Du lịch trong nước

Du lịch trong nước, tin tức du lịch trong nước, các tour du lịch trong nước, các địa điểm du lịch trong nước hấp dẫn được chúng tôi tổng hợp và đưa tin hàng ngày đến cho khách du lịch trên khắp mọi miền đất nước có được thông tin du lịch trong nước để có những thông tin hữu ích nhất cho mình và gia đình khi quyết định chọn chuyến du lịch trong nước cho mình và người thân

Nghệ An: Cá trích nướng ăn kèm bánh mướt, đặc sản của vùng biển Quỳnh Phương

Về phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An), du khách sẽ được thưởng thức món đặc sản đậm đà hương vị biển, bánh mướt cuốn cá trích nướng. Hương thơm ngào ngạt của những con cá trích tươi vừa được nướng chín, quyện với vị bánh mướt nóng hổi, khiến ai đã nếm thử một lần sẽ nhớ mãi.


Bánh mướt cá trích Quỳnh Phương – hương thơm ngọt ngào từ biển. Ảnh: ĐB

Những tháng đầu năm, ngư dân Hoàng Mai tất bật vào vụ “săn” cá trích. Vì đây là thời điểm cá trích vừa nhiều lại vừa béo, giàu dinh dưỡng nhất trong năm. Những thuyền công suất nhỏ của ngư dân địa phương sau 1 đêm buông lưới đánh bắt ven bờ có thể thu đến 2-3 tấn cá trích, đem lại hàng chục triệu đồng. Ảnh: ĐB

Cá trích tươi được thương lái thu mua bán đi các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình, các địa phương lân cận và một phần mang ra bán tại các chợ trong địa phương, TP Vinh và các huyện trong tỉnh Nghệ An. Các đầu mối bán lẻ bán cá trích tươi hoặc nướng than, tùy theo thị hiếu của người dân trong vùng… Cá trích được chọn nướng là những con vừa đánh bắt, còn tươi rói. Theo kinh nghiệm của ngư dân, mùa này là lúc cá trích ngọt và giàu dinh dưỡng nhất. Khi nướng trên bếp than hồng, cá tỏa hương thơm quyến rũ, da vàng giòn, thịt chắc và béo. Ảnh: ĐB

Bà Nguyễn Thị Xuân, một người nướng cá trích có thâm niên gần 10 năm tại khu vực đền Cờn, chia sẻ: “Dịp đầu năm này, lượng khách về đền Cờn rất đông. Trung bình mỗi ngày tôi nướng trên dưới 100kg cá trích để phục vụ du khách”, bà Xuân cho biết thêm. Ảnh: ĐB

Cá trích nướng thơm lựng.

Nhiều du khách thích thú khi được trực tiếp quây quần quanh bếp than, chờ những mẻ cá trích vừa chín để thưởng thức tại chỗ. Cá nướng được cuốn với bánh mướt nóng, rau sống, lá sung, chấm nước mắm cốt nguyên chất do chính người dân Hoàng Mai chế biến. Sự kết hợp này tạo nên hương vị độc đáo, khó quên.

Du khách có thể mua cá nướng chín thưởng thức tại chỗ, hoặc gói vào hộp đem về làm quà. Phần lớn du khách đều chọn thưởng thức ngay tại chỗ để cảm nhận mùi thơm phức khi mới ra lò, vị tươi và nóng hổi của cá. Ảnh: ĐB

Để món ăn này đậm hương vị hồn quê vùng biển, thứ không thể thiếu đó là nước mắm cốt nguyên chất do chính người dân vùng biển thị xã Hoàng Mai chưng cất. Ảnh: ĐB

Đĩa bánh vừa tráng xong còn nóng, được bày kèm cùng đĩa cá trích nướng than đang nóng hổi, chỉ cần nhìn thôi đã đủ khiến thực khách xuýt xoa. Nước chấm là bát nước mắm cốt nguyên chất, vắt vào vài giọt chanh và lát ớt tươi hoặc có thể là mắm tôm. Vừa ăn, vừa hít hà mùi thơm, thấm đượm mùi vị của hồn quê. Bánh mướt được bán với giá 20.000 đồng/đĩa, cá trích nướng 2.000 đồng/con.

Bắc Vũ

 

Nguồn: Dulichvn

Hấp dẫn Làng Nương Yên Tử ở Quảng Ninh

Được đưa vào hoạt động từ năm 2018, Làng Nương (xã Thượng Yên Công) trở thành một phần quan trọng trong Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử, thu hút hàng nghìn lượt du khách mỗi năm nhờ sự kết hợp giữa cảnh sắc thiên nhiên, văn hóa bản địa và những trải nghiệm nghỉ dưỡng độc đáo.


Làng Nương phục vụ du khách nghe hát xẩm tại đình làng.

Làng Nương Yên Tử không ngừng đổi mới, mang đến cho du khách nhiều chương trình nghệ thuật phong phú. Một trong những điểm nhấn đặc sắc là Đêm hội Làng Nương tổ chức mỗi tối tại đình làng. Không gian nơi đây trở nên lung linh với các màn biểu diễn múa rồng, múa lân, nhảy sạp, võ thuật cổ truyền… Không chỉ dừng lại ở việc thưởng thức, du khách có thể trực tiếp tham gia vào các hoạt động này, như hòa mình vào nhịp điệu rộn ràng của điệu múa sạp. Những chương trình như biểu diễn nhạc cụ dân gian “Diệu Âm Yên Tử Sơn”, nghe hát quan họ, nghe hát xẩm hay các triển lãm tranh ảnh về vẻ đẹp linh thiêng của Yên Tử cũng giúp du khách hiểu rõ hơn về vùng đất này.

Nhằm mang đến nhiều hoạt động hấp dẫn hơn, năm 2024-2025, Làng Nương tiếp tục cập nhật thêm hàng loạt trò chơi dân gian để du khách có thể hòa mình vào không gian truyền thống. Trò chơi pháo đất, xay thóc giã gạo, bắn cung đưa du khách trở về với những ký ức tuổi thơ. Đặc biệt, những nét đẹp văn hóa trong dịp lễ hội xuân, như đẩy gậy, ném còn, xin chữ được du khách vô cùng yêu thích. Thuê cổ phục Việt, làm hương và nến cũng là trải nghiệm mới và thú vị dành cho những ai yêu thích văn hóa dân gian.

Trò chơi dân gian pháo đất thu hút du khách, nhất là trẻ em.

Làng Nương còn mở rộng các hoạt động trải nghiệm làng nghề thủ công truyền thống, như làm tranh Đông Hồ, viết thư pháp, làm chuồn chuồn tre, nón lá, tô tượng, vẽ nón lá, làm tò he, thả hoa đăng… Du khách được mang về những món đồ lưu niệm do chính tay mình tạo nên. Những hoạt động này không chỉ mang đến niềm vui, mà còn góp phần quan trọng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.

Một trong những điểm nhấn của Làng Nương Yên Tử là dịch vụ nghỉ dưỡng qua đêm. Với hệ thống 11 tòa nhà, 95 phòng nghỉ, Làng Nương mang đến một không gian vừa hiện đại vừa gần gũi thiên nhiên. Năm 2025 nơi đây tiếp tục mở rộng thêm nhiều lựa chọn nghỉ dưỡng. Phòng tiêu chuẩn 2 giường đơn mới đưa vào hoạt động, phù hợp cho du khách thích sự riêng tư. Phòng “tổ kén” dành cho 4 người, thiết kế sáng tạo, mang lại không gian vừa riêng tư vừa ấm cúng. Phòng 8 giường phù hợp với nhóm du lịch đông người, tạo sự gắn kết trong hành trình khám phá. Anh Nguyễn Quang Dương (TP Hải Phòng) chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi nghỉ qua đêm tại Làng Nương. Không gian nơi đây thực sự rất tuyệt vời, yên tĩnh, trong lành và đầy đủ tiện nghi”.

Chị Nguyễn Thị Hương (tỉnh Hải Dương) cho biết: “Hằng năm tôi đều đến Làng Nương để trải nghiệm văn hóa và thiên nhiên. Tôi thích cảm giác quay trở về tuổi thơ khi chơi trò chơi dân gian và thưởng thức những điệu nhạc truyền thống”.

Năm 2025, Làng Nương đưa vào hoạt động phòng tiêu chuẩn 2 giường, phù hợp với nhiều lựa chọn của du khách.

Đến Làng Nương, du khách còn có cơ hội tham gia các hoạt động thiền định, yoga, giúp thư giãn tâm hồn giữa không gian núi rừng thanh tịnh. Đặc biệt, khu Am Tuệ Tĩnh cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bằng thảo dược thiên nhiên.

Với sự đổi mới không ngừng, Làng Nương Yên Tử đang dần trở thành điểm đến lý tưởng cho những ai muốn hòa mình vào không gian văn hóa, thiên nhiên, nghỉ dưỡng. Đặc biệt vào dịp đầu xuân, nơi đây càng trở nên hấp dẫn khi trở thành điểm du xuân, nơi mọi người tìm về những giá trị cội nguồn và tận hưởng những phút giây bình yên.

Nguyễn Hoa

 

Nguồn: Dulichvn

Đa dạng các hoạt động giáo dục di sản tại Hà Nội

Thời gian gần đây, không khí tại các di tích lịch sử ở Hà Nội trở nên sôi động với hàng loạt chương trình giáo dục di sản dành cho học sinh.


Không còn là những bài học khô khan trên sách vở, các em nhỏ giờ đây được trực tiếp chạm vào lịch sử, trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc thông qua các hoạt động tương tác đầy sáng tạo.

Lớp học mở giữa lòng di sản

Với không gian rộng lớn khoảng 54.000m², Bảo tàng Hà Nội không chỉ là nơi trưng bày các hiện vật lịch sử mà còn trở thành lớp học trực quan sống động. Tại đây, các em học sinh được thử sức với nhiều hoạt động thủ công như vẽ tranh trên nón lá, ghép tranh từ vụn vải, làm dép lốp, chế tác thú nhồi bông hay họa màu tranh dân gian…

Mỗi trải nghiệm đều mang đến những kiến thức mới mẻ về đời sống và văn hóa của cha ông, giúp học sinh hiểu hơn về những giá trị truyền thống còn lưu giữ đến ngày nay.

Các em nhỏ trải nghiệm sáng tạo nghệ thuật trên nón lá tại Bảo tàng Hà Nội. Ảnh: Bảo tàng Hà Nội

Cũng trong khuôn khổ các hoạt động giáo dục di sản, di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã triển khai tới 30 chương trình dành riêng cho học sinh từ mầm non đến THPT. Không gian linh thiêng của trường đại học đầu tiên tại Việt Nam trở thành nơi kết nối thế hệ trẻ với quá khứ vàng son của nền khoa cử nước nhà.

Học sinh không chỉ được tìm hiểu về bia Tiến sĩ, về những lớp học thời xưa mà còn có cơ hội trải nghiệm những kỳ thi mô phỏng như thi Hương, thi Hội, thi Đình – những cuộc sát hạch đã làm nên tên tuổi của nhiều bậc hiền tài trong lịch sử.

Một trong những hoạt động thu hút sự quan tâm lớn của học sinh, phụ huynh và nhà trường là chương trình “Lớp học xưa” – nơi các em được làm quen với bút lông, nghiên mực, giấy dó và tự tay mài mực, viết chữ theo phong cách của người xưa.

Cô giáo Phạm Thị Phương (Trường Mầm non Ngôi Sao, Quận Hai Bà Trưng) chia sẻ: “Trải nghiệm chương trình giáo dục di sản “Lớp học xưa” thật sự đã lưu lại trong mỗi bạn nhỏ Trường Mầm non Ngôi Sao sự hào hứng và thích thú. Trên đường về, có một số bạn chạy tới khoe ngay với cô giáo: “Cô ơi con được thầy tặng chữ Chí, còn con được thầy tặng chữ Minh cô ạ”. Đó là những trải nghiệm tuyệt vời trong những năm tháng đầu đời của các con”.

Không gian “Lớp học xưa” tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Ảnh: Văn Miếu – Quốc Tử Giám

Ngoài ra, nhiều chương trình khác như “Đi tìm linh vật trên kiến trúc cổ Văn Miếu”, “Mãnh hổ hạ sơn”, “Ơ kìa con nghê!”… cũng mở ra nhiều góc nhìn mới mẻ, giúp các em khám phá những biểu tượng văn hóa dân gian và giá trị nghệ thuật ẩn chứa trong từng công trình kiến trúc cổ.

Bồi dưỡng lòng yêu nước, tự hào dân tộc

Việc ứng dụng di sản vào giáo dục theo hướng trực quan và trải nghiệm là một bước đi quan trọng trong đổi mới phương pháp giảng dạy. Thay vì tiếp cận kiến thức một cách thụ động qua sách vở, các em được trực tiếp tham gia, quan sát, chạm tay vào những hiện vật, không gian thực tế, thậm chí tự sáng tạo sản phẩm mang dấu ấn cá nhân.

Các em nhỏ hào hứng với sản phẩm thu hoạch sau khi trải nghiệm chương trình giáo dục di sản tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Ảnh: Văn Miếu – Quốc Tử Giám

Từ năm 1994,  UNESCO đã thành lập Chương trình Giáo dục di sản thế giới cho thanh thiếu niên (WHE), nhằm thúc đẩy vai trò của giới trẻ trong việc bảo tồn di sản thế giới. Tại Việt Nam, hướng tiếp cận này đang dần được áp dụng rộng rãi, với các di tích như Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long hay Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Hà Nội… đều tích cực đổi mới chương trình giáo dục di sản.

Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa, Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu chia sẻ: “Tại Việt Nam, trong một thập kỷ vừa qua, các bảo tàng, di tích đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng các chương trình giáo dục di sản thu hút học sinh phổ thông. Những nỗ lực này góp phần không nhỏ vào việc nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ về giá trị di sản mà còn bồi dưỡng lòng tự hào dân tộc thông qua sự hiểu biết sâu sắc về lịch sử – văn hóa”.

Sự kết hợp giữa học và chơi trong các chương trình này tạo ra một môi trường học tập lý tưởng, giúp học sinh tiếp thu kiến thức một cách tự nhiên và hiệu quả. Mỗi sản phẩm thủ công do các em tự tay thực hiện không chỉ là một món đồ đơn thuần mà còn là một câu chuyện lịch sử, một bài học văn hóa được kể bằng ngôn ngữ của sáng tạo và trải nghiệm.

Quan trọng hơn, khi hiểu được giá trị của những công trình kiến trúc, những linh vật truyền thống hay những nghề thủ công cổ xưa, học sinh sẽ dần hình thành ý thức giữ gìn và trân trọng di sản dân tộc. Đây chính là nền tảng quan trọng để thế hệ trẻ trở thành những người có trách nhiệm với lịch sử và văn hóa nước nhà.

Cẩm Tú

Nguồn: Dulichvn

Độc đáo bánh chè lam lá dứa

Bánh chè lam là đặc sản có ở nhiều vùng quê khác nhau trên cả nước, mỗi nơi có những công thức khác nhau nhưng nguyên liệu hầu như ở đâu cũng vậy, đó là đường mật, gừng tươi, bột gạo nếp rang, lạc rang… Đặc biệt, để chiếc bánh chè lam trông hấp dẫn, bắt mắt và ngon miệng, nhiều người đã biến tấu món bánh chè lam truyền thống thành món bánh chè lam lá dứa với màu xanh bắt mắt và ngon miệng.


Bánh chè lam trước kia thường chỉ được làm vào dịp Tết Nguyên đán cùng với bánh khảo và bánh chưng. Ngày nay, do sự phát triển của xã hội cũng như nhu cầu của thực khách, bánh chè lam được làm quanh năm và bày bán nhiều ở các phiên chợ huyện trên địa bàn tỉnh. Để bánh chè lam thêm hấp dẫn, nhiều cơ sở sản xuất đã sáng tạo các nguyên liệu có trong tự nhiên, tạo nên chiếc bánh chè lam lá dứa thơm ngon, bắt mắt.

Để làm bánh chè lam lá dứa, nguyên liệu sau khi đun nóng sẽ được quấy đều tay đến khi kết dính với nhau thì người nấu cho lạc rang vào để tạo độ bùi. Lượng bột nhất định sẽ tạo độ dẻo, dính chặt với nhau, còn nếu quá tay, chè sẽ rất nhanh cứng, không có độ mềm khi ăn.

Bánh chè lam lá dứa.

Chè đưa vào khay có rải bột gạo tẻ để chè không bị dính vào khay, cũng như để dậy mùi thơm mỗi khi ăn. Với món chè lam lá nếp, người nấu phải giã nhỏ lá dứa, sau đó lọc nước chưng cất rồi cho lượng vừa phải trước khi bột được quấy chín khoảng 5 phút để tạo màu xanh rồi mới đổ ra khuôn. Đặc biệt, mỗi nồi chè lam dù lớn hay nhỏ thì quá trình nấu chỉ diễn ra rất nhanh, vì vậy cần phải khuấy đều tay và chú ý lửa để không làm bột bị cháy. Sau khi bột đủ độ sánh và chín, rắc sẵn bột nếp để dành ra chiếc mâm nhôm hoặc mặt phẳng rộng, sau đó đổ chè lam lên và tạo hình. Chính lớp bột này sẽ giúp cho bánh không bị dính, lại tạo thêm một lớp áo mới trắng ngần bắt mắt, hấp dẫn.

Bánh chè lam là món quà quê dân giã, dễ ăn, dễ sáng tạo và chế biến nên được nhiều người lựa chọn làm quà đãi khách vào các dịp tết.

Bánh chè lam lá dứa là sự kết hợp hài hòa giữa độ ngọt của mật, độ mịn, dẻo của bột nếp, thêm chút cay của gừng, bùi bùi của lạc lại có hương thơm thoang thoảng, ngọt thanh của lá dứa. Khi ăn dùng dao cắt thành từng miếng nhỏ, bánh dẻo nhưng không dính, dễ ăn, nếu có cơ hội du khách hãy thử trải nghiệm và thưởng thức.

Thủy Tiên

 

Nguồn: Dulichvn

Nghề làm mành cọ ở Quảng Yên

Cây cọ gắn liền với vùng đất trung du Phú Thọ, từng đi vào nhiều tác phẩm thơ ca, quen thuộc với nhiều thế hệ. Trải qua sự biến đổi của thời gian, cây cọ dần vắng bóng, một phần do đô thị hoá, một phần do loại cây này không cho giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, tại xã Quảng Yên, huyện Thanh Ba, vẫn còn lưu giữ được những rừng cọ xanh mướt thanh bình cùng nghề làm mành cọ nức tiếng gần xa.


Được biết, hiện ở xã Quảng Yên có khoảng 99ha trồng cọ, tập trung ở các khu: Hưng Long, Minh Tân, Kiêu Xuân, Đông Thọ. Với diện tích cây cọ lên tới gần 100ha, nơi đây là nguồn cung quả cọ, lá cọ và các nguyên vật liệu từ cây cọ cho thị trường khắp trong và ngoài tỉnh.

Xã Quảng Yên hiện có khoảng 99ha trồng cọ.

Đồng chí Nguyễn Thành Long – Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Yên cho biết: Là xã nông nghiệp thuần túy, từ bao đời nay, cây cọ đã là người bạn thân thiết, gắn bó với người dân địa phương. Từ cây cọ, người dân có thể sử dụng lá cọ để lợp nhà, làm chổi, vào mùa thì bán quả cho lái buôn hoặc bán cẫng cho các hộ làm mành và các đồ thủ công từ cọ. Trung bình mỗi năm, 1ha cọ cũng có thể thu từ 20 – 30 triệu đồng từ tiền bán lá cọ, tuy không cao nhưng đem lại nguồn thu ổn định cho nhiều gia đình đồng thời cũng góp phần giữ nghề truyền thống tại địa phương.

Nơi đây vẫn lưu giữ nghề làm mành cọ truyền thống được lưu giữ qua hàng chục năm.

Và một trong những nghề được lưu giữ lâu đời nhất ở xã Quảng Yên là nghề làm mành cọ. Là người có 26 năm gắn bó với nghề làm mành cọ ở xã, ông Lê Văn Thịnh – khu Kiêu Xuân cho biết: Nghề làm mành cọ xuất hiện ở xã Quảng Yên từ khoảng 45 – 50 năm trở về trước. Lúc đó, ở các nơi như thị xã Phú Thọ, huyện Đoan Hùng, thành phố Việt Trì… đều có các xưởng sản xuất mành cọ lớn hay các HTX sản xuất mành cọ. Khi đó, tôi hay đi “đánh hàng” – cung cấp nguyên vật liệu cho các cơ sở này. Sau nhiều năm đi buôn lá và cẫng cọ, nhận thấy địa phương có sẵn nguồn nguyên liệu lại tiếp xúc với các mô hình sản xuất mành cọ khác nhau nên tôi quyết định tạm dừng việc đi buôn mà mở xưởng sản xuất mành cọ ngay tại gia đình.

Ông Lê Văn Thịnh – khu Kiêu Xuân có 26 năm gắn bó với nghề làm mành cọ.

Theo ông Thịnh, nghề làm mành cọ không khó tuy nhiên, để làm ra những chiếc mành đẹp, được khách hàng ưa chuộng thì không phải ai cũng làm được. Công đoạn đầu tiên khi làm mành là mua nguyên liệu, pha nan, phơi khô sau đó tuốt cho mịn. Trước đây, công đoạn vót nan người thợ phải làm thủ công, rất vất vả, đòi hỏi phải chau chuốt, tỉ mỉ để có thể làm ra một chiếc mành đạt chất lượng. Hiện nay, công đoạn này đã có sự hỗ trợ của máy móc, tiết kiệm thời gian, công sức mà vẫn có được những chiếc nan cọ được vót nhẵn đều, trơn nhẵn.

Công đoạn đầu tiên khi làm mành là mua nguyên liệu, pha nan, phơi khô sau đó tuốt cho mịn.

Nan sau khi vót nhẵn được phân loại theo kích cỡ, chiều dài, độ bóng đẹp rồi mới đem dệt. Giá thành mỗi chiếc mành cọ tùy vào kích cỡ, loại nan, dao dộng từ khoảng 100.000 đồng đến 200.000 đồng. Trong đó, nan dệt từ cật cây cọ có độn bền cau, bóng đẹp nên giá cũng cao hơn các loại mành dệt từ nan thông thường.

Chiếc mành cọ truyền thống giá thành rẻ hơn so với chiếu trúc, độ bền thì gấp nhiều lần chiếu cói và các loại chiếu nhựa khác trên thị trường nên được khách hàng yêu thích lựa chọn. Đặc biệt, theo ông Thịnh, do hiện nay nhiều nơi không làm mành cọ mà chuyển sang kinh doanh các kinh doanh các sản phẩm mành chiếu của Trung Quốc, mành chiếu làm từ tre trúc nên sản phẩm mành cọ của ông ít bị cạnh tranh, thị trường mở rộng khắp trong và ngoài tỉnh. Trong đó, nhiều khách hàng đến từ các tỉnh Hà Giang, Yên Bái, Thái Bình và các tỉnh miền Nam thường xuyên đặt hàng với số lượng lớn từ hàng trăm đến cả nghìn chiếc mành một lần, gia đình thường xuyên phải thuê 4 – 5 người làm mới kịp tiến độ. Cộng các đơn hàng, mỗi năm gia đình ông cũng xuất bán khoảng 3.000 chiếc mành cọ, đem lại nguồn thu nhập ổn định, giúp ông xây sửa, mua sắm, trang hoàng nhà cửa, phát triển cuộc sống.

Nghề làm mành cọ không khó nhưng cần sự tỉ mẩn, khéo tay của người thợ.

Có thể thấy, dù trải qua nhiều thăng trầm, biến cố, có thời điểm hàng chục hộ làm nghề hay hiện nay chỉ có một vài hộ còn lưu giữ nghề truyền thống nhưng cây cọ vẫn là cây trồng thân thuộc với người dân Đất Tổ và nghề làm mành cọ ở xã Quảng Yên, huyện Thanh Ba cũng sẽ luôn đồng hành, phát triển với thời gian…

Hà Tùng

 

Nguồn: Dulichvn

Dậy hương món cá tràu ngậm đuôi

Cá tràu – loài cá dân dã quen đến mòn mặt với dân mình. Vậy mà có lần tôi lang thang quanh Thế Miếu trong Hoàng Thành Huế, lại thấy bức phù điêu cá tràu chạm tinh xảo ngự trên Nghị Đỉnh (Đỉnh thứ 5 trong di sản Cửu Đỉnh đúc bằng đồng năm Minh Mạng thứ 17-1836) với tên Lục Hoa Ngư – như một đại diện tiêu biểu cho sản vật ba miền.


Nướng trên than củi

Muôn cách bắt cá

Dân quê tôi có câu: Anh đây đọc sách Kinh Thi/ Cá nằm dưới cỏ anh nghi cá tràu.

Cá tràu ăn tạp, sống khỏe, nên chi hệ sinh thái sông Đầm chính là thiên đường cho loài cá này vùng vẫy, ở cả thảy mọi tầng nước sâu, nước giữa hay nước mặt. Chưa kể cá tràu có thể chui xuống bùn để ẩn nấp hoặc phi lên ruộng cạn trong những cơn mưa dông đầu mùa.

Bởi kiểu sống đa cư như thế nên cách bắt cá tràu xưa cũng tùy cơ ứng biến. Thả lưới, câu cặm, câu quăng, câu vịt, bắt chươm… có đủ.

Đi dọc các biền ruộng gần mép sông nhiều cỏ lác, cá tràu thường cắn cỏ làm ổ đẻ, “người săn cá” thả một chú vịt vị thành niên giả bộ kinh động ổ cá.

Lục Hoa Ngư trên Nghị Đỉnh.

Cá mẹ nghe động trồi lên bảo vệ, cũng là lúc cần thủ tinh ý phát hiện tăm cá liền nhấc chú vịt lên và thả lưỡi câu có móc chú nhái nhỏ. Cá tràu mẹ bay lên đớp mồi và dính câu. Cách câu vịt này thường bắt cá lớn nhưng ít người thích. Bởi câu bắt cá mẹ cũng đồng nghĩa bỏ đàn cá con bơ vơ.

Thuở nhỏ, tôi thích nhất soi đèn măng sông. Những đêm nước lớn tràn lên biền lúa, tay trái xách đèn tay phải cầm nơm. Cá bắt sáng đèn măng sông đứng yên nhìn, chỉ cần nơm nhốt và bắt bỏ giỏ.

Kiểu bắt tập thể vui nhộn nhứt làng thời xưa là tát ao. Vài đôi gàu vai múc nước đổ lên ruộng cho đến khi ao cạn trơ đáy bùn, mọi người cùng nhau lội xuống mò bắt.

Món trứ hạng

Cá tràu thuộc loại nhiều thịt, săn chắc, có thể chế biến nhiều món ngon. Canh chua nấu khế, um chuối già, nướng trui cùng lửa rơm với kiểu cắm ngược cho đầu cá chín trước, hay lóc thịt nấu mỳ Quảng… Tất thảy đều ngọt ngào đậm vị quê.

Cho cá ngậm đuôi

Nhưng nhứt hạng với tôi, là món cá tràu nướng khoanh rim mắm gừng trứ danh – một kỳ công bá cháy mà mẹ thường tỉ mẩn chế biến những ngày giáp tết.

Cá tràu sông Đầm lựa những con vừa phải thân chừng cổ tay. Đánh vảy móc mang làm ruột, cắt bỏ nửa đầu rồi xát muối hột có vắt tí chanh khử tanh, rửa sạch để ráo nước, khứa xiên nhẹ dọc 2 bên lườn. Việc khứa này ngoài việc thấm ướp gia vị còn giúp thân cá dễ khoanh tròn ngậm đuôi ở công đoạn tiếp theo.

Sau khi ướp cho gia vị (nghệ tươi giã dập cùng củ nén, dầu phụng, mắm, đường…) len đều các vết khứa, mẹ tôi dùng tay uốn khoanh tròn thân cá sao cho miệng cá phải ngậm cái đuôi, xong lấy que tre chọt ngang thân khóa lại cho vòng tròn cá khỏi bung, vừa có cái để cầm khi nướng. Trên vỉ than hồng, thịt cá se dần và dẻ săn lại, chín chậm đều từ ngoài vào trong, vừa chín tới bên trong mà đảm bảo không cháy khét bên ngoài.

Sau khi kho rim nhỏ lửa

Nướng xong để đó, khi nào ăn lấy ra khử nén với dầu phụng, kho rim nhỏ lửa với ít gừng tươi giã dập hay xắt sợi….

Nhìn khoanh cá vàng ươm cuộn tròn trên dĩa, thêm vài cọng ngò rí vắt ngang là thấy bụng cồn cào. Thịt cá dẻ chắc, béo bùi, có vị thơm quyện của nghệ, của gừng, của nén lẫn mùi khói lửa bếp núc.

Nhớ một thời khốn khó, hầu hết món thịt thà cá mú thường nghĩ cách chế biến làm sao để càng lâu càng tốt. Cá nướng kho rim này cũng là cách của người xưa, nhằm giữ thực phẩm dài lâu.

Tuy là món ăn dân dã nhưng có cách chế biến khá cầu kỳ. Dân dã nhưng Lục Hoa Ngư vẫn được vua Minh Mạng liệt vào hàng quốc bảo, thì hẳn đâu phải hạng thường.

Bùi Trúc

 

Nguồn: Dulichvn

Xiếc Việt, thay đổi để tiếp cận khán giả

Trong xu thế và nhu cầu khán giả, nghệ thuật cũng cần phải thay đổi để tăng yếu tố giải trí, thu hút người xem.


Những năm gần đây, Liên đoàn Xiếc Việt Nam là đơn vị nghệ thuật tiên phong tổ chức Hội nghị khách hàng thường niên và giới thiệu kế hoạch biểu diễn các chương trình trong năm để chủ động quảng bá, tiếp cận khán giả.

Việc này cho thấy, Liên đoàn đã không còn chờ đợi khán giả tự tìm đến mà chủ động xúc tiến, quảng bá các chương trình xiếc bằng cách xây dựng và giới thiệu một kịch mục phong phú trải dài suốt cả năm. Động thái này cho thấy sự nỗ lực đáng ghi nhận của một đơn vị nghệ thuật công lập, đặc biệt trong bối cảnh sân khấu đang đối mặt với tình trạng khán giả ngày càng thưa thớt.

Một tiết mục xiếc mừng Xuân Ất Tỵ 2025. Ảnh: Liên đoàn Xiếc cung cấp

Theo NSND Tống Toàn Thắng – Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Liên đoàn đã và đang nỗ lực đổi mới tiết mục, dàn dựng các chương trình, vở diễn thử nghiệm, mời gọi các nghệ sỹ quốc tế đến biểu diễn nhằm chinh phục công chúng hiện đại. Các chương trình, vở diễn nghệ thuật đều được dàn dựng công phu, quy tụ những nghệ sỹ biểu diễn xiếc hàng đầu, trong đó có nhiều nghệ sỹ đã giành giải thưởng cao tại đấu trường quốc tế những năm qua.

Trước những thay đổi của Liên đoàn Xiếc Việt Nam, một số chuyên gia cho rằng, nếu như trước đây, nghệ sĩ chỉ biết diễn mà ít biết quảng cáo, chưa có cách tiếp cận khách hàng, thì ngày nay họ đã biết lắng nghe những phản hồi cần thiết từ khách hàng mới có thể tiêu thụ những “hàng hóa đặc biệt” của mình. Nói như NSND Tâm Chính – nguyên Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam thì việc tổ chức Hội nghị khách hàng thường niên và giới thiệu kế hoạch biểu diễn các chương trình trong năm là một cách làm hết sức hay và hiệu quả….

Chia sẻ về vấn đề này, NSND Tống Toàn Thắng cho hay, ngày trước, nhiều người nghĩ Xiếc chỉ dành cho trẻ con nhưng thực sự đến với xiếc ngày nay thì lứa tuổi thanh niên rất nhiều. Khi đến với xiếc, các bạn thanh niên tỏ ra bất ngờ vì xiếc hay như vậy mà chưa lan truyền rộng được tới lứa tuổi của họ. Nhiều bạn trẻ sau khi xem xiếc tiếp tục truyền tải thông qua các trang mạng xã hội, giúp cho hình ảnh của xiếc lan tỏa đông đảo đến khán giả trẻ như ngày nay.

Ghi nhận thực tế cho thấy, những năm gần đây, các chương trình cuả Liên đoàn Xiếc Việt Nam đều được đầu tư làm mới theo hướng chuyên nghiệp hơn về cả quy mô và chất lượng nội dung, nghệ thuật. Đặc biệt, trong năm nay, Liên đoàn Xiếc Việt Nam có kế hoạch dàn dựng, biểu diễn gần 30 chương trình xiếc nghệ thuật mới phục vụ khán giả. Trong đó nhiều chương trình gắn với những ngày kỷ niệm lớn của đất nước.

NSND Tống Toàn Thắng cho biết, Liên đoàn đã có sự chuẩn bị, đầu tư nghiêm túc để có được kịch mục biểu diễn đa dạng, chất lượng trong năm 2025. Trong đó, có nhiều chương trình vừa mang tính chính luận, vừa giàu tính giải trí, có khả năng thu hút nhiều đối tượng khán giả. Cùng với đó là các chương trình xiếc “Nối vòng tay nhân ái” gây dựng quỹ hỗ trợ nghệ sĩ xiếc có hoàn cảnh khó khăn; “Gala xiếc thế giới” dự kiến tổ chức vào cuối tháng 10 tại Hà Nội và Quảng Ninh…

Sắp tới, Liên đoàn Xiếc Việt Nam sẽ hợp tác với Nhà hát Cải lương Việt Nam xây dựng vở diễn “Trần Nhân Tông”; phối hợp với Nhà hát Tuồng Việt Nam xây dựng những tiết mục có sử dụng sự đồng điệu của hai ngôn ngữ nghệ thuật tuồng và nghệ thuật xiếc. Đó là sự kết hợp giữa hóa trang và âm nhạc của nghệ thuật tuồng nhưng ngôn ngữ là của nghệ thuật xiếc.

Nói về vở diễn này, TS Bùi Hữu Dược – nguyên Vụ trưởng Vụ Phật giáo (Ban Tôn giáo Chính phủ), người viết kịch bản cho hay, để dựng được vở này, viết có lẽ không khó nhưng tập được để diễn thì rất khó. Làm sao mà người xem không nghe được lời nói nhưng qua ngôn ngữ của xiếc lại có thể hiểu được thì là sự nỗ lực rất lớn của các nghệ sĩ.

Không ngừng sáng tạo, thay đổi nhằm mang đến cho khán giả những cảm xúc, những giây phút thăng hoa của nghệ thuật… đây có lẽ không chỉ là “chìa khóa” để riêng Liên đoàn Xiếc Việt Nam chinh phục khán giả trong nước và quốc tế, mà cũng là kinh nghiệm cho các sân khấu truyền thống.

Phạm Sỹ

 

Nguồn: Dulichvn

Giữ gìn nét đẹp văn hóa đình Tiến Sơn ở Bắc Giang

Đình Tiến Sơn hay còn gọi là Linh Quang đình (xã Hợp Đức, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) không chỉ là di tích văn hóa – lịch sử cấp tỉnh mà còn giữ được nhiều tập tục, sinh hoạt văn hóa độc đáo từ xa xưa.


Đến đình Tiến Sơn đúng dịp diễn ra lễ hội truyền thống của làng (14 tháng Giêng), chúng tôi cảm nhận rõ những nét văn hóa độc đáo và không khí phấn khởi của nhân dân. Lễ hội có quy định, quy ước chặt chẽ và mọi người gia nhập đều phải tuân thủ nghiêm chỉnh.

 Nghi thức truyền thống tại Lễ hội đình Tiến Sơn năm 2025.

Bên cạnh những nghi lễ linh thiêng, trang trọng, thành kính, Lễ hội đình Tiến Sơn còn diễn ra các hoạt động văn hóa – thể thao hấp dẫn với sự tham gia của toàn thể nhân dân địa phương trong xã ngoài làng, bạn bè, con cháu làm ăn xa quê trở về tham dự. Các tiết mục văn nghệ và các cuộc thi đấu vật, thi cờ, bóng chuyền qua đó phát huy truyền thống của làng quê nêu cao tinh thần đoàn kết.

Theo ông Nguyễn Hùng Mạnh, Hội trưởng Hội Tuần đình thôn Tiến Sơn, đình Tiến Sơn được xây dựng vào năm 1758 và hoàn thành vào năm 1760. Ban đầu đình có tên là Linh Quang đình, có vị trí cách đình hiện tại khoảng 100m về phía Tây. Năm 1820, người dân trong làng đã bàn bạc, thống nhất đưa đình làng về vị trí như hiện tại.

“Khác với những ngôi đình khác của tỉnh Bắc Giang, đình Tiến Sơn thờ 5 vị thành hoàng làng là Cao Sơn Bảo Trung Hưng thượng đẳng tôn thần, Quý Minh Bảo Trung Hưng thượng đẳng tôn thần, Lục Lang Đương Giang Bảo Trung Hưng tôn thần, Đô Thống Minh Giang Bảo Trung Hưng tôn thần, An Vương Hậu Chương công chúa Bảo Trung Hưng tôn thần. Năm 1851, đình được vua Tự Đức ban sắc phong với bốn chữ vàng “Mỹ tục khả phong”. Bốn chữ đó được khắc trên bức hoành phi bằng chữ Hán sơn son thếp vàng, nay vẫn còn được lưu giữ”, ông Nguyễn Hùng Mạnh cho biết thêm.

 Hội đấu vật tại Lễ hội đình Tiến Sơn năm 2025.

Theo tìm hiểu, ngoài những sắc phong, ngai vị, trong đình Tiến Sơn còn lưu giữ nhiều cổ vật quý, gồm: Kiệu bát cống; hệ thống bát hương, đèn được lưu giữ từ khi mới lập đình; tấm bia đá ghi những nghĩa sĩ của làng đã hy sinh trong các cuộc chiến đấu chống giặc xâm lược.

Trải qua nhiều lần trùng tu, lần gần nhất vào năm 2016, nhờ nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh Bắc Giang, cùng sự đóng góp của đông đảo nhân dân, đình Tiến Sơn được sửa chữa lớn, nâng cao thêm chân cột và bảo tồn kiến trúc như hiện nay. Năm 2021, bằng nguồn vốn huy động con cháu xa quê và nhân dân trong làng công đức được gần 200 triệu đồng, nhân dân đã xây dựng nhà sắp lễ và các hạng mục phụ trợ, sân, bậc khu, sửa chữa và sơn lại đền Quan Đô… góp phần giúp bức tranh tổng thể khu di tích lịch sử-văn hóa của làng được khang trang sạch đẹp và linh thiêng.

Theo ông Nguyễn Hùng Mạnh, hằng năm vào ngày lễ hội làng (14 tháng giêng) và ngày giỗ trận (14 tháng 8 âm lịch), bà con nhân dân trong làng và con cháu xa quê cùng về dự ôn lại truyền thống quê hương, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, luôn nhớ về quá khứ để tạo dựng tương lai, mang đậm bản sắc văn hóa của quê nhà. “Ngoài ra, những ngày lễ chính, ngày mồng 1 hằng tháng, các cụ ông vẫn duy trì tục lệ họp hội Tuần đình, giữ nguyên trang phục truyền thống là áo the, khăn xếp, ngồi theo thứ tự. Hội Tuần đình vẫn tuân thủ lễ tế thần, bao gồm lễ mở cửa đình, lễ tế thành Hoàng làng và 49 vị nghĩa sĩ đã hy sinh chống giặc Cờ Đen năm 1871 và những liệt sĩ đã hy sinh trong các thời kỳ kháng chiến. Đây là dịp để các cụ bàn về các hội, hương ước, nét văn hóa, thuần phong mỹ tục của quê nhà”.

Quang cảnh đình Tiến Sơn. 

Đồng chí Nguyễn Văn Khuê, Quyền chủ tịch UBND xã Hợp Đức, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang cho biết, những năm qua, Đảng ủy, UBND xã Hợp Đức đã chỉ đạo các cấp ngành tuyên truyền tới người dân, con em xa quê về việc giữ gìn, duy tu các di tích văn hóa-lịch sử trên địa bàn. Trong đó, đình Tiến Sơn đã làm tốt việc giữ gìn những nét đẹp văn hóa truyền thống của làng quê, kêu gọi được sự ủng hộ của nhân dân nhằm tôn tạo di tích, bảo vệ những di sản văn hóa tiêu biểu đã được các thế hệ người dân nơi đây giữ gìn qua nhiều năm.

Bài và ảnh: Đức Thắng

 

Nguồn: Dulichvn

Hà Nội: Người trẻ thổi hồn nghề làm tượng Sơn Đồng

Làng nghề Sơn Đồng (xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, Hà Nội) đã có lịch sử lâu đời, đến nay nhiều lớp trẻ trong làng đang tiếp tục duy trì và phát triển tinh hoa nghề làm tượng bằng gỗ.


Hơn 20 năm nay, anh Nguyễn Đăng Đại đã quen thuộc với “bản nhạc” làng nghề quê hương. Từ bé, anh đã cầm đục, cầm búa đục đẽo theo hướng dẫn của bố-nghệ nhân dân gian Nguyễn Đăng Hạc. Xưởng nghề gỗ của cha con anh cũng được xem là xưởng lớn trong làng, hằng ngày luôn có hàng chục thợ làm nghề, đa phần là người trẻ.

Theo nghệ nhân Nguyễn Đăng Hạc, cả xã hiện có hơn 4.000 lao động làm nghề thủ công mỹ nghệ thường xuyên, trong đó có đến hơn một nửa là thợ giỏi được tôn vinh, phong danh hiệu nghệ nhân. Với bàn tay tài hoa, những người thợ làng nghề Sơn Đồng đã cho ra đời nhiều tác phẩm nghệ thuật có độ tinh xảo cao, đậm đà bản sắc dân tộc. Điều đặc biệt ở Sơn Đồng là khách hàng cần đặt làm bất cứ pho tượng thờ nào thì người thợ nơi đây đều làm được mà không cần mẫu sinh kề (mẫu có sẵn). Bên cạnh đó, người Sơn Đồng còn tạc những pho tượng truyền thần dựa vào bức ảnh chân dung hoặc toàn thân của khách hàng. “Khi bắt tay vào công việc, chúng tôi luôn có đức tin về cõi thiện, thành kính hướng Phật, hay hiểu xa hơn đó chính là tinh thần trách nhiệm của người làm nghề gìn giữ và phát huy nghề của ông cha”, nghệ nhân Nguyễn Đăng Hạc chia sẻ thêm.

Nghề làm tượng ở Sơn Đồng đã trường tồn và song hành với sự phát triển của đạo Phật.

Với đôi bàn tay tài hoa, những người thợ làng nghề Sơn Đồng đã làm ra nhiều tác phẩm đòi hỏi độ tinh xảo cao như bức tượng Phật bà nghìn tay nghìn mắt, tượng ông Thiện, ông Ác, tượng La Hán, kiệu bát cống… Để làm được những điều đó, người thợ phải có kinh nghiệm, hiểu được các điển tích, tính cách, chức vụ, vị trí của từng pho tượng trong tâm thức để rồi thổi hồn vào các tác phẩm.

Tương truyền, nghề làm tượng ở Sơn Đồng xuất hiện từ lâu đời. Theo các ghi chép trong ngọc phả từ năm 976 còn lưu lại ở đền Thượng của làng thì tổ nghề là Đức thánh Đào Trực. Đức thánh từng là Thượng tướng quân tiên phong của triều đình Đại Cồ Việt trong cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược. Sau khi chém được tên tướng Hầu Nhân Bảo và dẹp xong giặc phương Bắc, ông đã đến Sơn Đồng mở trường dạy học và hướng dẫn mọi người trong làng nghề tạc tượng để mưu lợi cho dân. Trải qua quá trình hơn ngàn năm, đến nay đủ thấy nghề làm tượng ở Sơn Đồng đã trường tồn và song hành cùng sự phát triển của đạo Phật cũng như đời sống tâm linh trong tín ngưỡng dân gian ở Việt Nam. Đôi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân Sơn Đồng còn lưu dấu ấn tại những công trình văn hóa của Hà Nội như: Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Khuê Văn Các, đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, chùa Một Cột… Nghề quý trong tay người thợ Sơn Đồng còn lan tỏa đi khắp vùng, miền, góp phần phục dựng và bảo tồn rất nhiều công trình văn hóa tâm linh. Năm 2007, làng nghề Sơn Đồng được sách Kỷ lục Việt Nam ghi danh “Làng nghề tạc tượng và đồ thờ phụng Phật giáo lớn nhất Việt Nam”.

Trong những năm gần đây, nhiều lớp thanh niên của làng nghề Sơn Đồng đã đến với các thành phố lớn để mở xưởng, mở cửa hàng giới thiệu sản phẩm điêu khắc, mỹ nghệ của làng nghề. Huyện Hoài Đức và xã Sơn Đồng cũng luôn chú trọng thực hiện công tác bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống, quảng bá thương hiệu làng nghề thủ công mỹ nghệ Sơn Đồng, thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, trưng bày, triển lãm sản phẩm.

Bài và ảnh: Hoài Nam

 

Nguồn: Dulichvn

Đậm đà tô mỳ Quảng gạo lúa can

Với người con Đại Phong (Đại Lộc, Quảng Nam) xa quê, hình ảnh bữa mỳ Quảng với sợi mỳ được tráng từ hạt gạo lúa can có màu tím than, chan nhưn đậm đà, thơm lừng, ăn kèm rau sống là ký ức khó phai…


Tráng mỳ Quảng gạo lúa can. Ảnh: Thùy Liên

Về cơ bản, tô mỳ Quảng gạo lúa can cũng không khác mấy so với mỳ Quảng được chế biến từ hạt gạo trắng, chỉ khác màu sắc và độ dai của sợi mỳ.

Với người dân Đại Phong, trong những bữa ăn gia đình, ngày tết, giỗ chạp, dường không thiếu tô mỳ Quảng được chế biến từ sợi mỳ lúa can. Hạt lúa can bản địa được gieo trồng trên vùng đất bãi biền Mỹ Hảo, Đại Phong. Gạo lúa can khi thổi cơm cho màu sắc, hương vị đặc biệt hơn, khi xay mịn để tráng mỳ Quảng thì càng tuyệt.

Nhà thơ Nguyễn Nhã Tiên, người con của xã Đại Phong (hiện sống ở Đà Nẵng) chia sẻ, tô mỳ Quảng từ hạt gạo lúa can là ẩm thực đậm hương vị quê hương.

“Ngày tết, giỗ chạp, tôi và nhiều người trong tộc họ cố gắng vận động bà con, người quen nấu cho được bữa mỳ Quảng làm từ hạt gạo lúa can để ai cũng được thưởng thức hương vị quê. Đó cũng là dịp nhắc nhở con cháu về tình yêu quê, yêu hương vị đặc trưng của món ăn truyền thống, một loại đặc sản riêng có của Đại Phong” – nhà thơ Nguyễn Nhã Tiên chia sẻ.

Tô mỳ Quảng gạo lúa can. Ảnh: Thùy Liên

Mỳ Quảng được làm từ hạt gạo lúa can có hương vị đặc biệt, lạ miệng hơn mỳ Quảng được chế biến từ hạt gạo trắng.

Lò tráng mỳ Quảng của bà Tào Thị Nhơn (SN 1964) hay một vài điểm tráng mỳ Quảng từ hạt gạo lúa can trong vùng là nơi lưu giữ hương vị đặc sản quê hương này.

Mỗi ngày, cứ tầm 2 giờ sáng, gia đình bà Nhơn đã thức dậy xay gạo, tráng mỳ. Với bà Nhơn, việc không sử dụng các thiết bị máy móc để tráng mỳ là cách đảm bảo không làm mất đi màu nâu hồng tự nhiên và độ mềm dẻo của từng sợi mỳ. Theo bà, tráng thủ công cũng sẽ lưu được hương thơm và vị ngọt từ hạt gạo bản địa.

“Mọi thứ đều làm thủ công nên phải thức khuya dậy sớm, đặc biệt nghề này đòi hỏi tính kiên nhẫn và tỉ mỉ, chỉ cần lơ đãng một chút là bột pha có thể bị loãng khiến cho mỳ bị nhão” – bà Nhơn chia sẻ.

Vợ chồng bà Nhơn làm nghề đã ngót nghét 20 năm. “Nhiều nơi cũng muốn mua loại mỳ Quảng này để mang đi xa làm quà nhưng cũng không có nhiều để bán. Chúng tôi chỉ bán lẻ cho bà con trong vùng để giữ truyền thống, giữ nét quê vì nguồn lúa can vốn không nhiều trong dân” – bà Nhơn nói.

Triêu Nhan – Thùy Liên

 

Nguồn: Dulichvn

TIN MỚI NHẤT