như bán lẻ. Đây cũng là một điểm thu hút khách du lịch của Ibaraki.

Tuấn Anh

Nguồn: DANTRI.COM.VN

Khám phá Vườn Quốc gia Pù Mát

Nằm trên địa giới hành chính của 3 huyện: Anh Sơn, Con Cuông và Tương Dương (Nghệ An), Vườn Quốc gia Pù Mát từ lâu đã được biết đến là vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển nổi tiếng với nhiều giới sinh vật đa dạng, phong phú. Không những vậy, đây còn là điểm dừng chân độc đáo dành cho những du khách yêu thích khám phá và trải nghiệm. 

Cảnh quan tươi đẹp tại Vườn Quốc gia Pù Mát (nguồn: baomoi.com)

Với những người trong giới nghiên cứu, cái tên Pù Mát đã trở nên vô cùng quen thuộc bởi những đặc trưng và tiềm năng sinh học. Pù Mát được các nhà khoa học trong và ngoài nước đánh giá là một trong những khu rừng đặc dụng có giá trị đa dạng sinh học cao của vùng Bắc Trung Bộ cũng như của Việt Nam. Hiện nay, số lượng thực vật ở đây đã lên tới gần 2500 loài trong đó có 37 loài trong sách đỏ Việt Nam và 20 loài trong sách đỏ quốc tế. Các loài thực vật quý hiếm ở đây gồm có pơ-mu, sa-mu, trầm hương, mun, chò, sao… Về hệ động vật có 241 loài thú, với nhiều loài quý hiếm như: hổ, báo gấm, voọc, vượn đen, gấu chó…

Bên cạnh đó, nơi đây cũng được thiên nhiên ưu đãi cho nhiều cảnh quan tươi đẹp với núi non, cây cỏ cùng nhiều địa điểm dừng chân hút khách du lịch.

Đặt chân tới nơi đây, du khách chắc chắn sẽ bị choáng ngợp bởi cảnh quan hùng vĩ, đậm chất núi rừng dân tộc. Những hàng cây cổ thụ uy nghi với tán cây rộng lớn, hay những hàng dây leo chằng chịt móc nối nhau tạo thành những mảng rừng ken đầy bí ẩn. Thi thoảng, ẩn sâu trong đó là những loài thú rừng đang lẩn khuất dưới những lớp áo ngụy trang. Cùng với đó là những âm thanh rộn ràng, vui nhộn của gió, tiếng líu lo của hàng trăm loài chim rừng,…Tất cả đã tạo nên những mảng màu rực rỡ của bức tranh thiên nhiên giữa đại ngàn tươi đẹp.

Thác Khe Kèm (nguồn: baonghean.vn)

Níu chân khách tham quan ngay dưới chân đỉnh Pù Mát là rất nhiều cảnh vật tuyệt đẹp với những bóng mát quanh năm của rừng săng lẻ; với thác nước đổ từ trên độ cao 150m tung bọt trắng xóa của thác Khe Kèm; với dòng nước mát trong của suối Mọc, hay bia Ma Nhai – một di tích lịch sử độc đáo có từ thế kỷ XIV, thành Trà Lân, nơi ghi dấu ấn của cuộc kháng chiến chống quân Minh; hay hang ông Trạng, nơi hơn 600 năm trước, trạng Bùng Phùng Khắc Khoan bị lưu đày…

Đặc biệt, trên hành trình khám phá Vườn Quốc gia Pù Mát, du khách chắc chắn không thể bỏ lỡ cơ hội được khám phá dòng Sông Giăng thơ mộng – một “đặc sản” của miền Tây xứ Nghệ. Sông trải dài trên 100km bao quanh vườn quốc gia Pù Mát. Thả hồn trên sóng nước, du khách có thể ngắm vẻ đẹp hoang sơ mà rất kỳ vĩ của núi rừng miền Tây xứ Nghệ. Những ngôi nhà sàn lưa thưa xen giữa những ruộng ngô, ruộng lúa xanh tươi của dân bản nơi cuối nguồn; những ngọn núi cao ngun ngút tầm mắt; những cây cổ thụ mọc chòi trên vách đá xõa tán về phía dòng sông. Có đoạn nước sông trong đến mức có thể nhìn rõ từng đàn cá đang tung tăng bơi lội. Còn đối với những du khách ưa mạo hiểm có thể trải nghiệm cảm giác mạnh khi đi thuyền ngược dòng sông Giăng với những giây phút vượt ghềnh vô cùng hồi hộp.

Đi thuyền Sông Giăng (nguồn: baonghean.vn)

Kết thúc chuyến tham quan và du lịch mạo hiểm trên sông Giăng, khách du lịch đến đây còn có cơ hội được trải nghiệm về đời sống của bà con trong khu vực. Ngoài việc tìm hiểu những sinh hoạt truyền thống của bà con dân tộc Thái vùng thượng nguồn sông Giăng sống bằng nghề nông và dệt thổ cẩm, khách phương xa còn được thưởng thức những món ăn dân tộc như cơm lam, cháo chuối, cá mát, gà nướng, tham gia đốt đuốc lửa trại, uống rượu cần, múa điệu Lăm-vông và hát những khúc ca về núi rừng,…

Những bản làng người Thái nằm yên bình dưới những tán rừng xanh thẳm (nguồn: laodong.com.vn)

Với những tiềm năng du lịch hấp dẫn cùng sự đầu tư của ngành và các cơ quan chức năng, trong tương lai, Vườn Quốc gia Pù Mát chắc chắn sẽ trở thành điểm đến lý tưởng cho khách du lịch trong nước và quốc tế, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển du lịch Nghệ An; đồng thời tạo tiền đề bảo vệ sự đa dạng sinh học cùng tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng…

D.H (tổng hợp)

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Đến Ibaraki không chỉ để xem, mà còn để cảm nhận tinh thần Nhật Bản

(Dân trí) – Nhật Bản là một xứ sở độc đáo, với nhiều nét riêng biệt, thậm chí “một mình một kiểu”. Vì vậy, đến với đất nước này, ta không chỉ được tham quan những địa danh, công trình hết sức đặc trưng, mà còn được trải nghiệm một nền văn hóa với cốt cách không lẫn vào đâu được.

Tokyo, Kyoto hay Osaka đều là những thành phố lớn, nổi tiếng và đáng đến của Nhật Bản. Nhưng những nơi đó có điểm hạn chế là quá đông du khách, nên phần nào che lấp cái “hồn cốt” của tinh thần Nhật Bản. Với những người đã quen thuộc với các điểm đến trên, nước Nhật vẫn còn rất nhiều “hòn ngọc” tiềm ẩn nhiều bất ngờ thú vị, có thể cho ta những cảm nhận rõ nét hơn, nguyên bản hơn. Một trong số đó là tỉnh Ibaraki.

Tiềm năng du lịch lớn

Chỉ cách thủ đô Tokyo khoảng 100km, Ibaraki ở vị trí rất thuận tiện cho du khách. Hơn thế nữa, dù cách không xa nhưng Ibaraki hoàn toàn thoát khỏi cái ồn ã, đông đúc đến nghẹt thở của Tokyo. Có vẻ như địa phương này chưa thực sự khai thác đúng tiềm năng du lịch của mình, dù đã có những điểm tham quan rất đặc biệt và khá nổi tiếng như Ushiku Daibutsu – Tượng Phật bằng đồng cao nhất thế giới; Kairaku-en – một trong ba khu vườn đẹp nhất nước Nhật; Công viên Hitachi với hàng nghìn loài hoa và cây độc đáo khoe sắc gần như quanh năm…


Ushiku Daibutsu - Tượng Phật bằng đồng cao nhất thế giới. Dưới chân tượng là những luống hoa đầy màu sắc.

Ushiku Daibutsu – Tượng Phật bằng đồng cao nhất thế giới. Dưới chân tượng là những luống hoa đầy màu sắc.

Chị Tomoko Kiuchi, một nhân viên của Sở Du lịch Ibaraki cho biết, du khách trong nước và quốc tế đến với Ibaraki nhiều nhất vào mùa xuân và mùa thu, là những thời điểm hoa nở rực rỡ nhất tại đây. Vào mùa xuân, hoa anh đào khắp nơi, hoa mận tràn ngập vườn Kairaku-en, còn mùa thu thì Công viên Hitachi đông nghẹt người tới thưởng ngoạn màu đỏ rực của những bụi cây Kochia trải khắp những ngọn đồi…

Chúng tôi đến Ibaraki vào mùa hè, khi có ít màu sắc rực rỡ nhất. Khắp nơi là một màu xanh mướt. Với dân số chỉ khoảng 3 triệu người trên diện tích hơn 6.000 km2 và lượng du khách không nhiều vào mùa này, Ibaraki thật êm đềm, yên ả với những thành phố, thị trấn nhỏ thưa thớt và những miền thôn dã trong lành, tinh khôi. Trong số ít ỏi những du khách nước ngoài mà chúng tôi gặp, một số tỏ ra hơi thất vọng vì mùa này Ibaraki không thật đẹp như những bức tranh đầy màu sắc mà họ được nghe kể và xem qua trước đó.

Trái lại, với những người muốn tìm hiểu về văn hóa, phong tục, thói quen, cách sinh hoạt, và sâu xa hơn nữa là cảm nhận cốt cách, tinh thần của người Nhật, thì đây là một dịp rất tốt, bởi ta phần nào được hòa mình vào cuộc sống của người bản xứ.

Những bụi cây Koicha trứ danh ở Công viên Hitachi vào mùa này đang có màu xanh. Đến tháng 10, chúng sẽ chuyển sang màu đỏ rực

Những bụi cây Koicha trứ danh ở Công viên Hitachi vào mùa này đang có màu xanh. Đến tháng 10, chúng sẽ chuyển sang màu đỏ rực

Ấn tượng về tinh thần Nhật Bản

Ấn tượng đầu tiên mà bất cứ ai đến Nhật chắc hẳn sẽ cảm nhận được, đó là đâu đâu cũng vô cùng sạch sẽ. Tất cả các con phố, vỉa hè, khu vực công cộng cho tới trong nhà, đều sạch bong không một cọng rác và thậm chí không có cả bụi. Nhưng hầu như bạn không thể tìm thấy thùng rác nào, trừ ở trong nhà riêng hoặc phòng khách sạn. Lý do là bởi nước Nhật đã xây dựng được tác phong cho mọi người dân, đi bất cứ đâu có phát sinh rác thì mang theo bên người rồi về nhà phân loại ra để công ty vệ sinh thu gom, chứ không vứt ở ngoài.

Ấn tượng thứ hai là nhà vệ sinh ở đâu cũng rất sạch. Người Nhật quan niệm, mỗi nơi chốn, mỗi đồ vật đều có thần trong đó. Nhà vệ sinh cũng có thần, mà vị thần này ảnh hưởng tới sự thành công trong sự nghiệp, cuộc sống của gia chủ, nên nếu để nhà vệ sinh bẩn thì người chủ cũng sẽ thất bại. Vì vậy mà họ luôn luôn ý thức giữ gìn nhà vệ sinh thật sạch.

Thần Đạo có ảnh hưởng quan trọng tới văn hóa, thói quen sinh hoạt của người Nhật. Viếng thăm những ngôi đền Thần Đạo sẽ cho ta cảm nhận rõ hơn nữa về điều này. Nước Nhật có rất nhiều ngôi đền đẹp và danh tiếng, một trong số đó là Đền Oarai Isosaki-jinja ở Ibaraki. Điểm độc đáo nhất của ngôi đền này là ngoài cổng đền thông thường, còn có thêm một cổng thần đạo Kamiiso-no-torii đặt trên bãi đá tít ngoài biển. Khung cảnh tuyệt diệu khi mặt trời mọc hàng sáng trước cổng thần đạo này đã trở thành một hình ảnh mang tính biểu tượng.

Mặt trời mọc trước cổng Đền Oarai Isosaki-jinja

Mặt trời mọc trước cổng Đền Oarai Isosaki-jinja

Thần Đạo còn tác động lên thói quen ăn uống của người Nhật, hình thành nên văn hóa ẩm thực rất tinh tế, đẹp mắt. Chính vì người Nhật quan niệm mỗi đồ vật đều có thần trong đó nên họ dùng mỗi cái bát, cái đĩa nhỏ để đựng những món ăn khác nhau. Bát cơm đựng cơm, bát canh đựng canh… chứ không để sai, cũng không trộn lẫn vào nhau. Trong suốt những ngày du ngoạn Ibaraki, mỗi bữa ăn của chúng tôi tại một nhà hàng khác nhau lại là một trải nghiệm ẩm thực thú vị, với những món ăn tinh tế, được trình bày vô cùng bắt mắt và đậm chất nghệ thuật.

Bữa ăn tại nhà hàng Shizukaan, một nhà hàng nổi tiếng với đặc sản là những món ăn tinh tế đầy màu sắc với nguyên liệu chính là đậu phụ

Bữa ăn tại nhà hàng Shizukaan, một nhà hàng nổi tiếng với đặc sản là những món ăn tinh tế đầy màu sắc với nguyên liệu chính là đậu phụ

Một điều quan trọng đọng lại sau cả chuyến đi là sự hiếu khách, nồng ấm, chỉn chu, tận tụy và lịch sự của người Nhật, khiến chúng tôi thực sự xúc động. Đi đến mỗi khách sạn, nhà hàng, chúng tôi đều được người đại diện đứng chờ sẵn, đón tiếp nồng hậu. Khi chúng tôi rời đi, họ đứng tươi cười vẫy chào, cúi gập người tạm biệt cho tới tận khi xe đi khuất. Một kỷ niệm khó quên là chuyến bay từ Ibaraki về Hà Nội bị chậm 2 tiếng rưỡi, chúng tôi phải ngồi đợi ở phòng cách ly trong sân bay suốt thời gian đó. Nhưng đến khi ra khỏi phòng chờ để lên máy bay, nhìn ra phía sân tiễn, chúng tôi vẫn thấy chị Tomoko Kiuchi, nhân viên Sở Du lịch, người đã đi cùng và chăm sóc chúng tôi suốt chuyến đi, vẫn đứng ở đó và tươi cười vẫy chào. Sự nhiệt thành, tận tụy với công việc cũng như với khách hàng, đối tác của chị khiến chúng tôi cảm kích vô hạn.

Chuyến khám phá Ibaraki như một điểm đến mới, tuy ngắn ngày nhưng để lại cho chúng tôi rất nhiều ấn tượng và cảm xúc, mà khuôn khổ một bài viết không thể chuyển tải hết được. Thông qua báo chí, chính quyền và những người dân hồn hậu của Ibaraki muốn nhắn nhủ, họ rất mong được đón tiếp thêm thật nhiều người bạn Việt Nam tới thăm để trực tiếp cảm nhận vẻ đẹp của đất nước, con người và văn hóa Nhật Bản, như cầu thủ Nguyễn Công Phượng đang làm với tư cách cầu thủ của đội Mito Hollyhock, một thành phố thuộc Ibaraki.

Tuấn Anh

Nguồn: DANTRI.COM.VN

Vãn cảnh hai ngôi chùa cổ của đất Hà thành

(TITC) – Song hành cùng Thăng Long – Hà Nội nghìn năm văn hiến, hai ngôi chùa Vạn Niên và Tảo Sách được xem là những danh lam cổ tự của Thủ đô, thu hút đông đảo người dân và du khách đến vãn cảnh, chiêm bái, cầu an.  

 

Nằm ở bờ phía tây hồ Tây, chùa Vạn Niên (364 Lạc Long Quân, quận Tây Hồ) tọa lạc trong không gian xanh mát, khoáng đạt với những hàng cây cổ thụ. Chùa được xây dựng năm Thuận Thiên thứ ba (1011), sau khi Vua Lý Thái Tổ rời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra Thăng Long (Hà Nội ngày nay). Trải qua hơn 1.000 năm lịch sử với bao thăng trầm và biến cố, chùa Vạn Niên hiện nay mang đậm phong cách kiến trúc thời Nguyễn với kết cấu hình chữ Đinh, gồm các hạng mục chính: tam quan, tiền đường, chính điện, nhà Mẫu, nhà Tổ…

 

Chính điện chùa Vạn Niên (Nguồn ảnh: tinhtam.vn)

 

Chính điện chùa đặt nhiều tượng Phật, nổi bật là bức tượng Phật Thích Ca Mâu Ni bằng ngọc Myanmar quý hiếm, cao 1,3m, nặng 600kg. Trên nóc chùa có 3 chữ triện đắp nổi “Vạn Niên tự” với ý nghĩa trường tồn cùng thời gian. Nằm sau chính điện là nhà Mẫu thờ bà chúa Liễu Hạnh, một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

 

Chùa Vạn Niên hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị lịch sử và nghệ thuật như bộ 46 pho tượng, trong đó có 26 pho tượng Phật, 20 pho tượng Mẫu và Tổ; 11 đạo sắc phong thời Lê và Tây Sơn; hai quả chuông đồng thời Nguyễn và nhiều đồ thờ khác. Đáng chú ý là trên quả chuông đồng “Vạn Niên tự chung” được đúc dưới thời Vua Gia Long (1802 – 1820) có bài kí miêu tả chùa Vạn Niên là một danh lam cổ tự có quy mô bề thế ở phía tây kinh thành Thăng Long.

 

Năm 1996, chùa Vạn Niên đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích nghệ thuật cấp quốc gia. 

 

Từ chùa Vạn Niên rẽ phải khoảng vài trăm mét, du khách sẽ đến chùa Tảo Sách (386 đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ), ngôi chùa còn giữ được vẻ đẹp cổ kính ở Hà Nội.

 

Khuôn viên chùa Tảo Sách (ảnh: Huy Hoàng)

 

Chùa được dựng vào thời Lê (thế kỷ 15) trên nền một ngôi nhà do Hoàng tử Uy Linh Lang (con trai thứ 7 của Vua Trần Thánh Tông) cho xây dựng để làm nơi đọc sách, ngâm vịnh thi phú. Vì vậy, chùa có tên là Tảo Sách, nghĩa là đọc sách dưới ánh ban mai.

 

Kiến trúc chùa bao gồm các hạng mục chính như: tam quan, tiền đường, chính điện, đài kỷ niệm, nhà Mẫu, nhà Tổ, nhà khách… Trong đó, tòa tiền đường có 4 cột vuông đá xanh đỡ mái hiên, chạm khắc đề tài tứ quý “tùng, cúc, trúc, mai”. Chân cột tạo kiểu tứ diện, khắc hình hoa sen.

 

Chính điện chùa bài trí nhiều tượng Phật như A Di Đà Tam tôn, Tam thế Phật, Thích Ca Mâu Ni, Quan Âm tọa sơn, Quan Âm tống tử. Nhà Mẫu thờ Tam tòa Thánh Mẫu và Ngũ vị Tôn ông.

 

Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni tại chùa Tảo Sách (ảnh: Huy Hoàng)

 

Bộ sưu tập di vật mang giá trị lịch sử nghệ thuật thuộc thế kỷ 18 – 19 còn bảo tồn tại chùa bao gồm hệ thống 29 bia đá, 2 quả chuông đồng, 42 câu đối bằng chữ Hán và chữ Nôm cùng 23 bức đại tự. Bên cạnh đó còn có khá nhiều loại tế khí như: bát nhang sứ men trắng vẽ lam, hoành phi kiểu cuốn thư trang trí rồng chầu và tứ quý, cửa võng, khám thờ, ngai thờ sơn son thếp vàng.

 

Năm 1993, chùa được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

 

Với vẻ đẹp thanh tịnh giữa không gian thiên nhiên trong lành, thoáng mát của hồ Tây, hai ngôi chùa Vạn Niên và Tảo Sách đã góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của người dân Thủ đô và du khách thập phương. Để đến được hai ngôi chùa này, du khách có thể tham gia tour Du lịch văn hóa lịch sử hồ Tây bằng ô tô điện do Công ty Cổ phần TLC Hồ Tây khai thác.

 

Phạm Phương – Thanh Hải

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

20.000 ‘ổ khóa tình yêu’ được… tái chế!

Khoảng 20.000 ổ khóa “tình yêu” được các cặp tình nhân gắn trên cây cầu đi bộ Evan ở Melbourne (Australia) đã được nấu chảy, đúc lại hoặc cải tổ thành các tác phẩm nghệ thuật và được bán để ủng hộ từ thiện.

Nhiều năm qua, người dân thành phố Melbourne và khách tham quan đã dùng cây cầu đi bộ Evan để kể với thế giới tình yêu của họ bằng các ổ khóa.

Tuy nhiên từ tháng 5/2015, các “ổ khóa tình yêu” đã bị Hội đồng Thành phố Melbourne tháo dỡ dù họ không muốn xóa bỏ những cách bày tỏ tình yêu nhưng do trọng lượng của 20.000 ổ khóa quá nặng so với cây cầu.

Song Hội đồng Thành phố Melbourne đã ủy quyền cho 6 nghệ sĩ địa phương tìm cách biến những “ổ khóa tình yêu” đó thành các tác phẩm nghệ thuật.

Kết quả là họ đã chế ra chiếc chuông hòa âm nặng 120kg, 100 ổ khóa hình trái tim và chiếc dây chuyền lớn, được lấy cảm hứng từ việc các tù nhân thường đeo các đồng xu có hình khắc.

Các tác phẩm này hiện được trưng bày tại Tòa Thị chính Melbourne và khách tham quan có thể tham gia chơi xổ số để giành được một trong những tác phẩm này.

Trong khi đó, các ổ khóa hình trái tim đang được bán và toàn bộ số tiền thu được sẽ được đưa vào Quỹ Từ thiện của Thị trưởng thành phố.

Nhiều thành phố khác như Paris (Pháp), New York (Mỹ), Dublin (Anh) và Florence (Italy) cũng đã phải tháo rời hàng ngàn ổ khóa tình yêu trên các cây cầu trong thành phố vì lý do an toàn.

Theo Tuấn Vĩ
Theo ABC

Nguồn: DANTRI.COM.VN

Đến thăm nơi có tượng Phật Quan Thế Âm Bồ Tát cao nhất Việt Nam

(TITC) – Thành phố Đà Nẵng không chỉ được biết đến với những bãi biển trong xanh, bờ cát dài trắng mịn mà nơi đây còn thu hút bởi những điểm du lịch tâm linh đặc sắc, đem đến cho du khách cảm giác thư thái, thanh tịnh như lạc giữa chốn bồng lai tiên cảnh. Chùa Linh Ứng Sơn Trà (còn được gọi là chùa Linh Ứng Bãi Bụt) là một trong những điểm đến như thế. 

Khuôn viên chùa Linh Ứng Sơn Trà

Nằm ở lưng chừng dãy núi trên bán đảo Sơn Trà, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng, với diện tích 20ha, mặt hướng ra biển Đông, chùa Linh Ứng Sơn Trà được đánh giá là ngôi chùa lớn nhất thành phố Đà Nẵng cả về quy mô lẫn kiến trúc nghệ thuật với sự kết hợp hài hòa giữa nét truyền thống và hiện đại của chùa chiền Việt Nam.

Chính điện chùa

Được khởi công xây dựng từ tháng 07/2004 và khánh thành ngày 30/07/2010, chùa Linh Ứng Sơn Trà là một quần thể bao gồm các hạng mục: chính điện, nhà tổ, giảng đường, tăng đường, thư viện… Chính điện của chùa có những trụ cột vững chắc được bao quanh bởi hình rồng nổi uốn lượn rất tinh xảo. Chính giữa điện thờ tượng Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, Quan Thế Âm Bồ Tát và Địa Tạng Vương Bồ Tát. Thẳng hướng chính điện là “vườn La Hán”, nơi đặt tượng 18 vị La Hán được tạc bằng đá trắng nguyên khối. Mỗi vị là hiện thân cho những cung bậc cảm xúc “hỉ, nộ, ái, ố”, tạo nên một bức tranh vô cùng sinh động, chân thực.

Điểm nổi bật nhất trong quần thể kiến trúc chùa Linh Ứng Sơn Trà là pho tượng Quan Thế Âm Bồ Tát cao 67m, đường kính tòa sen 35m, mặt hướng ra biển với đôi mắt hiền từ, một tay bắt ấn tam muội, tay kia cầm bình nước cam lộ như đang ban phát phước lành cho chúng sinh. Trong lòng tượng có 17 tầng tháp, mỗi tầng đều đặt bệ thờ Phật mang hình dáng, vẻ mặt, tư thế khác nhau, gọi là “Phật trung hữu Phật”.

Tượng Quan Thế Âm Bồ Tát

Đặc biệt, từ cổng chùa, du khách có thể chiêm ngưỡng thành phố Đà Nẵng – một đô thị đang trên đà phát triển với nhiều công trình kiến trúc hiện đại cùng những bãi biển trong xanh in bóng mây trời. Phóng tầm mắt ra xa hơn, núi Ngũ Hành Sơn sẽ hiện ra trước mắt khiến du khách vô cùng thích thú. Về đêm, đứng từ cổng chùa nhìn xuống, du khách còn có thể nhìn thấy một vệt sáng dài của ánh đèn thành phố hệt như một vệt sao băng trên bầu trời đêm lung linh huyền ảo.

Biển Đà Nẵng nhìn từ chùa Linh Ứng Sơn Trà

Tọa lạc ở vị trí đắc địa trong quần thể du lịch mới nổi của thành phố Đà Nẵng – Khu du lịch bán đảo Sơn Trà, chùa Linh Ứng Sơn Trà không chỉ là nơi học tập, tu hành của tăng ni, phật tử mà còn trở thành nơi ngoạn cảnh độc đáo của du khách bốn phương, nơi hội tụ linh khí đất trời và lòng người. 

Bài: Lam Phương; ảnh: TH

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Đến Tả Phìn tham quan làng dệt thổ cẩm và tắm lá thuốc của đồng bào địa phương

(TITC) – Cách thị trấn Sa Pa khoảng 12km về phía đông bắc, xã Tả Phìn là một trong những tuyến du lịch trọng điểm của huyện Sa Pa, Lào Cai. Không chỉ được biết đến với vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, kỳ vĩ, Tả Phìn còn hấp dẫn du khách bởi bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào các dân tộc địa phương, trong đó, nghề dệt thổ cẩm của người Mông và tắm lá thuốc của người Dao đỏ là 2 “đặc sản” tạo nên sản phẩm đặc trưng cho vùng đất này.

Phong cảnh bản Tả Phìn

Đến Tả Phìn vào bất cứ thời điểm nào trong năm, ở bất cứ nơi đâu, có thể là sân nhà, góc chợ hay lề đường, du khách đều có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh từng nhóm phụ nữ ngồi quây quần bên nhau thêu thùa và chuyện trò vui vẻ. Bằng các nguyên liệu đơn giản như sợi bông, sợi lanh, lá trầu, củ nghệ, củ nâu, chàm… qua bàn tay khéo léo và óc thẩm mỹ tinh tế của người phụ nữ đã thêu, dệt nên những tấm vải đủ màu sắc, hoa văn mang đậm giá trị bản sắc dân tộc, bao gồm nhiều sản phẩm độc đáo như: váy, áo, khăn, mũ, ba lô, túi khoác du lịch, túi xách tay, ví, tranh…

Ngay từ khi 6 – 7 tuổi, các trẻ em gái ở Tả Phìn đã được các bà, các mẹ dạy cách cầm kim, xoắn chỉ và đếm sợi; sau đó là cách chọn sợi, chọn vải, cách tìm cây lấy màu cũng như kỹ thuật pha màu, phối màu, cách thêu, dệt những sản phẩm thổ cẩm từ đơn giản đến phức tạp. Không chỉ dạy thêu thùa, các bà, các mẹ còn giải thích ý nghĩa của những hoa văn và đường nét trên từng tấm vải. Và khi đến tuổi trưởng thành, mỗi phụ nữ Mông sẽ được chia những mảnh nương riêng để trồng lanh. Khi cây lanh có chiều cao khoảng 2m thì cắt về, đem phơi khô rồi tách lấy vỏ. Khi tách phải hết sức khéo léo sao cho sợi lanh có độ mảnh đều nhau và không bị đứt nửa chừng. Những bó vỏ lanh này được cuộn chặt lại, cho vào cối giã để đánh bong hết bột sao cho chỉ còn lại sợi dai, sau đó cuộn lại thành những con sợi lớn. Để đạt được độ trắng và mềm, sợi lanh phải qua vài lần luộc nước tro bếp và một lần luộc nước sáp ong rồi mới dệt thành vải. Người Mông thường dệt vải bằng khung cửi đai lưng. Tấm vải dệt xong phải giặt đi giặt lại nhiều lần cho thật trắng, sau đó trải lên khúc gỗ tròn, rồi dùng một phiến đá chà sáp ong trượt đi, trượt lại cho đến khi thật phẳng.

Phụ nữ Tả Phìn miệt mài ngồi thêu

Công đoạn đòi hỏi nhiều công sức nhất là thêu hoa văn trang trí lên tấm vải. Mẫu thêu chủ đạo là xoáy ốc, hoa bí hoặc những hoa văn lấy cảm hứng từ thiên nhiên như cây, cỏ, hoa, lá, chim muông… Người Mông rất cầu kỳ khi thêu trang phục truyền thống của phụ nữ với đầy đủ khăn quấn đầu, áo trong, áo ngoài, váy và vải bó chân. Họ thêu riêng từng phần rồi khâu lại thành trang phục hoàn chỉnh. Mỗi tấm vải mang dấu ấn cá nhân rất rõ, thể hiện sự tinh tế của người thêu.

Ðối với người dân tộc vùng cao, thổ cẩm không chỉ dùng để phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày mà còn là vật kỷ niệm tình yêu hay của hồi môn trong ngày cưới. Sự khéo léo trong việc may vá, thêu thùa vừa là hành trang vào đời của các cô gái nơi đây và cũng là tiêu chí quan trọng để các chàng trai lựa chọn bạn đời.

Đến Tả Phìn, ngoài việc tìm mua những sản phẩm thổ cẩm “chính hiệu” của người Mông, du khách còn có dịp thưởng thức dịch vụ tắm lá thuốc của người Dao đỏ. Dịch vụ này đã trở thành sản phẩm đặc trưng của đồng bào địa phương, thu hút đông đảo du khách đến tham quan và trải nghiệm.

Phòng tắm lá thuốc của người Dao đỏ

Thuốc tắm của người Dao đỏ ở Tả Phìn có nhiều loại cây hơn so với thuốc của các nhóm người Dao khác, dao động từ 10 đến hơn một trăm loại khác nhau, tùy mục đích sử dụng. Cây thuốc tươi hoặc sau khi đã phơi khô được chặt nhỏ, cho vào một chiếc nồi lớn rồi đun sôi bằng củi. Sau đó, nước thuốc được đổ vào một thùng gỗ tròn, pha thêm nước lạnh, tạo độ ấm vừa phải để tắm. Trong căn phòng nhỏ, hơi nước nóng từ bồn gỗ tỏa ra, quyện với mùi hương thảo dược khiến người tắm cảm thấy vô cùng sảng khoái và dễ chịu.

Tắm hoặc ngâm chân lá thuốc trong một thời gian dài có tác dụng chữa trị các bệnh phong thấp, đau nhức xương khớp, mỏi cơ, thần kinh tọa, cảm hàn, cảm cúm, dạ dày, các bệnh ngoài da, ho, đau lưng, đau gan… Đặc biệt, phụ nữ tắm lá thuốc da dẻ sẽ mịn màng, máu huyết lưu thông.

Tắm lá thuốc của người Dao đỏ không chỉ đơn thuần là một phương pháp chăm sóc sức khoẻ mà còn là một yếu tố cấu thành bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc. Hiện ở Tả Phìn có nhiều hộ gia đình người Dao đỏ mở dịch vụ tắm lá thuốc phục vụ khách du lịch. Đặc biệt, Tả Phìn còn có Công ty cổ phần Các sản phẩm bản địa bao gồm hơn 40 hộ gia đình trong xã, chuyên sản xuất các loại thuốc tắm của người Dao để bán ra thị trường.

Với phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, khí hậu mát mẻ, trong lành, con người thân thiện, mến khách cùng những sản phẩm dịch vụ độc đáo, Tả Phìn đang ngày càng trở thành điểm du lịch hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước. Nếu có dịp đến Tả Phìn, du khách đừng bỏ qua cơ hội tìm hiểu và thưởng thức những sản phẩm độc đáo mà nơi đây dành tặng.

Bài: Phạm Phương; ảnh: Huy Hoàng

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

TIN MỚI NHẤT