Du lịch trong nước

Du lịch trong nước, tin tức du lịch trong nước, các tour du lịch trong nước, các địa điểm du lịch trong nước hấp dẫn được chúng tôi tổng hợp và đưa tin hàng ngày đến cho khách du lịch trên khắp mọi miền đất nước có được thông tin du lịch trong nước để có những thông tin hữu ích nhất cho mình và gia đình khi quyết định chọn chuyến du lịch trong nước cho mình và người thân

Hà Nội: Lễ hội chùa Tây Phương được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể

Lễ hội truyền thống chùa Tây Phương tại xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.


Bộ trưởng Bộ VHTTDL vừa ký Quyết định số 324 về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia đối với lễ hội truyền thống hội chùa Tây Phương tại xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội.

Lễ hội truyền thống chùa Tây Phương được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Trước đó, năm 2014, Chính phủ đã công nhận chùa Tây Phương là Di tích Quốc gia đặc biệt về giá trị kiến trúc nghệ thuật. Năm 2015, Bộ tượng Phật giáo chùa Tây Phương thời Tây Sơn, niên đại cuối thế kỷ XVIII đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia.

Chùa Tây Phương hay còn gọi là Sùng Phúc tự nằm trên địa phận xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, cách trung tâm Hà Nội khoảng 40km. Chùa Tây Phương nổi tiếng không chỉ ở kiến trúc cổ kính mà còn bởi cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp.

Chùa tọa lạc trên đỉnh núi Câu Lâu, bốn bề chùa Tây Phương là đồng bằng màu mỡ, có núi có sông – một địa thế đẹp gắn liền với quan niệm phong thủy phương Đông.

Xung quanh chùa có những bức chạm trổ hoa sen, hoa cúc, rồng phượng, hổ phù vô cùng tinh xảo. Đây là những kiệt tác từ bàn tay của các nghệ nhân tài hoa ở Chàng Sơn – làng nghề mộc nổi tiếng lâu đời. Để lên được chùa, du khách cần phải leo qua hơn 200 bậc thang đá ong rêu phong.

Chùa Tây Phương sở hữu 64 pho tượng với các bức phù điêu quý giá, 16 pho tượng Tổ, bộ Tượng Tam Thế Phật, bộ 18 vị La Hán với những cung bậc cảm xúc hỉ nộ ái ố.

Lễ hội chùa Tây Phương diễn ra hàng năm, ngày chính hội là 6/3 Âm lịch, được tổ chức tại Di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất.

Lễ hội gồm phần lễ và phần hội với các nghi thức dâng lễ, cúng Phật; rước kiệu và diễu hành của phường Rối nước; dâng lễ vật của lãnh đạo UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện…

Phần hội có các trò chơi dân gian như: ném còn, đi cà kheo, cây đu; biểu diễn Múa Rối nước, biểu diễn văn nghệ, diễn xướng cồng chiêng; giao lưu vật dân tộc,… Bên cạnh đó, còn diễn ra khu vực trưng bày, bán các sản phẩm đặc sản của huyện Thạch Thất.

Trong dịp Tết Ất Tỵ vừa qua, chùa Tây Phương đã đón hơn 60.000 du khách về lễ phật, thăm quan, vãn cảnh,…

Thúy Nguyễn

 

Nguồn: Dulichvn

Gốm Huân: Đánh thức giá trị khác biệt từ đất

Tôi là người bình thường nhưng có tình yêu gốm đặc biệt. Gốm là đam mê, là điều mà tôi chọn để gắn bó. Mong một ngày nào đó gốm Phù Lãng phát triển vươn xa tới bạn bè năm châu”, Huân Gốm chia sẻ.


“Thực ra trong suốt quá trình từ khi quyết định “sống với gốm” thì niềm đau đáu của tôi là làm sao để phát triển làng nghề, làm sao để những trầm tích văn hóa của gốm cổ Phù Lãng, làng gốm có lịch sử hơn 700 năm được phát huy trong đời sống đương đại, làm sao để nhiều người biết đến giá trị của gốm Phù Lãng”.

Đó là những chia sẻ gan ruột của Bùi Văn Huân, một chàng trai sinh ra và lớn lên tại đất gốm Phù Lãng, thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Sinh năm 1990, từ nhỏ thường xuyên được tiếp xúc với những “núi” đất sét của người dân làm nghề, với những chum, vại sành dọc những con đường làng… đã nhen lên một tình yêu đặc biệt của cậu bé Huân với gốm Phù Lãng. Cũng từ tình yêu ấy đã khiến Bùi Văn Huân ấp ủ ước mơ phát huy, lan tỏa nghề gốm cổ Phù Lãng, để rồi quyết định theo học Đại học Mỹ Thuật Công nghiệp Hà Nội và quyết định “sống với gồm” từ đó.

Con đường dốc nhỏ cong queo với bờ tường xếp đầy sành phế phẩm lâu năm phủ rêu và dương xỉ xanh rờn dẫn lối chúng tôi đến không gian Gốm Huân. Sau cánh cổng là không gian gốm mộc mạc, độc đáo từ kiểu dáng đến màu men được sắp đặt theo những ý tưởng nghệ thuật và kể những câu chuyện riêng đời gốm.

Chỉ bấy nhiêu thôi đã cảm nhận được một tình yêu dành cho gốm của chủ nhân không gian này. Tình yêu ấy được lan sang cả người đồng cam cộng khổ với Huân là Trương Hồng Thương, vợ của Bùi Văn Huân. “Mong muốn lớn nhất của Gốm Huân là có thể góp một phần nhỏ tạo nên những sản phẩm mới để mọi người biết nhiều hơn, hiểu nhiều hơn về giá trị của gốm Phù Lãng”.

Trước đây sản phầm gốm Phù Lãng chủ yếu là những chum, vại đựng nước, đựng rượu… to và nặng, tốn nhiều nguyên liệu mà giá trị kinh tế chưa cao. Thêm nữa, cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, những vật dụng này không còn phù hợp nên nghề gốm truyền thống của Phù Lãng dần bị mai một. Nghề mai một cũng có nghĩa là nhiều lớp trầm tích văn hóa đang dần bị lãng quên. Với mong muốn và khát khao mang lại những giá trị mới cho nghề, nên trong hơn 10 năm qua, sau quyết định “sống với gốm”, Bùi Văn Huân đã dành trọn tâm sức mày mò, học hỏi để thử nghiệm, sáng tạo cho ra đời những sản phẩm mới, dù biết đó là con đường đầy thách thức.

“Thật ra thì làm gốm rất vất vả và cũng trải qua rất nhiều mồ hôi và nước mắt nhưng mà mỗi chuyến ra lò thì lại cho tôi được thêm nhiều bài học quý báu. Thế nên, với gốm tôi được rất nhiều thứ mà chẳng mất đi thứ gì cả. Kể cả có những mẻ lò sản phẩm hỏng nhiều hơn nhưng tôi vẫn luôn tin rằng, giữa đống đổ nát vẫn còn lấp lánh những viên ngọc” – Bùi Văn Huân chia sẻ.

Nghề gốm nhọc nhằn nhưng cũng sẽ có lúc “luyện thổ thành kim”

Dấn thân với gốm và chọn cho mình một lối đi riêng, một thị trường ngách, tình yêu gốm trong Huân lớn dần qua từng sản phẩm. Không chỉ là đồ gốm ứng dụng, mỗi sản phẩm của Gốm Huân giống như một tác phẩm nghệ thuật trang trí, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ, kể những câu chuyện, chuyển tải cảm xúc, tư tưởng của người sáng tạo.

“Gốm cần nhiều phong cách, nhiều góc nhìn, nhiều sản phẩm khác nhau. Tôi thích con người gắn bó với nhau bởi sự đồng điệu về mặt cảm xúc và tâm hồn, đến với nhau vì trân quý những giá trị nội tâm chứ không phải vì vật chất… Vì thế, tôi theo đuổi hướng đến những sản phẩm gốm mộc mạc, trầm lắng, phản ánh chiều sâu nội tâm, tạo cảm giác thoải mái, an yên, chữa lành”.

Những ngày đầu gây dựng thương hiệu gốm Huân, vợ chồng anh chỉ làm truyền thông trên trang cá nhân, sau đó “hữu xạ tự nhiên hương”, khách hàng tự giới thiệu và tìm đến. Nhờ sự đồng điệu, “điểm chạm” nhất định về cảm xúc thẩm mỹ qua các sản phẩm nên khách hàng sau khi chọn gốm Huân đều trở thành bạn của gia đình anh. “Nếu chỉ nghĩ kiếm tiền từ gốm mà không xuất phát từ tình yêu thực sự sẽ rất khó tạo ra giá trị bền vững. Tôi sống với gốm, lao vào nó, yêu nó, khóc cười, trăn trở với nó mỗi ngày và chưa khi nào buông lơi” – Bùi Văn Huân tâm niệm.

Huân Gốm trò chuyện cùng phóng viên VOV2 tại “đại bản doanh” của mình

Cho đến bây giờ, đôi vợ chồng Huân – Thương không nhớ nổi bàn tay mình đã vuốt đất bao nhiêu lần, cũng không đếm được bao nhiêu sản phẩm bị lỗi, bị hỏng phải bỏ đi trong mồ hôi và nước mắt, bao nhiêu đêm thức canh ngọn lửa, canh nhiệt độ, bao nhiêu lần khóc, cười với gốm.

Và rồi đất không phụ công người khi những tác phẩm được ra lò. Đến nay sau hơn 10 năm quyết định “sống với gốm”, Bùi Văn Huân có trong tay nhiều bộ sưu tập gốm độc đáo như “cao nguyên đá Đồng Văn Hà Giang”, “12 con giáp”, “Gia đình Sen”, “Màu thời gian”, “Đường lên non cao”, “Ruộng bậc thang”…

Gốm Huân đã có mặt trong nhiều cuộc triển lãm trong nước và quốc tế, trong đó bộ “12 Con Giáp” đoạt giải khuyến khích tại Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc 2014, nhiều tác phẩm được đánh giá cao tại Triển lãm “Chạm vào ký ức” tại Hà Nội tháng 9 năm 2024. Gốm Huân cũng đã có mặt tại nhiều cuộc triển lãm ở Nhật Bản. Mỗi bộ sưu tập, từng sản phẩm đều được lấy cảm hứng và thấm đẫm hồn cốt Việt và ẩn chứa những câu chuyện phía sau dáng hình, đường vân, họa tiết, hoa văn, men gốm.

“Đầu tiên tôi nghĩ là chơi với gốm để thỏa mãn sự sáng tạo của mình trên gốm thôi, nhưng đến bây giờ thì tôi nghĩ là cuộc sống của mình đã gắn liền với gốm rồi. Trong những sản phẩm của tôi, tôi vẫn giữ những nét tinh hoa của các cụ xưa và sáng tạo thêm những nét tươi mới để đưa vào không gian đời sống hiện đại, tạo ra những sản phẩm có sự đan xen giữa cũ và mới, có công năng tốt và mang những giá trị mới cho gốm Phù Lãng. Nhưng dù có thay đổi thế nào thì mỗi sản phẩm của tôi vẫn mang hồn cốt văn hóa của người Việt” – Bùi Văn Huân chia sẻ.

Huân Gốm bên bộ sưu tập “Đường lên non cao”

Được nhìn ngắm những nét tinh xảo, được nghe những câu chuyện đời gốm sẽ là những khoảnh khắc khiến con người ta như thấy mình như được trốn ra khỏi những xô bồ, áp lực đang gặp phải, tâm hồn như được vỗ về xoa dịu. Và điểm đặc sắc là các sản phẩm gốm ở đây là phiên bản duy nhất, không có sản phẩm nào giống nhau hoàn toàn về màu sắc và kết cấu. Tùy thuộc vào cách ánh sáng chiếu vào sản phẩm mà từng chiếc bình lại ánh lên vẻ đẹp riêng. Sự tĩnh lặng của đất, vẻ đẹp màu “men thiền” cùng những đường vân phiêu lãng mang đến cảm giác thoải mái, thư giãn. Nguồn năng lượng thuần khiết tích cực ấy khiến bất cứ ai bước vào cũng bị cuốn hút vào thế giới nội tâm chiêm nghiệm… Tất cả những điều đó tạo nên giá trị khác biệt của Gốm Huân.

Và như Bùi Văn Huân chia sẻ, với gốm anh được rất nhiều thứ, trong đó quý nhất là sự kết nối, nhân rộng hơn vòng tay bạn bè, lan tỏa tình yêu gốm. Chị Trần Thu Hiền ở Hà Nội, trước là một khách hàng mê gốm Phù Lãng, giờ đã thành một người bạn thân thiết của gia đình Gốm Huân bày tỏ, chị rất yêu gốm Phù Lãng, biết đến Huân qua bạn bè giới thiệu, qua sản phẩm và qua các triển lãm. “Tôi cảm nhận được chất nghệ sĩ trong con người Huân. Các sản phẩm và tác phẩm của Huân đã thực sự chạm được vào cảm xúc. Tôi cảm phục, yêu mến Huân, từ tác phẩm đến con người”.

Bùi Văn Huân: Sống với gốm là quyết định mà tôi chưa khi nào ân hận

Nghề gốm đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng mới có thể “luyện thổ thành kim”, “hóa đất thành vàng”. Vì thế, Gốm Huân đang nỗ lực từng bước để định hình dấu ấn cá nhân, tái hiện tinh hoa làng nghề bằng cảm xúc, góc nhìn mới mẻ, làm trẻ hóa sản phẩm gốm Phù Lãng. Sự sáng tạo độc đáo ấy vừa thổi hồn đương đại vừa không làm mất đi bản sắc, giá trị cốt lõi của làng nghề truyền thống. Gốm Huân đang đánh thức những giá trị khác biệt của gốm Phù Lãng.

Thu Hà

Nguồn: Dulichvn

Đền Vua Lê – Điểm đến trong hành trình khám phá di sản văn hóa Xứ Lạng

Lê Thái Tổ là vị vua đầu tiên của thời Hậu Lê có nhiều công tích trong chiến đấu chống quân Minh. Ông là người đã dựng cờ khởi nghĩa Lam Sơn từ năm 1418 đến năm 1428, lãnh đạo Nhân dân đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi, đem lại nền độc lập dài lâu cho đất nước. Từ lòng ngưỡng vọng và biết ơn những người có công với dân với nước, nhiều ngôi đền thờ Đức vua Lê Thái Tổ đã được lập nên ở khắp nơi trên đất nước Việt Nam. Đền Vua Lê (thôn Hoàng Tân, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn) là một trong những ngôi đền thiêng đó.


Đền Vua Lê tại thôn Hoàng Tân, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn

Ngày nay, ở nước ta có rất nhiều điểm di tích liên quan đến Vua Lê được Nhân dân biết tiếng. Lớn nhất là khu đền thờ Vua Lê Thái Tổ và các vị vua nhà Lê ở khu di tích Lam Kinh (xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) quê hương ông. Bên cạnh đó là các ngôi đền được lập ở những nơi diễn ra hoạt động hoặc ghi dấu chiến công của ông như: làng Mỹ Xá (xã Minh Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương); thôn An Biên 2 (xã Lê Lợi, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh); xã Lê Lợi (huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu); làng Đền (xã Hoàng Tung, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng); làng Lộc Điền (xã Hưng Thành, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An)…

Đền Vua Lê (thôn Hoàng Tân, xã Hoàng Đồng) là ngôi đền duy nhất ở Lạng Sơn nằm trong hệ thống các di tích thờ Vua Lê Thái Tổ ở nước ta. Đền có từ rất lâu đời. Theo các tư liệu cổ, khởi nguyên là một ngôi miếu nhỏ thờ Thành hoàng của làng, sau được dòng họ Thổ ty Nguyễn Đình tu sửa trở thành nơi thờ vọng Lê Thái Tổ Cao Hoàng đế. Họ Nguyễn Đình là một trong “thất tộc Thổ ty” của Lạng Sơn (gồm 7 dòng họ: Vi, Hà, Nguyễn Đình, Nguyễn Khắc, Nông, Hoàng Đức, Hoàng Đình). Thuỷ tổ Nguyễn Thế Chương quê ở Nghệ An là một trong những tướng lĩnh đã chiêu mộ quân theo Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi trong khởi nghĩa Lam Sơn. Đất nước thái bình, ông được nhà vua phong tước, tin cẩn giao việc cai quản, trấn giữ biên cương. Đồng thời ban sắc chỉ cho ở lại Lạng Sơn,  đời nối đời thế tập, lấy xã Xung Minh, Hoàng Đồng (châu Thoát Lãng) làm quê quán. Với lòng trung quân ái quốc, biết ơn vị vua đã ban tặng ân đức cho dòng họ của mình, ở miền quê mới, dòng họ Nguyễn Đình đã lập đền thờ phụng vua Lê Thái Tổ. Đó chính là đền Vua Lê ở thành phố Lạng Sơn hiện nay.

Bên cạnh đó, ngày nay trong dân gian vẫn lưu truyền nhiều sự tích khác nhau về ngôi đền. Có người cho rằng đây là nơi Lê Lợi đã từng qua. Thời gian dừng chân ở đây ngài đã cho quân xây thành đắp lũy, sách Đại Nam nhất thống chí gọi đó là “Lũy cổ Hoàng Đồng”, dấu tích hiện vẫn còn ở gần đền Vua Lê. Sau khi Lê Lợi cùng quân sĩ rút đi, tưởng nhớ công lao của ngài, Nhân dân đã lập đền thờ. Cũng có một tích khác cho rằng, sau đại thắng quân Minh tại Chi Lăng (Lạng Sơn), trước khi về Đông Đô lên ngôi Hoàng đế, Lê Lợi đã đến nơi đây chỉ dụ quan quân, tướng sỹ. Ngày 22 tháng 8 năm Quý Sửu (1433), Thái Tổ băng hà, các chủ tướng được giao gìn giữ biên cương và Nhân dân địa phương đã cùng nhau lập đền thờ nhà vua ở tại nơi này…

Theo bản Tục lệ xã Hoàng Đồng, tổng Hoàng Đồng, châu Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, chép năm Khải Định thứ 4 (1919), đền vua Lê có tên gọi là miếu Lê Thái Tổ Đại Vương. Đây là một trong ba ngôi miếu của xã Hoàng Đồng được Nhân dân thờ cúng khi đó. Việc cúng tế chung diễn ra trong các dịp lễ, tết: Tết Nguyên đán, Lễ Thượng Nguyên (15 tháng Giêng), Thanh minh (3/3), tiết Đoan dương  (5/5), Trung Nguyên (15/7), lễ Tế thu (15/8)…  Đặc biệt, tại ngôi miếu này còn có riêng ngày lễ mùng 10/4 âm lịch với nhiều nghi thức tế thần rất trọng thể.

Theo các tư liệu của Bảo tàng Lạng Sơn, vào năm 1924, ngôi miếu nhỏ đơn sơ lợp tranh đã được con cháu dòng họ Nguyễn Đình chủ trì trùng tu tôn tạo, xây lại bằng gạch, lợp ngói âm dương, mang nét đặc trưng của một kiến trúc tín ngưỡng ở vùng núi, biên giới. Đền có quy mô nhỏ, rộng khoảng 30m2, gồm 3 gian: gian chính giữa thờ Vua Lê, hai bên tả, hữu thờ các vị tướng nhà Lê và Đức Ông – vị thần Hộ Pháp chuyên trông coi đền. Các tư liệu lưu trữ ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Viện Thông tin Khoa học xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho biết, vào thời Nguyễn, đền từng được ban tặng 5 bản sắc phong: 2 bản đời vua Tự Đức (năm 1857 và 1880), 1 bản đời vua Đồng Khánh (năm 1887), 1 bản đời vua Duy Tân (năm 1909), 1 bản đời vua Khải Định (năm 1924). Nhưng do nhiều nguyên nhân, đến nay đã bị thất lạc, không còn giữ được bản sắc phong nào.

Lễ hội truyền thống đền Vua Lê được tổ chức ngày 23 tháng Giêng hằng năm. Đây là dịp Nhân dân bày tỏ lòng ngưỡng mộ và biết ơn với Vua Lê Thái Tổ, thể hiện sâu sắc đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Trong lễ hội có nghi thức tế lễ, dâng hương tưởng nhớ Vua Lê và các tướng lĩnh đã theo vua giết giặc. Ngoài lễ vật của bản đền, các gia đình ở đó sắm mâm lễ đến cầu tài, cầu lộc, cầu bình an, may mắn… tạo nên nét độc đáo của ngày hội này. Hội có các trò chơi, trò diễn đặc sắc như: múa sư tử, kéo co, đánh cờ người, hát sli giao duyên của nam, nữ dân tộc Nùng… Trong nhiều năm qua, lễ hội đã thu hút đông đảo Nhân dân và du khách thập phương đến chiêm bái.

Trải qua thời gian 100 năm tồn tại, ngôi đền đã bị xuống cấp. Năm 2024 vừa qua, từ nguồn xã hội hoá, di tích đã được trùng tu tôn tạo trở nên quy mô, khang trang hơn nhưng vẫn giữ được hình ảnh thân thuộc của ngôi đền cũ. Đền có diện tích khoảng gần 200m2, kết cấu theo kiểu chữ “Tam”. Gian Tiền tế thờ các quan. Ở Hậu cung, ngoài nhân vật chính được thờ là Vua Lê Thái Tổ còn có Nguyễn Trãi – quan đại thần thân tín luôn “sát cánh” cùng nhà vua trong cả việc quân lẫn chính sự; Lê Lai – một tướng lĩnh đã hy sinh thân mình cứu Lê Lợi trong khởi nghĩa Lam Sơn. Không gian di tích đã được tôn tạo đảm bảo mỹ quan, hài hoà với kiến trúc và cảnh quan của phố xá, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc tổ chức các hoạt động văn hoá, tín ngưỡng của Nhân dân.

Đền Vua Lê là di tích có ý nghĩa nhiều mặt về lịch sử, văn hoá tín ngưỡng. Đặc biệt gắn với sự hình thành, phát triển của các dòng họ Thổ ty trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền đất nước ở vùng biên cương Tổ quốc. Được xếp hạng cấp tỉnh từ năm 2002, di tích đền Vua Lê là một trong những điểm đến đầy sức hút trong hành trình khám phá di sản văn hoá Xứ Lạng trong những ngày xuân này.

Chu Quế Ngân – Phường Đông Kinh

 

Nguồn: Dulichvn

Nhớ tô bún nước lèo của những ngày sau Tết

Hình như thịt mỡ của những ngày trước, trong và sau Tết hầu như ai ai cũng ngán mỗi khi ngồi vào mâm cơm gia đình. Nào là thịt kho rệu, nào là khổ qua hầm, nào là các món xào… dù chỉ mới nghe mùi thôi đã khiến cho mọi người ngán đến tận cổ. Có người ao ước có được tô bánh canh mặn nấu với cá lóc, có người thích món các lóc nướng trui chấm với mắm bò hóc óp hoặc ít cầu kỳ hơn là món cá chạch kho nghệ ngon vô tưởng. Nhưng với tôi thì tất cả các món ấy đều không qua được tô bún nước lèo nóng hổi, thơm lừng lựng. Mùi vị bún nước lèo đã “quấn quýt” tôi từ khi tôi còn là thằng nhóc tỳ của xóm tản cư đến tận sau này.


“Xóm tản cư” là cái xóm nhỏ mà hầu hết là dân tản cư từ miệt ruộng quê tôi ra vùng ven rìa thị trấn quận lỵ để trốn tránh các cuộc hành quân càn quét ác liệt. Mấy chục gia đình chèo chống ra đây dựng tạm lên những căn nhà tre lá ọp ẹp cho cuộc sống tạm bợ qua ngày. Không ai có thể biết được bao lâu nữa mới được trở về quê cũ nên hầu hết người lớn trong xóm vẫn đi đi, về về làm lụng trong quê khi vào thời điểm dọn đất cấy, khi vào vụ thu hoạch lúa. Để kiếm thêm chút ít tiền chi xài hằng ngày, có người mở thêm tiệm tạp hóa nơi đầu xóm, có người làm bánh bò, bánh da lợn, bánh gan, bánh lá dừa… bưng đi bán vòng vòng trong xóm hoặc ở góc chợ cách xóm tản cư tầm hai, ba cây số. Còn đám trẻ nít chúng tôi thèm… đủ thứ nhưng có tiền đâu mà mua. Sáng sáng trước khi đi học thì nhai cơm rang muốn mỏi miệng.

Bún nước lèo – một hương vị khó quên của người dân Sóc Trăng.

Kế tiệm tạp hóa đầu xóm là “quán” bún nước lèo của vợ chồng thím Huôi – là người Khmer từ Vũng Thơm (nay là xã Phú Tâm, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) qua và xin “ở ké cho vui” với bà con cùng cảnh ngộ… tản cư. Má tôi nói bún nước lèo của thím rất ngon, đúng khẩu vị của bà con Khmer, không lai tạp như tô bún nước lèo ngoài chợ thêm thắt đủ thứ. Hầu như chú thiếm không hề tốn tiền mua các phụ liệu ngoài chợ, trừ ra mấy ký bún. Cứ sau buổi sáng bán bún, chú thím chèo chiếc tam bản dọc theo sông chài cá, tép để mai bán. Cá tép thời đó rất nhiều nên chỉ chừng vài tiếng đồng hồ là… dư xài. Chiều mát thiếm đi dọc theo mấy miếng vườn để thọc bắp chuối làm rau ghém. Còn mắm sặc, mắm rô, mắm bò hóc do chú thím chài cá dưới sông rồi làm mắm nên ở bên hông nhà để la liệt các hũ mắm do chú thím làm sẵn. Dân tản cư đa phần là nghèo, thu nhập chủ yếu từ làm ruộng nên cuộc sống khá bấp bênh, chi tiêu hàng ngày rất tằn tiện. Biết vậy, nên thím Huôi bán giá tô bún rất rẻ. Nếu gói xôi bán trước cửa trường học có giá 5 cắc thì tô bún của thím chưa tới một đồng. Đám học trò chúng tôi sáng nào cũng kéo cả chục đứa đến ngồi kín bàn, lua vội tô bún trước khi đi học. “Bàn” là những thanh tre ghép lại đặt trên những chân trụ của cây bình linh, mù u, trâm bầu, mặt “bàn” ngang chừng 6 – 7 tấc, dài chừng hơn 2 thước. Dọc theo 2 mép bàn là những chiếc ghế súp cũng bằng tre do chú Huôi tự làm. Đối với đám trẻ nít như chúng tôi thì thím làm tô nhỏ nhưng chất lượng không thua tô bún của người lớn, thỉnh thoảng thím còn cho thêm mấy con tép bạc bự chảng. Còn người lớn hầu hết đều thích khúc đầu cá lóc kèm thêm mấy cái ruột cá nên tô bún vun trùng, nhiều gần gấp đôi tô của đám trẻ, bởi ai cũng là dân lực điền ăn mạnh, uống bạo.

Rồi những ngày bán ế do rơi vào thời điểm dọn đất hay vào vụ thu hoạch, chú thím kêu đám trẻ đến “tặng” cho mỗi đứa một tô đầy tôm, tép hoành tráng có thể chất lượng hơn tô đặc biệt bây giờ. Sau thu hoạch lúa, quán bún của thím Huôi luôn luôn đông khách vào buổi sáng và hiện diện đủ các tay nhậu vào buổi chiều với móm som lo (xiêm lo) đúng chuẩn chất của bà con Khmer. Đám trẻ chúng tôi hồi đó không có thói quen ngủ trưa nên thường thường hay kéo tới nhà chú thím để nghe chú kể chuyện xưa và khoái học tiếng Khmer do chú dạy chúng tôi.

Nhưng năm nào cũng vậy, cứ đến Tết thì chú thím chèo ghe về quê cho đến qua ngày mùng 5, mùng 6 chú thím mới trở lại. Và khỏi phải nói, nồi bún ước lèo của thím đắt như tôm tươi. Có lẽ do những ngày Tết nhiều thịt mỡ, nên tô bún nước lèo của thím Huôi trở thành một món ngon vô đối. Vẫn là miếng thịt cá lóc đã lấy hết xương, mấy con tép, tôm lóng đã lột vỏ cùng với mớ rau ghém mà đem đổi với tô thịt kho rệu chắc không ai chịu đổi. Rồi những “thực khách” lớn tuổi cũng một tô bún nước lèo nhưng trải chiếc đệm bên hông quán nhâm nhi với chú Huôi – tất nhiên không thiếu nồi xiêm lo do chú nấu cực ngon, gọi là ăn Tết muộn với chú. Còn đám trẻ nít chúng tôi vẫn xì xụp vừa nhai, vừa húp như món ngon nào giờ chưa được ăn. Thỉnh thoảng thím “gọi” (xin, cho thêm) một ít bún, tôm, nước lèo với nụ cười hiền diệu, với ánh mắt tràn ngập yêu thương đám nhóc tỳ chúng tôi. Quả thật, những ngày sau Tết với tôi không có món nào trở bữa bằng tô bún nước lèo ngày đó và hương vị ấy đã “quấn quýt” tôi từ thời còn trẻ nít cho đến tận hôm nay.

Sau ngày 30/4/1975, bà con xóm tản cư lần lượt trở về quê cũ, đám trẻ ngày nào thỉnh thoảng gặp nhau ai cũng nhắc đến chú thím Huôi và vẫn còn nhớ như in hương vị tô bún nước lèo phảng phất hương vị mắm bò hóc và những miếng thịt cá lóc rút hết xương, những con tôm, tép ngọt lịm làm cho tô bún vun trùng tưởng chừng như ăn không hết, ấy vậy mà có đứa vẫn “gọi” thêm. Tô bún nước lèo bây giờ dù có đầy đủ phụ liệu, lại thêm những lát heo quay, giò chéo quẩy… nhưng tôi đoán chắc rằng nó không thể so với tô bún nước lèo của thím Huôi của chúng tôi ngày trước.

Thiên Lý

 

Nguồn: Dulichvn

Bắc Giang sẽ tổ chức lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm với nhiều hoạt động đặc sắc

Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm tưởng nhớ công lao của 3 vị sư tổ đã có công khai sáng ra Thiền phái Trúc Lâm, một dòng thiền mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam; công lao to lớn của vị Tổ đệ nhất (Đức Vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông) đã đánh đuổi giặc ngoại xâm Nguyên – Mông, giữ yên bờ cõi Đại Việt.


Theo UBND thành phố Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang), lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm, xã Trí Yên năm 2025 do UBND thành phố Bắc Giang tổ chức từ ngày 10/3 đến hết ngày 13/3/2025 (tức từ ngày 11 đến hết ngày 14 tháng Hai năm Ất Tỵ).

Lễ hội năm nay gắn với sự kiện công bố quyết định công nhận bộ tượng Tam tổ Trúc Lâm tại chùa Vĩnh Nghiêm là bảo vật quốc gia. Tại lễ khai hội tối 10/3/2025 sẽ có màn trống hội, múa lân; chương trình nghệ thuật đặc sắc; công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận bộ tượng Tam tổ Trúc Lâm tại chùa Vĩnh Nghiêm là bảo vật quốc gia và trao Bằng công nhận.

Chùa Vĩnh Nghiêm có tổng diện tích 1ha với lối kiến trúc đăng đối, cân xứng, hài hòa

Trong khuôn khổ lễ hội sẽ có lễ rước theo nghi lễ nhà chùa; trưng bày, thuyết minh, giới thiệu về di tích, di sản và thuyết giảng Phật pháp; trưng bày không gian văn hóa chợ quê; hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao như kéo co, đẩy gậy và trò chơi dân gian (đánh đu, bịt mắt đập niêu, đi cầu kiều…). Đặc biệt, tại đây tổ chức gian hàng trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm tiêu biểu của địa phương trong các lĩnh vực và hình ảnh, tư liệu về những thành tựu phát triển kinh tế – xã hội với sự tham gia của 31 phường, xã của thành phố Bắc Giang.

Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm là lễ hội lớn trước đây do UBND huyện Yên Dũng (cũ) phối hợp với UBND xã Trí Yên tổ chức từ ngày 11 đến 14 tháng Hai âm lịch hằng năm. Lễ hội tưởng nhớ công lao của 3 vị sư tổ đã có công khai sáng ra Thiền phái Trúc Lâm, một dòng thiền mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam; công lao to lớn của vị Tổ đệ nhất (Đức Vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông) đã đánh đuổi giặc ngoại xâm Nguyên – Mông, giữ yên bờ cõi Đại Việt.

Chùa Vĩnh Nghiêm có 5 tổ hợp chính là Tam Quan, Tam Bảo, Nhà Tổ đệ nhất, Gác chuông và Nhà Tổ đệ nhị

Chùa Vĩnh Nghiêm (còn gọi là chùa Đức La) tọa lạc nơi có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Chùa được coi là chốn tổ của thiền phái Trúc Lâm, có vị trí đặc biệt trong lịch sử Phật giáo thời Trần nói riêng, Phật giáo Việt Nam nói chung.

Chùa Vĩnh Nghiêm đã được xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt, mộc bản lưu giữ tại chùa được công nhận là Di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

3.050 mộc bản là kinh, sách, luật giới nhà Phật, trước tác của Tam Thế Tổ được lưu giữ tại chùa Vĩnh Nghiêm ( Bắc Giang)

Do sáp nhập huyện Yên Dũng vào thành phố Bắc Giang, năm nay UBND thành phố Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang) chủ trì tổ chức lễ hội với nhiều hoạt động đặc sắc nhằm tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc nghệ thuật độc đáo của di tích quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm và các di sản lưu giữ tại chùa đã được vinh danh để người dân và du khách thập phương về chiêm bái, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

Văn Giang

 

Nguồn: Dulichvn

Thành Phố Huế: Nghề làm bún Vân Cù được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Ngày 19/2, thôn Vân Cù – Nam Thanh (xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà, thành phố Huế) tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghề làm bún Vân Cù.


Đại diện lãnh đạo thị xã Hương Trà đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: Đ.H.

Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã công bố quyết định số 3979/QĐ-BVHTTDL ngày 10/12/2024 của Bộ VHTT&DL về việc công nhận nghề thủ công truyền thống – nghề làm bún Vân Cù của làng nghề truyền thống Vân Cù (xã Hương Toàn) là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Diễn ra trong hai ngày 18 và 19/2, chương trình đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghề làm bún Vân Cù với các hoạt động như: Lễ tế bà Bún, Lễ hội ẩm thực di sản bún Việt – Làng bún Vân Cù; Hành trình khám phá di sản làng bún Vân Cù, trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP, đặc sản địa phương…

Đặc biệt, tại chương trình sẽ quảng diễn tái hiện lại nghề làm bún truyền thống của người dân làng Vân Cù, quảng diễn ký ức gánh bún ngày xưa của các mẹ, các mệ trên cánh đồng, đây là một trong những nét truyền thống của nghề làm bún Vân Cù, qua đó góp phần quảng bá hình ảnh du lịch cộng đồng đến du khách và người dân.

Nghề làm bún Vân Cù là làng nghề truyền thống của thành phố Huế có tuổi đời lên đến hàng trăm năm. Ảnh: Đ.H.

Vân Cù là một làng nghề thủ công truyền thống làm bún có lịch sử hơn 400 năm, là địa phương duy nhất ở miền Trung tổ chức lễ tế vị tổ nghề là bà Bún vào ngày 22 tháng Giêng âm lịch.

Với việc duy trì cùng những đóng góp quan trọng vào sự phát triển nghề và làng thủ công nghề truyền thống, năm 2014, làng nghề bún Vân Cù được công nhận là “làng nghề truyền thống” của tỉnh Thừa Thiên – Huế (nay là thành phố Huế).

Nguyễn Quốc

 

Nguồn: Dulichvn

Thừa Thiên Huế: Nghề làm bún Vân Cù được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Ngày 19/2, thôn Vân Cù – Nam Thanh (xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà, thành phố Huế) tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghề làm bún Vân Cù.


Đại diện lãnh đạo thị xã Hương Trà đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: Đ.H.

Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã công bố quyết định số 3979/QĐ-BVHTTDL ngày 10/12/2024 của Bộ VHTT&DL về việc công nhận nghề thủ công truyền thống – nghề làm bún Vân Cù của làng nghề truyền thống Vân Cù (xã Hương Toàn) là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Diễn ra trong hai ngày 18 và 19/2, chương trình đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghề làm bún Vân Cù với các hoạt động như: Lễ tế bà Bún, Lễ hội ẩm thực di sản bún Việt – Làng bún Vân Cù; Hành trình khám phá di sản làng bún Vân Cù, trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP, đặc sản địa phương…

Đặc biệt, tại chương trình sẽ quảng diễn tái hiện lại nghề làm bún truyền thống của người dân làng Vân Cù, quảng diễn ký ức gánh bún ngày xưa của các mẹ, các mệ trên cánh đồng, đây là một trong những nét truyền thống của nghề làm bún Vân Cù, qua đó góp phần quảng bá hình ảnh du lịch cộng đồng đến du khách và người dân.

Nghề làm bún Vân Cù là làng nghề truyền thống của thành phố Huế có tuổi đời lên đến hàng trăm năm. Ảnh: Đ.H.

Vân Cù là một làng nghề thủ công truyền thống làm bún có lịch sử hơn 400 năm, là địa phương duy nhất ở miền Trung tổ chức lễ tế vị tổ nghề là bà Bún vào ngày 22 tháng Giêng âm lịch.

Với việc duy trì cùng những đóng góp quan trọng vào sự phát triển nghề và làng thủ công nghề truyền thống, năm 2014, làng nghề bún Vân Cù được công nhận là “làng nghề truyền thống” của tỉnh Thừa Thiên – Huế (nay là thành phố Huế).

Nguyễn Quốc

 

Nguồn: Dulichvn

Bạc Liêu: khai mạc Ngày hội Bánh dân gian Nam Bộ

Chiều ngày 18/2, Bạc Liêu đã khai mạc Ngày hội Bánh dân gian Nam Bộ kết hợp hội chợ xúc tiến du lịch, thương mại, sản phẩm OCOP, TP Bạc Liêu năm 2025.


Nhằm giới thiệu, quảng bá các món ăn đặc sản địa phương, du lịch của vùng đất Bạc Liêu, tạo không gian vui chơi, giải trí phục vụ cho người dân trong ngoài tỉnh, chiều ngày 18/2, UBND TP Bạc Liêu  đã khai mạc Ngày hội Bánh dân gian Nam Bộ kết hợp hội chợ xúc tiến du lịch, thương mại, sản phẩm OCOP, TP Bạc Liêu năm 2025.

Đây còn là dịp để du khách trải nghiệm văn hóa ẩm thực, nhất là bánh dân gian của vùng miền, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa ẩm thực Việt Nam và cũng là dịp tập hợp và hỗ trợ nghệ nhân phát huy giá trị bánh dân gian. Sự kiện còn nhằm liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, từng bước mở rộng thị trường bánh dân gian địa phương. Mặt khác còn là cơ hội để tuyên truyền, quảng bá về vùng đất, con người, bản sắc văn hóa, tiềm năng du lịch Bạc Liêu đến đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh thông qua chương trình tham quan các điểm du lịch tiêu biểu trên địa bàn TP Bạc Liêu.

Theo Ban tổ chức, Ngày hội Bánh dân gian Nam Bộ kết hợp hội chợ xúc tiến du lịch, thương mại, sản phẩm OCOP, TP Bạc Liêu năm 2025 diễn ra từ ngày 18/2 đến ngày 25/2/2025 với sự tham gia của 209 đơn vị đến từ các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long, các huyện trong tỉnh và TP Bạc Liêu.

Theo đó, kết hợp thực hiện các gian hàng thương mại, có hơn 200 gian hàng trưng bày gian hàng ẩm thực bánh dân gian, các sản phẩm OCOP, hình ảnh về du lịch Bạc Liêu. Đặc biệt, sẽ tổ chức biểu diễn nghệ thuật hàng đêm, các trò chơi dân gian gắn với chuỗi hoạt động của ngày hội như: trình diễn làm các loại bánh dân gian, trưng bày và cho dùng thử, …

“Bánh dân gian Nam bộ đã có từ lúc khai hoang mở đất. Người dân Nam bộ đã tận dụng môi trường tự nhiên và các nguồn nguyên liệu từ gạo, nếp, khoai, củ để chế biến thành những món bánh vừa thơm ngon, vừa bổ dưỡng. Đối với người dân Nam bộ, bánh không chỉ dùng để ăn mà còn là sự kết tinh sản vật địa phương, sự tinh tế trong kiểu dáng, màu sắc, sự khéo léo của bàn tay nghệ nhân, đó còn thể hiện sự duyên dáng, đảm đang của người phụ nữ Nam bộ” – ông Trần Minh Hải, Chủ tịch UBND TP Bạc Liêu nói.

Hoàng Nam

Nguồn: Dulichvn

Đặc sắc ẩm thực nơi ”đá cũng nở hoa”

Hà Giang là địa phương được mệnh danh nơi “đá cũng nở hoa”, với vẻ đẹp hùng vĩ, sự hoang sơ của núi rừng. Mang âm hưởng núi rừng Đông Bắc, ẩm thực nơi đây còn chiều lòng du khách khắp nơi ghé thăm bởi những món ăn đặc trưng.


Xôi ngũ sắc

Xôi ngũ sắc hài hòa các sắc màu. Ảnh minh họa: Báo Điện tử Chính phủ

Xôi là món ăn khá phổ biến ở mọi tỉnh, thành Việt Nam, nhưng như một bản “hòa tấu” sắc màu đẹp mắt thì du khách lại nhớ đến xôi ngũ sắc Hà Giang. Qua đôi bàn tay khéo léo của người dân vùng cao, xôi ngũ sắc Hà Giang được chế biến theo nhiều màu sắc đặc trưng khác nhau, tạo nên sự độc đáo cho nét văn hóa nơi đây.

Cụ thể, xôi ngũ sắc Hà Giang thường có các màu chính như vàng, tím, đỏ, xanh, trắng. Không phải ngẫu nhiên mà món ăn này lại có những màu sắc đặc trưng vì mỗi màu đối với người Hà Giang đều có những ý nghĩa nhất định. Do được đồ từ gạo nếp cái hoa vàng nên xôi có độ dẻo, thơm và dù để lâu vẫn không bị khô cứng lại, ngon như lúc mới nấu.

Phở ngô

Phở ngô thu hút thực khách bởi sắc màu vàng của sợi phở, nước dùng thanh ngọt đặc trưng. Ảnh minh họa: hagiang.gov

Ngô là lương thực chính của đồng bào dân tộc Mông ở vùng cao nguyên đá Hà Giang. Từ hạt ngô, người dân địa phương chế biến thành nhiều món ăn, như món phở ngô nổi tiếng khắp nơi.

Món phở ngô sử dụng các nguyên liệu địa phương kết hợp công thức nấu nước phở miền xuôi nhưng được tinh chỉnh lại để tạo nên sự phù hợp. Phần nước dùng ninh từ xương bò và một số loại củ, quả của vùng cao nguyên đá Hà Giang nên có vị thanh, ngọt, thơm hương quế, hồi, hòa quyện với sợi phở màu vàng ươm. Có thể nói, phở ngô mang đến màu sắc và hương vị mới cho bộ sưu tập phở Việt.

Thắng cố Đồng Văn

Thắng cố có hương vị đặc trưng, hơi e dè cho thực khách lần đầu thưởng thức. Ảnh minh họa: Pao Quán

Mang nét văn hóa ẩm thực người vùng cao, thắng cố Đồng Văn là món ăn độc đáo bởi thành phần nguyên liệu chế biến là thịt ngựa. Thay vì sử dụng heo, bò, người Hà Giang dùng thịt ngưa và nhất là lòng ngựa đem sơ chế sạch rồi ướp qua gia vị núi rừng. Phần gia vị ướp có khi hơn 10 loại nên tạo hương vị đặc sắc riêng cho nồi thắng cố.

Khi thưởng thức thắng cố, thực khách có thể nêm thêm gia vị cho vừa ý, kết hợp cùng một số loại rau sống của núi rừng. Đặc biệt, riêng món này lúc nào cũng phải được hâm nóng liên tục, người mua ăn đến đâu, người bán gắp đến đó. Đối với thực khách yêu thích ẩm thực vùng miền, đây là món ăn không nên bỏ lỡ khi đến Hà Giang.

Rêu nướng

Rêu được thu hoạch tại các con suối. Ảnh minh họa: Báo Hà Giang

Từ lâu, rêu sông, rêu suối được xem là món ăn quen thuộc của đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc và Đông Bắc. Theo đó, họ chọn những đám rêu lớn về rửa sạch, sơ chế thật kỹ để loại bỏ chất bẩn. Sau đó, cho xắt rêu thành miếng vừa ăn và ướp gia vị. Hỗn hợp gia vị thường có sả, lá mùi tàu, lá dăm, lá hẹ, muối, bột ngọt, hạt dổi. Cuối cùng trộn đều và dùng lá bản to gói rêu lại rồi đem nướng.

Quá trình nướng rêu cũng quan trọng khi rêu cần nướng đều để món ăn thơm ngon. Cụ thể, khi nướng rêu, áp một bên lên than nướng cho chín, sau đó nướng bên còn lại. Tiếp tục nướng cho đến khi có thể nhấn mềm bằng hai ngón tay. Đây là món ăn khá thú vị mà mọi người nên thử qua.

Cháo ấu tẩu

Cháo ấu tẩu có vị thơm đặc trưng, nhẫn đắng nhẹ nhưng lại kích thích vị giác. Ảnh minh họa: Vietnamtourism

Cháo ấu tẩu, món ăn được làm từ vị thuốc có độc tính là củ ấu tẩu, nhưng qua cách chế biến của đồng bào dân tộc Mông ở Hà Giang lại trở thành đặc sản nổi tiếng. Người dân nơi đây gọi là cháo ấu tẩu bởi nó được chế biến từ gạo nương và chân giò heo đem nấu lẫn với củ ấu tẩu tạo thành món ăn đặc sắc.

Cháo nấu xong mang sắc nâu đậm, nhìn giống tô cháo lòng của người miền xuôi, vị bùi, béo và thơm đặc biệt. Vì là vị thuốc nên đặc trưng của cháo ấu tẩu có vị đắng. Tuy nhiên cái đắng hòa cùng miếng ấu tẩu bùi, dẻo, quyện với cái ngọt của nước xương ninh và thơm ngậy của trứng đọng lại thành hương thơm, vị ngọt lạ miệng.

Phúc An tổng hợp

 

Nguồn: Dulichvn

Nghệ An: Độc đáo lễ hội cầu ngư, mở cửa biển đầu năm

Lễ hội cầu ngư tại xã Ngọc Bích, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An là nghi thức truyền thống của cư dân vùng biển có từ xa xưa được gìn giữ qua nhiều thế hệ. Cứ vào dịp đầu xuân, nhân dân địa phương sẽ tổ chức lễ hội cầu ngư, mở cửa biển với mong muốn một năm mưa thuận gió hòa, khai thác hải sản thắng lợi. Lễ hội còn góp phần bảo tồn nét văn hóa đặc sắc, thắt chặt tình đoàn kết của nhân dân, góp sức xây dựng quê hương thêm giàu mạnh.


Sáng ngày 17-2, dù thời tiết có mưa phùn, gió rét nhưng đông đảo bà con nhân dân xã Ngọc Bích vẫn có mặt từ rất sớm để dự lễ hội cầu ngư, mở biển, báo hiệu một mùa khai thác hải sản mới. Lễ hội cầu ngư của bà con địa phương ven biển gồm có phần lễ và phần hội. Phần lễ với các nghi lễ truyền thống như: Lễ khai quang, lễ yết cáo, lễ cầu ngư-lễ đại tế, lễ tạ, lễ cầu yên, lễ thả hoa… thể hiện lòng thành kính, tri ân đến các vị chư thần và mong muốn cho mưa thuận, gió hòa, quê hương thanh bình, phát triển.

Trong lễ thả hoa trên sông Bùng nối Cảng cá Đông Lộc với cửa biển Lạch Vạn, ngư dân trên 9 tàu thuyền tham gia rước lễ thực hiện nghi thức “nhúng giã”. Hoạt động này mang ý nghĩa khai mở cửa biển, đánh dấu mùa khai thác hải sản của ngư dân, cầu mong luồng lạch luôn khơi thông, ngư dân ra khơi, vào lộng được thuận lợi, bình an, những chuyến đi biển hiệu quả.

Đông đảo nhân dân xã Ngọc Bích tham gia lễ hội cầu ngư.  

Phần hội với các nghi thức rước kiệu, múa lân sư rồng, lễ rước nhúng giã, rước hoa, rước vật phẩm tế lễ… có sự tham gia của hàng ngàn người dân trên đoạn đường gần 1km. Cùng với đó là các trò chơi dân gian như kéo co, bịt mắt bắt vịt… mang tính cộng đồng, thu hút nhiều người tham gia. Đáng chú ý là phần thi đan lưới giã với sự tham gia của 4 đội chơi đã tái hiện sự hình thành, phát triển gần 100 năm qua của nghề sản xuất ngư lưới cụ của cư dân làng biển, thu hút đông đảo người dân reo hò, cổ vũ. Ban tổ chức còn trưng bày tranh ảnh về mảnh đất, con người, truyền thống văn hóa, các gian hàng giới thiệu sản phẩm đặc trưng địa phương, giao lưu văn nghệ giữa 18 xóm trên địa bàn.

Chủ tế thực hiện nghi thức cầu cho mưa thuận gió hòa, đánh bắt hải sản thắng lợi.

Đội tàu chuẩn bị thực hiện nghi thức “nhúng giã” báo hiệu một mùa khai thác hải sản mới. 

Xã Ngọc Bích là một trong 5 xã ven biển, bãi ngang của huyện Diễn Châu với diện tích tự nhiên rộng lớn, dân cư đông đúc sinh sống bằng nhiều ngành nghề khác nhau, riêng nghề khai thác hải sản đã có truyền thống gần 100 năm, đóng góp rất quan trọng vào phát triển kinh tế của xã nhà.

Tính đến nay, xã Ngọc Bích có gần 470 phương tiện tàu thuyền chuyên khai thác hải sản. Nhờ nghề khai thác hải sản phát triển đã kéo theo nhiều ngành, nghề như sửa chữa, đóng tàu, thuyền, chế biến hải sản, sản xuất đá lạnh, kinh doanh nhiên liệu… tạo nên sự đa dạng và đặc trưng trong cơ cấu ngành, nghề của địa phương.

Theo ông Cao Đức Nguyên, Chủ tịch UBND xã Ngọc Bích cho biết: “Từ xa xưa, vào dịp đầu xuân, nhân dân thường tổ chức lễ hội cầu ngư kết hợp với cầu yên, cầu tài để mong sự an lành, may mắn và thành công. Lễ hội cầu ngư năm 2025 được tổ chức với mục đích phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, cầu mong năm mới với nhiều thắng lợi mới, mọi nhà ấm no, hạnh phúc; mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, khai thác hải sản được nhiều cá tôm”.

Ngay sau khi lễ hội cầu ngư kết thúc, bà con nhân dân địa phương sẽ trở lại sản xuất, phát triển kinh tế, trong đó những con tàu nổ máy ra khơi bám biển hành nghề, góp phần bảo vệ chủ quyền.

Bài, ảnh: Hiếu An

 

Nguồn: Dulichvn

TIN MỚI NHẤT