Điểm đến du lịch

Những địa điểm du lịch hấp hẫn những địa điểm du lịch trong nước, địa điểm du lịch nước ngoài được chúng tôi tổng hợp và đưa tin đến Quý bạn đọc đam mê du lịch có cái nhìn tổng quan nhất về các địa danh du lịch để quyết định cho mình cho những chuyến du lịch ý nghĩa nhất

Bí ẩn đền tháp Champa

Đền tháp Champa (tiếng Chăm gọi là kalan) được xây dựng từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ XVII trên khắp vương quốc Champa. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, những đền tháp Champa vẫn sừng sững, đỏ rực như ngọn lửa apsara bất chấp vương quốc sản sinh ra nó đã lụi tàn vào cuối thế kỷ XVII

Tìm cách giải mã bí ẩn

GS-TS Hoàng Đạo Kính, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, nhận định: “Ngay cả việc giải quyết hiện tượng rêu phong cho các khối gạch xây mới, mà người Chăm xưa kia đã giải quyết được, vẫn còn là một thách đố”. Theo Th.S Nguyễn Hữu Thông, Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Huế, kỹ thuật xây dựng tháp Chăm trải qua 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (thế kỷ II – VI), tháp chỉ xây bằng gỗ và chỉ có tượng thờ. Giai đoạn 2, tháp xây theo cách tường gạch và mái gỗ và đã có hệ thống tượng thờ hoàn chỉnh. Tháp Phú Diên, Mỹ Khánh ở Huế thuộc giai đoạn này. Giai đoạn 3 (thế kỷ VI – XVII), tháp được xây dựng hoàn chỉnh có sự tham gia của đá sa thạch. Nhưng kỹ thuật xây tháp Chăm trong giai đoạn đỉnh cao như thế nào thì cho đến nay vẫn chưa được thống nhất về mặt kiến giải.

 

khu đền tháp Mỹ Sơn

Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ, người mệnh danh là “họa sĩ Chăm” (hiện công tác trùng tu tại khu đền tháp Mỹ Sơn) cho biết, cách đây 20 năm, ông cùng kiến trúc sư Kazimiers Kiwatskowski (Ba Lan) phát hiện dấu tích vỏ trấu trong một viên gạch Chăm ở khu đền tháp Mỹ Sơn. Phát hiện này khi đó được cho là ngẫu nhiên và không được quan tâm nghiên cứu. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng rất có thể vỏ trấu là chất đốt cháy viên gạch mộc từ bên trong khi nung toàn khối. Quan điểm nung toàn khối do Leuba đề xướng năm 1923 với giả thuyết cho rằng người Chăm dùng đất sét phơi khô (gạch mộc) và dùng lửa đốt cháy cả khối vật liệu khổng lồ để xây dựng nên đền tháp Champa.

 

Về giả thuyết này, Th.S Nguyễn Hữu Thông nhận định: “Nung toàn khối là một truyền thống của người Chăm. Hiện nay lò gốm ở Bàu Trúc, Phan Rang được đánh giá là lạc hậu nhất thế giới, không có bàn xoay và chất củi đốt (không dùng than) nên nhiệt độ tạo ra chỉ 300 – 400°C. Tuy nhiên, giả sử muốn nung toàn khối thì cũng không thể thực hiện ngoài trời được. Vì nhiệt độ chỉ đạt 500 – 600°C. Trong khi gạch tháp Chăm hoàn chỉnh đã lên tới độ nung 1.000°C. Và nếu nung ở lò nung, gạch cũng không thể chín đều như vậy được. Vì có chỗ gạch nằm ở lỗ thông hơi, có gạch nằm ở chỗ gần củi đang cháy. Có lẽ chỉ có lò ga hiện đại mới đạt độ hoàn chỉnh đến như vậy. Một điều nữa là khi nung gạch mộc thì tạo sự đùn đẩy, vì thông số co giãn mỗi viên gạch chắc chắn là không giống nhau, sẽ gây ra đổ vỡ”.

 

Theo ông Lê Việt Thắng, cán bộ Bảo tàng Mỹ Sơn (Quảng Nam) gần đây phát hiện ra một ký tự “Trần” (viết bằng chữ Hán) tại một ngôi tháp ở Mỹ Sơn. Theo ông, đây có thể là phút ngẫu hứng của một người thợ thủ công nhà Trần khi đang xây dựng tháp Chăm. “Việc nghiên cứu sự góp mặt của những thợ thủ công người Việt tại khu đền tháp Champa rất có thể mở ra một hướng tìm kiếm mới cho việc giải mã các bí ẩn đền tháp Champa”, ông Lê Việt Thắng phấn khởi cho biết.

Một giả thuyết mới

Th.S Nguyễn Hữu Thông có một kiến giải về kỹ thuật xây dựng đền tháp Champa được dư luận và giới khoa học bàn luận khá sôi nổi. Ông cho rằng, việc xây dựng tháp Chăm có sự tham gia của những nhà sư, thương nhân và thợ thủ công Ấn Độ. “Như ngói lưu ly của nhà Nguyễn có sự tham gia của nghệ nhân Trung Quốc với vai trò thợ cả. Và sau này, khi họ về nước thì các xưởng ngói triều Nguyễn cũng bị suy tàn”, Th.S Nguyễn Hữu Thông cho biết.

 

Bởi theo Th.S Nguyễn Hữu Thông, người Chăm không có truyền thống làm gạch: “Nếu muốn tạo ra một viên gạch chất lượng như gạch Chăm thì người Chăm phải có một truyền thống làm gạch. Nhưng qua khảo sát thì gạch lại không hề hiện diện trong đời sống của người Chăm. Kể cả công trình dân sinh và tín ngưỡng dân gian. Duy có thành lũy và tháp Chăm mới sử dụng gạch và lại là gạch đã ở đỉnh cao”.

 

Do đó, theo Th.S Nguyễn Hữu Thông, chỉ có một cách suy diễn: “Thời đó các thương nhân và các nhà sư Ấn Độ đến Champa buôn bán, truyền đạo rất đông tại cả tiểu quốc Champa. Các thương nhân Ấn Độ lẫn Champa có lợi nhuận lớn. Do đó, họ đã góp sức “biếu” cho các tiểu quốc Champa những tòa tháp Ấn Độ giáo để lưu dấu vương quyền của các ông vua. Về thợ xây tháp Chăm, các thương nhân Ấn Độ đã tập hợp các thợ xây Ấn Độ khá dễ dàng. Bởi Ấn Độ luôn loạn lạc, chia rẽ nên các thợ xây Ấn Độ, bậc thầy về sử dụng gạch để xây dựng công trình tôn giáo đã vượt biển mưu sinh”.

 

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Bí ẩn trong các hang động

Vịnh Hạ Long – như có người ví giống như một cuốn “bách khoa thư mở” chứa đựng rất nhiều giá trị khoa học để cho du khách hay bất cứ ai có thể tìm hiểu. Bên cạnh vẻ đẹp của đá, nước và bầu trời, những truyền thuyết về lịch sử, tình yêu, những chiều hoàng hôn huyền diệu… ngay cả các góc khuất dày đặc bóng tối của các hang động ở Hạ Long cũng chứa đựng những bí ẩn hấp dẫn…

Vịnh Hạ Long có nhiều hang động. Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học của Tổ chức bảo tồn động, thực vật quốc tế (FFI), khác với thiên nhiên bên ngoài, môi trường sống trong các hang động ở Vịnh Hạ Long rất ổn định, bóng tối bao trùm, độ ẩm cao.

 

Dế hang – một trong các “cư dân” chính của hang Hồ Động Tiên

 

Vì thiếu ánh sáng nên trong hang chủ yếu chỉ có động vật sinh sống. Những động vật sống trong hang không những phải thích nghi với các điều kiện khắc nghiệt của tự nhiên mà còn phải sống trong một môi trường khan hiếm thức ăn. Vì thế, số lượng các loài sinh vật cũng như số lượng cá thể của mỗi loài trong hang động thường rất nhỏ nếu so với bên ngoài hang. Căn cứ vào đặc điểm sống của chúng, các nhà khoa học của FFI đã chia các sinh vật trong hang thành ba nhóm cơ bản: “Dân bản địa” của hang động, những sinh vật ưa thích hang động và những “vị khách” của hang động.

 

Có dịp đến thăm hang Hồ Động Tiên, vào sâu trong hang, dùng đèn pin soi rất có thể du khách sẽ may mắn phát hiện ra một chú cua đỏ au hay 1 con rệp màu trắng. Đây chính là các “cư dân” thực thụ của hang động và bóng tối. Những cư dân này đã có quá trình tiến hoá đặc biệt để thích nghi với bóng tối, chúng không thể sống sót nếu ra khỏi hang. Rệp hang là một trong những “cư dân” phổ biến nhất trong hang động. Chúng có màu trắng sữa, không có mắt. Ở nơi khan hiếm thức ăn, mọi nỗ lực sinh tồn đều hướng vào việc kiếm ăn nên hầu hết các loài không có mắt hoặc có nhưng thoái hoá. Loài cua hang mình đỏ au, mắt đen và rất nhỏ nhưng chân khá dài có lẽ để thích hợp với việc bám vào các vách đá tìm thức ăn. Năm 2003, trong một lần nghiên cứu ở sâu trong hang Đúc Tiền trên đảo Vạn Giò, các nhà khoa học của FFI đã phát hiện loài cá bám đá thuộc phân họ Nemacheilinae, còn gọi là cá niết hang. Loài cá này không có mắt, chúng sử dụng đôi râu trước miệng để kiếm ăn. Cuối năm 2012, khi công bố phát hiện này, nhiều tờ báo dẫn lại từ website của FFI thông tin đây là loài cá chạch mù. Chưa rõ tên gọi nào đúng nhưng một điều chắc chắn, đó là một trong những “cư dân” đích thực của hang động trên Vịnh Hạ Long. Ngoài ra, những động vật thích nghi hoàn toàn với cuộc sống trong hang động còn có tôm hang, những loài động vật đẳng túc, lưỡng túc và một số loại côn trùng.

 

Khác với những sinh vật thuộc nhóm “dân bản địa”, nhóm những loài ưa hang động có thể sống ở trong và cả ngoài hang. Khi cần thiết, chúng có thể ra khỏi hang để tìm thức ăn. Trong nhóm này có các loài giun đất, bọ hung, dế hang, ếch, kỳ nhông và một số loài giáp xác. Đáng kể là loài dế hang. Loài này không có cánh và có lưng gù. Chúng có hai càng rất dài và có thể nhảy rất xa. Dế hang có đôi râu rất dài, chúng thường sống ở nơi tối tăm, ẩm ướt trong các kẽ thạch nhũ. Thức ăn của chúng là những chất hữu cơ đang phân huỷ.

 

Nhóm là “khách” của hang là những loài sống tạm thời trong hang động. Dơi, tắc kè, bướm đêm là những “vị khách” điển hình cho nhóm này. Thông thường, các loài này thường lựa chọn hang động làm nơi ngủ đông và nuôi con hơn là tìm thức ăn do chúng ưa thích nền nhiệt độ ở đây.

 

Hiện nay, hầu hết các hang động ở Vịnh Hạ Long đều được đưa vào khai thác du lịch đón khách tham quan. Theo các nhà khoa học, lượng khách tập trung quá đông sẽ làm gia tăng nhiệt độ, lượng khí cacbonnic ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên của các hang động. Ngay cả hang Hồ Động Tiên được coi là một “lớp học” chuyên về giáo dục cộng đồng về lịch sử địa chất Vịnh Hạ Long không đưa vào khai thác du lịch nhưng môi trường tự nhiên cũng đã bị tác động đáng kể. Đó là điều cơ quan chức năng cần quan tâm.

 

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Về Thanh Hóa thưởng thức những món bánh ngon

(TITC) – Nhắc đến đặc sản xứ Thanh, nhiều người thường nghĩ ngay đến món nem chua nổi tiếng, nhưng ít ai biết rằng, Thanh Hóa còn có những món ăn độc đáo, ngon miệng khiến người ta ăn một lần là nhớ mãi. Trong đó, ấn tượng nhất có lẽ là các món bánh dân dã được làm từ gạo tẻ, mang hương vị đặc trưng của mảnh đất này như: bánh khoái tép, bánh răng bừa và bánh cuốn.Món bánh thường được người dân Thanh Hóa giới thiệu đến bạn bè và du khách là bánh khoái tép.

 

Đây là món ăn chỉ có ở thành phố Thanh Hóa (phố Đào Duy Từ, Hàn Thuyên…) và một vài huyện lân cận. Nguyên liệu chính gồm bột gạo tẻ xay thành nước, rau cần, bắp cải và tép tươi.


Bột gạo được tráng lên chảo gang sâu lòng, sau đó cho rau cần cắt khúc nhỏ chừng 5cm, bắp cải thái sợi dài, tép đã xào vào, lật cho bánh chín đều và giòn. Một quả trứng gà đánh đều cho vào giữa chảo bánh sẽ cho ra một chiếc bánh vàng rộm, thơm ngậy. Cách chế biến đơn giản là vậy nhưng đòi hỏi sự khéo léo và nhanh nhẹn của người làm, phải biết điều chế củi, lửa phù hợp để bánh không bị cháy, cũng không được mềm quá. Nước chấm chỉ cần nước mắm pha chanh ớt là đủ vị, thêm món dưa góp sẽ càng ngon miệng hơn. Vào ngày trời se lạnh, những quán bán bánh khoái tép thường rất đông khách. 3 đến 5 bếp củi liên tục đỏ lửa mới đủ phục vụ nhu cầu của khách.

 

Nếu đến Thanh Hóa vào những ngày Tết cổ truyền hay ngày lễ trong năm, bạn sẽ được thưởng thức món bánh răng bừa (chiếc bánh nhỏ, thon như răng của chiếc bừa) thơm lừng mùi hành mỡ.


Nguyên liệu để làm bánh răng bừa là gạo tẻ ngâm trong nước lạnh khoảng 2 – 3 giờ rồi đem xay thành bột, sau đó pha nước cho vừa đủ. Bột làm bánh được đặt lên bếp, đun nhỏ lửa, dùng đũa khuấy liên tục sao cho bột không bị vón cục cũng không quá chín. Đến khi nồi bột gạo sền sệt thì bắc ra ngoài để nguội rồi dùng lá dong hoặc lá chuối tươi hơ qua lửa để gói bánh. Nhân bánh răng bừa gồm thịt ba chỉ, hành khô, mộc nhĩ băm nhỏ, trộn với hạt tiêu, gia vị vừa đủ rồi xào chín tới. Nếu làm bánh răng bừa để lễ chay hoặc đi lễ chùa thì nhân bánh được làm bằng lạc hoặc đỗ. Sau khi gói xong, những chiếc bánh được xếp ngay ngắn vào nồi, đổ nước và luộc chín.

 

Bánh cuốn là món ăn có ở nhiều địa phương trong cả nước nhưng bánh cuốn xứ Thanh có mùi vị rất đặc trưng, không lẫn với bất cứ nơi nào. Bột làm bánh là gạo tẻ xay thành nước. Nhân bánh làm từ thịt nạc vai và tôm tươi đã bóc vỏ, băm thật nhỏ, ướp gia vị, xào chín tới; mộc nhĩ cũng được băm nhỏ, xào qua và để riêng; hành khô được xắt nhỏ, phi vàng rộm. Nước chấm là nước mắm ngon pha nhạt, thêm một chút chanh, hạt tiêu và vài lát ớt đỏ tươi tạo nên mùi vị chua cay thanh thanh rất đặc trưng. Nếu cho vào bát nước chấm một vài miếng chả viên nướng và một chút hành khô phi thơm sẽ tạo nên một bát nước chấm thơm ngon đặc biệt.

 

Dụng cụ làm bánh cuốn là một chiếc nồi đồng bịt vải màn, có chừa lại một khe nhỏ để thoát hơi nước, một chiếc muôi gỗ múc bột, một ống nứa nhỏ hoặc đũa cái được thoa mỡ để chống dính, một cái nong tre nhỏ lật ngược cũng được thoa mỡ để trải và cuốn bánh. Chủ quán nhanh tay múc một muôi bột, dùng chính cái muôi đó dàn bột thật đều trên lớp vải màn rồi đậy vung lại. 30 giây sau bánh chín, dùng ống nứa nhẹ nhàng lấy bánh ra trải rộng trên mặt nong, sau đó rải nhân, cuốn bánh, xếp vào đĩa, rắc hành lên trên. Cứ thế, từng chiếc bánh nóng hổi được làm ra, khéo léo đến từng chi tiết nhỏ.

 

Đối với mỗi người dân Thanh Hóa xa quê, những món bánh bình dị mà chan chứa tình thân luôn khiến trái tim nao lòng mỗi khi nhớ về quê hương, thôi thúc bước chân trở về quây quần với người thân bên căn bếp đỏ lửa. Đối với du khách, mỗi chiếc bánh sau khi thưởng thức đều để lại ấn tượng khó quên, khiến người ta muốn quay trở lại để thêm một lần được cảm nhận hương vị mặn mòi, ấm áp tình người của mảnh đất cửa ngõ miền Trung này.

 

Phạm Phương

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Việt Nam trong top 10 quốc gia thân thiện nhất thế giới

Bài viết trên trang Hubpages khi nói về Việt Nam nhấn mạnh: ấn tượng đẹp là nụ cười của người dân nơi đây.

Những câu chuyện kể về các chuyến du lịch hay về những người dân ở một quốc gia xinh đẹp nào đó có thể dễ dàng thu hút sự chú ý của mọi người và đặc biệt sẽ đem đến cái nhìn thân thiện về quốc gia đó. Nhưng để đánh giá về cả một quốc gia chỉ qua một chuyến du lịch hay những câu chuyện là điều không thể.

 

Mặc dù vậy, khi nhìn vào con người và văn hóa ứng xử của những người dân tại quốc gia đó, bạn có thể phần nào hiểu được lối sống của quốc gia đó, lời khuyên cho bạn khi muốn khám phá nét văn hóa đặc sắc đó là: hãy quan sát vào những con người gần gũi nhất với bạn như những người địa phương, người phục vụ trong nhà hàng, người lái xe bus hay là những người bán hàng rong ven đường…

 

Và đây chính là những quốc gia thân thiện nhất trên thế giới năm 2013:

 

10. Indonesia

 

 

Đây là quốc gia đông dân thứ tư trên thế giới. Người dân ở đây luôn tràn đầy lòng nhiệt tình và hứng khởi, họ sẵn sàng kể cho bạn nghe bất kỳ câu chuyện nào về đất nước và con người của họ.

Bất kể nơi đâu từ Samutra đến Bali, bạn cũng luôn được chào đón, bạn sẽ luôn bị thu hút với những cuộc trò chuyện và cả những điều lý thú mà bạn gần như không thể tìm kiếm trên sách vở.

 

9. Malawi

 

 

Người dân Malawi luôn luôn tự hào nhận mình chính là những người thân thiện nhất Châu Phi, tuy vậy nhưng có lẽ do Malawi là một trong những quốc gia nghèo nhất Châu Phi nên sự nhiệt tình của họ dường như ít ai biết đến.

 

Trái ngược với hoàn cảnh thiếu thốn về vật chất, con người nơi đây luôn háo hức chào đón mọi vị khách, họ mời khách đến thăm nhà và luôn cố gắng đáp ứng những nhu cầu của khách nếu có thể.

 

8. Chile

 

 

Chile là một quốc gia được thiên nhiên ưu ái với phong cảnh núi non thơ mộng trải dài khắp miền đất nước, chính vì vậy Chile là lựa chọn của khá nhiều du khách. Không chỉ được thả mình trong chuyến du lịch khám phá, đến với Chile bạn sẽ được chào đón với những nụ cười thân thiện và mến khách.

 

Khác với những chuyến du lịch chớp nhoáng, chỉ đến và đi… đến với Chile bạn gần như sẽ bị níu chân lại với cả con người và cảnh quan nơi đây.

 

7. Thổ Nhĩ Kỳ

 

 

Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia thân thiệt nhất Châu Âu, danh tiếng này gần như đã lan truyền khắp mọi quốc gia châu Âu. Đây chính là lý do mà người dân Châu Âu luôn chọn Thổ Nhĩ Kỳ là địa điểm lý tưởng cho hầu hết các kỳ nghỉ. Bạn sẽ rất ấn tượng với con người và cả những đồ ăn tuyệt hảo nơi đây.

 

6. New Zealand

 

 

Đây là một trong những nơi an toàn nhất trên thế giới, hơn thế nữa, con người nơi đây còn rất hài hước và vui vẻ. Khí hậu và cơ hội việc làm cũng là một trong những lý do thu hút khá nhiều người nước ngoài muốn di cư đến đây. Việc di cư đến đây cũng không quá khó khăn như nhiều quốc gia khác, có lẽ vì người dân New Zealand rất thân thiệt và hiếu khách.

 

5.Canada

 

 

Một điều có thể khẳng định rằng nếu có một danh sách các thành phố với danh hiệu: “Những thành phố dễ thích nghi nhất” thì các địa danh của Canada sẽ được nằm trong số 10 thành phố đầu tiên.

 

Bất cứ ai đến với Canada đều ấn tượng bởi con người nơi đây, có quá nhiều thứ chúng ta phải học hỏi, một quốc gia với những đức tính tốt, và gần đây nó còn được đánh giá là nơi nuôi dạy trẻ tốt nhất trên thế giới.

 

Toronto, Vancouver hay Victoria… ở nơi đâu người Canada cũng cực kỳ gần gũi và vui vẻ. Và chính tính cách hòa đồng và hài hước của người dân bản địa đã lôi kéo nhiều khách nước ngoài đến lưu trú tại Canada trong thời gian dài.

 

4. Việt Nam

 

Nữ sinh Việt Nam

 

Đây là một quốc gia Đông Nam Á điển hình cho lòng nhiệt tình. Các du khách đến đây sẽ luôn phải ngỡ ngàng trước sự hào phóng của người dân địa phương. Người dân bản địa luôn sẵn sàng giúp đỡ bạn bất cứ khi nào, họ có thể chở bạn đi chơi miễn phí trên chính chiếc xe của họ và nói cho bạn nghe rất nhiều điều về thành phố…

 

Đặc biệt, nụ cười luôn là nét đẹp khá đặc biệt của con người nơi đây, họ mỉm cười với bất cứ ai, ở bất cứ nơi đâu… đây chính là điều ấn tượng nhất với bất kỳ ai đã đặt chân đến Việt Nam.

 

3. Georgia

 

 

“Kẹt” giữa Châu Âu và châu Á, vị trí địa lý có lẽ mang lại ít nhiều khó khăn cho cư dân nơi đây. Tuy nhiên có lẽ vì thế mà họ dần hình thành tính cách nhạy bén, hài hước và lịch sự… họ luôn tỏ ra là những người hiếu khách và tốt bụng với bất kỳ ai đến thăm đất nước của mình.

 

Từ những chuyến du lịch bụi và bây giờ đã trở thành các “tour” du lịch đến Georgia, ngày càng có nhiều người đến với đất nước của những con người Georgia thân thiện và mến khách. Không chỉ vậy, các khách du lịch còn muốn thử thách bản thân với những ngọn núi cao Caucasus hay Tbilisi; bãi biển Đen nổi tiếng hay thành phố của những kỳ nghỉ Batumi.

 

2. Fiji

 

 

Những người Fiji nói rằng: Chúa cho họ nụ cười vì vậy họ luôn cười để chào đón các vị khách đến với đất nước của họ, một đất nước rất thú vị với khoảng 300 hòn đảo.

 

Bạn rất có thể sẽ lạc đường ở một trong những hòn đảo của họ, có thể bạn sẽ lo lắng tìm cách hỏi đường đến thủ đô Suva… nhưng đừng lo lắng gì hết, dù đi đâu thì bạn cũng luôn được người Fiji chào đón, và bạn sẽ luôn nghe thấy lời chào “Bula” – một lời nguyện ước, cầu mong, chào đón hạnh phúc, tình yêu và sức khỏe.

 

1.Colombia

 

 

Mọi người đến với Colombia đều không thể nào quên được con người nơi đây, đất nước thân thiện nhất trên thế giới.

 

Từ những đứa trẻ đến những người lái xe taxi bình thường… họ đều có cách cư xử vô cùng thân thiện.

 

Dù bạn có bị lạc ở thành phố với đầy những cửa hàng cửa hiệu, bãi biển Caribbean đầy màu sắc… thì người Colombia luôn sẵn sãng giúp đỡ bạn và thậm chí mời bạn đến thăm nhà mặc dù hai người chưa hề quen biết, đừng quá lo lắng vì đây là tính cách của họ mà thôi.

 

Nếu bạn đã đặt chân đến đây thì thực sự bạn rất khó có thể rời xa nơi này./.

 

Nguyễn Trang/ CTV VOV online
Theo Hubpages.com

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Bến Tre – ấn tượng về sự đa dạng văn hóa và thiên nhiên sông nước miệt vườn

(TITC) – Là một trong 13 tỉnh, thành thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Bến Tre tạo ấn tượng mạnh mẽ với du khách trong và ngoài nước bởi sự đa dạng văn hóa và thiên nhiên sông nước miệt vườn.

 

Du khách tham quan cồn Phụng

 

Bến Tre có đường bờ biển dài 65km, có rừng ngập mặn với hệ động thực vật phong phú, các kênh rạch chằng chịt cùng nhiều cù lao, cồn bãi, nên bốn mùa khí hậu ôn hòa, mát mẻ. Đây còn là một ốc đảo được hợp thành từ ba dãy cù lao (cù lao Bảo, cù lao Minh, cù lao An Hóa) và được bồi tụ bởi phù sa của 4 con sông Tiền, Hàm Luông, Ba Lai và Cổ Chiên nên đất đai rất phì nhiêu, màu mỡ, thích hợp trồng nhiều loại trái cây, trong đó nổi tiếng nhất là cây dừa. Bến Tre hiện có 53.000ha diện tích đất trồng dừa, chiếm 1/4 diện tích dừa cả nước, sản lượng hàng năm khoảng 500 triệu trái, không chỉ cung cấp trong nước mà còn xuất khẩu đi các nước như Singapore, Malaysia, Philippin, Ấn Độ, Trung Quốc… Dừa được chế biến thành nhiều sản phẩm đa dạng như: than hoạt tính, chỉ sơ dừa, cơm dừa nạo sấy, sữa dừa, thạch dừa, mặt nạ dừa, kẹo dừa,… Người dân Bến Tre còn tận dụng tất cả các thành phần của cây dừa như thân, cọng, vỏ, lá… để làm ra nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo, được nhiều du khách ưa chuộng tập trung ở các làng nghề thuộc Cồn Phụng (huyện Châu Thành) và Hưng Phong (huyện Giồng Trôm).

 

Bên cạnh đó, Bến Tre còn có rất nhiều làng nghề truyền thống khác như nghề hoa kiểng Cái Mơn – Chợ Lách, bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc, nghề đan đát, bó chổi, làm lu,… Đây là điều kiện thuận lợi để Bến Tre phát triển loại hình du lịch làng nghề gắn với du lịch sinh thái.

 

Đình làng và nhà cổ ở Bến Tre cũng là nơi thu hút nhiều du khách đến tham quan, tiêu biểu là đình Bình Hòa (huyện Giồng Trôm), đình Phú Lễ (huyện Ba Tri) hay đình Phú Tự (TP. Bến Tre) có cây bạch mai cổ thụ độc nhất vô nhị, trên 300 năm tuổi vẫn còn xanh tốt. Bến Tre còn có ngôi nhà cổ ở xã Đại Điền (huyện Thạnh Phú) trên 100 năm tuổi, xây theo kiểu hình chữ nhất và được trang trí hoa văn chạm trổ khéo léo, tinh tế.

 

Bến Tre đặc biệt hấp dẫn du khách với những làn điệu dân ca đằm thắm, trữ tình, mang đậm sắc thái vùng sông nước miền Tây, có đủ các làn điệu hát ru, hò, vè, lý, hát sắc bùa, cải lương; đặc biệt, nơi đây vẫn bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử – di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Mảnh đất này còn lưu giữ kho tàng văn học dân gian với những truyện cổ, thơ ca, câu đố, giai thoại về “ông già Ba Tri”…

 

   Khu di tích mộ Nguyễn Đình Chiểu


Hàng năm, tại Bến Tre diễn ra nhiều lễ hội đặc sắc, tiêu biểu như: lễ hội truyền thống cách mạng Đồng Khởi (17/1) tại xã Định Thủy (huyện Mỏ Cày); Ngày hội văn hóa truyền thống nhân kỉ niệm ngày sinh nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu (1/7) tại xã An Đức (huyện Ba Tri); Ngày hội cây trái ngon – an toàn và sản phẩm nông nghiệp tỉnh Bến Tre dịp Tết Đoan Ngọ (5/5 âm lịch), lễ hội Nghinh Ông của các cư dân vùng biển (15, 16/6 âm lịch)… Riêng lễ hội dừa đã được nâng lên thành Festival Dừa mang tầm cỡ quốc gia, được tổ chức 2 năm một lần vào dịp 30/4 với nhiều hoạt động phong phú, thu hút rất nhiều du khách đến tham quan, dự hội.

 

Du khách đến Bến Tre ngoài việc tham quan phong cảnh thiên nhiên sông nước miệt vườn và tìm hiểu bản sắc văn hóa địa phương độc đáo, đa dạng còn rất thích thú với loại hình du lịch cộng đồng. Đến đây, du khách có thể cùng người dân đi đặt lộp, bắt cá, làm vườn, trồng lúa, chế biến thức ăn…; hay lênh đênh trên sông nước, tham quan cơ sở sản xuất kẹo dừa, làm bánh tráng, thủ công mỹ nghệ dừa; thưởng thức trái cây tươi ngon; nghe biểu diễn đờn ca tài tử Nam Bộ… Tất cả sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị, không thể nào quên.

 

Bến Tre có cơ hội và tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch, trong đó du lịch sinh thái và du lịch văn hóa – lịch sử đang ngày càng thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế. Hiện tỉnh đang có những định hướng nhằm đưa ngành “công nghiệp không khói” này trở thành một trong những ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh.

 

Phạm Phương

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Đặc sắc các tour dành cho du khách ngoại ăn Tết Việt

Trong dịp Tết Nguyên đán 2014, các công ty du lịch đã tung ra những tour du lịch đặc sắc mang đậm nét văn hóa Việt để thu hút du khách quốc tế.

 

Năm nay, lịch nghỉ lễ bắt đầu từ 28 tháng Chạp (ngày 28/1/2014) nên các tour cận Tết của hầu hết các công ty du lịch đều bắt đầu khởi hành từ ngày 29 Tết và kết thúc vào mùng 2 Tết (29/1 – 1/2/2014).

 

Trước tiên phải nói đến chùm tour “Du xuân phương Nam, rước Tết về nhà” của Saigontourist. Du khách sẽ được tham quan làng hoa, chợ hoa Xuân Nam bộ, xem người dân địa phương chuẩn bị đón Tết, trải nghiệm homestay – đến tận nhà dân xem gói, nấu bánh tét, bánh ít… và mua các đặc sản địa phương về làm quà Tết.

 

Từ ngày 20 tháng Chạp trở đi cũng là lúc các phiên chợ nổi ở Cái Bè (Tiền Giang), Cái Răng (Cần Thơ)… bước vào mùa hội nhộn nhịp nhất trong năm khi nơi đây biến thành chợ đầu mối quy tụ mọi sản vật, hoa trái của cả vùng đồng bằng châu thổ trù phú. Quang cảnh buôn bán tấp nập “trên bến dưới thuyền”, không khí khẩn trương vận chuyển hàng hóa, sẽ là điểm nhấn thu hút du khách quốc tế.

 

Đặc biệt, tại thời điểm này các điểm tham quan tương đối thưa người nên rất phù hợp với du khách quốc tế để tận hưởng sự yên bình cùng người dân địa phương trong không khí chuẩn bị Tết.

 

Bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc Tiếp thị-Marketing Saigontourist, cho biết, các tour cận Tết đã được Saigontourist tổ chức từ nhiều năm nay và khá thành công vì đã thu hút hơn 80% là du khách quốc tế. Hiện tại, trong các tour cận Tết 2014, lượng du khách quốc tế và Việt kiều về thăm quê hương đã đặt chỗ được hơn 70%.

 

Trong khi đó, Vietravel lại tập trung vào các tour cận Tết theo vùng miền để du khách quốc tế có thể khám phá những văn hóa đón Tết riêng của từng vùng quê ở 3 miền của Việt Nam.

 

Các tour Đà Nẵng-Huế-Phong Nha-Bà Nà-Hội An với 4 ngày, giá 6,5 triệu đồng/người (đã được giảm giá hơn 1 triệu) sẽ đưa du khách tới vùng đất cố đô Huế thăm các làng nghề làm mứt, làm hoa đồng thời thăm Hội An phố cổ với những lễ hội chuẩn bị đón Xuân đặc sắc. Ngoài ra các tour Hà Nội-Yên Tử-Sapa-Bái Đính, 4 ngày; Nha Trang-Đà Lạt, 5 ngày đón lễ hội Hoa Đà Lạt năm 2013… đã được rất nhiều du khách quốc tế đăng ký tour.

 

Công ty Dã ngoại Lửa Việt với tour “Hành trình đất Phương Nam” 4 ngày theo lịch trình Tp. HCM-Sóc Trăng-Cà Mau sẽ đưa du khách quốc tế trải nghiệm những chuyến du ngoạn tìm hiểu về vùng đất phương Nam nổi tiếng. Hay tour “Tây Nguyên hùng vĩ”, 4 ngày sẽ cho du khách được sống cùng núi rừng Tây Nguyên với văn hóa cồng chiêng và nhấm nháp hương vị cà phê đậm đà.

 

Saigontourist với chùm tour “Tây ăn Tết ta 2014” dành cho du khách quốc tế tại Tp. HCM với hai hành trình được ưa chuộng: Tết về Đồng bằng sông Cửu Long (1 ngày) và Tết với người Sài Gòn (nửa ngày), khởi hành liên tục từ 23-30/1/2014 (23-30 Tết).

 

Ông Vũ Duy Vũ, Phó Tổng Giám đốc Saigontourist cho biết, đây không chỉ là sản phẩm tour du lịch đơn thuần mà thực sự là hình thức quảng bá văn hóa Tết cổ truyền hấp dẫn và hiệu quả đến với cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam và khách quốc tế đến Việt Nam du lịch dịp Tết Giáp Ngọ 2014.

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Lâm Đồng: Xây dựng Tour du lịch “Một địa danh – 3 điểm đến”

Đây là sản phẩm du lịch liên kết của 3 điểm du lịch nổi tiếng là Khu Du lịch (KDL) Trúc Lâm Viên, Trung tâm huấn luyện Núi Voi và KDL Đá Tiên – hồ Tuyền Lâm.

Thiền Viện Trúc Lâm

 

Tour du lịch nằm trọn trong khu căn cứ địa Núi Voi được hình thành từ thời kháng chiến chống Pháp và Mỹ vừa được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp chứng nhận là di tích lịch sử, nằm ở phía Nam cửa ngõ Đà Lạt. Núi Voi còn là một điểm du lịch có khí hậu quanh năm mát mẻ, hệ động thực vật phong phú. Tour du lịch “Một địa danh – 3 điểm đến” sẽ giới thiệu với du khách chất “thiền” và thư giãn ngắm những tác phẩm bonsai, hòn non bộ, phòng tranh… và thưởng thức trà đạo tại KDL Trúc Lâm Viên, tham gia những trò chơi tập thể như vượt suối, vượt chướng ngại vật, câu cá, leo núi… ở Trung tâm huấn luyện Núi Voi và thưởng thức bầu không khí trong lành giữa thiên nhiên hoang dã với các công trình kiến trúc lãng mạn bằng tranh, tre, nứa, lá… và tham gia các trò chơi câu cá, cưỡi voi ở KDL Đá Tiên.  

 

Đây là tour du lịch được các doanh nghiệp liên kết thiết kế nhằm tạo thêm sản phẩm du lịch mới, khai trương trong Tuần Văn hóa Du lịch Đà Lạt 2013 và góp phần làm phong phú sản phẩm du lịch Đà Lạt – Lâm Đồng trong Năm Du lịch Quốc gia Tây Nguyên – Đà Lạt 2014./.

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Thí điểm mở tuyến du lịch Hải Phòng-Bạch Long Vỹ

UBND thành phố Hải Phòng vừa đồng ý chủ trương cho phép thực hiện thí điểm mở tuyến vận tải hành khách du lịch bằng đường biển Hải Phòng-Bạch Long Vỹ và ngược lại.

 

 

UBND thành phố Hải Phòng yêu cầu các đơn vị liên quan xây dựng phương án tổ chức khai thác vận tải khách du lịch tuyến Hải Phòng-Bạch Long Vỹ; hướng dẫn các đơn vị khai thác lập hồ sơ, phương án vận chuyển cụ thể; công bố công khai hành trình chạy tàu từ Hải Phòng đi Bạch Long Vỹ và ngược lại; tổ chức, quản lý, giám sát hoạt động của phương tiện trên toàn bộ hành trình; tổ chức khảo sát luồng; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát đảm bảo an ninh, trật tự, quản lý du khách đến Bạch Long Vỹ.

 

Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các đơn vị tăng cường quản lý, chỉ đạo các lực lượng chức năng giám sát chặt chẽ hoạt động của các phương tiện và đề xuất việc nạo vét tại khu vực Bến tàu khách Bến Bính…

 

UBND huyện Bạch Long Vỹ phối hợp tăng cường quản lý các hoạt động tham quan, dịch vụ du lịch tại đảo Bạch Long Vỹ, quản lý khách du lịch đến và đi đảm bảo an ninh, quốc phòng, trật tự trị an trên đảo./.

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Du lịch trải nghiệm tại vườn quốc gia Tràm Chim

(TITC) – Những năm gần đây, du lịch trải nghiệm đang trở thành loại hình du lịch hấp dẫn nhiều du khách tại Việt Nam. Tham gia những tour du lịch trải nghiệm, du khách không chỉ được thưởng ngoạn cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp mà còn được hòa mình vào cuộc sống sinh hoạt của người dân địa phương.

 

Nắm bắt xu thế này, Trung tâm Du lịch và Giáo dục môi trường vườn quốc gia Tràm Chim đã tổ chức triển khai thực hiện thí điểm chương trình du lịch trải nghiệm mùa nước nổi năm 2013 tại vườn, bao gồm 04 phần: trải nghiệm làm ngư dân, tham quan và trải nghiệm thu hoạch lúa trời, tham quan bãi chim sinh sản và bơi xuồng ngắm cảnh quan sinh thái.

 

Chương trình được tổ chức nhằm mục đích đa dạng các loại hình dịch vụ và sản phẩm du lịch, hướng đến xây dựng mô hình du lịch bền vững có sự tham gia của cộng đồng. Thông qua chương trình này, du khách có thể hòa nhập vào cuộc sống của ngư dân và tự tay thực hiện những công việc sinh kế miền sông nước Đồng Tháp Mười, đồng thời khám phá những giá trị văn hóa độc đáo của người dân nơi đây; từ đó, góp phần nâng cao ý thức bảo tồn vùng đệm vườn quốc gia Tràm Chim cho du khách.

 

Nằm ở khu vực trung tâm Đồng Tháp Mười thuộc hạ lưu sông Mê Kông, cách sông Tiền khoảng 25km về phía tây, vườn quốc gia Tràm Chim có diện tích tự nhiên hơn 7.000 ha, thuộc địa phận 5 xã: Tân Công Sính, Phú Đức, Phú Thọ, Phú Thành, Phú Hiệp và thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông, tỉnh Ðồng Tháp. Nơi đây có cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp với màu xanh ngút ngàn của rừng tràm và thảm thực vật phong phú (hơn 130 loài khác nhau) trên một vùng sông nước mênh mông.

 

 

Vườn quốc gia Tràm Chim còn có rất nhiều loài chim quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ IUCN như: ngan cánh trắng, cốc đế, giang sen, bồ nông chân xám, già sói…, đặc biệt là loài sếu đầu đỏ – loài chim nước lớn nhất trong họ Hạc, cần được bảo vệ vì đang có nguy cơ tuyệt chủng trên thế giới.

 

Đến với khu du lịch sinh thái vườn quốc gia Tràm Chim, du khách sẽ có cơ hội vào những khu rừng tràm ngập nước để khám phá điều kỳ thú của hàng trăm loài chim sinh sống tại đây; cùng trải nghiệm cảm giác làm ngư dân đặt lờ, lợp, giăng lưới bắt cá hay ngồi thưởng thức món cá linh non đầu mùa, cá lóc nướng cuốn lá sen non và bông súng mắm kho.

 

Vườn quốc gia Tràm Chim đã được Nhà nước đầu tư, nâng cấp, mở rộng thành bảo tàng thiên nhiên, trung tâm du lịch sinh thái hấp dẫn. Đây chính là điểm hẹn lý tưởng cho du khách bốn phương, đặc biệt là vào mùa nước nổi (từ tháng 8 đến tháng 11 âm lịch).

 

Chương trình du lịch trải nghiệm mùa nước nổi tại vườn quốc gia Tràm Chim được thí điểm đến hết tháng 12 năm 2013.

 

Phạm Phương

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Sa Pa có thêm tuyến, điểm du lịch cộng đồng mới

(TITC)- Ngày 24/7/2013, UBND Tỉnh Lào Cai đã ra quyết định công nhận thôn Má Tra (xã Sa Pả) và tuyến du lịch Sa Pa – Sa Pả – Hầu Thào – Sử Pán – Tả Van – Sử Pán vào danh sách các tuyến, điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện Sa Pa.

Với việc có thêm tuyến, điểm du lịch mới sẽ tạo điều kiện để du khách được tận hưởng cuộc sống dân dã và trải nghiệm sinh hoạt văn hoá của đồng bào các dân tộc. Đồng thời đây không chỉ là cơ hội để người dân nơi đây giới thiệu các nét văn hoá đặc sắc của dân tộc mình, mà còn có điều kiện tăng thêm thu nhập, từng bước thoát nghèo.

 

Sa Pa được coi là vùng đất có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng, bởi nơi đây không chỉ có quang cảnh thiên nhiên hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc mà còn ẩn chứa kho tàng văn hoá truyền thống đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số.

Bên cạnh việc công bố thêm tuyến, điểm du lịch mới, để bảo đảm cho sự phát triển bền vững, tỉnh đưa ra các quy định về bảo vệ tài nguyên du lịch, đảm bảo vệ sinh môi trường; tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch đến tham quan; bảo đảm sự tham gia của cộng đồng dân cư vào các hoạt động du lịch; giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội, và an toàn cho du khách; quản lý việc đầu tư, xây dựng các cơ sở dịch vụ du lịch tại các điểm du lịch địa phương và dọc các tuyến du lịch theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh giai đoạn 2005 – 2010 và định hướng đến năm 2020…

Phát triển du lịch cộng đồng trên cơ sở giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, bảo vệ môi trường và cảnh quan thiên nhiên là hướng đi bền vững của du lịch Sa Pa. Với tiềm năng, lợi thế của mình, Sa Pa có triển vọng phát triển mạnh loại hình du lịch văn hoá chất lượng cao, kết hợp du lịch cộng đồng, sinh thái, nghỉ dưỡng. Khi đến Sa Pa, du khách có thêm nhiều cơ hội lựa chọn các sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú và độc đáo tại địa phương.

Phạm Thanh

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

TIN MỚI NHẤT