Du lịch trong nước

Du lịch trong nước, tin tức du lịch trong nước, các tour du lịch trong nước, các địa điểm du lịch trong nước hấp dẫn được chúng tôi tổng hợp và đưa tin hàng ngày đến cho khách du lịch trên khắp mọi miền đất nước có được thông tin du lịch trong nước để có những thông tin hữu ích nhất cho mình và gia đình khi quyết định chọn chuyến du lịch trong nước cho mình và người thân

Quảng Ninh: Sôi động du lịch văn hóa tâm linh

Đi lễ đền, chùa đầu năm là một trong những nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt. Những ngày đầu xuân Ất Tỵ 2025, các điểm du lịch tâm linh, di tích, danh thắng trên địa bàn tỉnh thu hút lượng lớn khách thập phương hành hương về du xuân, tham quan, chiêm bái.


Du khách thành tâm lễ phật đầu năm tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử (TP Uông Bí).

Từ đầu năm 2025 đến nay, hàng vạn tăng ni, phật tử và du khách về Khu di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử (TP Uông Bí) để chiêm bái, vãn cảnh. Hội xuân Yên Tử diễn ra trong 3 tháng, là hội xuân lớn nhất cả nước. Ban Tổ chức đã đưa vào nhiều hoạt động văn hoá đặc sắc để phục vụ du khách, như: Đêm Hội hoa đăng, cầu nguyện quốc thái dân an; tổ chức các trò chơi dân gian, biểu diễn văn nghệ truyền thống tại khu vực Làng Nương Yên Tử; giới thiệu ẩm thực của đồng bào dân tộc Dao Thanh Y dưới chân núi Yên Tử… Với sự chuẩn bị chu đáo, từ mùng 1 Tết đến nay, Khu di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử đã đón gần 200.000 lượt khách du xuân, lễ Phật.

Chị Nguyễn Hà Linh (du khách Hà Nội) chia sẻ: Đi lễ đầu xuân tại Yên Tử đã trở thành thông lệ nhiều năm của gia đình tôi. Khi đến đây, tôi cảm thấy rất bình yên, mặc dù trong không khí lễ hội đầu năm đông đúc, nhộn nhịp nhưng công tác chuẩn bị được thực hiện chỉn chu, bài bản, văn minh. Hạ tầng tại Khu di tích danh thắng Yên Tử cũng được đầu tư đồng bộ, giúp du khách vừa có thể du xuân, chiêm bái, vừa có thể nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe và tinh thần.

Lễ hội Tiên Công (TX Quảng Yên) thu hút đông nhân dân, du khách thập phương về tham dự. Ảnh: Ánh Tuyết (Trung tâm TT-VH TX Quảng Yên).

Không chỉ ở Yên Tử, TX Quảng Yên được xem là vùng đất của di tích và lễ hội, với rất nhiều hội xuân lớn, nhỏ, bắt đầu ngay từ những ngày đầu năm mới, thu hút đông người dân và du khách. Nổi bật trong chuỗi hoạt động du xuân là sức hút từ Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Bạch Đằng – nơi đã đón gần 100.000 lượt khách từ mùng 1 Tết đến nay, tăng 10,1% so với cùng kỳ 2024. Bên cạnh đó, các hoạt động lễ hội, trải nghiệm văn hóa truyền thống được tổ chức phong phú, như: Lễ hội Tiên Công (xã Hiệp Hòa), Lễ hội Nhị vị Tiên Công (xã Liên Hòa), Lễ hội Cầu ngư (phường Tân An), hội chùa làng ở các chùa trên địa bàn thị xã… góp phần tạo nên không khí sôi động trong những ngày đầu xuân. Từ mùng 1 Tết đến nay, TX Quảng Yên đã đón 250.000 lượt khách. Ông Ngô Đình Dũng, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin TX Quảng Yên, chia sẻ: Để phát triển du lịch dịp đầu xuân Ất Tỵ 2025, thị xã đã quan tâm chỉ đạo và kiểm tra công tác đảm bảo các điều kiện tổ chức lễ hội, đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ, hướng dẫn việc thực hiện chỉnh trang di tích, bao sái đồ thờ tự, trang trí khánh tiết và các điều kiện đón khách thập phương đến chiêm bái, du xuân. Đồng thời, chỉ đạo tổ chức các lễ hội ở các di tích lịch sử – văn hóa, cơ sở thờ tự, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo đảm bảo đúng theo nghi lễ truyền thống, góp phần tuyên truyền, giới thiệu quảng bá phát huy giá trị di tích.

Quảng Ninh là một trong những tỉnh có kho di sản văn hóa lớn, phong phú, đa dạng, đặc sắc với hơn 600 di sản văn hóa vật thể là những đình, chùa, đền, miếu, danh lam thắng cảnh. Trên địa bàn tỉnh có hơn 118 lễ hội, trong đó có khoảng 80 lễ hội diễn ra vào mùa xuân, tiêu biểu: Lễ hội Tiên Công (TX Quảng Yên); lễ hội Yên Tử; lễ hội đền, chùa Hang Son, lễ hội đình Đền Công, lễ hội chùa Phổ Am (TP Uông Bí); lễ hội chùa Ngọa Vân, lễ hội chùa Quỳnh Lâm (TP Đông Triều); lễ hội đình Đầm Hà (huyện Đầm Hà); lễ hội đình Lục Nà (huyện Bình Liêu); lễ hội đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả); lễ hội đình Vạn Ninh (TP Móng Cái)….

Theo báo cáo của Sở Du lịch, hiện khoảng 120 di tích, di sản nằm trong các điểm tour, tuyến du lịch cố định của Quảng Ninh, trong đó có những di tích được các đơn vị lữ hành lựa chọn để thiết kế nhiều sản phẩm riêng, trọn gói để đưa vào khai thác. Vào dịp Tết Nguyên đán mỗi năm (từ mùng 1 – 6/1 Âm lịch), Quảng Ninh đón khoảng 70-100 vạn du khách, thì 70% du khách đến các di tích, di sản trên địa bàn.

Ban Quản lý Di tích quốc gia đặc biệt đền Cửa Ông – Cặp Tiên kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh thực hiện các biện pháp đảm bảo ATVSTP. Ảnh: Bảo Long (Trung tâm TT-VH TP Cẩm Phả)

Theo ông Nguyễn Hà Hải, Giám đốc Công ty CP Du lịch & Dịch vụ Hòn Gai – Chi nhánh Quảng Ninh, ngay sau Tết, các công ty lữ hành đã đón lượng lớn khách du xuân, lễ chùa đầu năm. Các tour du lịch văn hóa tâm linh tại Quảng Ninh có lịch trình 1-3 ngày, giá từ 500.000 đồng – 3 triệu đồng/người được quan tâm nhất, do phù hợp với quỹ thời gian, kinh tế số đông. Hiện tại, lượng bán tour du lịch văn hóa tâm linh trong tháng Giêng vẫn tốt nhưng khách không đặt sớm, xu hướng đặt sát ngày vẫn phổ biến.

Để du lịch tâm linh phát triển đúng hướng, mang lại những giá trị truyền thống, tinh thần, giá trị văn hóa lịch sử, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 6970/KH-UBND (ngày 16/11/2015), triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của tỉnh giai đoạn 2016-2020, với mục tiêu: Phát triển kinh tế nhanh, bền vững; chuyển dịch và tăng tốc độ phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp “xanh”. Trong đó, tập trung đầu tư trực tiếp nhiều nhất cho du lịch, xây dựng Uông Bí – Đông Triều – Quảng Yên trở thành trung tâm du lịch văn hoá – lịch sử – tâm linh đặc sắc.

Bám sát định hướng trên, tỉnh đã dành nhiều nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa, tập trung bảo tồn, tôn tạo, phát huy hiệu quả giá trị văn hóa lịch sử các di tích, danh thắng trên địa bàn tỉnh; chú trọng xây dựng tour, tuyến, điểm du lịch hợp lý, cải thiện hạ tầng giao thông dẫn vào các khu di tích, cũng như kiểm soát chặt chẽ công tác quản lý, tổ chức, thực hiện văn minh lễ hội tại tất cả các điểm du lịch, di tích, danh thắng trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đã lập Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch, tăng cường công tác quản lý môi trường kinh doanh du lịch, thu hút nhiều các nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn lớn về du lịch phát triển các sản phẩm đẳng cấp tại tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh kết nối hạ tầng đồng bộ, đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường thủy để thúc đẩy kết nối vùng ở cấp quốc gia, liên kết vùng ở cấp quốc tế và tạo động lực thúc đẩy phát triển giao thông, dịch vụ, du lịch, giúp tỉnh bứt phá trong phát triển theo mô hình tăng trưởng xanh.

Hoàng Quỳnh

 

Nguồn: Dulichvn

Sắc màu làng nghề làm bột khoai ở Tây Ninh

Từ bao đời, nghề làm bột khoai truyền thống tại xã Long Thành Nam, thị xã Hòa Thành, Tây Ninh đã trở thành nét văn hóa đặc sắc trong đời sống người dân địa phương.


Qua góc máy từ trên cao của nhiếp ảnh gia Trần Tiến Dũng, làng nghề làm bột khoai truyền thống tại xã Long Thành Nam, thị xã Hòa Thành, Tây Ninh hiện lên sống động, đầy sắc màu. Ảnh: Trần Tiến Dũng

Mỗi ngày, công việc tại làng nghề bắt đầu từ sớm, khi người dân chuẩn bị nguyên liệu và tiến hành chế biến bột khoai. Đến đây, du khách không chỉ được tìm hiểu quy trình sản xuất mà còn có dịp khám phá đời sống văn hóa của người dân địa phương. Ảnh: Trần Tiến Dũng

Dù hiện nay các hộ gia đình đã áp dụng máy móc hiện đại để rút ngắn thời gian sản xuất, nhưng phần lớn các công đoạn vẫn được thực hiện thủ công, giữ lại những nét đặc trưng và công phu của nghề truyền thống. Ảnh: Trần Tiến Dũng

Sau khi hấp xong, bột khoai được lấy ra khỏi lò và xếp lên giàn tre để phơi dưới ánh nắng. Những miếng bột được cắt thành từng đoạn, tạo thành những mảng bột với màu sắc bắt mắt. Quá trình phơi nắng giúp bột khoai khô đều cả hai mặt, giữ nguyên hương vị đặc trưng và độ thơm ngon của sản phẩm. Ảnh: Trần Tiến Dũng

Ban đầu, bột khoai chỉ có màu trắng, nhưng dần dần, người dân đã sáng tạo thêm bằng cách sử dụng màu thực phẩm, tạo ra những sản phẩm bột khoai đa dạng về màu sắc. Ảnh: Trần Tiến Dũng

Khi bột khoai đã khô, chúng được cắt thành những sợi nhỏ hình răng cưa và tiếp tục được phơi thêm một lần nữa trước khi đóng gói. Đây là nguyên liệu quen thuộc trong các món chè truyền thống như chè chè chuối, đậu xanh, chè thập cẩm, sương sa hạt lựu… Ảnh: Trần Tiến Dũng

Ngọc Lương

Nguồn: Dulichvn

Hà Nội: Hồn quê trong sợi miến dong Cự Đà

Làng Cự Đà thuộc xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội là một ngôi làng cổ mang đậm dấu ấn lịch sử với hơn 400 năm tồn tại và phát triển.

Nơi đây không chỉ nổi tiếng với những căn nhà cổ mang kiến trúc giao thoa giữa truyền thống Việt Nam và phong cách Pháp mà còn là cái nôi của nghề làm miến dong – một nghề truyền thống đã tồn tại từ lâu đời…

Không ai biết chính xác nghề làm miến dong ở Cự Đà có từ khi nào, chỉ biết rằng khi sinh ra trên mảnh đất này, người dân đã thấy nghề làm miến hiện hữu, gắn bó mật thiết với cuộc sống của họ. Làng không có ông tổ làng nghề, nhưng từ bao đời nay, nghề làm miến vẫn được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác như một phần không thể thiếu của làng quê.

Ông Vũ Văn Tuấn, Trưởng thôn Cự Đà, người đã gắn bó với nghề làm miến dong từ nhỏ, chia sẻ: “Vào thập niên 1990, có khoảng 100 hộ dân theo nghề làm miến, chiếm gần 2/3 tổng số hộ gia đình trong làng. Khi đó, mọi công đoạn sản xuất miến đều được thực hiện thủ công, từ xay bột, tráng miến, phơi, sấy cho đến đóng gói đòi hỏi sức lao động lớn và nhiều nhân công.

Người dân Cự Đà chuyển những tấm miến đi phơi.

Tuy nhiên, trước sự phát triển của công nghệ và những thay đổi từ nhu cầu thị trường, số hộ làm nghề dần thu hẹp. Hiện nay, làng chỉ còn khoảng 40 hộ gắn bó với nghề, nhưng nhờ ứng dụng máy móc hiện đại, sản lượng đã tăng lên đáng kể. Nếu như trước đây, mỗi hộ chỉ sản xuất được từ 40 đến 70kg miến/ngày thì nay, một cơ sở có thể đạt sản lượng 1,5 đến 2 tấn/ngày, đáp ứng cả nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu”.

Bà Đinh Tuyết Mai, chủ cơ sở sản xuất miến dong Nhuận Hòa ở xóm Điếm Tuần, làng Cự Đà cho biết: “Gia đình tôi theo nghề từ thời ông bà, đến nay vẫn giữ cách làm truyền thống nhưng đã có thêm sự hỗ trợ của máy móc để nâng cao năng suất. Mỗi ngày, cơ sở của tôi sản xuất khoảng 1 đến 1,5 tấn miến. Mùa cao điểm, nhất là dịp cận Tết, chúng tôi phải dậy từ 3 giờ sáng để kịp chuẩn bị nguyên liệu, làm việc đến tối muộn mới đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Sau Tết Nguyên đán là thời điểm diễn ra nhiều lễ hội, nhu cầu tiêu thụ miến tăng nên từ mồng Ba Tết, cơ sở đã tiếp tục sản xuất…”.

Theo ông Vũ Văn Tuấn, khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12 âm lịch hằng năm là lúc bận rộn nhất của làng bởi nhu cầu mua miến sử dụng dịp Tết, lễ hội đầu năm của người dân tăng cao. Mặc dù sản xuất quanh năm nhưng doanh thu của làng nghề chủ yếu vào dịp cuối năm và đầu xuân mới. Không chỉ phục vụ thị trường trong nước, miến dong Cự Đà còn được xuất khẩu sang Lào và Campuchia, góp phần đưa thương hiệu miến dong Việt Nam vươn xa. Nghề làm miến đã mang lại cuộc sống ổn định, thậm chí khá giả cho không ít hộ dân trong làng. Tuy số hộ làm nghề không nhiều như trước, song đây vẫn là nghề chính của làng, bởi quy trình sản xuất miến đòi hỏi nhiều công đoạn, tạo ra nhiều việc làm cho người dân. Từ khâu xay bột, tráng miến, phơi miến, cắt sợi miến đến đóng gói, vận chuyển, mỗi công đoạn đều cần đến bàn tay khéo léo và sự cẩn thận của người thợ.

Nghề làm miến dong mang lại thu nhập ổn định nhưng không hề nhẹ nhàng như nhiều người nghĩ. Công đoạn vất vả nhất có lẽ là khâu phơi miến. Những ngày có nắng, người dân phải tranh thủ từng chút ánh sáng mặt trời để miến đạt độ dẻo, trong đúng chuẩn. Nhưng việc phơi miến không đơn giản là trải ra chờ nắng mà cần sự theo dõi sát sao, bởi nếu phơi quá lâu, miến sẽ giòn và dễ gãy, nếu chưa đủ nắng, miến sẽ dai và khó bảo quản.

Đi dọc theo những con ngõ nhỏ trong làng Cự Đà, không khó để bắt gặp hình ảnh những tấm miến vàng óng phơi trên giàn tre, phảng phất mùi thơm của bột dong riềng. Đó là hình ảnh gợi nhớ một nét đẹp truyền thống, một phần ký ức tuổi thơ của biết bao thế hệ người dân Cự Đà. Nhiều hộ gia đình tiếp tục bám trụ với nghề không chỉ để mưu sinh mà còn góp phần duy trì bản sắc làng nghề Việt…

Bài và ảnh: Hà Hồng Châu

Nguồn: Dulichvn

Nguyên tiêu thưởng chiếc bánh trôi

Dù có nhiều món ngon truyền thống nhưng bánh trôi với ý nghĩa vẹn toàn vẫn là lựa chọn hàng đầu của nhiều người để dâng cúng trong dịp tết Nguyên tiêu (rằm tháng Giêng).


Bánh trôi (chè trôi nước) miền Nam là món ngon viên mãn trong Tết Nguyên Tiêu

Đêm Nguyên tiêu, trên trời có mảnh trăng tròn, dưới nhân gian, có mâm lễ cũng tròn đầy tâm thành của gia chủ. Mọi thứ giao hòa trong ánh sáng thuần khiết của tạo vật. Cho nên, lễ nghi trong dịp tết Nguyên tiêu là thứ lễ nghi trang trọng, không thua kém bất cứ lễ nghi nào.

Món ngon viên mãn

Từ lâu, rằm tháng Giêng được xem là ngày rằm lớn nhất, quan trọng nhất trong năm. Nhiều người chăm chút những món ngon trong mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng chỉn chu, tỉ mỉ.

Ngoài những món bánh trái khác cho mâm cao cỗ đầy, bánh trôi chính là món tưởng đơn sơ nhưng lại trang trọng nhất. Những viên bánh trôi nước vo tròn mịn màng ôm trọn lớp nhân đậu mềm mại bên trong; ẩn mình trong thứ nước đường nâu nhạt thơm phức mùi gừng, thêm chút nước cốt dừa sánh đặc béo bùi…

Ước vọng một năm mới công việc diễn ra suôn sẻ, trôi chảy, thuận lợi, gia đạo an hòa, con cái cha mẹ sum vầy đoàn viên… đều gửi gắm hết trong những viên trôi nước đẹp đẽ kia. Dưới ánh trăng sáng đêm rằm tháng Giêng, người ta luôn dành cho nhau những điều tốt đẹp nhất.

Nguồn gốc bánh trôi của người Việt bắt nguồn từ loại bánh thang viên, hay còn gọi là bánh Nguyên tiêu của người Hoa, vì thường được dâng cúng tết Nguyên tiêu. Món bánh vốn có xuất xứ từ Trung Hoa cổ đại, sau lại được lưu hành, phổ biến rộng rãi tại các nước châu Á, trong đó có Việt Nam.

Chè trôi nước lá dứa – bản biến tấu của chè trôi nước truyền thống

Bánh trôi của người Việt có hai loại khác nhau: bánh trôi cúng Hàn thực của miền Bắc và chè trôi nước của miền Nam. Tuy cách làm bánh trôi 2 miền có phần giống nhau, nhưng cách trình bày món ăn lại mỗi miền mỗi kiểu.

Bánh trôi cúng Hàn thực thường là những viên bột nếp chỉ lớn hơn đầu ngón tay, được xếp cạnh nhau trên mặt đĩa, bên trên mặt bánh rắc thêm nhúm mè rang, có ít hoặc không có nước đường. Chè trôi nước miền Nam lại là những viên bột lớn, bên trong là nhân đậu xanh.

Viên bánh trôi coi vậy mà rất hòa thuận với thứ nước đường gừng, khoe hết vẻ đẹp tròn đầy trong chén. Bên trên, người ta nhấn nhá thả thêm mấy sợi dừa nạo, chế thêm muỗng nước cốt dừa dằn bớt cái sự ngọt đậm của nước chè. Cái màu bột nếp già lửa ngả sang màu ngà, nhưng thứ vỏ bột áo được nhào nặn kỹ thành ra mặt bánh cứ láng o mịn màng, quyến luyến mắt nhìn.

Văn hóa ẩm thực lâu đời

Theo thời gian, món bánh trôi miền Nam dần dà được biến tấu trong cách chế biến để có hình thức bắt mắt hơn, chủ yếu là “tô màu” cho lớp vỏ áo: bánh trôi gấc, bánh trôi thanh long, bánh trôi lá dứa, trà xanh… Nhưng về cơ bản, đó vẫn là món bánh trôi dựa trên nền văn hóa ẩm thực lâu đời.

Bột nếp già lửa ngả sang màu ngà nhưng viên bánh láng mịn bắt mắt

Một số món ăn truyền thống đã ít nhiều mai một, nhưng với món bánh đầy ý nghĩa này, cứ mỗi dịp tết Nguyên tiêu hay ngày đưa ông Táo về trời, tết Đoan Ngọ lại thấy rộn ràng trên mâm cúng.

Thưởng thức viên trôi nước dẻo thơm không chỉ với tâm nguyện mong cầu mọi thứ viên mãn. Món ăn còn để vị giác tìm về cội rễ của thức quà bánh dân dã nguyên lành. Tôi nhớ lời má nói: “Viên trôi nước tròn hay méo cũng phần nào thể hiện tâm trạng người làm ra nó. Ai có thể vo viên trôi nước tròn đầy khi lòng nơm nớp lo âu, phiền muộn?”.

Vậy đó, chỉ một món ăn mà gói ghém bao điều trong đó. Cho tới bây giờ, tôi vẫn không hiểu bằng cách nào mà má nhón mỗi cục bột chưa đầy lòng tay lại có thể nhào nặn ra những viên trôi nước đều nhau như làm bằng máy.

Có lẽ không phải chỉ vì làm nhiều quen tay, không cần cân đo đong đếm vẫn ước lượng, áng chừng “như thần”, mà là do má làm món này bằng cả cái tâm thành của mình. Chỉ cần nhìn viên trôi nước tròn hay méo, biết người làm thành tâm hay hững hờ. Người xưa nói không sai: “Tâm mình ở đâu, thành quả ở đó”.

Trần Huyền Trang

 

Nguồn: Dulichvn

Phú Thọ: Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa – Du lịch Ðất Tổ diễn ra từ mùng 1 đến mùng 10-3 năm Ất Tỵ

Ðó là thông tin vừa được UBND tỉnh Phú Thọ công bố. Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa – Du lịch Ðất Tổ sẽ diễn ra tại TP Việt Trì, Khu di tích lịch sử Ðền Hùng và các địa phương trong tỉnh Phú Thọ.


Phần lễ gồm: Lễ giỗ Ðức Quốc Tổ Lạc Long Quân, dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ; Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và dâng hoa tại bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với Ðại đoàn quân Tiên Phong”, Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh… Các hoạt động phần hội gắn với sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch, tạo thành chuỗi hoạt động Tuần Văn hóa – Du lịch Ðất Tổ với 22 hoạt động đặc sắc. Tiêu biểu là chương trình nghệ thuật khai mạc với chủ đề “Linh thiêng nguồn cội – Ðất Tổ Hùng Vương”; hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giày; trình diễn văn hóa dân gian đường phố TP Việt Trì; trình diễn hát Xoan làng cổ…

Khánh An

 

Nguồn: Dulichvn

Hà Tĩnh: Nhiều hoạt động ý nghĩa tại Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông

Nhân dịp xuân mới Ất Tỵ, Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông được tổ chức tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Hải Thượng Lãn Ông – Lê Hữu Trác (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) với nhiều hoạt động văn hóa truyền thống. Đây là một trong những sự kiện có ý nghĩa của nhân dân địa phương nhằm tưởng nhớ công ơn Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác nhân kỷ niệm 234 năm Ngày mất của ông và mong cầu sức khỏe, bình an trong năm mới.


Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông năm 2025 được diễn ra từ ngày 5-2 đến 12-2 (tức từ mồng 8 đến ngày 15 tháng Giêng, năm Ất Tỵ) với nhiều sự kiện đặc sắc như: Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Ngàn Phố; hội thi “Viết thư pháp” huyện Hương Sơn lần thứ I; trưng bày “Bộ ảnh tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp và di sản của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác”; hội thi gói bánh chưng, kéo co và các trò chơi dân gian; sân khấu biểu diễn dân ca Nghệ Tĩnh “Về chốn ngàn hương”; lễ dâng hương, lễ rước bài vị và lễ tế, tưởng niệm Đại danh y tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt; lễ cầu an, cầu sức khỏe được tổ chức tại chùa Tượng Sơn, xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh… 

Hội thi gói bánh chưng trong khuôn khổ Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông.

Ngoài ra, trong những ngày diễn ra lễ hội, tại khuôn viên khu mộ và tượng đài còn trưng bày các gian hàng sản phẩm lưu niệm và đặc sản địa phương phục vụ du khách tham quan, thưởng thức, mua sắm.. 

Các hoạt động tại Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông thu hút sự tham gia của đông đảo người dân và du khách thập phương.

Lễ hội năm nay, ngoài các vật phẩm truyền thống địa phương cung tiến Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Công ty Quý Gia đã dâng tiến chiếc bánh chưng nặng 300kg.

Để hoàn thành chiếc bánh khổng lồ này, Công ty đã mời chuyên gia và các đầu bếp cùng 20 nhân viên thực hiện công tác chuẩn bị, gói và nấu bánh chưng trong 3 ngày.

Chiếc bánh chưng hình vuông với chiều rộng 1,6m, cao 40cm. Dù có kích thước rất lớn, nhưng bánh vẫn được gói theo công thức truyền thống. Nguyên liệu gói bánh gồm: 270kg gạo nếp; 30kg đậu xanh; hơn 600 chiếc lá dong và các nguyên liệu, gia vị, vật dụng kèm theo. Các công đoạn sơ chế nguyên liệu như rửa lá, vo gạo, đãi đỗ… được cán bộ nhân viên công ty tập trung chuẩn bị chu đáo, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm. Việc gói bánh, canh lửa, giờ vớt bánh cũng đã được tính toán kỹ để bánh chín đều và đảm bảo yêu cầu về chất lượng.

Sau khi cung tiến bánh tại lễ rước và lễ tế, chiếc bánh chưng 300kg sẽ được cắt ra để nhân dân và du khách thập phương thưởng thức.

Chiếc bánh chưng nặng 300kg do Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Quý Gia thực hiện để dâng lên Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông. Ảnh: Đức Song

Cùng với việc cung tiến chiếc bánh chưng 300kg, Công ty Quý Gia cũng đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa trong chuỗi các hoạt động lễ hội như: Xây dựng không gian trưng bày, giới thiệu và thuyết minh về thân thế, sự nghiệp, những đóng góp của Đại danh y Lê Hữu Trác; xây dựng thực đơn các món ăn bài thuốc của Đại danh y để du khách thập phương có dịp thưởng thức, gian hàng trưng bày các đặc sản địa phương tại lễ hội.

Thanh Minh

 

Nguồn: Dulichvn

Hà Nội – ”Điểm hẹn” văn hóa sáng tạo

Hà Nội xứng danh thành phố văn hóa, không chỉ bởi bề dày văn hóa, lịch sử được hun đúc từ ngàn năm qua, mà còn bởi thành quả sáng tạo, phát huy hệ giá trị truyền thống trong thời đại mới.


Ngoài những công trình kiến trúc độc đáo, hệ thống di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú hiếm có, Hà Nội còn có nhiều điểm đến đặc sắc để người dân và du khách tham quan, trải nghiệm văn hóa truyền thống theo cách mới mẻ. Di tích Nhà tù Hỏa Lò và Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam là hai trong số nhiều “điểm hẹn” văn hóa điển hình nhờ cách làm sáng tạo, khác biệt.

Tour “Đêm thiêng liêng” tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò.

Khi “địa chỉ đỏ” thành không gian sáng tạo

Di tích Nhà tù Hỏa Lò trước kia được mệnh danh là “địa ngục trần gian” do thực dân Pháp xây dựng để giam giữ, tra tấn các chiến sĩ cách mạng. Giờ đây, di tích này là “địa chỉ đỏ” giáo dục tình yêu nước và thu hút khách tham quan. Trong giai đoạn giãn cách do dịch Covid-19, theo tinh thần đổi mới, sáng tạo để phục hồi du lịch, Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò phối hợp với Công ty lữ hành Hanoitourist (Tổng Công ty Du lịch Hà Nội) xây dựng mô hình thí điểm tour đêm đầu tiên tại Hà Nội. Tháng 6-2020, tour “Đêm thiêng liêng” chính thức ra mắt và lập tức gây bất ngờ.

Trong khoảng 90 phút, du khách tham gia tour “Đêm thiêng liêng” trải nghiệm nhiều cung bậc cảm xúc trước những gì diễn ra. Khác với tour thông thường, “Đêm thiêng liêng” mở ra không gian sáng tạo mới lạ, dẫn dắt khách dõi theo những câu chuyện có chủ đề. Trong phiên bản đầu tiên, công chúng theo dõi hoạt cảnh về tinh thần quả cảm của chiến sĩ cách mạng do các diễn viên thể hiện, trải nghiệm cảm giác “vượt ngục”, thưởng thức sản phẩm ẩm thực từ cây bàng – “đặc sản” tại Nhà tù Hỏa Lò…

Sau hơn 4 năm triển khai, Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò giới thiệu thêm 2 phiên bản cho tour đêm này: “Sống như những đóa hoa” và “Lửa thanh xuân”. Mỗi phiên bản đưa người xem trải nghiệm những câu chuyện khác nhau, như chuyện về bà Nhiêu Sáu dũng cảm tham gia đầu độc binh lính Pháp vào năm 1908; chuyện về bà Nguyễn Thị Quang Thái – người vợ đầu của đồng chí Võ Nguyên Giáp, cũng là em gái ruột của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai. Đó còn là câu chuyện về đồng chí Đặng Xuân Khu, tức Trường Chinh (sau này là Tổng Bí thư của Đảng) kiên cường đấu tranh khi bị giam trong ngục tối…

Chọn cách kể chuyện lịch sử với sự hỗ trợ của nghệ thuật, từ biểu diễn đến sắp đặt, trưng bày…, những người thực hiện đã tạo ra một không gian văn hóa sáng tạo có sức hút mạnh mẽ với khách gần xa. Cuốn sổ ghi lưu bút của du khách chất chứa cảm xúc của giới trẻ. Trần Nguyễn Thùy Linh, một sinh viên đến từ thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Tôi rất xúc động khi trải nghiệm không gian sáng tạo với câu chuyện thấm đẫm tình người. Chương trình giúp tôi thêm yêu lịch sử và trân trọng giá trị của hòa bình mà mình được thụ hưởng hôm nay”.

Nói về “Đêm thiêng liêng”, Trưởng ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò Nguyễn Thị Bích Thủy cho biết, mọi sự sáng tạo, làm mới đều phải dựa trên giá trị cốt lõi, đó là những câu chuyện lịch sử diễn ra tại Hỏa Lò.

Sau nỗ lực đổi mới, sáng tạo, sức hút của di tích Nhà tù Hỏa Lò ngày một tăng. Tới cuối năm 2024, vé tham gia tour đêm với cả 2 phiên bản đã được bán tới tháng 3-2025. Từ mô hình thí điểm tour đêm đầu tiên của Hà Nội, Nhà tù Hỏa Lò trở thành điểm sáng về “kinh tế đêm”, cung cấp bài học phát triển công nghiệp văn hóa cho nhiều địa phương trong cả nước.

Hoạt động trải nghiệm tại Bảo tàng Dân tộc học.

Nơi lưu giữ hồn dân tộc

Trên địa bàn Hà Nội có sự hiện diện của khoảng 20 bảo tàng, trong đó Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (số 1 Nguyễn Văn Huyên, quận Cầu Giấy) – nơi lưu giữ vốn văn hóa đa dạng của 54 dân tộc anh em tại Việt Nam – là điểm đến “xem mãi không biết chán” đối với rất nhiều người. Được thành lập vào năm 1997, sức hấp dẫn của bảo tàng không chỉ ở kiến trúc thuần Việt, bộ sưu tập hơn 15.000 hiện vật… mà còn ở tinh thần đổi mới sáng tạo không ngừng nghỉ, tạo nhiều không gian văn hóa sáng tạo hấp dẫn, mang đến sự trải nghiệm khác biệt.

Không gian ấn tượng nhất có lẽ là “Vườn kiến trúc”, gồm hơn 10 không gian nhỏ với mô hình nhà ở, công trình kiến trúc đặc trưng của nhiều dân tộc: Nhà sàn của người Thái, nhà dài của người Ê Đê, nhà rông của người Ba Na… Tất cả là hiện thân cho sự đa dạng văn hóa của 54 dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam.

Andrey Rublev, du khách người Anh đến tham quan bảo tàng chia sẻ: “Khi đến Hà Nội, tôi được bạn bè khuyên đến bảo tàng này để tìm hiểu văn hóa truyền thống các dân tộc sinh sống trên đất nước các bạn. Tôi thật sự ấn tượng với kiến trúc nhà ở truyền thống, trang phục, phong tục, tín ngưỡng của họ”.

Còn chị Hoàng Thu Hiền (quận Nam Từ Liêm), đã sinh sống tại Hà Nội nhiều năm, cho biết chị đã ba lần đưa các con đến đây vui chơi cuối tuần. “Bảo tàng có nhiều hoạt động trải nghiệm hấp dẫn, các trò chơi dân gian giúp trẻ em tiếp thu kiến thức về văn hóa truyền thống theo cách mới mẻ, dễ hiểu” – chị Hoàng Thu Hiền cho biết.

Hiện nay, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam thường xuyên tổ chức triển lãm chuyên đề, hội thảo khoa học và các buổi trình diễn nghệ thuật dân gian. Những hoạt động này không chỉ giúp du khách tìm hiểu về văn hóa các dân tộc, mà còn tạo điều kiện để nghệ nhân, nhà nghiên cứu giao lưu, trao đổi kinh nghiệm.

Theo Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam Bùi Ngọc Quang, Bảo tàng định kỳ tổ chức nhiều chương trình giới thiệu, tôn vinh di sản văn hóa, đặc biệt là vào dịp Tết, Quốc tế Thiếu nhi, Trung thu… Ngoài ra, bảo tàng còn có các chương trình giáo dục dành cho học sinh, sinh viên như các tour tham quan, các chương trình tập huấn, trưng bày lưu động giúp giới trẻ thêm hiểu thêm yêu di sản và truyền thống văn hóa dân tộc.

Có thể thấy, di tích Nhà tù Hỏa Lò, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam là hai điển hình trong số nhiều không gian sáng tạo tại Hà Nội. Bài học thành công từ những mô hình này là lấy lịch sử, văn hóa truyền thống làm điểm tựa cho sự sáng tạo, đổi mới, từ đó tạo sức hấp dẫn riêng, không thể trộn lẫn.

Bài và ảnh: Hoàng Bình Phương

Nguồn: Dulichvn

Phở là kết nối

Phở là món ăn của sự kết hợp, kết nối tài tình: Kết hợp giữa các màu sắc, mùi vị, chất liệu, kết nối giữa các mùa, các không gian khác nhau, và cả kết nối giữa ký ức, hiện tại, tương lai.


Có lần, trong một buổi hướng dẫn nấu ăn mà tôi tham dự, thầy dạy nấu ăn – bếp trưởng bếp Việt tại một khách sạn 5 sao ở Hà Nội, hỏi các học viên xem điều đặc biệt nhất của món phở là gì. Chúng tôi, người thì bảo thịt phải tươi mới, người thì bảo nước dùng phở phải ninh từ xương bò hàng tiếng đồng hồ, người thì nhắc tới quế hồi thảo quả… Nhưng cuối cùng, thầy lắc đầu nói, các em mới để ý đến cái chi tiết. Điều đặc biệt nhất của phở, đấy là các nguyên liệu được sử dụng ở trạng thái gần như nguyên thủy, bằng phương pháp chế biến cũng đơn giản nhất là chần, luộc, có nước dùng thì hầm xương hơi lâu, rồi đem phối hợp với nhau để tạo ra một món ăn rất hài hòa với hương vị cực kỳ khác biệt, hấp dẫn, ngon lành.

Ừ nhỉ, tất cả mới ồ lên thích thú. Phở quá thật là một sự kết hợp khéo léo, hòa quyện. Ăn một bát phở là có đầy đủ các thành phần từ tinh bột, thịt, rau, có nước có cái, có cứng có mềm. Có sản vật sản vật từ biển nếu thêm vài con sá sùng hay sản vật từ rừng nếu thêm chút quế hồi hầm xương làm nước dùng. Có màu trắng của gạo, màu đỏ của thịt bò thái mỏng ướp nước mắm gừng dần qua sống dao hay màu vàng ươm của thịt gà, màu xanh của hành mùi, có thể vị cay của ớt, vị chua của dấm của chanh…

Phở quá quen thuộc nên chẳng mấy nghĩ ngợi nhiều ngoài việc thưởng thức. Nhưng ngẫm thêm một chút sự nguyên bản và kết hợp khéo léo đó khiến món phở hóa ra lại cực kỳ thuần khiết. Hóa ra gần như ai cũng thích món phở là bởi sự chân thật đó. Cũng giống như trong cuộc đời, chế biến nêm nếm đủ kiểu, phông bạt đủ kiểu rồi cũng chán để cuối cùng chỉ còn lại những gì chân thật mới khiến người ta ấn tượng.

Phở ở đâu cũng có, nhưng nhắc tới phở là nhắc tới món ăn tiêu biểu của Hà Nội. Như nhà văn Thạch Lam từng viết, “Phở là một thứ quà đặc biệt của Hà Nội, không chỉ riêng Hà Nội mới có, nhưng chính là vì chỉ ở Hà Nội mới ngon”…

Thật ra, lên các vùng Tây Bắc, trong cái lạnh buổi sáng sớm của hơi núi còn mờ sương, bưng bát phở khói nghi ngút ở chợ phiên buổi sáng, bánh phở tráng dày, thái to bản, thịt bò thái cũng dày, nước dùng ngọt toàn từ xương hầm mà không một chút mì chính, cũng rất là thú.

Nhưng phở Hà Nội được người ta biết đến là bánh phở dài thái mảnh, những lát thịt bò to bản mỏng dính, thịt tái chần sơ hồng hồng giòn mà không dai, lại đủ lựa chọn tái, chín, gầu, nạm, nước dùng phải trong, và đó mặc nhiên trở thành một chuẩn mực về phở.

Thạch Lam đã định nghĩa về phở ngon của Hà Nội từ đầu thế kỷ trước, và người ta đã khắc sâu trong tâm khảm khái niệm phở ngon đó rồi: “Phở ngon phải là phở cổ điển, nấu bằng thịt bò, nước dùng trong và ngọt, bánh dẻo mà không nát, thịt mỡ gầu giòn chứ không dai, chanh ớt với hành tây đủ cả, rau thơm tươi, hồ tiêu Bắc, giọt chanh cốm gắt, lại điểm thêm một ít cà cuống, thoảng nhẹ như một nghi ngờ… Hàng chục năm nay chả còn ai biết đến cái hương cà cuống thoảng nhẹ đó, nhưng món phở Hà Nội vẫn trọn vẹn.

Mỗi người, mỗi nhà có bí quyết riêng nấu phở. Chọn nguyên liệu thế nào, thành phần gì, ninh bao lâu thì ra nồi nước dùng ngon. Thịt phải mua sáng sớm, thái phải mỏng, ngang thớ, về ướp với những gì. Rồi nào gừng nướng hành nướng, quế hồi thảo quả rang thơm, rễ mùi hạt mùi ninh cùng nước, hành mùi rau ớt thật tươi…

Hàng phở nào ngon thì thơm lừng cả một dãy phố. Có những hàng phở có tuổi hàng chục năm, qua hai ba thế hệ vẫn được khách hàng ưa thích, như Phở Bát Đàn, phở Lý Quốc Sư, phở Khôi, phở Thìn, phở Hàng Đồng, phở gà Châm… Ở Hà Nội cũng có nhiều quán phở gia truyền Nam Định, nơi được coi là quê hương của phở.

Cuộc sống bây giờ ai cũng bận rộn, giới trẻ khó mà theo kịp các bí kíp nấu ăn của thế hệ bà mình, mẹ mình, đôi khi muốn tự nấu phở ở nhà, cốt là nguyên liệu tươi ngon, nêm nếm vừa độ, thì không quá cầu kỳ tinh tế vẫn có một nồi phở ngon để phục vụ gia đình, lấy đó làm niềm vui cuối tuần.

Sự thuần khiết của phở khiến người ta có thể ăn phở dù sáng, dù trưa, dù tối mà vẫn nhẹ bụng. Hay là ăn về mùa nào cũng hợp, mùa đông có bát phở nóng sực nức lên đã đành, mà mùa hè ăn xong bát phở thì vã mồ hôi mà vẫn dễ chịu.

Và hơn thế, phở còn là sự kết nối các vùng miền, trong nước ngoài nước. Từ Hà Nội, Nam Định, phở có mặt ở nhiều nơi trong cả nước, mỗi nơi một hương vị riêng. Phở Nam có thêm rau thơm, giá đỗ. Phở Gia Lai làm từ bánh phở khô, giống phở nam vì có bò viên. Phở cũng có mặt ở nhiều nước và trong menu giờ đây từ Phở vẫn được giữ nguyên mà không cần dịch ra tiếng sở tại. Xưa tôi có ông thầy người Đức mê đồ ăn Việt Nam, trong mấy tháng tôi học ở Đức, vài lần ông đã rủ cả lớp đi ăn đồ ăn Việt, có lần đi ăn phở, lớp gồm các bạn đồng nghiệp từ các nước đang phát triển, ai cũng thích phở.

Các gia đình giờ cho con đi du học, trước khi đi bố mẹ thường dạy con nấu phở. Hoặc không thì sang đó bọn trẻ cũng tự mày mò lên mạng học cách nấu. Được cái ở Mỹ, Châu Âu hay Úc, thịt bò nhiều, lại ngon mềm, lại không đắt, bọn trẻ đôi khi tự nấu cũng đỡ nhớ vị phở ở nhà. Hoặc những khi bạn bè tụ tập liên hoan, mỗi người tự làm món tiêu biểu của nước mình, hay trong những dịp như Quốc khánh Việt Nam, tuần văn hóa Việt Nam, món phở thường được đem ra giới thiệu như một món ăn tiêu biểu, nhắc tới Việt Nam là nhắc tới phở, tới nem, quá đủ để chinh phục bạn bè năm châu.

Một đồng nghiệp của tôi đang công tác ở Nam Phi, hồi đầu tháng 12 vừa rồi, chị kể các cơ quan Việt Nam ở Pretoria đã tổ chức ngày của phở. 400 bát phở được phục vụ miễn phí, anh chị em ta nón lá, áo cờ đỏ sao vàng tay thoăn thoắt chần bánh, chan phở, xinh đẹp tươi tắn, khiên cả ngoại giao đoàn ở Pretoria phải nể và ấn tượng.

Phở như thế đã trở thành một sự kết nối giữa quá khứ, hiện tại, tương lai. Ngày xưa thiếu thốn, đói kém, trẻ con mong ốm để được ăn phở. Bố mẹ tôi kể, ngày mẹ mang tôi trong bụng, thèm phở, hai anh chị chở nhau ra cửa hàng ăn uống, mà anh đứng ngoài trông xe để chị vào ăn, vì không đủ tiền ăn cả hai bát hai người. Hóa ra câu chuyện ấy cũng không ít gia đình từng gặp.

Phở bây giờ đã được phong di sản. Một di sản không nằm trong tủ kính, mà vẫn đồng hành một cách sống động hàng ngày để được tiếp tục giữ gìn và sáng tạo, để tiếp tục là sự kết nối giữa mọi người. Phở cùng người Việt đi khắp năm châu, mỗi người Việt khi nấu phở cho bạn bè nước ngoài thưởng thức đã trở thành một đại sứ ẩm thực để giới thiệu về văn hóa, về đất nước con người Việt Nam.

Mỹ Hằng

Nguồn: Dulichvn

Kiến trúc Đà Lạt (Lâm Đồng) – nét độc đáo thu hút du khách

Những năm gần đây, du lịch hoài cổ, độc, lạ… đang trở thành một xu hướng mới, nhất là với nhiều bạn trẻ. Với sự kết hợp hoàn hảo giữa thiên nhiên và những giá trị kiến trúc độc đáo, cổ kính, Đà Lạt (Lâm Đồng) đang có tiềm năng rất lớn để phát triển loại hình du lịch này.


Đà Lạt – thành phố sở hữu nhiều công trình kiến trúc đặc sắc mang đậm giá trị về lịch sử – văn hóa

Đây là một hướng đi mới mẻ và đầy hứa hẹn, giúp không chỉ bảo tồn các công trình kiến trúc quý giá mà còn tạo ra những giá trị kinh tế bền vững cho ngành du lịch của địa phương.

Thành phố với những giá trị kiến trúc độc đáo

Đà Lạt được biết đến là vùng đất có sự giao thoa giữa nhiều yếu tố văn hóa và lịch sử, đặc biệt là ảnh hưởng mạnh mẽ của người Pháp trong thời kỳ thuộc địa. Điều này thể hiện rõ trong nhiều công trình kiến trúc nổi bật, mang phong cách Âu – Á pha trộn, phản ánh những đặc trưng của các nền văn hóa khác nhau.

Hơn một thế kỷ qua, dưới sự ảnh hưởng của thời kỳ Pháp thuộc, Đà Lạt đã phát triển những công trình kiến trúc đặc biệt, không chỉ có giá trị thẩm mỹ mà còn chứa đựng những câu chuyện lịch sử phong phú.

Từ những biệt thự cổ kính mang phong cách Pháp đến các công trình công cộng, tôn giáo, những ngôi nhà kỳ quái hay những công trình mang tính biểu tượng của thành phố, tất cả đều tạo nên một bức tranh phong phú về một Đà Lạt thơ mộng, vừa cổ kính vừa hiện đại.

Với sự kết hợp hoàn hảo giữa thiên nhiên và những giá trị kiến trúc độc đáo, cổ kính, Đà Lạt đang có sức hút lớn đối với du khách

Nhà thờ Con Gà, một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu của Đà Lạt, là sự kết hợp của kiến trúc Gothic phương Tây với các yếu tố trang trí tinh tế.

Được xây dựng vào năm 1931, Nhà thờ này là biểu tượng tôn giáo và cũng là một trong những điểm đến nổi tiếng của thành phố, thu hút hàng nghìn du khách đến tham quan mỗi năm.

Hay như Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, công trình kiến trúc đã được Hội Kiến trúc sư thế giới bình chọn 1 trong 1.000 kiến trúc nổi bật của thế kỷ 20.

Kiến trúc của ngôi trường nổi bật với hình vòng cung, tường gạch trần đỏ và mái ngói cao vút đặc trưng cho phong cách kiến trúc thuộc địa Pháp, được kết hợp với không gian vườn tược, rừng thông xung quanh, tạo cảm giác cổ điển và trang nhã.

Trong khi đó, biệt thự Hằng Nga (Crazy House), với lối kiến trúc kỳ dị, phá cách, không theo quy tắc thông thường đã tạo nên một không gian thú vị và khác biệt như một ngôi nhà trong các câu truyện cổ tích.

Đà Lạt với những công trình kiến trúc đặc biệt, không chỉ có giá trị thẩm mỹ mà còn chứa đựng những câu chuyện lịch sử phong phú

Ngoài ra, các công trình kiến trúc như Dinh Bảo Đại, Ga Đà Lạt, hay vô số công trình kiến trúc khác cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh của Đà Lạt như một thành phố mang đậm dấu ấn kiến trúc.

Tiềm năng phát triển du lịch kiến trúc

Hiện nay, du lịch kiến trúc, hoài cổ đang trở thành xu hướng phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu, khi ngày càng có nhiều du khách tìm kiếm những trải nghiệm khác biệt, độc đáo, cổ kính; đó không chỉ đơn thuần là nghỉ dưỡng mà còn là cơ hội để học hỏi và khám phá những giá trị văn hóa, lịch sử độc đáo qua các công trình kiến trúc.

Với sự đa dạng về kiến trúc và bề dày lịch sử, Đà Lạt có tiềm năng phát triển mạnh mẽ loại hình du lịch kiến trúc.

Ngoài ra, với khí hậu mát mẻ quanh năm và môi trường tự nhiên trong lành, Đà Lạt là một nơi lý tưởng để tổ chức các hội thảo, triển lãm, festival kiến trúc, thu hút sự quan tâm của các chuyên gia trong ngành, cũng như du khách yêu thích nghệ thuật và lịch sử.

Trên thực tế, thời gian qua, nhiều công trình kiến trúc đặc sắc tại địa phương Ga Đà Lạt, Dinh 1, Dinh Bảo Đại, biệt thự Hằng Nga… cũng đã được đưa vào phục vụ khách tham quan. Những địa điểm này đã và đang thu hút một lượng du khách đáng kể ghé thăm hàng năm.

Tuy nhiên, để khai thác tối đa tiềm năng này, thành phố cần phát triển những chiến lược phù hợp, nâng cao giá trị và bảo tồn các công trình kiến trúc một cách bền vững.

Tại nhiều chương trình Hội thảo, Hội nghị liên quan, các chuyên gia hàng đầu trong ngành cả trong và ngoài nước đã có những gợi ý cho địa phương nhiều giải pháp thiết thực.

Theo đó, địa phương cần có những chiến lược bài bản, đồng bộ từ phía các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp du lịch trong công tác bảo tồn và phục hồi các công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, văn hóa. Chính việc bảo tồn không chỉ giúp giữ gìn giá trị lịch sử mà còn là yếu tố quan trọng giúp thu hút du khách.

Bên cạnh đó, cũng cần thiết tổ chức các tour du lịch kiến trúc chuyên biệt. Từ đó giúp du khách có cái nhìn tổng thể về sự phát triển của thành phố qua các thời kỳ. Các tour có thể bao gồm việc tham quan các công trình nổi bật, tìm hiểu về lịch sử, phong cách kiến trúc…

Du lịch kiến trúc là một thế mạnh của Đà Lạt

Vấn đề tăng cường quảng bá và xây dựng thương hiệu du lịch kiến trúc cũng cần được quan tâm để thu hút du khách trong và ngoài nước. Đà Lạt cần xây dựng một chiến lược quảng bá rõ ràng về du lịch kiến trúc.

Việc xây dựng thương hiệu du lịch kiến trúc có thể thông qua các nền tảng truyền thông, các sự kiện quốc tế về kiến trúc, hay hợp tác với các công ty du lịch để phát triển các tour chuyên biệt về kiến trúc.

Phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch: Cùng với việc phát triển du lịch kiến trúc, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ du lịch tại Đà Lạt cần được cải thiện và mở rộng.

Các khách sạn, nhà hàng, phương tiện giao thông và dịch vụ hướng dẫn viên cần được nâng cao để đáp ứng nhu cầu của du khách khi đến tham quan các công trình kiến trúc.

Thành Khiêm

Nguồn: Dulichvn

Đến Đồng Mô, xem Lễ cúng giọt nước

Lễ cúng giọt nước (hay còn gọi là Tế giọt nước) của đồng bào Tây Nguyên sẽ được tái hiện tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) vào ngày 09/02/2025 (tức ngày 12 tháng Giêng năm Ất Tỵ).


Việc tái hiện tín ngưỡng độc đáo này không chỉ nhằm bảo tồn, phát huy giá trị dân tộc mà còn mang đến hoạt động trải nghiệm độc đáo, thu hút du khách đến với Thủ đô.

Lễ cúng giọt nước nằm trong khuôn khổ chuỗi hoạt động mang chủ đề “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc) diễn ra xuyên suốt tháng 2/2025 tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam. Theo Ban Quản lý Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, cùng với nhiều hoạt động giới thiệu phong tục, tập quán, tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc trên mọi miền Tổ quốc, Lễ cúng giọt nước của nhóm đồng bào các dân tộc Tây Nguyên không chỉ đơn thuần là hoạt động tín ngưỡng mà còn nâng cao ý thức của đồng bào dân tộc trong việc bảo vệ, giữ gìn nguồn nước, buôn làng.

Lễ cúng giọt nước là một trong những nghi lễ quan trọng nhất của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên, vì họ quan niệm giọt nước là mạch nguồn của sự sống. Giọt nước không đơn thuần là nơi tập trung lấy nước phục vụ sinh hoạt mà bà con còn thể hiện ý thức của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường xanh – sạch – đẹp. Mục đích của Lễ cúng giọt nước là cầu mong Thần nước phù hộ cho dân làng mạnh khỏe, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, vạn vật trong buôn làng đều tươi tốt, không có bệnh dịch xảy ra.

Theo truyền thống, trước khi tổ chức Lễ cúng giọt nước, già làng họp dân huy động đóng góp, giao nhiệm vụ cho từng gia đình để chuẩn bị cho buổi lễ. Phụ nữ đảm nhận việc làm sạch sẽ đường làng, ngõ xóm, dọn dẹp khu vực đường xuống giọt nước. Thanh niên vào rừng chặt tre, nứa đan thành các vòm hoa văn, dựng một cây nêu tại khu vực làm lễ cúng. Người già chuẩn bị trang phục truyền thống, các bài văn tế trong lễ tế thần nước.

Khi Lễ cúng giọt nước bắt đầu, già làng cùng những người uy tín làm các nghi thức riêng, đọc lời cúng gọi Yàng (Thần) xuống phù hộ cho dân làng mạnh khỏe, mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, vạn vật tươi tốt, không có bệnh dịch xảy ra, mọi sự bình an. Lời khấn kết thúc, mọi người sẽ lần lượt xuống khu vực chứa nước để hứng nước vào các bầu, chai, rửa mặt, rửa tay và tạt nước vào nhau với ý nghĩa mang lại may mắn. Sau đó, cả làng sẽ cùng nhau nhảy múa, ăn mừng trong tiếng cồng chiêng rộn ràng.

Quyền Trưởng ban Ban Quản lý Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam Trịnh Ngọc Chung cho biết, bên cạnh việc tái hiện Lễ cúng giọt nước đặc sắc, nhiều hoạt động giới thiệu văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên sẽ được tái hiện tại làng như: Múa xoang, cồng chiêng, làm nhạc cụ dân tộc bằng tre, các nghề thủ công truyền thống dệt vải, ẩm thực độc đáo… Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” là sự kiện diễn ra thường niên vào dịp đầu xuân năm mới tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, tái hiện không khí đón xuân tươi vui của cộng đồng các dân tộc đang sinh sống trên mọi miền đất nước. Ngày hội tạo nên không gian văn hóa đa sắc màu, trở thành điểm đến cuốn hút du khách vào dịp đầu xuân. Năm nay, ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” sẽ diễn ra rất nhiều hoạt động văn hóa độc đáo về các phong tục chúc Tết truyền thống của các dân tộc. Hơn 100 đồng bào của 16 dân tộc: Nùng, Tày, Dao, Mông, Mường, Lào, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer với sự tham gia của 11 địa phương (Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Thừa Thiên Huế, Ninh Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Sóc Trăng) sẽ tham gia chương trình.

Chương trình “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” diễn ra xuyên suốt tháng 02/2025 sẽ giới thiệu, tổ chức các hoạt động lễ hội, văn hóa đặc sắc vào dịp năm mới của các dân tộc. Du khách đến với Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam dịp này sẽ có cơ hội tìm hiểu phong tục tập quán đặc sắc và văn hóa ẩm thực rất riêng của đồng bào các dân tộc như: Thịt gà nấu măng, cá ốt đồ, rau đồ, cá nướng, các món ăn từ thịt lợn, xôi màu của dân tộc Mường; khau nhục, cá om măng chua, lạp sườn, thịt gác bếp, măng nhồi của dân tộc Tày; cá nướng, gà nướng, xôi màu của dân tộc Thái…

Hoàng Lân

 

Nguồn: Dulichvn

TIN MỚI NHẤT