Điểm đến du lịch

Những địa điểm du lịch hấp hẫn những địa điểm du lịch trong nước, địa điểm du lịch nước ngoài được chúng tôi tổng hợp và đưa tin đến Quý bạn đọc đam mê du lịch có cái nhìn tổng quan nhất về các địa danh du lịch để quyết định cho mình cho những chuyến du lịch ý nghĩa nhất

Hành trình về cao nguyên Dào San

Dào San là xã vùng biên giới cách trung tâm TX. Lai Châu khoảng 60km về phía Bắc, là nơi cư trú của 5 dân tộc Mông, Dao, Thái, La Hủ, Hà Nhì. Đây cũng là nơi ẩn chứa biết bao điều kỳ diệu, khiến cho du khách đã từng đặt chân tới đều hết sức ngỡ ngàng…

Về với cao nguyên Dào San, du khách không chỉ được chìm đắm trong phong cảnh thiên nhiên hữu tình, không gian thoáng đãng nên thơ, kiến trúc độc đáo từ những ngôi nhà truyền thống của người Mông, mà còn được sống trong môi trường du lịch thân thiện, đầm ấm và cảm nhận cái chân chất, mộc mạc của những con người sống nơi vùng cao biên cương.

 

cao nguyên Dào San

 

Dào San là tên gọi bắt nguồn từ tiếng Quan Hỏa, theo ngôn ngữ của người Mông nơi đây: “Dào” có nghĩa là làng, “San” gọi theo tên vùng nơi đây. Có thể hiểu Dào San là một vùng đất không cao không thấp với khí hậu quanh năm mát mẻ, trong lành.

 

Trên chuyến hành trình về cao nguyên Dào San du khách đi qua địa phận xã Mường So, huyện Phong Thổ. Du khách có thể dừng chân để tham quan hang Thẳm Tạo, miếu Nàng Han và bản văn hóa du lịch Vàng Pheo để trải nghiệm cuộc sống qua cách sinh hoạt bình dị của người dân nơi đây; thưởng thức những món ăn mang đậm hương vị Thái như: cá bống vùi tro, sâu đá, rêu đá, cá suối nướng, măng đắng, măng ngọt, thịt trâu sấy, thịt lợn hấp lá vả, canh rau đắng và giao lưu văn nghệ cùng bà con dân bản.

 

Tạm biệt Mường So, tiếp tục cuộc hành trình qua những cung đường uốn lượn, thoắt ẩn thoắt hiện trong màn sương sớm là những ngôi nhà truyền thống thanh bình dưới thung sâu, vất vưởng trên những chiền núi, thấp thoáng đâu đó ta thấy những bộ trang phục sặc sỡ của những cô gái Mông đang làm nương… Ấn tượng khi về với  Dào San là những cánh rừng xanh ngút ngàn, những đồi thảo quả trải dài đến vô tận với những con đường nhiều tầng xuyên qua mây trắng bồng bềnh, với những dòng suối róc rách chảy, với vùng đất có những em bé đĩu nước tất tả dọc đường. Tất cả đều từ từ hiện lên như những thước phim quay chậm về thiên nhiên tươi đẹp của mảnh đất này.

 

Ghé thăm “Đồi Nghiêng” cách trung tâm xã Dào San khoảng 1km về phía Tây Nam, với độ cao 1.800m so với mặt nước biển để trải nghiệm những điều thú vị xen lẫn mạo hiểm khi lần qua những vách đá tới cổng trời, phóng tầm mắt ngắm nhìn khung cảnh phía xa xa với những thửa ruộng bậc thang uốn lượn theo sườn núi.

 

Tiếp tục cuộc hành trình đến với phiên chợ Dào San trên đỉnh Chùng Sủa Dằn. Nơi đây mang nét văn hóa chung của vùng cao Tây Bắc, nơi giao thoa những giá trị của bản sắc văn hóa truyền thống Việt. Bà con đến chợ với những đặc sản giản đơn của núi rừng, từ gùi ngô, chút gạo thơm lựng, chút mộc nhĩ, cả những mớ rau rừng, nhiều nhất vẫn là các sản phẩm thủ công được bày bán khắp nơi trên sạp hàng của người Mông, Dao, Kinh…

 

Đến Dào San vào dịp mùa xuân, du khách có dịp tham gia các lễ hội cùng người dân bản địa như lễ hội Gầu Tào được tổ chức vào ngày mùng 4 – 6 âm lịch hàng năm, được tham gia các trò chơi dân gian cùng bà con dân bản như tù lu, ném pao, ném còn, leo cột mỡ, múa khèn, đẩy gậy và tục “kéo vợ” rất thú vị.

 

Dào San không chỉ đẹp trong màu xanh của núi đồi, màu vàng của đất, của lúa mới, màu đục của sương sớm mà ta còn thấy được cái đẹp nơi tâm hồn đồng bào vùng cao bởi sự thân thiện đón khách. Nơi đây còn lưu giữ nét văn hóa truyền thống trong những câu hát, điệu múa cổ, các nghi lễ truyền thống, các làng nghề thủ công, đặc biệt là nghề dệt vải truyền thống, nghề rèn, đan lát, nghề nấu rượi ngô…

 

 

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Độc đáo hội vật truyền thống làng Sình ở Thừa Thiên-Huế

Ngày 9/2 (mùng 10 tháng Giêng), hội vật làng Sình, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế tưng bừng khai hội vật đầu Xuân, thu hút hàng ngàn người dân và du khách về dự.
 

Từ sáng sớm, không khí lễ hội đã rộn ràng trên khắp các nẻo đường về Sình, người dân và du khách từ các nơi tấp nập đổ về tấp nập. Đến khoảng 8 giờ sáng, các sới vật đã chật kín người.

Hội vật thường được bắt đầu bằng nghi lễ vái tạ Thành Hoàng của các trưởng bối ở đình làng, để nhắc nhở con cháu nhớ đến ơn đức tổ tiên.

Ông Nguyễn Văn Huệ, Trưởng ban hội đồng tộc trưởng làng Sình cho biết hội vật làng Sình là lễ hội cổ xưa có truyền thống cách đây hơn 400 năm.

Theo thông lệ, vào mùng 10 tháng Giêng, làng mở hội vật để cầu sức khỏe, bình an, mùa màng bội thu, cũng là dịp để giải trí ngày đầu Xuân và khuyến khích thanh niên rèn luyện sức khỏe, lòng dũng cảm.

Hội vật đề cao tinh thần đồng đội và thượng võ, không đặt nặng thắng thua, các đô vật không được ra các đòn đánh nguy hiểm đến tính mạng và tất cả các đô vật lên sới đều được nhận phần thưởng.

Mở đầu hội vật, sau tiếng trống khai hội là những màn biểu diễn đẹp mắt của các đô vật chuyên nghiệp, tiếp đến là những trận tranh tài quyết liệt của những đấu vật thanh niên, thiếu niên.

Các đô vật lên sới đấu không nhất thiết phải là người địa phương mà bất kỳ người dân hoặc du khách nào cũng có thể đăng ký lên sới đấu vật. Nếu người nào bị vật lấm lưng, trắng bụng là bị thua, người vô địch sẽ là người chiến thắng liên tiếp từ trận đấu đầu tiên đến đấu cuối cùng.

Hội vật năm nay thu hút hàng trăm đô vật đến từ nhiều địa phương trong tỉnh. Đặc biệt còn có sự tham gia của các đô vật nữ.

Du khách được chứng kiến nhiều cuộc đấu gay cấn với nhiều miếng đánh đẹp mắt và dũng mãnh. Càng về chiều, sức nóng trên khán đài càng tăng cao, người xem ngày càng đông hơn, tiếng hò reo ủng hộ của khán giả thúc giục các đấu sỹ thi đấu quyết liệt hơn.

Hội vật đã trở thành mạch sống văn hóa của người làng Sình cũng như người dân xứ Huế. Sức hấp dẫn của hội vật không chỉ thu hút các đô vật và du khách trong vùng mà còn đối với cả du khách nước ngoài mỗi khi có dịp đến Huế.

Không chỉ có vậy, du khách đến xem đấu vật còn được tham gia nhiều trò chơi dân gian, thưởng thức ẩm thực Huế và chiêm ngưỡng các sản phẩm làng nghề thủ công truyền thống đặc trưng của mảnh đất cố đô./.

 

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Văn hóa hội xuân – Nét đẹp cần gìn giữ của người Việt

Với gần 8.000 lễ hội lớn nhỏ, Việt Nam được ví như đất nước của lễ hội. Bên cạnh ý nghĩa tâm linh, hướng về cội nguồn, lễ hội còn là dịp để người Việt gắn bó với nhau hơn thông qua các hoạt động cộng đồng.
 

Với người Việt, mùa Xuân cũng đồng nghĩa với mùa lễ hội. Hàng năm, cứ vào dịp sau Tết Nguyên đán, lễ hội diễn ra ở khắp nơi, từ nông thôn cho tới thành thị và thường kéo dài cho tới tận hết tháng Ba âm lịch.

Lễ hội đầu Xuân vừa là dịp để người Việt tưởng nhớ công ơn các bậc tiền nhân tiên tổ, vừa để vui chơi giải trí sau một năm vất vả lo toan làm ăn.

Và với người Việt, đi hội đầu Xuân cũng là dịp để thưởng ngoạn phong cảnh và thưởng thức không khí thanh bình, trong lành của mùa Xuân. Tùy vào đặc trưng văn hóa và tập quán sinh sống mà lễ hội ở mỗi vùng cũng có những nét đặc sắc riêng.

Theo các nhà nghiên cứu, Bắc bộ là vùng có nhiều lễ hội và hình thức thể hiện cũng phong phú, đa dạng hơn cả. Tại đây hầu như làng nào, xã nào cũng có lễ hội. Trong đó có nhiều lễ hội lớn như Lễ hội Đền Hùng, hội Gióng, hội Chùa Hương, hội Yên Tử, hội đền Cổ Loa, hội Tịch điền, hội Lim…

Điển hình như Hội Gióng ở Sóc Sơn và Phù Đổng (Hà Nội) đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại (16/11/2010).

Hội Gióng là một lễ hội có từ rất lâu đời. Lễ hội được tổ chức để tưởng nhớ công ơn Thánh Gióng, người có công đánh giặc giữ nước và là một trong bốn vị thánh bất tử của người Việt.

Lễ hội ngoài tính tôn vinh, còn thể hiện tinh thần chống giặc ngoại xâm, và thể hiện mong ước quốc thái dân an của người Việt. Vì vậy, từ xưa đến nay, năm nào cũng vậy, cứ đến ngày mùng 6 tháng Giêng và mùng 9 tháng Tư âm lịch, cư dân hai xã Phù Linh và Phù Đổng lại nô nức tổ chức hội Gióng để tưởng nhớ đến công lao của người anh hùng xưa.

Ngoài hội Gióng, vào ngày xuân, nhiều địa phương vùng đồng bằng Bắc Bộ cũng đồng loạt khai hội. Mỗi lễ hội mang những nét đặc trưng riêng, tạo nên bản sắc văn hóa của từng vùng.

Ví như Lễ hội Cổ Loa độc đáo với phần thi bắn cung nỏ, Lễ hội ở Đồ Sơn nổi tiếng với màn chọi trâu, Hội Lim đằm thắm với những câu giao duyên của các liền anh liền chị quan họ…

Khác với không khí hội làng ở Bắc bộ, Lễ hội ở miền Trung và Nam bộ thường liên quan đến tôn giáo, nghề nghiệp và danh thắng. Điển hình như lễ hội Bà Chúa Xứ ở An Giang, lễ hội núi Bà Đen ở Tây Ninh, lễ hội chùa Bà ở Bình Dương, hội vật làng Sình ở Huế…

Trong số gần 8.000 lễ hội, quan trọng và linh thiêng thiêng nhất đối với mỗi người Việt Nam và kiều bào ở nước ngoài chính là Lễ hội Đền Hùng, hay còn gọi là Giỗ tổ Hùng Vương.

Ngày nay, Lễ hội Đền Hùng được Nhà nước công nhận là Quốc lễ. Lễ hội diễn ra ở đền Hùng, Phú Thọ, kéo dài từ ngày mùng 8 đến ngày 11 tháng Ba âm lịch, trong đó mồng 10 là chính hội.

Lễ hội là dịp để người Việt trong và ngoài nước tưởng nhớ đến các vua Hùng đã có công dựng nước. Đây là một mĩ tục đẹp của người Việt trong việc thờ cúng tổ tiên mà không một quốc gia nào trên thế giới có được.

Với tính chất đặc biệt như vậy nên Việt Nam đã xây dựng hồ sơ đệ trình lên UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ Hùng Vương” của Việt Nam là Di sản Văn hóa Phi vật thể của nhân loại.

Có thể nói, với gần 8.000 lễ hội được tổ chức trên khắp đất nước, đặc biệt là các lễ hội diễn ra vào mùa Xuân, Việt Nam xứng đáng được xem là đất nước của lễ hội.

Đây không chỉ là một kho tàng di sản văn hóa quý giá đối với mỗi người dân Việt Nam mà còn có sức hút rất lớn đối với tất cả những ai muốn tìm hiểu về văn hóa, phong tục, tập quán của người Việt./.

 

 

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Lên đỉnh Sơn Trà

Sơn Trà là tên một bán đảo – một ngọn núi thuộc quận Sơn Trà (tên quận đặt theo tên bán đảo), TP Đà Nẵng, nằm cách trung tâm thành phố Ðà Nẵng chừng 10 km về hướng Ðông Bắc.

Sơn Trà có diện tích 60 km², chiều dài 13 km, chiều rộng 5 km, nơi hẹp nhất 2 km. Bán đảo Sơn Trà cùng với đèo Hải Vân bao bọc thành phố Đà Nẵng và vịnh Đà Nẵng.

 

 

Cầu Thuận Phước là cây cầu treo đẹp nhất Đà Nẵng và kỷ lục của Việt Nam được bắc qua bán đảo này. Bán đảo Sơn Trà có nhiều thắng cảnh thiên nhiên và trong tương lai không xa sẽ trở thành khu du lịch nổi tiếng của thành phố và của cả nước.

 

Thời xa xưa, Sơn Trà là một hòn đảo gồm 3 ngọn núi nhô cao. Ngọn phía Đông Nam trông như hình con nghê chồm ra biển, nên gọi là hòn Nghê. Ngọn phía Tây hình dạng như cái mỏ con diều hâu, nên gọi là ngọn Mỏ Diều. Và ngọn phía Bắc vươn về phía ngọn Ngự Hải bên kia cửa biển dài như cổ ngựa, nên gọi là ngọn Cổ Ngựa. Qua thời gian dài, dòng nước biển chảy ven bờ đã tải phù sa đến bồi đắp dần lên tạo thành doi đất chạy từ đất liền ra đảo. Bán đảo Sơn Trà hình thành từ đó.

Ngày nay, ngay tại những ngọn này hình thành những khu du lịch nổi tiếng như Bãi Rạng, Bãi Đa, Bãi Bụt hay khu resort Đông Dương. Đặc biệt, nơi đây có ngôi chùa Linh Ứng linh thiêng và huyền bí là điểm đến lý tưởng đối với khách thập phương.

 

Cùng với hệ thống núi non của Hải Vân sơn ở phía bắc, bán đảo Sơn Trà ở phía Nam vây lại thành hình cánh cung tạo nên một vịnh biển mang tên Vũng Sơn Trà hay còn gọi bằng nhiều tên khác khá quen thuộc như Vũng Tiên Sa, Vũng Thùng, Vũng Hàn, vịnh Ðà Nẵng. Với địa thế như vậy, Sơn Trà như một tấm bia che chắn mọi cơn bão hay áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào thành phố yên bình này.

 

Sơn Trà có gần 4.000 ha rừng, trong đó một phần là đất đồi đang được phủ thêm loại cây công nghiệp. Sơn Trà là nơi giao lưu giữa hai hệ động vật và thực vật tiêu biểu của hai miền Nam – Bắc.

 

Núi Sơn Trà cao đến gần 700 m, xưa nay được xem như đài khí tượng thiên nhiên của nhân dân quanh vùng.
Bán đảo Sơn Trà ngày nay vẫn còn hoang sơ và có hàng loạt bãi tắm đẹp như Mỹ Khê, bãi tắm Phạm Văn Đồng, T20 hay những khu resort trải dài hàng chục km. Sau khi có con đường ven biển đi vòng quanh bán đảo, nơi đây đang phát triển các khu nghỉ mát cao cấp để thu hút và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho khách du lịch tới đây.

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Phong tục cỗ cúng tết 3 miền

Đối với người Việt, ẩm thực từ lâu đã trở thành một yếu tố quan trọng trong những ngày Tết cổ truyền, có lẽ bởi thế mà người ta thường hay nói “ăn Tết” nhiều hơn là chơi Tết, nghỉ Tết…

Một nét đặc trưng trong văn hóa ẩm thực ngày Tết của người Việt chính là mâm cỗ Tết, ở mỗi vùng miền do điều kiện địa lý, thói quen ăn uống khác nhau mà lại có những cách bày mâm cỗ Tết khác nhau.

 

Mâm cỗ Tết cổ truyền ở miền Bắc theo lệ là bốn bát, bốn đĩa, cỗ lớn thì 6 bát, 6 đĩa hoặc 8 bát, 8 đĩa… Nào bát giò heo hầm măng lưỡi lợn, bát bóng nấu thập cẩm, bát miến nấu lòng gà, bát mọc. Nào đĩa xôi, đĩa thịt gà luộc, đĩa thịt đông, đĩa giò lụa, đĩa giò xào, thêm đĩa nộm và đĩa dưa hành muối. Với mâm cỗ Tết, việc trình bày cũng không thể qua loa, các món ăn đều được bày biện khéo léo và đẹp mắt. Ví như, đĩa xôi gấc đỏ tươi như thể hiện mong ước được nhiều may mắn trong năm mới, các món nấu, các món canh sẽ được rắc những cọng hành lá xanh để điểm thêm màu sắc. Thịt gà dùng trong ngày năm mới phải là thịt gà trống thiến được làm sẵn từ chiều 30 (vì người Việt ta kiêng sát sinh vào ngày mồng 1 Tết và năm mới). Thịt lợn là thịt nạc mông hay thịt chân giò ngon, còn thịt mỡ sẽ dùng để chế biến món giò xào cho dễ ăn…

 

Miền Bắc ngày Tết không thể thiếu món bánh chưng ăn kèm dưa hành, trên mâm cỗ của nhiều nhà còn bày cả đĩa bánh chưng xanh. Cái rét lạnh đặc trưng vào mùa đông của miền Bắc cũng khiến những món ăn như giò xào, thịt nấu đông trở thành những món ăn gắn liền với mâm cỗ ngày Tết. Ở nhiều địa phương, còn có chè kho từ lâu đã trở thành món ăn thân thiết, luôn hiện diện trong mâm cỗ cúng gia tiên mỗi đêm giao thừa. 

 

So với miền Bắc, mâm cỗ Tết của miền Nam và miền Trung đã có không ít đổi khác và mâm cỗ Tết miền Nam thường có nhiều đồ nguội do thời tiết nắng nóng. Vẫn là bánh chưng xanh ấy, nhưng ở miền Nam là sự hiện diện của những khoanh bánh chưng dài (hay còn gọi là bánh tét) được xắt miếng thay cho bánh chưng vuông và thường đi kèm với đĩa củ cải ngâm nước mắm. Bát canh măng nấu sẽ được dùng măng tươi thay cho măng khô (miền Bắc và miền Trung dùng măng khô). Thay cho bát canh mọc lại có bát canh khổ qua nhồi thịt. 

 

Sự khác biệt về thời tiết rõ rệt nên những ngày Tết ở miền Nam, loại thịt được dùng cho mâm cỗ Tết thường là thịt kho tàu (thịt heo, trứng với nước dừa). Đĩa thịt heo luộc, đĩa gỏi tôm thịt, đĩa nem, đĩa chả giò, đĩa dưa giá, củ kiệu cũng là những món ăn không thể thiếu trên mâm cỗ Tết ở miền Nam. Tùy theo từng địa phương, ta còn bắt gặp thêm mâm cỗ có các món như: cuốn thịt heo luộc, bánh ít, cơm rượu…

Mâm cỗ miền Trung trong dân gian thì có cả bánh chưng và bánh tét. Nhưng mâm cỗ tiến cúng ở miếu điện trong cung đình thì chỉ dâng cúng bánh chưng còn bánh tét thì không được dùng làm vật phẩm để dâng cúng tổ tiên. Vào những dịp nhà vua tế Trời ở đàn Nam Giao hoặc tế các vị Tiên đế ở Thế miếu, vật phẩm là bộ tam sinh (trâu, heo, dê) để nguyên con chưa qua chế biến, lễ vật này còn gọi là cỗ thái lao. Ngoài dân gian, khi cúng Đất thì bộ tam sinh là miếng thịt heo, con cua, cái trứng chỉ luộc chín chứ không chế biến.

 

Còn mâm cơm để cúng ông bà trong 3 ngày Tết là mâm cỗ có nhiều món ăn được chế biến gồm đủ các thành phần: Thượng cầm: các loại gia cầm biết bay như chim, gà, vịt… Hạ thú: các gia súc trên mặt đất như: heo, bò, gà… Rồi các loài thủy tộc dưới nước như: tôm, cua, cá… trong dân gian mâm cơm như vậy được gọi là hào soạn. Kể tên những món ăn trên mâm cỗ Tết miền Trung thì thường có đĩa dưa món, đĩa giò lụa Huế, đĩa thịt đông, đĩa gà bóp rau răm, đĩa chả Huế, đĩa thịt heo luộc, giá chua, bát ninh măng khô, bát miến Huế, đĩa cá chiên, hay đĩa ram… Ở nhiều nơi, người ta còn làm cả các món: cuốn diếp gỏi ngó sen, gỏi bao tử, bánh răng bừa hay các món đặc biệt xà lách gân bò, chả tôm, nem bọ lụi… để dâng lên tổ tiên ngày Tết.

 

Tục ăn Tết, bày mâm cỗ Tết dâng cúng tổ tiên từ lâu đã là một phong tục đáng quý đặc trưng của người Việt. Đó là cách con cháu thể hiện sự tưởng nhớ, lòng biết ơn đối với ông bà, tổ tiên của mình. Điều kiện địa lý, vùng miền đã mang đến nhiều điểm khác biệt rõ rệt trong mâm cỗ ngày Tết nhưng nét đặc trưng cơ bản mà miền nào cũng phải có trong mâm cỗ là cơm và xôi, đặc biệt là bánh chưng, bánh tét ăn kèm với các loại dưa muối đặc trưng của từng miền.

Ngày nay, cuộc sống bộn bề khiến nhiều gia đình không còn quá cầu kỳ trong việc chuẩn bị mâm cỗ Tết. Nhưng những mâm cỗ ấy vẫn luôn là biểu tượng của lòng thành kính thiêng liêng dâng lên tổ tiên và hình ảnh đại gia đình quây quần bên nhau quanh mâm cỗ ngày Tết luôn là hình ảnh đẹp và sẽ còn mãi theo thời gian.

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Khám phá Bản Sen

So với các xã đảo của Vân Đồn thì Bản Sen gần trung tâm huyện hơn cả. Từ thị trấn Cái Rồng, nếu đi tàu khách cũng chỉ mất khoảng 1 tiếng, còn đi xuồng máy hoặc tàu cao tốc thì chỉ vài chục phút là đặt chân đến Bản Sen rồi. Bản Sen có diện tích hơn 139km2, trong đó có 72km2 là diện tích đất nổi, còn lại là diện tích mặt nước và các đảo đá…

 

Điều ấn tượng nhất khi đến Bản Sen là du khách có cơ hội khám phá các đảo đá còn rất hoang sơ, với những hang động kỳ ảo bên trong nó. Chỉ tính riêng khu vực Quyết Tiến (thuộc thôn Đồng Gianh) đã có 5 hang động, trong đó nổi bật hơn cả là hang Nhà Trò. Gọi tên như vậy bởi khoảng không gian phía trong hang rất rộng, tới gần 200m2, trông giống như một nhà hát lớn, với sân khấu biểu diễn, chỗ ngồi của khán giả… Ở hai bên “sân khấu” có lối ra vào giống như cánh gà, xung quanh là các nhũ đá với các hình thù khác nhau.

 

Phía ngoài vách hang có nhiều hoá thạch vỏ sò, vỏ ốc chứng minh đây là nơi sinh sống của người Việt cổ. Lẫn trong tầng hoá thạch có cả xương thú cháy và đá cát két được chế tác thành công cụ thuộc thời kỳ đồ đá mới, cách ngày nay khoảng 5-7 nghìn năm.

 

Không chỉ có hang động đẹp, vừa có giá trị thẩm mỹ, vừa có giá trị khảo cổ học, đến Bản Sen, du khách còn có thể tham quan các mô hình nuôi trồng hải sản như tu hài, hầu biển, ốc… trên hàng nghìn ha mặt nước. Ngoài ra, du khách còn có thể thưởng thức những đặc sản của địa phương như chè Vân, Cam Sen v.v.. Cam Sen của Bản Sen chín rộ vào dịp Tết, quả to như cam Bố Hạ, nhưng nhiều người khen rằng cam Sen ngon hơn. Khi bổ cam ra, nước cam giống như màu mật ong, ăn rất ngọt.

 

Cam Sen đã nhiều năm là niềm tự hào của người dân Bản Sen. Cam Sen có hương vị đặc trưng, không giống cam ở các địa phương khác là do nó được trồng ở những thung lũng đá vôi. Đến Bản Sen vào dịp Tết là đúng mùa cam chín rộ, chắc chắn du khách sẽ không lỡ bỏ qua cơ hội đi tham quan vườn cam và tự tay mình hái những quả cam để thưởng thức hương vị đặc trưng này.

 

Một điều khá thuận lợi nữa, khi đến Bản Sen, du khách có thể dễ dàng sang các xã Minh Châu, Quan Lạn, nơi đã phát triển dịch vụ du lịch từ nhiều năm nay với những bãi biển đẹp nổi tiếng, rừng châm nguyên sinh lớn nhất và độc đáo nhất Việt Nam.

 

Nếu bạn là một người ưa khám phá thì còn chần chừ gì nữa, hãy đến Bản Sen đi, chắn chắn chuyến đi này sẽ mang lại cho bạn rất nhiều điều mới mẻ và vô cùng thú vị.

 

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Đi chợ phiên Bắc Hà

Chợ phiên Bắc Hà được coi là phiên chợ lớn nhất và giữ được nhiều nét văn hoá đặc trưng của người vùng cao tỉnh Lào Cai.

Nằm trong thị trấn Bắc Hà yên bình và thơ mộng của vùng đất cao nguyên nhấp nhô núi đồi, chợ phiên Bắc Hà diễn ra vào sáng chủ nhật hàng tuần. Càng vào dịp cuối năm, phiên chợ càng đông đúc, tấp nập hơn.

Tiếng nói cười rộn rã, sự nhộn nhịp khuấy đảo cái không khí yên tĩnh thường ngày nơi đây. Những quầy hàng được bày ra, những bước chân vội vã, sau lưng là chồng gùi rau quả, thực phẩm v.v.. Rồi tiếng quát tháo trâu, bò ở khu chợ bán gia súc, tiếng mời chào đon đả ở sạp đồ trang sức… Ai nấy đều bận rộn với ngày đáng mong chờ nhất trong tuần.

Ở cuối chợ, khói bếp bốc lên nghi ngút thơm mùi bánh phở, thắng cố. Những người đàn ông ngồi túm tụm chuyện trò và cùng uống rượu. Người Bắc Hà thật cởi mở, hiếu khách, dễ làm quen. Dẫu biết chúng tôi là khách lạ từ dưới xuôi lên nhưng những người ngồi quanh bàn rượu vẫn tỏ ra rất vồn vã. Những chén rượu mời chào, những nắm lạc rang chúc may mắn. Một người đàn ông bốc nắm lạc rang cho tôi. Và khi tôi vui vẻ đưa bát ra nhận thì ông lắc đầu, ý muốn tôi phải xoè bàn tay ra… Mãi khi họ giải thích tôi mới hiểu, đây là tình cảm, là tấm lòng, nó phải được trao từ bàn tay đến bàn tay. Thêm một bài học về văn hoá ứng xử mà đôi khi trong nhịp sống hối hả ở chốn đô thành, ta đã vô tình bỏ qua.

Trong những chiếc váy sặc sỡ màu sắc, chiếc quần thô đen được thêu đường trang trí tinh xảo, lũ trẻ con đuổi bắt, chơi con quay v.v.. làm náo hoạt cả khu chợ.

Chợ phiên Bắc Hà được coi là khu chợ lớn nhất Tây Bắc, chợ được chia thành nhiều khu buôn bán khác nhau, gia súc, rau cỏ, quần áo, hàng thổ cẩm… Phiên chợ lúc nào cũng náo nhiệt, tấp nập. Tôi chọn một góc nhỏ, ngồi nhâm nhi chè San Tuyết, loại chè độc nhất vô nhị, đặc sản của Bắc Hà và thưởng thức món xôi bảy màu, hưởng thụ cái sự thanh bình, với những nét đẹp giản dị mà chỉ vùng cao mới có. Ngắm nhìn người đàn bà chồng gùi, người thanh niên vật lộn trói chân con lợn, đứa bé thong dong cưỡi ngựa… thấy cuộc sống thật êm đềm.

Gần trưa, chợ bắt đầu vãn, mọi người thu dẹp, tiếng nói cười ít dần. Lác đác vài người đàn bà đang ngồi bán nốt sạp hàng, người đàn ông trong men say đang ngồi thổi khèn. Sau cuộc trò chuyện với một em bé người Dao, tôi được chỉ đường lên bản Phố để ngắm toàn cảnh Bắc Hà. Lang thang chụp vài tấm ảnh, mua vài chiếc khăn thổ cẩm về làm quà, tham quan di tích nhà vua Mèo Hoàng A Tưởng, nhận ra Bắc Hà đang dần phát triển và thu hút rất nhiều du khách trong, ngoài nước…

 

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Rừng ngập mặn ở Hạ Long

Vừa qua, cùng chuyến công tác với cán bộ, nhân viên Ban Quản lý Vịnh Hạ Long ra ngoài Vịnh, tôi có dịp trở lại khu vực vụng Ba Cửa, hang Đầu Gỗ. Lâu lâu mới trở lại, tôi thấy thật mừng khi tận mắt chứng kiến quần thể rừng ngập mặn ở vụng Ba Cửa và trước cửa hang Đầu Gỗ đang phát triển xanh tốt.

Đây là hai địa điểm có quần thể rừng ngập mặn lớn nhất ven các đảo trong lòng Vịnh Hạ Long (không kể ven bờ). Những cây vẹt, sú, mắm… có cây cao trên dưới 2,5m khá nhiều.

Tại vụng Ba Cửa, quần thể rừng ngập mặn đã phát triển ven đảo dài hàng trăm mét, còn trước cửa hang Đầu Gỗ, rừng ngập mặn cũng đang ngày một phân bố rộng ra.

 

Quần thể rừng ngập mặn trước cửa hang Đầu Gỗ

 

Được biết, có kết quả trên là nhờ Ban Quản lý Vịnh Hạ Long quan tâm đến công tác quản lý, bảo tồn. Tại vụng Ba Cửa, Ban nghiêm cấm việc đánh bắt hải sản. Nhờ vậy, không chỉ rừng ngập mặn mà các loài hải sản có cơ hội phát triển. Bên cạnh đó là sự phối hợp, nỗ lực của Tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI), Tỉnh Đoàn từ mấy năm trước đã tổ chức các đợt trồng rừng ngập mặn tại hai địa điểm trên. Một nhân viên Ban Quản lý Vịnh Hạ Long làm việc tại hang Đầu Gỗ cho biết, rừng ngập mặn sinh sôi, gần đây ngư dân đã bắt được cua, ngán ngay trong rừng ngập mặn trước cửa hang – điều mà trước đây không bao giờ có được.

 

Chúng ta đã biết, bờ biển Quảng Ninh dài trên 250km với nhiều đoạn chia cắt, xen kẽ với các cửa sông là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển các cây ngập mặn nói riêng, thực vật ngập nước nói chung. Rừng ngập mặn Quảng Ninh trải dài từ cửa sông Bạch Đằng (Quảng Yên) đến Trà Cổ (Móng Cái), với nhiều giống, loài cây ngập nước phong phú như vẹt, dù, mắm, sú, trang… Với Vịnh Hạ Long, rừng ngập mặn tập trung chủ yếu ở khu vực đảo Tuần Châu, Cửa Lục, đảo Đầu Gỗ, Chân Voi, vụng Cái Lân, khu vực giáp ranh Cát Bà và rải rác ven bờ.

 

Theo các nhà khoa học, rừng ngập mặn có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ vùng cửa sông ven biển, hạn chế tác động của gió bão; là “tấm lá chắn thiên nhiên” bảo vệ cuộc sống và sản xuất của ngư dân ven biển. Rừng ngập mặn là nơi cung cấp thức ăn dồi dào cho sự sinh trưởng và phát triển nhiều loài động, thực vật; nơi tránh trú, kiếm ăn của nhiều loài sinh vật… Bên cạnh đó, rừng ngập mặn còn đóng vai trò tích cực trong việc xử lý môi trường, làm giảm hàm lượng kim loại nặng có trong nước thải nội địa đổ ra cửa sông ven biển, góp phần làm sạch môi trường. Các nhà khoa học đã xếp rừng ngập mặn là một trong 7 hệ sinh thái điển hình của hệ sinh thái đất ướt ở Vịnh Hạ Long; đã thống kê được rừng ngập mặn ở Hạ Long và vùng phụ cận là nơi sinh trưởng của 19 loài thực vật ngập mặn, gần 500 loài sinh vật, trong đó có 306 loài động vật đáy, 90 loài cá biển, 37 loài chim, 16 loài rong biển, 12 loài động vật có vú, 5 loài bò sát, 4 loài cỏ biển.

 

Trong những năm qua, với sự nỗ lực, chung tay của các bộ, ngành Trung ương, của tỉnh, các tổ chức quốc tế và người dân, việc trồng và bảo vệ rừng ngập mặn đã được triển khai ở nhiều địa phương như TX Quảng Yên, TP Hạ Long, huyện Tiên Yên, TP Móng Cái… mang lại những kết quả tích cực. Qua đó đã góp phần tuyên truyền cho cộng đồng hiểu về ý nghĩa, vai trò của rừng ngập mặn để mà có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn môi trường bền vững. Tuy vậy, quá trình mở rộng đô thị, nuôi trồng thuỷ sản, xây dựng nhà máy xi măng… đã khiến cho không ít quần thể rừng ngập mặn bị mất đi. Tiêu biểu như vùng ven bờ ở Hoàng Tân (Quảng Yên), Đại Yên, Cửa Lục (TP Hạ Long)…

 

Hãy cùng chung tay trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng ngập mặn, đó là một trong những hành động hữu ích để chúng ta ứng xử với Di sản – kỳ quan thế giới Vịnh Hạ Long, giữ cho Hạ Long mãi xanh.

 

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Ấn tượng du lịch Việt Nam năm 2013

Mặc dù kinh tế chung vẫn còn khó khăn nhưng du lịch Việt Nam trong năm qua vẫn có sức tăng trưởng đáng kể.

Sau đây là những những ấn tượng về ngành công nghiệp không khói ở Việt Nam qua đánh giá của các chuyên gia và du khách nước ngoài trong năm 2013.

Ấn tượng du lịch Việt Nam năm 2013

1. Việt Nam đứng thứ 2 châu Á về tiềm năng phát triển du lịch thế giới

Đây là kết quả của cuộc khảo sát lấy ý kiến về xu hướng du lịch toàn cầu vừa được công bố tại Hội chợ du lịch diễn ra tại London.

2. Hà Nội lọt Top 10 điểm du lịch đang lên của thế giới

Trong số 10 điểm du lịch đang lên của thế giới do độc giả trang web du lịch danh tiếng TripAdvisor bình chọn, Hà Nội được xếp ở vị trí thứ 8.

Hồ Gươm

3. Vịnh Hạ Long thuộc Top 10 đường bờ biển đẹp nhất thế giới

Báo điện tử hàng đầu của Mỹ Huffingtonpost đã bình chọn 10 đường bờ biển đẹp nhất thế giới, Vịnh Hạ Long của Việt Nam vinh dự lọt vào danh sách này.

Vẻ đẹp Hạ Long
 

4. Mai Châu, Hòa Bình lọt Top 10 địa điểm du lịch đem lại cho du khách những trải nghiệm thú vị

Mai Châu, Hòa Bình lọt vào Top 10 địa điểm du lịch đem lại cho du khách những trải nghiệm thú vị do tạp chí Business Insider công bố.

Mai Châu

5. Phố cổ Hội An lọt Top 10 thành phố du lịch hàng đầu châu Á

Phố cổ Hội An chiếm giữ vị trí Á quân trong bảng xếp hạng Top 10 thành phố du lịch hàng đầu châu Á do tạp chí Condé Nast Traveler (Mỹ) bình chọn.

Hội An
 

6. Địa đạo Củ Chi là 1 trong 12 điểm du lịch ngầm hấp dẫn nhất thế giới

Hệ thống phòng thủ trong lòng đất của huyện Củ Chi  đã lọt vào danh sách 12 điểm du lịch ngầm hấp dẫn nhất thế giới theo bình chọn của tờ CNN.

Địa đạo Củ Chi

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Đa dạng hệ sinh thái Vịnh Hạ Long – nguồn tài nguyên vô giá

Đa dạng sinh học là một nguồn tài nguyên quan trọng cần được giữ gìn, bảo tồn để duy trì cân bằng sinh thái cho cả khu vực, gồm toàn bộ các dạng sống được tạo nên từ trái đất.

Đa dạng sinh học luôn được thể hiện ở các cấp độ khác nhau như đa dạng gen, đa dạng loài và đa dạng hệ sinh thái. Theo các nhà khoa học của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, ở cấp độ hệ sinh thái, Vịnh Hạ Long có thể được chia làm hai hệ sinh thái lớn, đó là hệ sinh thái rừng thường xanh mưa ẩm nhiệt đới và hệ sinh thái biển và ven bờ.

 

Hệ sinh thái tùng, áng (phễu karst) là một hệ sinh thái đặc thù của vùng biển có các đảo đá vôi như Vịnh Hạ Long.

Đối với hệ sinh thái rừng thường xanh mưa ẩm nhiệt đới, các nhà khoa học đã thống kê được trên các đảo ở Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long và Cát Bà có 507 loài, 351 chi thuộc 110 họ thực vật bậc cao, trong đó có 486 loài mộc lan, 17 loài dương xỉ và 20 loài thực vật ngập mặn; đối với động vật đã thống kê được 66 loài lưỡng cư và bò sát, 77 loài chim và 22 loài thú. Đặc biệt, các nhà khoa học Pháp (thời người Pháp còn chiếm đóng vùng than Quảng Ninh) và Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) đã phát hiện được 17 loài thực vật đặc hữu chỉ có ở Hạ Long như nhài Hạ Long, sung Hạ Long, khổ cừ Đại Nhung, tuế Hạ Long…

 

Hệ sinh thái rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới ở Hạ Long còn có đặc trưng bởi các kiểu rừng trên núi đá vôi. Các kiểu thảm thực vật và rừng này được chia làm 4 loại chính, mỗi loại có đặc thù riêng, gồm rừng ẩm mưa mùa trên núi đá, dạng cây bụi trên nền khô núi đá, rừng ngập mặn và thực vật ở hang động núi đá.

 

Đối với hệ sinh thái biển và ven bờ (gồm hệ sinh thái đất ướt và hệ sinh thái biển), các nhà khoa học đã thống kê được tại Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long và Cát Bà có 571 loài động vật đáy, 419 loài sinh vật phù du, 181 loài  san hô, 156 loài cá, 139 loài rong biển, 5 loài cỏ biển và 19 loài thực vật ngập mặn.

 

Đối với hệ sinh thái đất ướt, căn cứ theo đặc trưng môi trường sống của các loài, các nhà khoa học phân chia hệ sinh thái đất ướt ở Hạ Long gồm 6 dạng sinh thái cơ bản: Hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái thảm cỏ biển, hệ sinh thái bãi triều rạn đá quanh các đảo, hệ sinh thái bãi triều cát ven đảo, hệ sinh thái vùng triều thấp đáy mềm cửa sông, hệ sinh thái rạn san hô và hệ sinh thái tùng, áng.

 

Đối với hệ sinh thái biển gồm có thực vật phù du, động vật phù du, động vật đáy biển và động vật tự du.

 

Trong những năm qua, với sự quan tâm của các bộ, ngành Trung ương; sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh và sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, công tác quản lý, bảo tồn môi trường, giữ gìn an ninh trật tự trên Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long đã có những chuyển biến tích cực. Công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức về các giá trị và sự cần thiết phải bảo vệ, gìn giữ môi trường Vịnh Hạ Long được các cơ quan chức năng triển khai đến rộng rãi du khách, người dân và các doanh nghiệp hoạt động trên Vịnh và ven bờ Hạ Long; các hành vi vi phạm như đánh bắt hải sản trái quy định, đổ bùn thải xuống Vịnh… đều được xử lý nghiêm. Tuy nhiên, vẫn còn đó các âu lo về môi trường sinh thái của Vịnh Hạ Long bị ô nhiễm, đa dạng sinh học, thành phần loài động thực vật ở Hạ Long suy giảm. Nguyên nhân là nguồn rác thải, nước thải sinh hoạt tại các đô thị ven bờ, từ các hoạt động khai thác, chế biến than đổ ra Vịnh mà chưa được kiểm soát triệt để. Bùn đất từ đầu nguồn theo các con sông, suối đổ ra Vịnh gây lắng đọng đáy Vịnh Hạ Long, ảnh hưởng đến môi trường sinh tồn của hệ san hô và các loài động vật đáy. Quá trình lấn biển, mở rộng đô thị đã làm thu hẹp diện tích rừng ngập mặn.

 

Do đó, theo các nhà khoa học, Di sản – Kỳ quan thế giới Vịnh Hạ Long đã được bảo tồn tương đối tốt nhưng cũng còn nhiều vấn đề cần quan tâm, đặc biệt là đối với môi trường sinh thái. Điều đó đòi hỏi trách nhiệm và sự chung tay của cả cộng đồng.

 

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

TIN MỚI NHẤT