
Làng nghề Sơn Đồng (xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, Hà Nội) đã có lịch sử lâu đời, đến nay nhiều lớp trẻ trong làng đang tiếp tục duy trì và phát triển tinh hoa nghề làm tượng bằng gỗ.
Hơn 20 năm nay, anh Nguyễn Đăng Đại đã quen thuộc với “bản nhạc” làng nghề quê hương. Từ bé, anh đã cầm đục, cầm búa đục đẽo theo hướng dẫn của bố-nghệ nhân dân gian Nguyễn Đăng Hạc. Xưởng nghề gỗ của cha con anh cũng được xem là xưởng lớn trong làng, hằng ngày luôn có hàng chục thợ làm nghề, đa phần là người trẻ.
Theo nghệ nhân Nguyễn Đăng Hạc, cả xã hiện có hơn 4.000 lao động làm nghề thủ công mỹ nghệ thường xuyên, trong đó có đến hơn một nửa là thợ giỏi được tôn vinh, phong danh hiệu nghệ nhân. Với bàn tay tài hoa, những người thợ làng nghề Sơn Đồng đã cho ra đời nhiều tác phẩm nghệ thuật có độ tinh xảo cao, đậm đà bản sắc dân tộc. Điều đặc biệt ở Sơn Đồng là khách hàng cần đặt làm bất cứ pho tượng thờ nào thì người thợ nơi đây đều làm được mà không cần mẫu sinh kề (mẫu có sẵn). Bên cạnh đó, người Sơn Đồng còn tạc những pho tượng truyền thần dựa vào bức ảnh chân dung hoặc toàn thân của khách hàng. “Khi bắt tay vào công việc, chúng tôi luôn có đức tin về cõi thiện, thành kính hướng Phật, hay hiểu xa hơn đó chính là tinh thần trách nhiệm của người làm nghề gìn giữ và phát huy nghề của ông cha”, nghệ nhân Nguyễn Đăng Hạc chia sẻ thêm.
Nghề làm tượng ở Sơn Đồng đã trường tồn và song hành với sự phát triển của đạo Phật.
Với đôi bàn tay tài hoa, những người thợ làng nghề Sơn Đồng đã làm ra nhiều tác phẩm đòi hỏi độ tinh xảo cao như bức tượng Phật bà nghìn tay nghìn mắt, tượng ông Thiện, ông Ác, tượng La Hán, kiệu bát cống… Để làm được những điều đó, người thợ phải có kinh nghiệm, hiểu được các điển tích, tính cách, chức vụ, vị trí của từng pho tượng trong tâm thức để rồi thổi hồn vào các tác phẩm.
Tương truyền, nghề làm tượng ở Sơn Đồng xuất hiện từ lâu đời. Theo các ghi chép trong ngọc phả từ năm 976 còn lưu lại ở đền Thượng của làng thì tổ nghề là Đức thánh Đào Trực. Đức thánh từng là Thượng tướng quân tiên phong của triều đình Đại Cồ Việt trong cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược. Sau khi chém được tên tướng Hầu Nhân Bảo và dẹp xong giặc phương Bắc, ông đã đến Sơn Đồng mở trường dạy học và hướng dẫn mọi người trong làng nghề tạc tượng để mưu lợi cho dân. Trải qua quá trình hơn ngàn năm, đến nay đủ thấy nghề làm tượng ở Sơn Đồng đã trường tồn và song hành cùng sự phát triển của đạo Phật cũng như đời sống tâm linh trong tín ngưỡng dân gian ở Việt Nam. Đôi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân Sơn Đồng còn lưu dấu ấn tại những công trình văn hóa của Hà Nội như: Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Khuê Văn Các, đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, chùa Một Cột… Nghề quý trong tay người thợ Sơn Đồng còn lan tỏa đi khắp vùng, miền, góp phần phục dựng và bảo tồn rất nhiều công trình văn hóa tâm linh. Năm 2007, làng nghề Sơn Đồng được sách Kỷ lục Việt Nam ghi danh “Làng nghề tạc tượng và đồ thờ phụng Phật giáo lớn nhất Việt Nam”.
Trong những năm gần đây, nhiều lớp thanh niên của làng nghề Sơn Đồng đã đến với các thành phố lớn để mở xưởng, mở cửa hàng giới thiệu sản phẩm điêu khắc, mỹ nghệ của làng nghề. Huyện Hoài Đức và xã Sơn Đồng cũng luôn chú trọng thực hiện công tác bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống, quảng bá thương hiệu làng nghề thủ công mỹ nghệ Sơn Đồng, thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, trưng bày, triển lãm sản phẩm.
Bài và ảnh: Hoài Nam
Nguồn: Dulichvn