Điểm đến du lịch

Những địa điểm du lịch hấp hẫn những địa điểm du lịch trong nước, địa điểm du lịch nước ngoài được chúng tôi tổng hợp và đưa tin đến Quý bạn đọc đam mê du lịch có cái nhìn tổng quan nhất về các địa danh du lịch để quyết định cho mình cho những chuyến du lịch ý nghĩa nhất

Lào Cai khai thác tuyến, điểm du lịch mới

Được đánh giá là một trong những điểm du lịch danh tiếng của miền Bắc với thắng cảnh đẹp cùng nền văn hóa đa sắc màu của đồng bào các dân tộc thiểu số khiến doanh thu du lịch Lào Cai không ngừng tăng qua các năm.

Theo số liệu thống kê, 8 tháng năm 2012, lượng khách du lịch đến với Lào Cai đạt 717.610 lượt khách, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó khách quốc tế đạt 262.532 lượt, khách nội địa tăng 5,1%, tổng doanh thu tăng 43,3%.
 

Để thu hút du khách hơn nữa, đặc biệt là lượng khách quốc tế thì cần khai thác tốt tiềm năng từ những tuyến, điểm du lịch mới.

Từ năm 2008 đến nay, Lào Cai đã phát triển 17 điểm du lịch và 12 tuyến du lịch cộng đồng tại huyện Sa Pa và Bắc Hà. Trong đó có 4 tuyến du lịch được khai thác vĩnh viễn và 8 tuyến thử nghiệm trong khoảng 2 – 3 năm. Các tuyến du lịch thử nghiệm được đánh giá là có sức hấp dẫn với du khách nước ngoài như tuyến Sa Pa – Bản Xèo – Mường Hum – Ý Tý – A Lù – A Mú Sung – Trịnh Tường – thành phố Lào Cai; tuyến thành phố Lào Cai – Bắc Hà – Cán Cấu – Si Ma Cai – Cốc Mế – sông Chảy – Cốc Ly.
 

Sau huyện Sa Pa, Bắc Hà, tuyến du lịch khám phá vòng cung Bát Xát với các địa danh mới được du khách ưa thích với hình thức “du lịch bụi”. Là huyện vùng cao tập trung chủ yếu 5 dân tộc sinh sống: Mông, Dao, Giáy, Kinh, Hà Nhì, huyện Bát Xát có nhiều tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng. Tại đây có nhiều điểm du lịch nổi tiếng, như cầu Thiên Sinh (Ý Tý), địa danh Lũng Pô – nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt; du lịch rừng già Dền Sáng, Ý Tý; hang động Mường Vi và nhiều làng nghề truyền thống. Năm 2011, UBND tỉnh đã công nhận một số tuyến, điểm du lịch thử nghiệm tại Bát Xát. Huyện Bát Xát xác định phát triển kinh tế du lịch là quan trọng, được đưa vào chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của các xã. Các chương trình lồng ghép với phát triển du lịch lần lượt được triển khai. Một số lễ hội truyền thống của người dân bản địa được huyện tổ chức quảng bá rộng rãi, tạo sản phẩm du lịch độc đáo. Nhằm cải tạo cảnh quan thiên nhiên phục vụ phát triển du lịch, UBND huyện Bát Xát có kế hoạch trồng hơn 1.000 cây gạo dọc tuyến đường ven sông Hồng thuộc các xã Trịnh Tường, A Mú Sung và 3.000 cây đào tại xã Ý Tý.

Huyện Si Ma Cai cũng có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, bởi khí hậu mát và nơi đây rất giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Du khách nước ngoài luôn bị hấp dẫn với tour du lịch đến Si Ma Cai với chợ phiên Cán Cấu rực rỡ sắc màu; ngắm nhìn dãy núi Quan Thần Sán có độ cao 2.800m, không kém nóc nhà Đông Dương là mấy. Nét hoang sơ của Si Ma Cai và việc khai thác các tuyến, điểm mới đang mở ra cho “vùng đất đá xám” này cơ hội phát triển mạnh trong tương lai. Hiện các tuyến, điểm du lịch mới đã được công nhận hoặc đang trong thời gian thử nghiệm đều dưới hình thức du lịch cộng đồng, homestay (là loại hình du lịch mà du khách được ở và sinh hoạt chung nhà với người dân bản xứ như thành viên trong gia đình).

Theo ông Lê Văn Tiến, phó Trưởng phòng Quy hoạch và Phát triển tài nguyên du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai), đánh thức tiềm năng những tuyến, điểm du lịch mới là rất cần thiết nhằm giảm tải cho các thắng cảnh du lịch quen thuộc và tạo ra sức hấp dẫn mới cho du lịch Lào Cai. Để thực hiện tốt chủ trương này, trước hết cần thay đổi nhận thức của người dân địa phương về kinh tế du lịch, tập trung đầu tư, nâng cao chất lượng hạ tầng, nhất là cơ sở lưu trú homestay.

Trong đề án phát triển du lịch Lào Cai giai đoạn 2011 – 2015, đến năm 2015, tỉnh sẽ phấn đấu đạt khoảng 1,5 triệu lượt du khách, doanh thu đạt khoảng 3.400 tỷ đồng, tổng số lao động trong lĩnh vực du lịch ước khoảng 8.500 người, mức chi tiêu bình quân của du khách ước khoảng 650.000 đồng/ngày.

Khai thác hiệu quả tuyến, điểm du lịch mới là một trong những giải pháp quan trọng để du lịch Lào Cai đạt mục tiêu này.


 

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Du lịch trách nhiệm vì sự phát triển bền vững

Ngày nay, khái niệm “Du lịch có trách nhiệm” không là một loại hình du lịch mới, nhưng có ý nghĩa rất quan trọng. Bản chất của loại hình du lịch này chứa đựng những đặc trưng của phát triển du lịch bền vững, tuy nhiên nó mang tính phổ quát, định hướng cao hơn và thậm chí điều chỉnh tất cả các loại hình du lịch khác nhằm hướng mục tiêu phát triển ngành du lịch đạt tới sự hài hòa, đem lại lợi ích bình đẳng cho tất cả chủ thể tham gia vào quá trình phát triển du lịch. Đồng thời, nó góp phần đáng kể trong việc hỗ trợ cho việc tạo dựng nên một môi trường lành mạnh vì lợi ích kinh tế-xã hội.

Du lịch có trách nhiệm gồm một số đặc trưng cơ bản: Giảm thiểu các tác động tiêu cực về kinh tế, xã hội và môi trường; mang lại nhiều lợi ích hơn cho người dân địa phương và tăng thu nhập cho các cộng đồng dân cư điểm đến, cải thiện điều kiện làm việc và tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho ngành du lịch; khuyến khích người dân tham gia vào quá trình quyết định những vấn đề có thể ảnh hưởng tới cơ hội mưu sinh của họ; góp phần tích cực vào việc bảo tồn các di sản tự nhiên và văn hóa, duy trì tính da dạng; mang lại nhiều trải nghiệm thú vị cho khách du lịch thông qua giao tiếp với cộng đồng địa phương, qua đó giúp họ hiểu sâu sắc hơn về văn hóa, xã hội và môi trường bản địa; tạo điều kiện cho mọi người có thể tiếp cận dễ dàng hơn các dịch vụ du lịch; tăng cường sự tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau giữa khách du lịch và cộng đồng điểm đến, tạo dựng niềm tin và tự hào của người dân tại các điểm du lịch. Theo đó, phát triển du lịch có trách nhiệm cần tuân thủ những nguyên tắc chủ yếu sau:

Trách nhiệm về kinh tế:

– Khi phát triển các dự án du lịch, cần phải đánh giá tác động kinh tế, xác định rõ ưu tiên loại hình nào phát triển phù hợp, sẽ mang lại lợi ích cho cộng đồng dân cư địa phương và giảm thiểu các tác động tiêu cực tới đời sống của họ, ví dụ: phát triển dự án du lịch có dẫn tới hậu quả  làm tổn hại và cạn kiệt các nguồn lực, tài nguyên? Đồng thời, cũng cần phải xác định rõ phát triển du lịch có phải là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương mình hay không?

– Tăng cường liên kết nhằm khuyến khích sự tham gia mạnh mẽ hơn của các cộng đồng dân cư vào hoạt động du lịch; giảm thiểu sự thiệt hại trong quá trình khai thác và sử dụng các nguồn lực; phát triển du lịch gắn chặt với mục tiêu vì người nghèo và hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo.

– Chất lượng sản phẩm du lịch của điểm đến cần phải nêu bật được nét hấp dẫn đặc thù và chú trọng tới giá trị gia tăng.

– Xúc tiến quảng bá du lịch phải đảm bảo tôn trọng tính nguyên vẹn về văn hóa, kinh tế, tự nhiên và xã hội; khuyến khích phát triển các loại hình du lịch phù hợp với hoàn cảnh thực tế.

– Tôn trọng phong tục, tập quán của cư dân bản địa, kinh doanh bình đẳng, xây dựng giá cả hợp lý và xây dựng mối quan hệ kinh doanh chia sẻ trách nhiệm cả trong rủi ro và thành công. Tuyển dụng và đào tạo nhân viên làm việc có tay nghề đạt tiêu chuẩn quốc tế.

– Dành hỗ trợ đáng kể cho các doanh nghiệp nhỏ, vừa và cực nhỏ hoạt động trong các lĩnh vực liên quan tới du lịch phát triển theo hướng bền vững.

Trách nhiệm về xã hội:

– Tích cực thu hút cộng đồng dân cư địa phương tham gia vào quá trình hoạch định chính sách và ra quyết định, nâng cao năng lực để cho họ hiện thực hóa các sáng kiến đề ra.

– Đánh giá tác động xã hội thông qua các chu kỳ vận động dự án, ngay từ khâu lập kế hoạch, thiết kế dự án nhằm giảm thiểu các tác động xã hội và tối đa hóa yếu tố tích cực.

– Biến du lịch là nhu cầu trải nghiệm chung của toàn xã hội, nhằm đảm bảo quyền lợi cho tất cả mọi người, đặc biệt la những nhóm người và cá nhân dễ bị tổn thương và thiệt thòi.

– Ngăn chặn lạm dụng tình dục trong du lịch, đặc biệt đối với trẻ em.

– Tôn trọng văn hóa bản địa, bảo tồn và phát huy tính đa dạng về văn hóa và xã hôi.

– Đảm bảo du lịch đóng góp đáng kể vào cải thiện y tế và giáo dục.

Trách nhiệm về môi trường:

– Cần đánh giá tác động môi trường trong quá trình hoạch định và thiết kế dự án du lịch.

– Sử dụng tài nguyên hợp lý và bền vững, giảm chất thải và tiêu thụ quá mức tài nguyên và năng lượng.

– Quản lý đa dạng tự nhiên, sinh thái theo hướng bền vững; phục hồi những khu vực tài nguyên tự nhiên bi xâm hại và xác định rõ các loại hình du lịch gắn với môi trường để có hướng bảo vệ, bảo tồn nguyên vẹn các hệ sinh thái dễ bị phá hủy và các khu phòng hộ.

– Tăng cường đào tạo, nâng cao nhận thức cho mọi chủ thể về phát triển bền vững.

– Nâng cao năng lực về du lịch cho mọi chủ thể và cần phải tuân thủ những mô hình phát triển du lịch lành mạnh và hiệu quả nhất. Để đạt được mục tiêu trên, cần phải thường xuyên tham vấn các chuyên gia môi trường và bảo tồn.

Phát triển bền vững là xu thế tất yếu của thời đại. Du lịch không những không nằm ngoài tiến trình trên mà còn đóng góp vai trò to lớn và quan trọng vào thực hiện mục tiêu đó. Hầu hết các quốc gia có ngành du lịch phát triển cũng như một số nước đang phát triển trên thế giới  đã và đang tập trung nhiều nỗ lực để phát triển mô hình du lịch này và gặt hái được nhiều thành công. Du lịch là một trong những ngành kinh tế có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, nó là nhân tố phát triển và cũng là hệ quả để đảm bảo sự phát triển bền vững. Để có thể hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch có trách nhiệm, đòi hỏi có tình thần trách nhiệm cao và sự phối hợp chặt chẽ từ mọi chủ thể, cả ngành du lịch lẫn các ngành liên quan. Trong đó, đặc biệt chú trọng mối quan hệ giữa 5 chủ thể chính đó là cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cả trung ương và địa phương, cộng đồng dân cư địa phương, các hiệp hội nghề nghiệp trong đó hiệp hội du lịch là chủ đạo, doanh nghiêp du lịch và cuối cùng người khách du lịch. Đồng thời, vì sự nghiệp phát triển du lịch chung, cần phải xây dựng cam kết tập thể ở cấp cao thông qua việc hình thành cơ chế hợp tác chung, trong đó cơ quan quản lý nhà nước về du lịch đóng vai trò nòng cốt, với sự tham gia tích cực và thường xuyên của các cơ quan thẩm quyền liên quan, cần có trách nhiệm cụ thể, rõ ràng đối với từng nhiệm vụ được phân công. Cần phải xây dựng một chiến lược quốc gia riêng về phát triển du lịch có trách nhiệm, từ đó làm cơ sở để thể chế hóa các sáng kiến, nội dung du lịch có trách nhiệm trong các chương trình xây dựng chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật, các kế hoạch, quy hoạch du lịch. Bên cạnh đó, việc huy động mọi nguồn lực để triển khai các hoạt động cụ thể cũng không kém phần quan trọng, trong đó đặc biệt là nhân lực và tài lực. Với những định hướng cơ bản trên, vận dụng và thực thi tốt chắc chắn sẽ là những nền móng quan trọng để thúc đẩy ngành du lịch phát triển theo hướng chất lượng, bền vững, có trách nhiệm.

Phương Linh RMIT

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Về thăm đất cù lao Long Trị ở thành phố Trà Vinh

Về Trà Vinh, nếu du khách chỉ tham quan thắng cảnh Ao Bà Om, biển Ba Động, những ngôi chùa Khmer nằm nép mình dưới những “rừng” cây sao, dầu cổ thụ mà không ghé thăm vùng đất cù lao Long Trị thì thật đáng tiếc.

Long Trị bây giờ đã được nhiều du khách ưa thích sống chan hòa với thiên nhiên đặt cho cái tên mới là “Cù lao xanh” giữa mênh mông sông nước.

Cù lao Long Trị thuộc xã Long Đức, thành phố Trà Vinh, với diện tích tự nhiên gần 200ha, nằm trải dài hơn 7km giữa dòng sông Cổ Chiên. Cù lao Long Trị nằm trong chuỗi cù lao nằm giữa dòng Cổ Chiên được tạo hóa ban tặng mà ngành du lịch địa phương đang triển khai kế hoạch hình thành một tuyến du lịch sinh thái, sông nước, một loại hình du lịch đang thịnh hành. Nếu thành phố Trà Vinh tự hào đã có trên 300 năm hình thành và phát triển thì vùng đất cù lao Long Trị cũng trải qua ngần ấy thời gian lịch sử của quê hương.

Từ trung tâm thành phố Trà Vinh, du khách chỉ mất chưa quá 15 phút đi xe máy là đến bến phà tại ấp Vĩnh Yên để sang sông đến với cù lao xanh Long Trị. Cứ mỗi giờ đồng hồ là có một chuyến phà về cù lao nhưng lúc nào cũng có trên 50 khách bộ hành.

Gần 20 phút rời đất liền, phà cập bến Long Trị. Trục lộ giao thông chính của Long Trị được bêtông hóa có chiều ngang 2,5m, chạy suốt cù lao do Nhà nước và nhân dân cùng làm, cùng với hệ thống lưới điện quốc gia vượt sông, vươn dài phủ khắp, tạo nên một diện mạo nông thôn mới trên vùng đất mênh mông nước, xóa đi cái mặc cảm tự ti về xứ sở cù lao cách trở, xa xôi trong lòng người dân Long Trị. Hai bên trục lộ giao thông, nhà ngói thi nhau mọc lên chẳng khác những phố phường nơi nội ô thành phố của tỉnh lỵ.

Cù lao Long Trị có 200 hộ dân sinh sống. Nơi đây được xem là tiêu biểu cho hệ sinh thái vùng nước lợ, bởi nửa năm nước ngọt, nửa năm bị xâm nhập mặn. Những người cao niên sống ở cù lao cho biết ngày xưa trên cù lao có rất nhiều cây bàng nên người ta gọi là cồn Bàng. Ngoài ra còn xen lẫn với những chủng loài thực vật đặc hữu vùng bị xâm nhập mặn như bần, dừa nước cùng nhiều loài chim muông. Sau năm 1975, cồn Bàng có tên mới là Long Trị. Ngày nay, trên vùng đất cù lao này ngoài ruộng lúa và cây dừa truyền thống, người dân còn trồng trên 30ha cây ăn trái.

Những năm gần đây, ngành du lịch tỉnh Trà Vinh đã đầu tư hơn 5 tỷ đồng để xây dựng một số công trình cơ sở hạ tầng, vườn cây ăn trái với các loại cây đặc sản như nhãn, xoài, cam sành, bưởi… Khu cồn nổi mới hình thành do phù sa bồi lắng với 40ha mặt nước và khu rừng bần 30ha cũng đang được triển khai để khai thác cù lao Long Trị như một khu du lịch sinh thái với các tour từ Khu du lịch văn hoá Ao Bà Om đến Khu di tích lịch sử đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đến cù lao Long Trị, ngoài ngắm cảnh sông nước, vườn cây ăn trái, hít thở không khí trong lành, nơi đây còn nổi tiếng bởi đặc sản cá bông lau nấu lẩu chua trái bần, cá bông lau kho tộ…

Đêm cù lao Long Trị vẫn có những quán càphê nhạc, những điểm karaoke, hát với nhau. Đêm về, cù lao không thiếu tiếng sóng vỗ bờ, với những bầy đom đóm lập lòe trong rừng bần, phong cảnh sông nước hữu tình, sống động./.

Phúc Sơn

 

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Đồng Tháp phát triển du lịch sinh thái và làng nghề

Với lợi thế có nhiều tài nguyên du lịch phong phú như Vườn Quốc gia Tràm Chim – nơi bảo tồn hệ sinh thái Đồng Tháp Mười cổ xưa với rất nhiều loài chim quý, Khu Du lịch Sinh thái Gáo Giồng, Làng hoa kiểng Sa Đéc, trong giai đoạn 2011-2015, ngành du lịch Đồng Tháp sẽ phát triển theo hướng du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử trên cơ sở khai thác triệt để các tài nguyên sẵn có, sản phẩm du lịch phải đáp ứng được nhu cầu của thị trường khách du lịch.

 

Đồng thời, tỉnh cũng gắn phát triển du lịch với việc bảo vệ và tôn tạo cảnh quan môi trường sinh thái, đảm bảo phát triển du lịch mang tính bền vững.

Đồng Tháp có trên 10 cồn lớn, nhỏ nằm rải rác hầu hết các huyện và nhiều di tích lịch sử văn hóa, cách mạng như Khu Di tích Nguyễn Sinh Sắc, Khu Di tích Xẻo Quýt, Tượng Đài Gò Quản Cung-Giồng Thị Đam. Hơn thế, nơi đây còn có sự giao thoa của nhiều sắc thái văn hóa được thể hiện rõ nét qua những di tích Gò Tháp, Chùa Bửu Lâm, Dinh Ông Đốc Vàng, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, nhà cổ ở thị xã Sa Đéc và huyện Hồng Ngự, Chùa Kiến An Cung, Chùa Hương, Chùa Bà, Chùa Tổ, Đình Thần Tân Phú Trung, Miếu Ông Bà Chủ Chợ Cao Lãnh.

Ngoài ra, Đồng Tháp còn khá nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng như Chiếu Định Yên, Nem Lai Vung, Dệt Choàng Long Khánh và các Khu Cửa khẩu Quốc tế Thường Phước, Dinh Bà… có thể phát triển loại hình du lịch tham quan kết hợp mua sắm.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX đã đề ra nhiệm vụ phát triển du lịch trong những năm tới: “Nâng cấp mở rộng khu di tích Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, xây dựng các sự kiện, lễ hội văn hóa, tín ngưỡng kết hợp với du lịch, phát huy các khu bảo tồn sinh thái và di tích lịch sử-văn hóa ở Đồng Tháp Mười trở thành những điểm du lịch đặc trưng đủ điều kiện gắn kết với các tuyến du lịch trong và ngoài nước, xúc tiến thực hiện quy hoạch ngành du lịch, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch.”

Để phát huy được tiềm năng sẵn có, tỉnh xác định tập trung cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực là hai điểm yếu của du lịch Đồng Tháp, vì vậy cần phải phát huy hơn nữa hai lĩnh vực này để du lịch phát triển. Công tác đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển sản phẩm du lịch; trong đó ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng các khu điểm du lịch trọng yếu của tỉnh Khu di tích Gò Tháp, Khu du lịch Xẻo Quýt, Khu du lịch Sinh thái Gáo Giồng, khu Di tích Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Vườn Quốc gia Tràm Chim, Làng hoa kiểng Sa Đéc theo mục tiêu chung cuốn chiếu, không dàn trải, nâng dần giá trị và sức thu hút khách đến các khu điểm du lịch.

Tỉnh đầu tư mở rộng và phát triển các công trình dịch vụ, du lịch, vui chơi, giải trí phù hợp tại các điểm, khu du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, chú trọng phát triển hệ thống các trạm dừng chân trên các tuyến du lịch, chủ yếu phát triển, tôn tạo các di tích văn hóa-lịch sử-cách mạng và các lễ hội, làng nghề truyền thống để phục vụ du lịch, đổi mới phương thức kinh doanh, nâng cao chất lượng dịch vụ và đa dạng hóa các loại hình du lịch, nhằm đáp ứng nhu cầu của khách để kéo dài thời gian lưu trú, tăng khả năng chi tiêu của khách.

Với những tiêu chí này, trong giai đoạn 2006-2010 tỉnh đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho các Khu du lịch Gáo Giồng, Xẻo Quýt, Gò Tháp và Vườn Quốc gia Tràm Chim; đồng thời các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân đã mạnh dạn đầu tư, xây mới nâng cấp các nhà hàng, khách sạn và phát triển nhiều dịch vụ du lịch.

Cùng với phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực, Đồng Tháp còn rất nhiều việc phải làm như: công tác quảng bá, xúc tiến du lịch và kêu gọi đầu tư, công tác xã hội hóa về du lịch… Bình quân doanh thu hằng năm hơn 100 tỷ đồng từ du lịch, vì vậy tỉnh phấn đấu đầu tư tương xứng làm bật dậy tiềm năng, thế mạnh du lịch sẵn có, nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh./.

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Đưa hát xoan thành sản phẩm du lịch văn hóa

Cùng với việc hát xoan được UNESCO chính thức công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại, UBND tỉnh Phú Thọ đã công bố Chương trình hành động Bảo vệ và phát huy giá trị di sản hát xoan Phú Thọ giai đoạn 2012 – 2015, trong đó có việc đưa hát xoan trở thành một sản phẩm du lịch văn hóa.

Chương trình hành động

Trong chương trình Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp – hát xoan Phú Thọ giai đoạn 2012 – 2015 vừa được công bố, UBND tỉnh Phú Thọ đã khẳng định 8 nội dung cần phải triển khai. Trong đó, đáng chú ý là chính sách đãi ngộ cụ thể với những nghệ nhân hát xoan, tạo điều kiện để các nghệ nhân truyền nghề cho các thế hệ con cháu; công tác giáo dục và tuyên truyền hát xoan trong lớp trẻ, đặc biệt đưa hát xoan vào chương trình giảng dạy tại các cấp học phổ thông, trường sư phạm và nghệ thuật của tỉnh…

Phú Thọ sẽ tăng cường nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước đi đôi với các nguồn lực xã hội hóa để bảo tồn và phát huy di sản Phú Thọ. Kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế, những người tâm huyết với di sản có những hành động thiết thực góp phần tôn vinh, phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch văn hóa bền vững, xây dựng Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.

Hiện nay, Phú Thọ có 4 phường xoan gốc là thôn An Thái (xã Phượng Lâu), Thôn Thét, thôn Phù Đức, thôn Kim Đái (xã Kim Đức, TP. Việt Trì). Hát xoan đứng ở ranh giới mong manh của sự tồn tại thể hiện ở những con số mà chỉ nghe thôi cũng đã thấy đáng lo. Toàn tỉnh còn 69 nghệ nhân hát xoan, trong đó 31 người có độ tuổi từ 60 đến 104 và chỉ có 8 người có khả năng truyền dạy. Tổng số người tham gia các phường xoan hiện nay là 81, biết hát xoan là 49 người. Và trong số 30 di tích, nơi đã từng diễn ra các điệu hát xoan chỉ còn 13 di tích được bảo tồn, hai di tích đã xuống cấp, 15 di tích đã mất hoàn toàn.

Hiện nay đây đó đã xuất hiện những bài xoan mới, xoan cải biên, bởi những người muốn làm mới cho hát xoan nghĩ rằng để những giai điệu xoan sẽ bắt kịp với thời đại, cho dễ nghe hơn, có nhiều khán giả hơn. Chính vì thế, nhiệm vụ cấp bách nhất hiện nay với di sản này phải giữ được những làn điệu xoan cổ.

Dù hát xoan đã đến được với nhân loại, nhưng công việc để bảo tồn và phát huy xoan vẫn rất bộn bề. Điều quan trọng nhất là chúng ta cần mạnh dạn loại bỏ những lai tạp và kiên quyết gạt bỏ hình thức sân khâu hóa, tạo mọi điều kiện để hát xoan hồi sinh mạnh mẽ trong không gian văn hóa và môi trường diễn xướng đúng với nguyên bản.

Hát xoan trở thành sản phẩm du lịch – không thể nhìn một chiều

Việc đưa hát xoan trở thành một sản phẩm du lịch để quảng bá tới du khách trong và ngoài nước biết đến nghệ thuật hát xoan là điều cần thiết. Bởi mặc dù hát xoan đã “nổi tiếng” thế giới sau khi được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại nhưng có một thực tế là vẫn còn rất ít người Việt Nam hiểu về giá trị của loại hình văn hóa này.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ Nguyễn Ngọc Ân khẳng định Phú Thọ đã có chương trình cụ thể đưa hát xoan vào các tour du lịch.

Khi đề cập việc đưa hát xoan trở thành một sản phẩm du lịch văn hóa của địa phương, GS.TSKH Tô Ngọc Thanh – Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng ông không phản đối, tuy nhiên ông cũng đề nghị chính quyền địa phương cũng như các Sở, Ban Ngành chức năng cần phải có kế hoạch cụ thể, không để làm mất giá trị của di sản. Ông cũng trăn trở về tình trạng chạy theo nhu cầu của khách hàng, chiều theo những nhu cầu nhất thời của khách hàng mà không chú ý đến việc tại sao khách hàng lựa chọn đến du lịch ở địa phương này và tại sao khách hàng lại muốn tham quan, tìm hiểu về sản phẩm du lịch nào đó của địa phương mình?

Việc đưa hát xoan vào các tour du lịch với mục đích quảng bá di sản là điều nên làm, tuy nhiên cần phải có những kế hoạch cụ thể và bước đi thận trọng để tránh tình trạng hát xoan bị “nhào nặn” để trở thành sản phẩm du lịch đơn thuần nhằm phục vụ nhu cầu du khách chứ không phải du khách tìm đến hát xoan như để hiểu thêm về một loại hình di sản văn hóa đặc sắc của địa phương. Có như vậy, chúng ta mới có thể phát huy được thế mạnh về sự đa dạng và bản sắc văn hóa của dân tộc, thu hút du khách quốc tế đến với Việt Nam.

Quang Hùng

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Thí điểm tour du lịch vào ngày Rằm tại miền Trung

 Tour du lịch khởi hành vào ngày rằm hàng tháng theo âm lịch vừa được công ty Saigontourist ra mắt tại miền Trung. 

Sản phẩm này là một chùm tour với nhiều điểm đến như Hội An (tour Đêm rằm phố cổ), Bà Nà (tour Thưởng trăng trên đỉnh Bà Nà), đỉnh Bạch Mã, cố đô Huế, Phong Nha Kẻ Bàng, Mỹ Sơn… Tất cả đều khởi hành vào đúng ngày rằm và kéo dài trong dịp trăng tròn nhằm tạo ấn tượng đặc biệt về không gian cho mỗi tour, trong đó nhấn mạnh yếu tố tâm linh và vẻ đẹp lãng mạn, bình yên của điểm đến. Với hình thức này, du khách có thể hoà mình vào không gian đèn lồng và thả hoa đăng ở phố cổ Hội An, đi thuyền dọc sông Hương nghe ca Huế và ngắm phong cảnh ven sông trong đêm trăng sáng…

Chùm tour đặc biệt này được triển khai thí điểm tại miền Trung.

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Tạo sự khác biệt cho du lịch Cà Mau

Trong khi sản phẩm du lịch của một số tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL có sự trùng lắp như du lịch sinh thái vườn cây ăn trái, sông nước, Cà Mau lại có điều kiện đa dạng hóa sản phẩm du lịch.

 

Bởi Cà Mau có biển, đảo gần bờ, có hệ sinh thái rừng đước, rừng tràm, cộng với hệ thống sông ngòi chằng chịt, rừng cây, ruộng lúa, vuông tôm bát ngát hữu tình và có Mũi Cà Mau – điểm cực Nam Tổ quốc.

Tuy nhiên, đến nay những lợi thế đó vẫn chưa được khai thác, tạo sự khác biệt để thu hút khách du lịch đến với Cà Mau.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải nhìn nhận, tiềm năng du lịch của tỉnh còn lớn nhưng chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong nền kinh tế. Đầu tư cho du lịch còn chậm, yếu, không đồng bộ, vì vậy vấn đề đặt ra không chỉ cho ngành du lịch và tất cả các ngành liên quan là làm sao khai thác, phát huy tiềm năng để thu hút khách du lịch, phát triển dịch vụ, nâng thu ngân sách từ hoạt động này.

Nhận diện “các yếu tố cần”

Những yếu tố tự nhiên và địa lý tạo tính “thiên thời” cho du lịch Cà Mau. Nhưng để du lịch phát triển cần đầu tư thêm nhiều yếu tố khác, trong đó quan trọng nhất là “địa lợi” và “nhân hòa”. Tức là phải có con người biết làm du lịch, có sản phẩm cảnh quan môi trường phù hợp, đáp ứng được nhiều đòi hỏi của các loại hình du lịch.

Để có “nhân hòa” tốt còn phải đầu tư những tiện nghi tốt, vừa đảm bảo nhu cầu thiết yếu cho du khách, vừa lưu lại ấn tượng để cầm giữ chân khách và thu hút họ quay trở lại. Quan trọng hơn hết là yếu tố đảm bảo an toàn cho du khách về mọi mặt.

Còn về “địa lợi” thì phải kế thừa” truyền thống văn hóa, thiên nhiên, lịch sử, rồi tôn tạo và gầy dựng thêm sao cho độc đáo, tạo được nét riêng phù hợp với bản sắc cần bảo tồn để phát triển bền vững.

Cà Mau có những sản phẩm độc đáo đơn lẻ trong dân có thể gây sự tò mò muốn tìm hiểu cho nhiều người, như các hoạt động nuôi trồng, khai thác nông – lâm – thủy sản: câu cua, xổ tôm, thăm làng rừng, các vùng nuôi cá chình, cá bống tượng, thăm các cơ sở làng nghề làm tôm khô, cá khô, khai thác mật ong… Đó cũng chính là những ưu thế khác biệt mà ít có tỉnh nào trong vùng có được nên cần phải suy nghĩ, đầu tư và tìm cách khai thác phục vụ cho “khách lẻ thích đi tuyến nhánh” để tạo sự khác biệt, độc đáo cho du lịch Cà Mau.

Mấy năm gần đây, Cà Mau đáp ứng tương đối cho du khách về nhiều mặt nên thu hút được lượng khách du lịch đến thăm ngày một tăng. Tuy nhiên, so với các tỉnh bạn và với tiềm năng, vị thế thì đó cũng chỉ là những con số còn quá nhỏ. Nếu có chiến lược phát triển bài bản, vững chắc thì bộ mặt ngành du lịch chắc chắn sẽ sinh động hơn nhiều, các hoạt động đưa đón khách sẽ càng thêm nhộn nhịp, sôi nổi. Và du lịch Cà Mau sẽ không bị coi là theo lối mòn, mà sẽ tạo được sự khác biệt cần có để hấp dẫn hơn.

Tạo “yếu tố đủ” cho du lịch

Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch Cà Mau Trần Quang Bộ chia sẻ, khách du lịch miền Trung, miền Bắc luôn có ao ước là được đặt chân đến Mũi Cà Mau – điểm cực Nam Tổ quốc. Được nhìn tận mắt những hàng đước ngút ngàn, được ngồi cao tốc lướt trên sông với họ cũng là điều lạ.

Du lịch Mũi Cà Mau rất ấn tượng và thu hút nhiều khách du lịch. Nhưng bỏ công ngồi tàu hơn tiếng đồng hồ nhưng chỉ tham quan Mũi vài chục phút là hết thì thật tiếc. Dịch vụ ở đây chưa đặc sắc. Có thể nhìn nhận một điều là các doanh nghiệp làm du lịch còn yếu. Để đẩy mạnh quảng bá thì cần thiết phải có sản phẩm du lịch mới. Cần đôn đốc các doanh nghiệp, các nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án đã được phê duyệt. Xu hướng hiện nay là du lịch sinh thái, Cà Mau rất có tiềm năng về mảng này. 

Còn ông Trần Văn Thức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng hiện nay vấn đề quy hoạch kéo dài ảnh hưởng đến việc đầu tư của các doanh nghiệp vào du lịch. Vì thế, tỉnh cần triển khai khẩn trương các quy hoạch, ưu tiên hoàn thiện quy hoạch từng khu, triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng để đưa nhà đầu tư vào khai thác ngay.

Tập trung đầu tư một số tour, tuyến thu hút khách. Còn vấn đề thuê rừng làm du lịch, tỉnh có thể áp dụng phương pháp tạm tính trong 3 năm, sau đó theo dõi, đánh giá và tính lại để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai các dịch vụ du lịch.

Hiện tỉnh đã chính thức ký điều chỉnh một số quy hoạch Khu du lịch Công viên Văn hóa Mũi Cà Mau từ 101 ha lên 158 ha; tiến hành điều chỉnh quy hoạch khu du lịch Vườn Quốc gia U Minh Hạ, lập nhiệm vụ quy hoạch khu du lịch – văn hóa & thể thao đầm Thị Tường, khảo sát cụm đảo Hòn Khoai phục vụ cho quy hoạch phát triển du lịch trên đảo.

Phó Chủ tịch UBND Cà Mau Nguyễn Tiến Hải chỉ đạo các ngành đẩy nhanh các mảng công tác để nhằm tăng sức hấp dẫn cho du lịch Cà Mau. Đó là tăng nhanh tiến độ quy hoạch tổng thể phát triển du lịch, hoàn chỉnh quy hoạch các khu du lịch.

Trong đó, phải định hướng việc kết nối và tạo sự khác biệt giữa các điểm du lịch để tạo tour, tuyến; rà soát các khu quy hoạch để giao nhà đầu tư, chấn chỉnh những đơn vị không đúng định hướng, chậm tiến độ; sắp xếp lộ trình các quy hoạch; các ngành chức năng tham mưu để tỉnh xây dựng hạ tầng cơ bản.

Đồng thời, phải tăng cường các hoạt động mời gọi đầu tư như giới thiệu những chính sách của tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, định hướng sản phẩm du lịch của từng khu, điểm du lịch. Ngoài ra, còn mảng công tác quan trọng nữa là phải tiếp tục làm tốt khâu tuyên truyền, quảng bá các quy hoạch, các sản phẩm du lịch./.

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Lào Cai: Si Ma Cai khảo sát tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch trên hồ thủy điện Bắc Hà

Lòng hồ thuỷ điện Cốc Ly trên đoạn sông Chảy thuộc địa bàn 4 xã Bản Mế, Thào Chư Phìn, Sín Chéng và Nàn Sín (Si Ma Cai), mở ra cơ hội phát triển du lịch sinh thái và phát triển kinh tế cho các xã trong khu vực.

Sau khi thuỷ điện Cốc Ly (huyện Bắc Hà) ngăn đập, nước sông Chảy dâng cao, tạo cơ hội cho người dân 4 xã: Bản Mế, Thào Chư Phìn, Sín Chéng và Nàn Sín (Si Ma Cai) phát triển nghề nuôi cá lồng và canh tác một số loại cây trồng đặc sản có giá trị kinh tế cao.

Theo khảo sát, dọc tuyến sông Chảy đoạn từ cầu Bản Mế (xã Bản Mế, huyện Si Ma Cai) đến thuỷ điện Cốc Ly (xã Cốc Ly, huyện Bắc Hà) có nhiều hang động tự nhiên rất đẹp. Hai bên bờ sông là những cánh rừng nguyên sinh với nhiều loài hoa lan quý…mở ra cơ hội phát triển tuyến du dịch sinh thái mới cho 3 huyện Si Ma Cai, Bắc Hà và Mường Khương.

Lãnh đạo huyện Si Ma Cai vừa tổ chức chuyến khảo sát tuyến này để đánh giá khái quát tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch của lòng sông Chảy đoạn qua 4 xã thuộc địa bàn huyện. Từ đó, huyện sẽ đưa ra những chủ trương, chính sách phù hợp để khai thác, góp phần phát triển kinh tế – xã hội các xã nằm bên sông Chảy.

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Du lịch đồng quê – tiềm năng cần được khám phá

Gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa tin về việc một số địa phương khai thác khá tốt hình thức du lịch đồng quê, và đã gặt hái được những thành công ngoài mong đợi.

Ở Bình Thuận, Tánh Linh là huyện có nhiều tiềm năng về loại hình du lịch này. Tánh Linh không chỉ có đại ngàn bao la, núi non hùng vĩ, mà còn có cánh đồng La Ngà rộng lớn, nên hầu như chứa đựng trong lòng mọi cái đặc trưng của cuộc sống làng quê Việt. Hiện nay, không ít du khách đang có cảm giác nhàm chán với những tour du lịch bị đóng khung trong những khách sạn sang trọng, những cảnh sắc nhân tạo, những dịch vụ vương giả, thì du lịch đồng quê đang là một cánh cửa cần được rộng mở để giải phóng con người khỏi những cuộc rong chơi thụ động.

Du lịch đồng quê không chỉ đưa du khách về với cảnh trí, với con người nông thôn, mà còn phải giúp họ thâm nhập vào cuộc sống,  đời sống nhà nông một cách chủ động. Giúp họ  có được cái nhìn của người dân quê, cùng trải nghiệm và cùng vui buồn với nhà nông. Hình thức du lịch này chắc chắn không thể nhàn tản, nhưng họ sẽ thích thú vì những điều mà với họ là mới lạ và độc đáo.

Bạn hãy tưởng tượng về một ngôi làng mà du khách đến đó không chỉ có các hoạt động mang tính tập thể của cả gia đình, mà có thể những người đàn ông sẽ được tách ra để tham gia các hoạt động như cày ruộng, be bờ, tát nước. Phụ nữ sẽ xuống ruộng cấy lúa, học đan lát, thêu thùa, may vá. Trẻ em sẽ được cưỡi trâu, thổi sáo, thả diều, lùa vịt… Ban đêm, thay vì túm tụm trước màn ảnh nhỏ, các em sẽ được chơi các trò chơi dân gian cùng đám trẻ trong làng như u mọi, chơi keo, táng lon, năm mười… Ngoài ra, du khách còn có thể vượt núi băng rừng, được học các kỹ năng để trải qua cuộc sống dài ngày giữa rừng sâu. Đó không chỉ đơn thuần là một chuyến du ngoạn, mà chính là cuộc sống thực, gần gũi thiên thiên, để qua đó hiểu thêm về cuộc sống của người dân ở nơi mà họ đến.

Tôi đã từng chứng kiến những đứa trẻ thành phố, mỗi khi về quê lại lon ton đuổi gà đuổi vịt. Cái công việc ở thôn quê bị xem là vô nghĩa và nhàm chán ấy lại khiến chúng vô cùng thích thú. Chúng lạ lẫm với mọi con vật. Chúng nhằng nhẵng bám theo những đứa trẻ cưỡi trâu qua ngõ, trông vẻ mặt hết sức thèm thuồng. Người lớn thì lại thích kéo nhau ra vườn trèo cây hái quả, hay rủ nhau lên rẫy bẻ bắp, hái măng. Cái mà ở thôn quê bị xem là lam lũ, khổ cực thì người thành phố lại rất thích được tham gia. Chính vì vậy, loại hình du lịch này dù mới mở ra nhưng đã thu hút được một lượng du khách đông đảo.

Nói thì nói vậy, nhưng chúng ta cũng không thể lập tức mở ngay các tour du lịch về nông thôn theo kiểu này. Nông thôn bây giờ đang có tình trạng nửa phố nửa quê. Các công việc nhà nông đang được cơ giới hóa mạnh mẽ. Trẻ em thì thay vì chơi các trò chơi dân gian, lại thích chui vào các tiệm net, chẳng khác gì trẻ em thành phố. Bởi vậy, trước hết cần có sự quy hoạch lại, để tạo ra các ngôi làng nông thôn đúng nghĩa để phục vụ du lịch. Nông dân làm nông không hoàn toàn sống bằng hạt lúa, mà còn phải sống được bằng du lịch. Muốn vậy, họ phải được đào tạo để có thể trở thành những hướng dẫn viên thực thụ. Họ phải thuần thục các công việc nhà nông để không chỉ hướng dẫn, mà còn có thể giúp đỡ du khách khi cần thiết. Khi lội suối băng ngàn, họ phải là người bạn đường tin cậy, có sự am hiểu và kỹ năng sống ở rừng để du khách yên tâm tận hưởng mọi cảm giác giữa rừng sâu. Khi xuống ruộng, họ phải biết cách hướng dẫn du khách thực hành mọi thao tác để có thể sử dụng nông cụ mà không gây ra các tai nạn không đáng có.

Du lịch đồng quê ở Tánh Linh hiện nay chỉ là ở dạng tiềm năng, và để các cảnh quan thiên nhiên như Thác Bà, Biển Lạc có thể thu hút được du khách thì cái tiềm năng về du lịch đồng quê này cũng nên được xét đến. Trong khi chờ đợi những sự đầu tư lớn để biến các cảnh quan thiên nhiên thành những điểm du lịch hấp dẫn, thiết nghĩ cũng nên chuẩn bị để hình thức du lịch đồng quê có thể ra đời và làm thỏa mãn sự háo hức của những du khách đã chọn Tánh Linh làm nơi khám phá mới của mình.

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Đa dạng tour Valentine

Với sự chuẩn bị chu đáo từ khá sớm, nhiều hãng lữ hành đã tung ra nhiều tour tuyến du lịch đa dạng, phục vụ du khách nhân dịp Valentine 2012.

Tại Saigontourist, hầu hết các điểm du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng trong nước như Sa Pa, Đà Lạt, Nha Trang, Đà Nẵng, Hạ Long, Phú Quốc… đều được công ty đưa vào chùm tour Valentine, với các hành trình hấp dẫn như: Nha Trang – Nét đẹp biển và đảo, Đà Lạt – Điểm hẹn tình yêu, Sa Pa – Nương trên mây, Đà Nẵng – Bà Nà – Huế…

Riêng các tour khởi hành từ Hà Nội được thiết kế đặc biệt dành cho mùa tình yêu, khởi hành theo yêu cầu như: Kỷ niệm khó quên tại Vinpearl Land (3 ngày), Lãng mạn Sa Pa (4 ngày)… Đặc biệt, các cặp đôi xuất phát từ TP.HCM khởi hành từ ngày 12 đến 14.2 sẽ được giảm 10% giá tour, ngoài ra du khách còn tiếp tục được tặng miễn phí toàn bộ phí bảo hiểm du lịch.

Bên cạnh đó, Vietravel cũng đưa ra hàng loạt chùm tour được thiết kế dành riêng cho Valentine như: Thác Giang Điền – Mũi Né – Bùn khoáng (2 ngày) kết hợp du ngoạn cảnh đẹp thác nước – biển xanh và tận hưởng liệu pháp tắm bùn khoáng tăng cường sức khỏe; Du ngoạn Vịnh Nha Trang – KDL Wonder park – White Sand Dốc Lết (4 ngày) kết hợp giải trí tại thiên đường Diamond Bay; Sắc hoa Đà Lạt (4 ngày) hay “Nha Trang – Đà Lạt” (5 ngày) trải nghiệm biển xanh cát trắng và phố núi mộng mơ… Hiện tại, đây là những chương trình được xem là “hot” nhất.

Trong khi đó, theo kết quả thống kê của các công ty du lịch, các tour Valentine nước ngoài hiện khá hút khách năm nay vẫn là những điểm đến quen thuộc tại các nước Đông Nam Á như Bangkok – Pattaya (5 ngày) với hành trình tham quan Hoàng cung, chùa Phật Ngọc, chùa Phật Vàng, vườn thú Safari World, thành phố không ngủ” Pattaya, đảo San Hô, làng văn hóa dân tộc Noong Nuch, chương trình Tiffany show…

Kế đến là tour Đảo quốc Sư tử Singapore (4 ngày), Malaysia (4 ngày) hay chương trình tour liên tuyến Singapore – Malaysia (6 ngày) với cơ hội vừa tham quan nhiều điểm du lịch hấp dẫn của hai quốc gia, vừa kết hợp giải trí và nghỉ dưỡng tại khu phức hợp 5 sao Resort World Sentosa… Bên cạnh đó, các tour đến Trung Quốc, Hồng Kông (TQ) cũng được nhiều cặp đôi chọn đưa vào hành trình Valentine của mình.

Hoàn Khải

 

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

TIN MỚI NHẤT